‘Thâm cung bí sử’ trong biên soạn SGK Văn
Không chỉ khập khiễng trong khâu biên soạn – tổ chức chương trình, một giáo sư chuyên về Văn học Việt Nam viết bài khái quát cho học sinh kéo dài đến hơn 30 trang.
Tại hội thảo quốc gia về dạy học văn trong trường phổ thông do Bộ GD-ĐT tổ chức trong hai ngày 5 và 6/1 ở TP.Huế, các đại biểu thừa nhận đa số học sinh chối bỏ môn Văn. Thế nên thay đổi mạnh mẽ dạy và học, chương trình – sách giáo khoa của môn này là việc cấp thiết.
Môn số 1 nhưng học sinh xem nhẹ
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “ Ngữ văn là một trong những môn học có vị trí và tầm quan trọng số một trong nhà trường phổ thông. Ngoài chức năng công cụ, môn học này còn góp phần rất lớn nhằm hình thành và phát triển các năng lực chung cũng như góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và các phẩm chất cao đẹp của người học”.
Dự kiến sau năm 2015, chương trình môn Văn ở trường phổ thông sẽ có sự thay đổi lớn giúp học sinh yêu thích môn này hơn.
Trong khi đó, PGS Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, chuyên trách về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015 thông tin: “Trong những năm gần đây, số lượng học sinh đăng ký học, thi ban xã hội và nhân văn ngày càng ít. Không những thế, chất lượng cũng ngày càng giảm. Các số liệu thống kê cho thấy, môn Ngữ văn đang bị tuyệt đại đa số học sinh phổ thông chối bỏ. Năm 2009, chỉ có 1,82% học sinh trung học ban xã hội – nhân văn. Như vậy, gần 100% học sinh THPT chỉ cần học văn để thi đỗ tốt nghiệp”.
Quy trình ngược
Video đang HOT
Tại hội thảo này, lần đầu tiên những chuyện “thâm cung bí sử” trong quá trình biên soạn chương trình, SGK Ngữ văn hiện hành được các tác giả viết sách chủ động chia sẻ và coi đó như bài học kinh nghiệm sâu sắc cho lần đổi mới chương trình, SGK sau 2015.
Hiện đây là một quá trình ngược. Lẽ ra phải xây dựng một chương trình học trước, căn cứ vào đó mới viết SGK phù hợp, nhưng thực tế theo hướng ngược lại. Vì thế nên thường xuyên có sự bất đồng quan điểm giữa tác giả viết sách với tác giả chương trình.
GS Nguyễn Khắc Phi, nguyên Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục, chia sẻ: “Có những điểm tác giả SGK không đồng tình với tác giả chương trình và đề nghị sửa chữa, tuy nhiên không phải bao giờ cũng có thể thực hiện được như vậy. Có lúc tác giả chương trình bảo lưu ý kiến, có khi đồng ý nhưng không sửa kịp hoặc rất khó sửa vì sợ… rút dây động rừng”.
GS Phan Trọng Luận, Tổng chủ biên SGK môn ngữ văn cơ bản cấp THPT, nêu rõ: “Khi bắt tay viết sách, có nhiều vấn đề chương trình chưa thống nhất. Ví dụ, có quan điểm cho rằng ở phổ thông chỉ dạy văn bản mà thôi. Trái lại nhiều người cho rằng phải dạy tác giả. Tranh luận mấy buổi cuối cùng nhất trí là có dạy nhưng chọn những tác giả nào? Có người nói chỉ chọn ba người, trao đổi thấy không ổn. Chọn tác phẩm cũng không đơn giản, trao đổi mãi mới đưa vào chương trình chính thức”.
Chính vì sự thật này mới có tình trạng như hiện nay nội dung SGK có nhiều vấn đề khập khiễng, phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần. “Biên soạn SGK trong tình huống như vậy không thể tái diễn ở lần tới”, ông Luận thẳng thắn.
Chọn tác giả viết SGK cũng là một vấn đề. Một giáo sư chuyên về Văn học Việt Nam viết bài khái quátcho học sinh kéo dài đến hơn 30 trang.
“Không phải là giỏi văn chương, giỏi phê bình văn học hoặc là giáo viên giỏi hay giáo sư chuyên sâu đều có thể viết SGK được”, ông Luận nhận định.
Học sinh được quyền lựa chọn
Để môn Văn thực sự gần gũi với học sinh, PGS Bùi Mạnh Hùng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đề nghị: “Chương trình phải rất mở, có thể làm cơ sở cho việc biên soạn nhiều bộ SGK khác nhau”.
Ông đề xuất: “Chương trình không quy định chi tiết đến từng tác phẩm văn học cụ thể phải được dạy và học. Quyền lựa chọn tác phẩm thuộc về tác giả SGK. Ngoài ra, nên dành một tỷ lệ nhất định các tác phẩm văn học do chính học sinh lựa chọn trong số những tác phẩm do giáo viên hay tổ bộ môn giới thiệu”.
Ý kiến của nhiều đại biểu cũng chỉ ra rằng do chương trình từ trước đến nay quy định quá chi tiết các tác giả và tác phẩm cần học, nên các kỳ thi Ngữ văn thường xoay quanh những tác giả và tác phẩm quen thuộc. Đó là mảnh đất màu mỡ cho nạn học vẹt, học tủ, thiếu khả năng sáng tạo và vỗ béo các lò luyện thi.
Ở góc độ bàn về kỹ năng, GS Lê A, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bày tỏ quan điểm: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của dạy học văn là làm sao học sinh trau dồi được năng lực tạo lập các văn bản cần thiết cho cuộc sống.
Trong cuộc sống, chúng ta cần giao tiếp cả dạng viết lẫn nói, tương ứng với 2 dạng đó là năng lực tạo lập văn bản viết và nói. Thế nhưng, tổng cộng cả 3 lớp cấp THPT chỉ có 5/94 tiết học có cả nội dung viết và nói. Xem ra, chúng ta đã quá xem nhẹ việc trang bị cho các em năng lực nói trong hoạt động giao tiếp”.
Đồng quan điểm, PGS Bùi Mạnh Hùng cho rằng: “Dạy văn phải tạo môi trường để học sinh cảm thấy tự tin và có hứng thú “mở miệng” trong lớp, để các em không chỉ phát biểu với thầy cô mà còn tranh luận với nhau. Có như vậy, môn ngữ văn mới giúp học sinh phát triển năng lực tư duy, sự tự tin, tính tự lập và tinh thần cộng đồng”.
Theo Thanh Niên
Dạy - học môn ngữ văn: Thiếu thiết thực, thiếu cả văn chương
Lười, ngại, chán học môn Ngữ Văn là thực trạng được "rung chuông" nhiều năm nay, tiếp tục được mô tả trong hội thảo quốc gia về dạy học môn Ngữ Văn tổ chức tại Huế ngày 5/1, như một vết đau chưa có thuốc chữa trị.
Cách dạy văn hiện nay khiến học sinh không cảm nhận được vẻ đẹp văn chương.
Không học được gì thì học ban C?
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT, căn cứ số liệu thống kê thì môn Ngữ Văn đang bị tuyệt đại đa số học sinh phổ thông chối bỏ. Chẳng hạn số lượng học sinh đăng ký học và thi ban Xã hội & Nhân văn (còn được gọi là ban C) ngày càng ít đi. Đã vậy, chất lượng lại không cao khi phần lớn các em học ban này chỉ vì không đủ năng lực theo học các ban khác. Trong khi đó, rất nhiều học sinh ban Khoa học Tự nhiên (thi khối A và D) rất giỏi văn.
"Gần 100% học sinh THPT chỉ cần học văn để thi đỗ tốt nghiệp mà thôi", ông Thống nói. Tuy nhiên, ông Thống cũng cho rằng thực trạng trên không chỉ là hệ quả của việc dạy học văn trong nhà trường hiện nay mà còn do nhiều tác động từ bối cảnh xã hội. Chính vì vậy nó là một thách thức cho hoạt động này trong tương lai.
Môn văn đang trở nên khô khan, cứng nhắc.
Gần đây Sở GD&ĐT Bình Thuận khảo sát ở 24 trường THCS và 26 trường THPT trong toàn tỉnh. Họ thu được những kết quả đáng lo ngại: Mặc dù có sự động viên, hướng dẫn, khuyến khích của giáo viên nhưng văn hóa đọc không còn là phương thức chính tiếp nhận giá trị tác phẩm văn học của học sinh. Văn hóa nghe nhìn thu hút mạnh mẽ các em (chiếm tỉ lệ trên 85%).
"Học sinh trung học có thể chăm chú theo dõi liên tục cả chục tập phim truyện (trên mạng Internet hoặc trên TV) chứ không kiên nhẫn ngồi đọc hết một cuốn tiểu thuyết vài trăm trang trở lên.
Học sinh có thể vào mạng hàng giờ tìm kiếm những thông tin mới lạ theo sở thích chứ không kiên nhẫn ngồi đọc hết một tập truyện ngắn nếu truyện ngắn đó không có nội dung gắn với tâm lý lứa tuổi. Số lượng ham thích đọc truyện chiếm tỉ lệ rất thấp.
Không ít học sinh THPT vẫn còn mê đọc truyện tranh, xem phim hoạt hình. Thực trạng đó làm lệch hướng, quay ngược nhau giữa người học và người dạy", thầy Võ Văn Tám, Sở GD&ĐT Bình Thuận chia sẻ.
Đáng chú ý, kết quả khảo sát trên mâu thuẫn với những nhận định tổng quát về mục tiêu của chương trình môn Ngữ Văn hiện hành. Nhiều chuyên gia cho rằng, cái mới mà các tác giả soạn thảo chương trình môn Ngữ Văn được triển khai đại trà từ sau năm 2002 đưa vào được trong chương trình này là tư tưởng đọc - hiểu.
Theo đó, mục tiêu hướng tới của chương trình là không chỉ cung cấp kiến thức mà còn hình thành cho học sinh năng lực tự đọc, tự học, tự tiếp nhận văn học nói riêng và văn bản nói chung.
"Tuy nhiên tư tưởng và phương pháp đọc - hiểu nhìn chung mới dừng lại ở nhận thức là chính. Trong thực tế dạy học tư tưởng đó chưa được hiện thực hóa một cách toàn diện, đồng bộ và hiệu quả", PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhận xét.
Nhiều giờ văn "cưỡi ngựa xem hoa"
GS Trần Đình Sử (giữa), người phụ trách nhóm làm chương trình môn Ngữ Văn cấp THPT hiện hành, trao đổi với các đại biểu.
Tại hội thảo, nhiều nguyên nhân được đưa ra nhằm giải thích cho thực trạng trên, trong đó nội dung chương trình - SGK. Chương trình - SGK hiện hành được tập trung phân tích mổ xẻ nhiều cũng bởi đang là giai đoạn Bộ GD&ĐT soạn thảo Đề án đổi mới chương trình và SGK sau năm 2015, và đây chính là lý do quan trọng số một để Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo này.
Theo GS.TS Lê A, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, một trong những cái dở của chương trình hiện hành là tính thiết thực, phục vụ cuộc sống của chương trình và SGK môn Ngữ Văn hiện nay còn yếu. Ví dụ, từ lớp 10 đến lớp 12 học sinh phải học tổng cộng 94 tiết Làm văn nhưng trong đó chỉ có 5 tiết dạy học nói.
"Giờ Tập làm văn miệng thường thất bại. Nên chăng tách dạy nói và dạy viết thành hai mạch riêng như một số nước trên thế giới đã và đang làm?", GS TS Lê A nói.
Mục tiêu không được xác định chính xác và sự ôm đồm cũng được cảnh báo. Sự ôm đồm gây quá tải biểu hiện ở nhiều yếu tố: thời lượng, số lượng tác giả, tác phẩm được đưa vào chương trình, tính vừa sức - vừa tầm đón nhận đối với học sinh.
Có những tác phẩm dù rất có giá trị văn chương nhưng lại trở thành gánh nặng với học sinh và cả người dạy. Vì áp lực quá tải, giáo viên phải chấp nhận từ bỏ những cuộc giao tiếp văn chương đúng nghĩa trên lớp để đạt được mục tiêu bài học.
Những giờ dạy - học văn thành những giờ "lao động" thay vì những giờ đối thoại giữa thầy và trò trong không khí thù tạc, đàm đạo văn chương. "Chính sự quá tải như thế mà rất nhiều giờ văn kiểu cưỡi ngựa xem hoa phần nào tước mất sự hứng thú và say mê của học sinh.
Giáo viên khó mà tạo được sự lắng đọng, những ấn tượng văn chương ở các em qua những giờ văn như thế. Cả thầy và trò đều phải chạy đua với thời gian để hoàn thành kế hoạch dạy học, để đối phó với thi cử", cô Bùi Thị Kim Duyên, giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diệu, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ.
Theo Tiền Phong
Hà Nội: Yêu cầu Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng dạy đủ số tiết quy định Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc và các Phòng GD-ĐT yêu cầu nghiêm túc thực hiện đảm bảo số tiết giảng dạy theo quy định đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cấp tiểu học, THCS và THPT. Theo đó, số tiết dạy của hiệu trưởng là 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng là 4 tiết/tuần....