Thái Lan điều tra vụ 91 người thiệt mạng vì biểu tình
Tòa hình sự Thái Lan cũng bắt đầu xem xét về trường hợp binh sỹ bị thiệt mạng cũng trong vụ biểu tình của lực lượng Áo đỏ.
Ngày 18/6, Tòa hình sự Nam Bangkok thụ lý xem xét các đơn khiếu nại liên quan 6 người thiệt mạng khi lực lượng quân đội mạnh tay trấn áp cuộc biểu tình của lực lượng Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD) hay còn gọi là lực lượng Áo đỏ hồi tháng 4 và tháng 5/2010.
Lực lượng Áo đỏ tại Thái Lan (Ảnh: Internet)
Báo chí Thái Lan dẫn lời thân nhân những người thiệt mạng này cho biết, mặc dù hơn 2 năm đã trôi qua nhưng họ rất vui khi sự thật về việc ai là thủ phạm trong cái chết của những người thân họ dần được sáng tỏ. Ngoài ra, Tòa hình sự cũng bắt đầu xem xét về trường hợp binh sỹ Thái Lan bị thiệt mạng cũng trong vụ việc nói trên.
Cách đây 2 năm, cuộc biểu tình và cố thủ kéo dài gần 2 tháng của UDD chống Chính phủ lúc đó của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva tại Quảng trường Trung tâm thủ đô Bangkok đã bị quân đội mạnh tay trấn áp.
Video đang HOT
Các số liệu chính thức cho biết, 91 người gồm dân thường, binh sỹ và cả nhà báo nước ngoài đã thiệt mạng. Các cuộc điều tra đã được tiến hành, tuy nhiên dựa theo tiến trình lấy lời khai nhân chứng của Tòa án, kết luận chính thức về 91 trường hợp thiệt mạng khó có thể có kết quả trong năm nay./.
Theo VOV
Thái Lan tháo được ngòi nổ xung đột chính trị
Việc chấp nhận ra một Sắc lệnh Kỳ họp thường kỳ Quốc hội cho thấy Thái Lan cương quyết tiến hành hòa giải dân tộc.
Xung đột chính trị tại Thái Lan đã được tháo ngòi nổ khi Chính phủ Thái Lan vừa quyết định đưa ra Dự thảo Sắc lệnh Kỳ họp thường kỳ Quốc hội Thái Lan sẽ bế mạc vào ngày 19/6.
Những phản ứng chưa từng có tại Quốc hội Thái Lan của Đảng Dân chủ đối lập song hành với các cuộc biểu tình đường phố, bao vây trụ sở Quốc hội, những cuộc điện thoại video của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra từ nước ngoài, những lời trấn an và khẳng định Quân đội không làm đảo chính... trong vòng 2 tuần vừa qua tiếp tục làm chính trường Thái Lan thêm "nóng".
Quốc Hội Thái Lan cùng tháo ngòi nổ khi hoãn xem xét 2 Dự luật gây tranh cãi
Một số phát biểu còn bóng gió đề cập việc giải tán Đảng cầm quyền Vì nước Thái hay quy trách nhiệm cho Chủ tịch Quốc hội, người đứng đầu Cơ quan lập pháp Thái Lan nếu đưa ra các quyết định không cân nhắc.
Tuy nhiên, với Sắc lệnh dự kiến được công bố chính thức ngày 13/6 đã xoa dịu phần nào những mâu thuẫn đang âm ỉ từ đầu tháng đến nay tại Thái Lan. Bản thân Đảng Dân chủ Đối lập cũng đưa ra lời kêu gọi Chính phủ Thái Lan soạn thảo Sắc lệnh nhằm hạ nhiệt tình hình.
Việc chấp nhận ra một Sắc lệnh như vậy, phần nào cho thấy quan điểm của bà Yingluck Shinawatra, Thủ tướng Thái Lan trong việc cương quyết tiến hành sửa đổi bản Hiến pháp hiện hành, ủng hộ hòa giải dân tộc nhưng đang mềm mỏng lựa chọn thời điểm được cho là thích hợp hơn.
Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Somsak Kiatsuranont ngày 12/6 cũng làm dịu tình hình bằng khẳng định, trong kỳ họp lần này sẽ không tiến hành bỏ phiếu Dự luật sửa đổi Hiến pháp phiên thảo luận lần thứ 3 cũng như xem xét về Dự thảo Dự luật Hòa giải Dân tộc. Đây là hai Dự luật mà đảng Dân chủ đối lập và một số Tổ chức tại Thái Lan cho rằng, có những yếu tố cấu thành việc tiến tới xóa bỏ hoặc làm suy yếu hệ thống chính trị Quân chủ Lập hiến hiện nay tại Thái Lan, xóa tội và mở đường cho cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra về nước. Sự việc này cũng làm hài lòng Tòa án Hiến pháp Thái Lan bởi trước đó Tòa đã đề nghị Chủ tịch Quốc hội Thái Lan dừng tiến hành việc bỏ phiếu và xem xét hai Dự luật này.
Chính phủ Thái Lan quyết định Sắc lệnh Quốc hội ngừng họp vào ngày 19/6/2012
Thực chất việc tháo ngòi nổ đã được quyết định trong cuộc họp khẩn đầy khó khăn của đảng cầm quyền Vì nước Thái. Sau những tranh cãi căng thẳng trong cuộc họp giữa nhóm ủng hộ việc tạm thời "lùi một bước" chiếm số đông và nhóm nhất quyết "tiến tới" nhưng chiếm thiểu số, một số nguồn tin cho biết, Đảng Vì nước Thái có quan điểm chung là hoãn không xem xét hai Dự thảo này.
Một số Hạ nghị sỹ đảng Vì nước Thái đang là lãnh đạo Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD) hay còn gọi là nhóm Áo đỏ cho biết, họ đành phải chấp nhận một quyết định của đảng họ vì nguyên tắc của đảng Vì nước Thái và vì một nền dân chủ.
Ngòi nổ đã tạm thời được tháo nhưng "Quả bom" vẫn còn. Đây là quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về Dự luật sửa đổi Hiến pháp, về Dự luật Hòa giải Dân tộc... - điều dư luận tại Thái Lan quan tâm.
Như Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra từng phát biểu trên Đài Phát thanh Quốc gia, hãy vì quyền lợi của đất nước thì các bên sẽ tìm được tiếng nói chung trong việc cùng nhau giải quyết các vấn đề của đất nước Thái Lan./.
Theo VOV
Canada: "Không thể lấy dùi cui trấn áp nồi niêu xoong chảo" Phong trào phản đối của sinh viên ở Quebec (Canada) sau hơn 100 ngày đang lan rộng. Từ một cuộc biểu tình chống tăng học phí, phong trào đã chuyển thành một sự phản đối toàn xã hội. Luật biểu tình do chính phủ đưa ra một cách vội vã nhằm hạn chế biểu tình làm bùng lên sự phẫn nộ của xã...