Thái độ của tuyển Việt Nam với AFF Cup
Sau những thất bại tại vòng loại thứ ba World Cup, tuyển Việt Nam cần tìm lại cảm hứng chiến thắng và bảo vệ vị thế ở AFF Cup.
Có hay không nên sử dụng đội hình mạnh nhất cho AFF Cup?
Câu hỏi này đang khiến cả Đông Nam Á băn khoăn. Xu hướng hội nhập với châu Á, khác biệt về hệ thống thi đấu giữa Đông Nam Á và thế giới khiến AFF Cup và cả SEA Games dần không còn là ưu tiên của các đội tuyển trong khu vực. Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều từng tính tới khả năng dùng đội hình phụ ở AFF Cup hay SEA Games.
Tuyển Việt Nam, đội Đông Nam Á đang tiến xa nhất ở châu Á, lẽ ra cũng có nhiều lý do để làm vậy.
Tuyển Việt Nam cần bảo vệ ngai vàng AFF Cup để duy trì cảm hứng chiến thắng hiện có. Ảnh: Y Kiện.
Thua vòng loại World Cup nên cần thắng AFF Cup
Tư tưởng đánh giá lại sân chơi khu vực để tập trung cho mặt trận châu lục từng không ít lần được đề cập với bóng đá Việt Nam. Sau thành công của Asian Cup 2019, huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo từng nói về việc đưa trợ lý dẫn dắt U22 ở SEA Games để ông tập trung cho vòng loại World Cup.
Năm 2019, tuyển Việt Nam vừa thắng lợi liên tiếp ở châu lục (Asian Cup và vòng loại World Cup). Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tin đó là thời điểm phù hợp để nền bóng đá bắt đầu đặt các mục tiêu châu lục. Đó cũng là lúc nhiều người tin sân chơi Đông Nam Á đã trở nên chật chội với bóng đá Việt Nam.
Sau 2 năm, tình thế đã thay đổi, 3 thất bại liên tiếp của tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup và U23 Việt Nam ở giải châu Á hồi năm ngoái cho thấy vẫn có khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam và tốp đầu khu vực.
Khi chưa thể chinh phục châu lục, bóng đá Việt Nam cần duy trì vị thế ở khu vực, mà cụ thể là tại AFF Cup và SEA Games. Thầy trò ông Park Hang-seo cần duy trì cảm hứng chiến thắng, tiếp tục có những thành công. Họ không thể đánh mất đi sự tự tin đang có, thứ sức mạnh tinh thần vô hình nhưng cực kỳ giá trị.
Sự sa sút của bóng đá Thái Lan trong vài năm qua là bài học cho Việt Nam. Giống như tuyển Việt Nam hiện tại, Thái Lan từng thống trị Đông Nam Á suốt thời gian dài. Đó là lúc họ giảm bớt quan tâm cho sân chơi khu vực, dồn sức ra châu Á. Kết quả là Thái Lan thua toàn diện ở vòng loại World Cup và U23 châu Á đồng thời mất luôn vị thế tại khu vực. Sự tự tin của bóng đá Thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến họ chưa thể gượng dậy.
Thất bại của Thái Lan cho thấy không thể xem nhẹ sân chơi khu vực. Châu Á là đỉnh cao nhưng Đông Nam Á vẫn là nền tảng. Bóng đá Việt Nam vẫn cần dành những quan tâm lớn cho AFF Cup, SEA Games đồng thời tiếp tục vươn ra châu Á.
Đồng thời với vươn ra châu Á, tuyển Việt Nam phải tiếp tục giữ vị thế ở châu lục. Ảnh: Y Kiện.
Không còn nguy cơ quá tải
Bối cảnh 2021 cũng còn khác biệt lớn nữa so với 2019.
Năm 2019, hệ thống bóng đá toàn cầu chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các trận đấu, các giải đấu vẫn diễn ra với mật độ dày đặc cả ở cấp CLB và đội tuyển. Nguy cơ quá tải là điều từng được các đội tuyển trong khu vực nhắc tới. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và HLV Park đã phải tính toán, cân nhắc, thậm chí đánh giá mức độ quan trọng của từng giải đấu để có biện pháp phù hợp.
HLV Akira Nishino của Thái Lan thậm chí đã cụ thể suy nghĩ đó thành hành động khi đem nhiều cầu thủ dự bị tới SEA Games 2019 để tập trung cho U23 châu Á diễn ra sau đó một tháng. Liên đoàn Bóng đá Thái cũng tuyên bố sẽ cử đội trẻ đi dự AFF Cup
Sau 2 năm, tình hình đã thay đổi.
Dịch Covid-19 khiến nhiều giải đấu, trong đó có V.League bị hủy bỏ. Nguy cơ quá tải của các tuyển thủ không còn tồn tại. Ngược lại, họ cần được thi đấu, chạm trán các đối thủ nhiều hơn để chuyên môn không bị ảnh hưởng.
Bản thân nền bóng đá cũng cần tuyển Việt Nam. Nếu không dự AFF Cup, đội tuyển đá 6 trận vòng loại World Cup từ tháng 9 tới giữa tháng 11. Từ đó tới cuối tháng 1, nền bóng đá có thể tiếp tục “đóng băng”. Mọi cơ hội cọ xát giờ đều trở nên quý giá trong bối cảnh các sự kiện thể thao quốc tế đã bị hạn chế suốt từ đầu năm 2020 tới nay.
Tuyển Việt Nam có thể tính toán lực lượng phù hợp cho cả AFF Cup và vòng loại World Cup chứ không cần bỏ đi mặt trận nào. Đó cũng là quan điểm của chuyên gia Phan Anh Tú với Zing : “Chúng ta vẫn có quyền tính toán trước những đối thủ có trình độ thấp hơn tuyển Việt Nam. Những đối thủ như Campuchia hay Lào là cơ hội để ông Park giữ chân những trụ cột”.
“Tôi tin tưởng vào chất lượng đội hình tuyển Việt Nam. Những cầu thủ dự bị có thể đủ sức thi đấu ở AFF Cup trong trường hợp trụ cột cần nghỉ ngơi sau vòng loại World Cup”, ông Tú nói.
Đồng ý kiến đó, Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng, nếu chúng ta có đội hình thật khỏe mạnh, sau những trận đấu tại vòng loại vòng 3 của khu vực châu Á, đầy đủ thành phần các tuyển thủ, thì chúng ta sẽ nỗ lực tối đa để bảo vệ thành công chức vô địch AFF Cup mà chúng ta đạt được năm 2018″.
Cựu cầu thủ Indonesia: Chúng ta có thể học tuyển Việt Nam Kurniawan Yulianto, cựu tiền đạo ghi 33 bàn sau 59 lần khoác áo tuyển Indonesia, chia sẻ suy nghĩ về kết quả bốc thăm chia bảng AFF Cup 2020.
2 'con nợ' của thầy Park'
Hai đối thủ quen thuộc với đội tuyển Việt Nam tại bảng B AFF Cup là Indonesia và Malaysia nhưng cả hai đều là con nợ của HLV Park Hang-seo.
HLV Tan Cheng Hoe từ khi lên nắm đội tuyển Malaysia đá cho AFF Cup 2018 đến nay là "con nợ lớn" của ông Park với toàn thua và chỉ có duy nhất một trận hòa 2-2 tại chung kết lượt đi AFF Cup 2018.
Còn ông Shin Tae-yong lần đầu dẫn dắt tuyển Indonesia chạm trán với đồng hương Park Hang-seo tại vòng loại thứ hai World Cup 2022 và thua đậm 0-4. Xấu hổ hơn là ông Shin phải dùng bài đá gấu đá láo để triệt hạ học trò ông Park.
Vòng bảng AFF Cup, các "con nợ" của thầy Park lại gặp khắc tinh của mình và xem chừng có khi nợ lại càng thêm chồng chất.
Bùi Tiến Dũng: 'Tuyển Việt Nam sẽ xoay tua ở AFF Cup' Trung vệ tuyển Việt Nam tiết lộ ban huấn luyện đã có phương án thi đấu song song giữa vòng loại thứ ba World Cup 2022 và AFF Cup 2020. "Việc thi đấu liên tục và song song giữa mặt trận này có thuận lợi và bất lợi. Tuy nhiên, toàn đội đã xác định kế hoạch đến khi AFF Cup diễn ra...