Thách thức khi thực hiện những chính sách mới nhằm tăng tỷ lệ sinh ở Trung Quốc
Sinh con là điều cuối cùng mà Yu Yueqi nghĩ đến khi cùng chồng lên chuyến bay kéo dài 15 giờ từ thành phố Hàng Châu đến Maldives để tận hưởng kỳ nghỉ tuần trăng mật mà vợ chồng cô đã mong đợi từ lâu.
Một lớp học mẫu giáo ở Hong Kong ( Trung Quốc). Ảnh: TTXVN phát
Người phụ nữ mới cưới 32 tuổi này thừa nhận cô không để ý nhiều đến các chính sách hiện hành về kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc trẻ em ở Trung Quốc. Đối với Yu, điều quan trọng hơn là tâm lý sẵn sàng. Tại nước này, nhiều cặp đôi đã trì hoãn việc kết hôn và sinh con, vì những lý do như ổn định tài chính hoặc bình đẳng giới.
Quan điểm này đang đi ngược lại những nỗ lực mới nhất nhằm thúc đẩy tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ của Trung Quốc. Bắc Kinh đã đưa ra một loạt các biện pháp đầy sáng tạo – như cho phép các cặp đôi đăng ký kết hôn tại những địa điểm hấp dẫn thay vì đến uỷ ban, cho đến những biện pháp thực tế như cung cấp bảo hiểm thai sản, mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ em và miễn thuế.
Chính phủ cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát trên toàn quốc, nhắm mục tiêu vào khoảng 30.000 người dân ở trên 150 huyện và 1.500 cộng đồng khác nhau, để hiểu và phân tích thái độ đối với việc sinh con, cùng tâm lý ngần ngại và sợ hãi liên quan đến việc sinh con.
“Tôi nghĩ việc có con phụ thuộc nhiều hơn vào quyết tâm và kiên nhẫn của các cặp đôi khi đối mặt với những thách thức hàng ngày trong cuộc sống. Chúng tôi muốn tận hưởng thêm vài năm nữa bên nhau sau khi kết hôn trước khi tính đến chuyện có con”, cô Yu chia sẻ.
Một đám cưới diễn ra tại Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Theo dữ liệu chính thức do Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố vào ngày 1/11, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc đã ở mức thấp nhất. Nước này cũng đang trên đà ghi nhận số cắp đôi mới kết hôn mới thấp nhất.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho hay tỷ lệ sinh mới đã giảm gần một nửa – từ khoảng 17 triệu ca sinh vào năm 2014 xuống chỉ còn 9 triệu ca sinh vào năm 2023.
Tỷ lệ kết hôn – có liên quan chặt chẽ đến tỷ lệ sinh ở Trung Quốc – cũng không mấy khả quan. Chỉ có 4,75 triệu cặp đôi kết hôn trong 9 tháng qua, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông He Yafu, nhà nhân khẩu học tại Quảng Đông, ước tính số cặp đôi kết hôn trong năm nay có thể giảm từ 6 đến 7 triệu, giảm đáng kể so với những năm trước.
Dân số Trung Quốc, từng đạt mức đông nhất thế giới, đã vượt mốc 1,4 tỷ người nhưng đã giảm trong 2 năm liên tiếp do tỷ lệ kết hôn và sinh con giảm mạnh.
Thêm vào đó, thế hệ trẻ đang phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc hỗ trợ dân số già hóa, với ít người chăm sóc người cao tuổi hơn và số người cao tuổi ngày càng gia tăng.
Các chuyên gia cho biết dân số giảm đã khiến nền kinh tế chậm lại, nguyên nhân khiến mọi người không muốn kết hôn và sinh con.
Tiến sĩ Yi Fuxian, nhà nhân khẩu học tại Đại học Wisconsin-Madison, bình luận: “Lao động là xương sống của nền kinh tế Trung Quốc và tỷ lệ sinh giảm của Trung Quốc đã dẫn đến lực lượng lao động giảm. Dân số già hóa và mức tiêu dùng không đủ khiến nền kinh tế chậm lại”.
Hơn nữa, phục hồi kinh tế không đồng đều sau đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc, thị trường bất động sản gặp khó khăn, lòng tin của người tiêu dùng suy yếu và tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên cũng góp phần khiến tỷ lệ kết hôn và sinh con giảm mạnh.
Video đang HOT
“Những người trẻ tuổi ở Trung Quốc thậm chí không thể tìm được việc làm để tự nuôi sống bản thân, chứ đừng nói đến việc kết hôn và sinh con”, Tiến sĩ Yi cho biết. Ông nói thêm rằng rõ ràng là những thách thức kinh tế hiện tại, kết hợp với di sản lâu dài của chính sách một con có hiệu lực từ năm 1979, sẽ khiến nhiệm vụ nâng cao tỷ lệ sinh quốc gia trở thành nhiệm vụ khó khăn đối với chính phủ.
Nhân viên y tế in dấu chân kỷ niệm của một em bé sơ sinh tại một bệnh viện ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Tại Trung Quốc, chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ cho đến năm 18 tuổi ước tính vào khoảng 485.000 nhân dân tệ (khoảng 1,7 tỷ đồng) vào năm 2019, gần gấp 7 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của quốc gia này. Chi phí này cao hơn nhiều so với những quốc gia khác, kể cả Mỹ và Nhật Bản, theo Viện nghiên cứu dân số YuWa có trụ sở tại Bắc Kinh.
Chia sẻ về những khó khăn khi nuôi một bé gái mới sinh, cô Xiao Zhang, 27 tuổi, nhân viên ngân hàng ở Ngân Xuyên (thủ phủ của vùng Ninh Hạ), cho biết cô không chắc các chính sách hiện nay có thể giải quyết được những thách thức này.
“Với trẻ em, chúng tôi phải cân nhắc đến nhà ở, khu vực trường học, các cơ sở gần đó và chủ yếu là gánh nặng tài chính. Chúng tôi không thể tự mình xoay xở. Chúng tôi không thể cân bằng việc chăm sóc trẻ em nếu không có sự hỗ trợ từ các thành viên lớn tuổi trong gia đình. Ở vùng nông thôn, ông bà thậm chí còn phải thích nghi với cuộc sống ở thành phố, điều này rất khó khăn”, cô nói.
Trung Quốc không đơn độc trong cuộc đấu tranh nhân khẩu học. Các chuyên gia cho biết Hàn Quốc và Nhật Bản cũng chứng kiến những cuộc chiến tương tự về tỷ lệ sinh và ít kết hôn thấp. Theo đó, các ưu đãi của chính phủ như thời gian nghỉ thai sản dài hơn và trợ cấp tiền mặt vẫn chưa mang lại kết quả.
Nhà xã hội học Sandy To đã đề cập đến vấn đề nhiều phụ nữ Hàn Quốc và Nhật Bản ở độ tuổi sinh đẻ lại chưa kết hôn và đang lựa chọn sống độc thân lâu hơn.
“Càng kết hôn muộn, họ càng ít có khả năng sinh con do những hạn chế về mặt sinh học”, Tiến sĩ To cho biết. Bà cho rằng các chính sách ủng hộ sinh con ở Trung Quốc cần phải giúp phụ nữ tự tin rằng việc sinh con sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến lối sống và sự nghiệp của họ.
Một số chính quyền địa phương thậm chí còn tiến xa hơn trong các ưu đãi có mục tiêu. Tại thành phố Lữ Lương (tỉnh Sơn Tây), các cặp đôi kết hôn lần đầu sẽ được trao phần thưởng lên tới 1.500 nhân dân tệ, nếu cô dâu dưới 35 tuổi.
Việc đăng ký kết hôn cũng đã được đơn giản hóa và thậm chí được tô điểm thêm, với các địa điểm và bối cảnh hấp dẫn trong các công viên đẹp như tranh vẽ, bãi biển và các địa danh ý nghĩa dành riêng cho sự kiện này, để mang đến trải nghiệm tốt hơn cho những cặp đôi.
Nhưng bất chấp những nỗ lực và chính sách này, nhiều phụ nữ Trung Quốc vẫn còn hoài nghi về việc thay đổi các ưu tiên trong cuộc sống.
Một số phụ nữ, như cô Xiao, hy vọng có thêm hỗ trợ thiết thực như kéo dài thời gian nghỉ thai sản, mà cô tin rằng có thể tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa trong việc chăm sóc con gái mới sinh của mình.
“Một đứa trẻ 6 tháng tuổi vẫn cần mẹ và việc buộc phải xa con là rất đau đớn. Tôi hy vọng giới chức sẽ cho phép thực hiện tuần làm việc 5 ngày, ngày làm việc 8 giờ và bảo vệ chế độ nghỉ thai sản của phụ nữ”, cô nói.
Bài học từ hình mẫu đối phó với tình trạng suy giảm dân số ở Trung Quốc
Giá trị gia đình sâu sắc cùng sự phát triển kinh tế mạnh mẽ chính là động lực chính giúp Quảng Đông, tỉnh rộng lớn ở phía nam Trung Quốc, dẫn đầu về tỷ lệ sinh cả nước.
Nhân viên y tế in dấu chân kỷ niệm của một em bé sơ sinh tại một bệnh viện ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Tia sáng về tỷ lệ sinh ở Trung Quốc
Cô Julia Chen, 28 tuổi ở Quảng Châu, chưa tìm được người đàn ông lý tưởng, nhưng cô vẫn muốn sinh con và hy vọng sẽ có một cặp sinh đôi một trai một gái. Thu nhập eo hẹp mỗi tháng của nhân viên bán lẻ mỹ phẩm không thể ngăn cản mong ước làm mẹ của cô.
"Những người không giàu có vẫn có cách nuôi dạy con cái riêng của họ. Thay vì cung cấp hỗ trợ vật chất, bạn có thể cung cấp kiến thức và giúp hình thành nhân cách của chúng, điều mà tôi nghĩ là quan trọng hơn", Chen chia sẻ và cho biết gia đình luôn bên cạnh luôn hỗ trợ cô. Chen hy vọng cô sẽ kết hôn trước khi bước sang tuổi 30.
Trong 4 năm liên tiếp, Quảng Đông là tỉnh duy nhất ở Trung Quốc ghi nhận trên 1 triệu ca sinh mới mỗi năm. Theo số liệu mới nhất, tỉnh này đã đạt kỷ lục tỷ lệ sinh toàn quốc trong 6 năm liên tiếp. Số liệu này được đưa ra một năm sau khi Trung Quốc nới lỏng chính sách một con cho phép mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con, sau đó tăng lên 3 con vào năm 2021.
Quảng Đông đã ghi nhận 1,03 triệu ca sinh vào năm ngoái, với tỷ lệ sinh ở mức 8,12 ca/1.000 người đứng đầu bảng xếp hạng toàn quốc, bỏ xa con số 695.000 của tỉnh đứng thứ hai là Hà Nam. Xếp sau là Sơn Đông, Tứ Xuyên và Quý Châu.
Đây là một tia sáng cho Trung Quốc, quốc gia ghi nhận mức sinh thấp kỷ lục là 6,39 ca sinh/1.000 người vào năm 2023, giảm so với con só 6,77 của năm trước.
Trong khi Trung Quốc đang vật lộn với tỷ lệ sinh thấp kỷ lục với dân số giảm 2,08 triệu người - xuống còn 1,4 tỷ người vào năm ngoái, các nhà quan sát cho biết Quảng Đông đang ở vị thế thuận lợi để ngăn chặn xu hướng này.
Những yếu tố đưa Quảng Đông trở thành hình mẫu
Tiến sĩ Zhao Litao, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Đông Á (EAI) thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng dòng người di cư tới khu vực này chính là yếu tố then chốt. Ông nói: "Quảng Đông đang ở vị thế tốt nhất để đối phó với tình trạng suy giảm dân số trên toàn quốc trong tương lai gần".
Là nơi sinh sống của hơn 120 triệu người, Quảng Đông là tỉnh đông dân nhất Trung Quốc. Theo cuộc điều tra dân số toàn quốc mới nhất năm 2020, có khoảng 44,5 triệu người 20 - 34 tuổi sinh sống ở tỉnh này.
Các nhà phân tích cho rằng sức mạnh kinh tế của tỉnh là sức hút lớn thu hút những người trẻ tuổi từ các vùng khác đến đây sinh sống. Là "công xưởng" sản xuất của Trung Quốc, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Quảng Đông đã vượt 13,57 nghìn tỷ nhân dân vào năm ngoái, đứng đầu danh sách quốc gia trong năm thứ 35 liên tiếp.
"Kết quả, tỉnh này đã thu hút một lượng lớn người di cư trẻ tuổi từ các tỉnh nội địa đang trong độ tuổi sinh đẻ đến sinh sống", Tiến sĩ Zhao cho biết.
Ông Chen Huang, kỹ sư xây dựng 46 tuổi, người gốc Quảng Châu, cũng đồng tình với quan điểm này. Ông nói rằng trong nhiều năm qua, nhiều công nhân nhập cư trẻ đã đến kiếm sống ở thành phố này.
"Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Quảng Đông mang lại nhiều cơ hội việc làm cho giới trẻ", ông lưu ý.
Ống cũng nhấn mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe chất lượng cũng thúc đẩy các cặp đôi đang có kế hoạch lập gia đình.
Tại Quảng Đông, 22 bệnh viện đứng trong top 100 bệnh viện công tốt nhất đất nước, 50 bệnh viện xếp hạng A trở lên.
Các nhà phân tích lưu ý một lợi thế khác của Quảng Đông là khoảng cách địa lý gần với trung tâm chính trị Bắc Kinh, nơi có bản sắc mạnh mẽ và duy trì các hệ thống gia đình và gia tộc vững mạnh hơn.
Tiến sĩ Zhao tại EAI cho rằng một số tỉnh khác như Phúc Kiến và Chiết Giang cũng có vị thế tốt để học hỏi kinh nghiệm từ Quảng Đông, xét đến điều kiện tương tự. Cả hai tỉnh này đều nằm dọc bờ biển và nằm trong top 10 tỉnh theo GDP.
Chất lượng quan trọng hơn số lượng
Học sinh chơi trò chơi trong giờ nghỉ giải lao tại một trường tiểu học ở Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều biện pháp hỗ trợ tăng dân số. Giới chức đã cam kết tăng cường chế độ phúc lợi thai sản, chính sách thuế nhà ở, nguồn lực giáo dục và môi trường để hỗ trợ cho việc sinh con và việc làm.
Năm ngoái, nước này đã tăng gấp đôi mức khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh lên 2.000 nhân dân tệ/tháng. Ngoài ra, hơn 10 tỉnh đã khởi xướng trợ cấp chăm sóc trẻ em. Trong đó, Bắc Kinh và Quảng Tây đã mở rộng bảo hiểm y tế để chi trả cho nhiều dịch vụ sinh sản hơn.
Các học giả Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến hiệu suất dân số của Quảng Đông, cho rằng cần phải thay đổi trọng tâm để các tỉnh khác có thể học hỏi được thành tích của tỉnh này.
Giáo sư Dong Yuzheng, nghiên cứu viên tại Chính quyền tỉnh Quảng Đông cho biết cần phải chuyển hướng chú ý sang việc tạo dựng nhân tài thay vì quy mô dân số. Ông đã đưa ra một số dữ liệu - tỷ lệ giáo dục, phúc lợi và năng lực. Giáo sư Dong cũng đề xuất thúc đẩy phát triển toàn diện ở mọi nhóm tuổi và thiết lập nhiều cơ sở thân thiện với việc sinh con hơn.
Thách thức của Trung Quốc
Song ngay cả khi Trung Quốc nỗ lực cải thiện năng suất và chất lượng của người dân, các nhà phân tích cho rằng dân số giảm vẫn là một vấn đề rõ ràng và đang hiện hữu.
Điều này làm tăng thêm các vấn đề nhân khẩu học mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt - từ lực lượng lao động suy giảm đến xã hội già hóa - khiến quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch càng trở nên khó khăn hơn.
Giới chức Trung Quốc đã nhấn mạnh đến việc giải quyết các điểm yếu như chi phí sinh đẻ và chăm sóc trẻ em cao, cũng như khó khăn của phụ nữ trong việc cân bằng giữa gia đình và công việc để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Nhưng thực tế, nhiều phụ nữ cảm thấy việc hy sinh để sinh con chưa được bù đắp thỏa đáng.
Trẻ em tham gia cuộc thi bò tại trung tâm mua sắm ở quận Đại Hưng, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Dân số YuWa vào tháng 2 nêu rằng phụ nữ nghỉ thai sản có thể bị đối xử bất công tại nơi làm việc - bao gồm bị chuyển sang các bộ phận khác, bị cắt giảm lương hoặc bỏ lỡ cơ hội thăng tiến.
Phụ nữ cũng thường phải đối mặt với các câu hỏi về kế hoạch hóa gia đình trong các cuộc phỏng vấn xin việc hoặc bị từ chối các vai trò. Những người rời bỏ lực lượng lao động để nuôi con cảm thấy khó có thể quay lại và phụ nữ có con có thể chứng kiến mức lương giảm 12-17%.
Và cũng không phải mọi thứ đều tươi sáng đối với Quảng Đông - tỉnh dẫn đầu về tỷ lệ sinh và dân số. Một cuộc khảo sát gần đây của Viện Phát triển Dân số Quảng Đông cho thấy hơn 30% những người sinh sau năm 2000 không muốn sinh con. Trong số những người được hỏi này, hơn 70% nêu lý do chính là không đủ khả năng chi trả chi phí nuôi dạy con cái.
Đối với ông Chen, mặc dù nhiều năm nữa các con ông mới đến tuổi trưởng thành, nhưng ông đã quyết định sẽ không gây áp lực buộc chúng phải sinh con - không phải vì chi phí mà là vì quyền tự do lựa chọn.
"Nếu con tôi không muốn sinh con, tôi sẽ để chúng tự lựa chọn", ông nói.
Chi phí nuôi dạy trẻ em ở Trung Quốc đắt đỏ nhất thế giới Trung Quốc là một trong những quốc gia có chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đắt đỏ nhất thế giới so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN Thông tin trên do Viện Nghiên cứu Dân số YuWa, một tổ chức tư vấn nổi tiếng có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc đưa...