Thách thức IS: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên tại Iraq sau hơn 4 thập kỷ
Các thí sinh và ban tổ chức đón chào cuộc thi hoa hậu toàn quốc đầu tiên ở Iraq trong hơn 4 thập kỷ, xem đó là chiến thắng trước bạo tàn chiến tranh.
Dù cuộc thi không có nội dung bikini, các nhà tổ chức vẫn coi đây là một chiến thắng của hy vọng ở một quốc gia chìm đắm trong chiến tranh và đổ máu.
Các thí sinh Hoa hậu Iraq 2015 tạo dáng tại thành cổ Babylon hôm 17/12. (Ảnh: Getty Images)
“Iraq vẫn còn sống”
Senan Kamel, giám đốc nghệ thuật của cuộc thi hoa hậu Iraq 2015 nói: “Chúng tôi mong chờ có một đại sứ thiện chí đại diện cho Iraq… Điều chúng tôi hy vọng đạt được là giúp thế giới nghe thấy tiếng nói của Iraq, và chỉ ra rằng đất nước này vẫn còn sống, rằng trái tim của nó vẫn đang đập”.
Kamel trước đó cho biết, trái ngược với các cáo buộc, cuộc thi này vẫn đang nhấn mạnh đến các giá trị truyền thống và hướng tới việc làm sống lại hình ảnh văn hóa một thời của Iraq, vốn từng là một trong các quốc gia năng động nhất ở Trung Đông.
Humam al-Obeidi, một trong các thành viên ban tổ chức, phát biểu: “Một số người bên ngoài nghĩ rằng chúng tôi không yêu cuộc sống”.
Shaymaa Abdelrahman, nữ thanh niên 20 tuổi đến từ thành phố Kirkuk đa sắc tộc, đã giành ngôi vị cao nhất, trở thành người đầu tiên nắm giữ danh hiệu Hoa hậu Iraq kể từ khi cuộc thi này được tổ chức lần cuối vào năm 1972.
8 thí sinh lọt vào đêm chung kết chờ nghe ban giám khảo xướng tên người đoạt ngôi vị cao nhất cuộc thi Hoa hậu Iraq 2015.
Tay cầm bó hoa và giữ dải băng danh hiệu, Abdelrahman cười thật tươi và nhanh chóng làm quen với vai trò mới của mình.
Quyết định của ban giám khảo trùng hợp với ý của phần đông khán giả. Ở các dãy ghế phía sau trong khán phòng cuộc thi, các nam thanh niên để râu dài và mặc áo bó đứng lên ghế và hô to tên của tân hoa hậu.
Trước đám đông người hâm mộ, Abdelrahman nói: “Tôi rất vui được thấy đất nước Iraq của mình đang tiến bộ. Sự kiện này là sự kiện lớn, nó đem đến nụ cười trên gương mặt của người dân Iraq”.
Trong phần thi trên sân khấu, nội dung thuyết trình nhiều hơn nội dung trình diễn và tạo dáng. Đi giày cao gót và mặc trang phục dạ hội để lộ đôi tay trần, các thi sinh trình bày với ban giám khảo về các kế hoạch làm từ thiện của mình.
Súng AK
Cuộc thi được thiết kế nhằm đáp ứng cả các tiêu chí quốc tế mà theo đó, người đoạt ngôi vị cao nhất sẽ được phép tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ kế tiếp.
Video đang HOT
Tuy nhiên cuộc thi này có nét đặc trưng của một đất nước Iraq hiện tại: Nhân viên bảo vệ cuộc thi phải cầm súng AK gác ở cổng.
Hoa hậu Abdelrahman nói rằng cô sẽ sử dụng sự nổi tiếng của mình để thúc đẩy các sáng kiến giáo dục, đặc biệt là trong các cộng đồng dân cư bị thay đổi chỗ ở do xung đột vũ trang ở Iraq.
Một thí sinh khác thì lại nói cô sẽ nỗ lực giúp sửa chữa con đập Mosul – con đập lớn nhất Iraq và đang cần phải sửa chữa gấp, bởi vì “[sự cố ở con đập] có thể đe dọa toàn đất nước”.
Trong thời gian một tuần trước chung kết, 8 thí sinh lọt vào vòng cuối này đã tham gia một loạt các hoạt động như đi thăm một trại tị nạn ở Baghdad.
Phát biểu trong một lễ trồng cây gần các phế tích của thành phố cổ Babylon vào hôm 17/12, thí sinh Suzan Amer đến từ thị trấn Sulaimaniyah của người Kurd nói rằng cuộc thi thực sự có nhiều ý nghĩa.
“Đây là lần đầu tiên tôi tham gia một sự kiện như thế này. Tôi thực sự muốn là một phần trong trải nghiệm này. Tôi nghĩ Iraq cần có thêm các sự kiện như vậy,” cô gái 22 tuổi nói.
Iraq đã và đang chìm trong cuộc chiến đẫm máu với tổ chức khủng bố IS – tổ chức thánh chiến tàn bạo nhất thế giới, cũng như vật vã với các xung đột sắc tộc và nạn tham nhũng.
Tình trạng bất ổn ở đây đã khiến cuộc thi bị trì hoãn đến tận tháng 12 (theo kế hoạch ban đầu, cuộc thi diễn ra vào tháng 10). Một vài thí sinh đã rút khỏi cuộc thi do bị đe dọa sát hại.
Một thí sinh cuộc thi Hoa hậu Iraq đang được phỏng vấn ở vòng đầu. (Ảnh: Báo Al-Mada)
Nhà hoạt động nhân quyền trước đây – Hana Edwar, nói: “Tôi nghĩ điều này thật tuyệt vời, nó khiến cho bạn cảm nhận được rằng mọi thứ có thể trở lại bình thường”.
Lần cuối cuộc thi Hoa hậu Iraq được tổ chức là vào năm 1972, khi đất nước giàu dầu mỏ này còn ổn định và thịnh vượng.
Lần đầu tiên và lần cuối Iraq tham gia vào một thi sắc đẹp quốc tế lớn cũng là vào năm 1972, khi cô Wijdan Burhan al-Deen đại diện cho quốc gia này tới dự thi tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm đó.
Không sợ những lời hăm dọa
Trước và trong cuộc thi, các nhà tổ chức đã đối mặt với những sự chỉ trích gay gắt từ phía các chức sắc tôn giáo cứng rắn và các thủ lĩnh bộ lạc bảo thủ – những người cho rằng các cuộc thi nhan sắc như thế này là phi Hồi giáo và đe dọa đạo đức xã hội.
Trên thực tế ban tổ chức đã phải bỏ nội dung mặc áo tắm.
Giám đốc Kamel cho biết, ban tổ chức đã cố gắng thay đổi nhiều khía cạnh của cuộc thi để tránh những điều cấm kỵ và phù hợp hơn với một quốc gia Hồi giáo truyền thống thường dị ứng với việc phô bày cơ thể nữ giới ở nơi công cộng. Mặt khác ban tổ chức vẫn cố gắng đáp ứng các tiêu chí quốc tế của một cuộc thi sắc đẹp.
Chẳng hạn, áo tắm được thay bằng trang phục kín đáo hơn, nhưng các thí sinh không được choàng khăn trùm đầu Hồi giáo.
Ngoài ra, người ta cũng lùi thời điểm tổ chức đêm chung kết (được truyền hình) từ tháng 10 sang tháng 12 sau khi có các đe dọa từ các trưởng bộ lạc phản đối phụ nữ trẻ trong dòng tộc của họ tham gia vào cuộc thi này.
Hồi tháng 9 một kênh truyền hình thân với nhánh Hồi giáo Shiite đã cảnh báo rằng cuộc thi hoa hậu này sẽ phá hỏng đạo đức xã hội.
Tuy nhiên những lời chỉ trích và hăm dọa không làm nản lòng các thí sinh như Lubna Hameed, 21 tuổi, sinh viên đại học ở Baghdad. Cô cho biết mình hy vọng sẽ trở thành hình mẫu cho các phụ nữ Iraq khác.
Hamsa Khalid, một nữ sinh trung học 18 tuổi, cũng tuyên bố không sợ sự thù địch nhằm vào cuộc thi. Cô nói, thông điệp mình muốn gửi đi với tư cách Miss Iraq có thể tóm tắt trong hai chữ là “Hòa Bình”./.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN / Guardian, AFP…
Hoa hậu Hoàn vũ vướng scandal nghiêm trọng chưa từng thấy
Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng sau những phát ngôn gây bão của tỉ phú Donald Trump.
Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ lao đao
Trong bài phát biểu tranh cử tổng thống Mỹ hôm 16/6, Donald Trump đã miệt thị những công dân người Mexico. Ông nói: "Những người Mexico sang Mỹ nhập cư đều là những người có vấn đề, kéo tụt sự phát triển của đất nước chúng ta. Họ buôn bán ma túy, gây tội ác, hiếp dâm".
Sau phát ngôn kỳ thị cộng đồng người nhập cư Mexico tại Mỹ, ông chủ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ phải hậu quả nặng nề từ nhà đài và các nhà tài trợ lâu năm 3 cuộc thi do ông sở hữu là Miss Universe, Miss USA và Miss Teen USA.
Các quốc gia thuộc khu vực châu Mỹ La tin, đặc biệt là Mexico đã ngay lập tức bày tỏ thái độ phản đối bằng cách không gửi thí sinh tham dự Miss Universe và hủy hợp đồng phát sóng cuộc thi này trên sóng truyền hình.
Chủ tịch tổ chức Hoa hậu Mexico, đồng thời là Hoa hậu Hoàn Vũ 1991 - Lupita Jones tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc thi mà bà gắn bó từ năm 1994. Ignacio Santos, giám đốc điều hành hãng truyền hình lớn nhất Costa Rica Telenoticias Channel 7 đưa ra thông cáo dừng việc chiếu đêm chung kết cuộc thi có truyền thống hơn 40 năm tại nước này. Ngoài ra, tân hoa hậu Costa Rica sắp tới sẽ không tham dự Hoa hậu Hoàn vũ 2015.
Tân hoa hậu Costa Rica sẽ không tham dự Miss Universe 2015
Để phản đối ông Trump, kênh truyền hình Univision tuyên bố không phát sóng chung kết cuộc thi Hoa hậu Mỹ, dự kiến diễn ra vào ngày 12/7. Unvision tuyên bố hãng "kết thúc mối quan hệ kinh doanh của công ty với đối tác là Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ, tổ chức thuộc một phần sở hữu của Donald Trump vì bình luận công kích của ông đối với người nhập cư Mexico".
Trước đó, ngày 29/6, kênh NBC của Mỹ đã quyết cắt hợp đồng phát sóng cuộc thi Miss Universe đến hơn 1 tỷ khán giả trên toàn cầu, cũng như các chương trình do tỷ phú Donald Trump giữ tác quyền. Quyết định này đặt dấu chấm hết cho 13 năm hợp tác giữa nhà đài với Hoa hậu Hoàn vũ dù vẫn còn thời hạn hợp đồng.
Phong trào phản đối cuộc thi ngày càng được đẩy lên cao khi một trong những nhà tài trợ chính của cuộc thi về các sản phẩm chăm sóc và làm đẹp tóc là Farouk System với thương hiệu CHI và BioSilk cũng ra thông cáo báo chí tuyên bố ngừng tài trợ cho cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Mỹ và Hoa hậu tuổi teen Mỹ. Đặc biệt, chính phủ Colombia quyết định rút lui khỏi quyền đăng cai Hoa hậu Hoàn vũ lần thứ 64 dự kiến diễn ra vào đầu năm sau.
Dư luận phẫn nộ vì phát ngôn gây bão
Phát ngôn đầy tính kỳ thị của tỷ phú Donald Trump trở thành đề tài tranh luận trên nhiều diễn đàn và trang mạng xã hội. Số đông ý kiến đều phản đối ông chủ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ và chờ đợi một lời xin lỗi công khai.
Tuy vậy, số phận cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Mỹ cũng được khán giả đặc biệt quan tâm. Được biết, dù là ông chủ của tổ chức Miss Universe nhưng người làm việc nhiều nhất, luôn đồng hành để có được cuộc thi thành công như ngày hôm nay là bà Paula Shugart, chủ tịch cuộc thi. Chính vì thế nếu chỉ vì một câu nói thiếu suy nghĩ của Donald Trump dẫn tới việc cả êkip cuộc thi lẫn các thí sinh chịu thiệt thòi là điều hoàn toàn không công bằng.
Paula Shugart (ngoài cùng bên phải) là người thực sự làm nên thành công của cuộc thi
Jeannie Mai, MC gốc Việt quen thuộc của đài NBC nói: "Tôi bày tỏ thái độ không đồng tình với phát ngôn của ngài Trump nhưng tôi vẫn đồng hành cùng kỳ Hoa hậu Hoàn vũ lần này. Tôi biết rằng cuộc thi đã, đang và sẽ mang tới những giá trị tốt đẹp hơn là những điều tiêu cực. Bản thân cuộc thi đang được chờ đợi bởi hàng triệu người hâm mộ trên khắp hành tinh".
Melissa Ann Young, cựu hoa hậu bang Wisconsin dự thi và đạt giải Người đẹp thân thiện Miss USA 2005 mới đây cũng đăng tải bức thư đầy xúc động tới ngài Donald Trump.
Cô bày tỏ biết ơn sâu sắc về những gì mà cuộc thi mang đến cho một cô gái xuất thân vô gia cư như cô và cho con trai cô, một đứa bé mang trong mình hai dòng máu Mỹ - Mexico. Được biết, sau khi sinh cậu con trai đầu lòng cách đây 7 năm, cô đã bị liệt và sống gần như thực vật. Chính tổ chức FundAnything.com của tỷ phú Donald Trump sáng lập đã quyên góp tiền để cô được chữa trị cũng như lo việc ăn học cho con trai cô. Cô cũng để lại lời nhắn một vote cho ngài Trump ở cuối thư.
MC gốc Việt Jeannie Mai
Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Mỹ đã mang đến nhiều cơ hội cho các thí sinh tham dự. Nhiều người bước ra từ cuộc thi trở thành những diễn viên, người mẫu, nhà hoạt động chính trị xuất sắc. Những cô gái đến từ quốc gia nhỏ bé như Bostwana Mpule Kwelagobe - Miss Universe 1999 sẽ không thể có vị trí ở tổ chức Liên hiệp quốc nếu không tham dự Hoa hậu Hoàn vũ năm đó. Chính vì vậy, khán giả mong muốn các cuộc thi nhan sắc được tiếp tục diễn ra bình thường để biến những giấc mơ của các cô gái trẻ khác trở thành hiện thực.
Người đẹp thân thiện Miss USA 2005 Melissa Ann Young
Theo Trần Khang
Vietnamnet
"Đương kim Hoa hậu là kẻ đạo đức giả" Sau những lời lẽ miệt thị cộng đồng người Mỹ Latin, mới đây tỷ phú truyền thông Donald Trump lại tiếp tục khơi mào một cuộc chiến mới với đương kim Hoa hậu Hoàn Vũ Paulina Vega. Trong bài phát biểu tranh cử Tổng thống Mỹ hôm 16/6, tỷ phú Donald Trump đã cho biết: "Những người Mexico nhập cư sang Mỹ đều...