Thách thức cũng là cơ hội khi dạy sách giáo khoa mới
Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa là tài liệu tham khảo, nên thầy cô có thể dạy ‘thoát’ SGK.
Chương trình mới giúp người học tiếp cận trực tiếp với kiến thức thông qua đổi mới phương pháp giảng dạy. Ảnh minh họa
Tuy nhiên vẫn phải đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình. Đó là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội để giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Thiếu SGK vẫn tổ chức dạy học hiệu quả?
Thiếu SGK giáo viên vẫn có thể tổ chức dạy học bình thường, cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (huyện Ân Thi, Hưng Yên) khẳng định điều này và cho biết: Tại Trường THPT Ân Thi, sau 2 tuần học, một vài đầu SGK lớp 10 vẫn thiếu. Giáo viên bộ môn đã xử lý bằng cách gửi file PDF SGK cho học sinh in, đọc tham khảo. Vì chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy điện tử, nên dù thiếu sách nhưng các em vẫn học tập bình thường.
Cô Vũ Thị Anh cũng gợi ý, khi chưa mua được đúng bộ sách, thầy cô có thể khuyến khích học sinh tạm thời mua sách bộ khác để học. Điều này hoàn toàn được vì chương trình là pháp lệnh, SGK chỉ là tài liệu tham khảo. Trong quá trình dạy học, giáo viên xác định nội dung mục tiêu kiến thức đúng theo chương trình và tổ chức cho học sinh đọc các nguồn sách khác nhau để tiếp cận kiến thức.
Cũng nhấn mạnh Chương trình GDPT 2018, SGK chỉ là tài liệu tham khảo, thầy Trang Minh Thiên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (TP Cần Thơ), khẳng định: Việc tổ chức hoạt động học cho học sinh của thầy cô không nhất thiết phải sử dụng SGK, mà có thể tham khảo nhiều tư liệu khác nhau để đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.
Trong trường hợp vì lý do nào đó chưa có SGK, theo thầy Trang Minh Thiên, nhà trường có thể trang bị SGK điện tử cho giáo viên, học sinh. Hoặc thầy cô dựa vào tài liệu khác nhau biên soạn thành tài liệu học tập cho học sinh các lớp, giảng dạy phù hợp với năng lực và đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình.
Việc không lệ thuộc vào SGK là thách thức bởi thói quen lâu nay, nhưng chắc chắn là cơ hội để giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, đối với những nội dung cơ bản, khái niệm, định nghĩa thì cần bám SGK để học sinh dễ tiếp thu. Riêng phần liên quan đến ứng dụng, trải nghiệm thì không nhất thiết phải bám SGK, giáo viên nên tìm những ví dụ thực tiễn, gần gũi nhất có thể để truyền đạt.
Ví dụ, dạy nội dung về tác động của công nghệ với tự nhiên, con người và xã hội, nên đưa những tác động thực tiễn mà thầy cô và học sinh đều gặp phải (như lợi và hại của việc sử dụng điện thoại di động)…
Tuy nhiên, thầy Trang Minh Thiên cho rằng, đối với học sinh, việc có SGK là điều tất yếu, vì đó là kênh thông tin và tham khảo có thể nói là duy nhất của học sinh. Nếu không có SGK, trò sẽ khó khăn trong việc tham gia hoạt động học của thầy cô tổ chức.
Giáo viên hoàn toàn chủ động các phương án truyền thụ kiến thức trên mỗi giờ dạy. Ảnh minh họa
Giáo viên cần thay đổi
Ở góc độ quản lý, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ), cho rằng, chương trình là pháp lệnh, SGK là tài liệu tham khảo phù hợp với yêu cầu đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học cũng như yêu cầu cho sản phẩm đầu ra (phẩm chất, năng lực người học). Không bó buộc nội dung dạy học trong SGK, nguyên liệu dạy học sẽ phong phú, đa dạng, cập nhật thường xuyên; hạn chế tối đa việc kiểm tra, đánh giá nội dung học thuộc…
Nhưng, do SGK là pháp lệnh được duy trì trong thời gian dài nên ít nhiều tồn tại việc lệ thuộc trong suy nghĩ, hành động của không ít giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Do đó trong thời gian ngắn sẽ khó thay đổi. Chia sẻ điều này, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng đồng thời nhấn mạnh:
Đây chính là thời điểm giáo viên cần đổi mới để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Thầy cô phải thay đổi nhận thức, hành động trong việc sử dụng SGK như một tài liệu tham khảo, không phụ thuộc hoàn toàn như trước. Và học sinh cũng phải học tập, rèn luyện dựa trên việc tổ chức hoạt động dạy học, yêu cầu của giáo viên chứ không phải SGK.
Video đang HOT
Muốn làm được như vậy, giáo viên phải nắm vững chương trình môn học; đầu tư nhiều thời gian và công sức cho việc chuẩn bị kế hoạch dạy học ở từng tiết học, mạnh dạn tìm và sử dụng nguồn học liệu mới. Thầy cô cũng cần soạn nội dung, tài liệu dạy học cho học sinh; tổ chức dạy học không phụ thuộc nhiều vào nội dung SGK; hướng dẫn học sinh khai thác SGK và các nguồn học liệu khác; đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng không phụ thuộc SGK mà vẫn đáp ứng yêu cầu chương trình môn học.
Về phía HS, cần nhận thức SGK là tài liệu tham khảo; chủ động tư duy, hoạt động học tập theo yêu cầu của giáo viên; rèn luyện kỹ năng tìm và khai thác tài liệu, kỹ năng tự học… Về phía cơ quan quản lý giáo dục cần quan tâm có chế độ lương, phụ cấp thỏa đáng để thầy cô an tâm, đầu tư nhiều hơn cho việc dạy học; đồng thời, xây dựng và cung cấp các nguồn học liệu, tài liệu chất lượng, phong phú…
“Trong trường hợp thiếu SGK, nhà trường chủ động liên hệ nhà xuất bản cung cấp cho học sinh theo danh sách đăng ký; ưu tiên cung cấp SGK cho giáo viên, nhà trường. Sử dụng SGK từ thư viện cho học sinh mượn, đồng thời kêu gọi nhà hảo tâm tặng SGK cho các em. Một giải pháp cũng được tính đến là sử dụng các ấn phẩm SGK trên máy tính, thiết bị di động. Giáo viên soạn và cung cấp cho học sinh nội dung cần thiết cho hoạt động dạy học (nhà trường, nhà hảo tâm hỗ trợ sao in)” – thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, cho rằng: Việc đổi mới dạy học theo định hướng năng lực là một quá trình. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu triển khai có nhiều yếu tố tác động, từ nhận thức đến năng lực, kỹ năng của đội ngũ cán bộ quản lý về việc chủ động lập kế hoạch dạy học/giáo dục của nhà trường, tổ bộ môn và nhất là kế hoạch cá nhân (soạn bài) chưa chủ động hoàn toàn. Vì vậy, cần sự hỗ trợ của SGK để tổ chức dạy học/giáo dục có hiệu quả. Về lâu dài, các trường học và mỗi giáo viên cần linh hoạt, chủ động hơn.
Tài liệu Giáo dục địa phương bị cho 'phản giáo dục', Sở GD Hải Phòng nói gì?
Giáo viên phản ánh về Tài liệu Giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng có câu chuyện cổ Đồng tiền Vạn Lịch với nhiều chi tiết chưa phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Năm học 2020-2021, theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, có thêm 1 số môn học mới, trong đó có môn Giáo dục địa phương.
Tại Hải Phòng, học sinh lớp 6 được học môn này thông qua cuốn Tài liệu Giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng.
Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, một số giáo viên trên địa bàn thành phố có ý kiến góp ý về cuốn tài liệu này.
Đồng tiền Vạn Lịch có phải truyện cổ Hải Phòng?
Theo phản ánh của giáo viên tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, khi biết có môn này, giáo viên vừa mừng vừa lo. Mừng vì có cơ hội dạy cho học sinh những điều thiết thực gần gũi, bồi đắp tình yêu quê hương.
Lo vì, không biết môn này dạy như thế nào, kiểm tra đánh giá ra sao. Mà nỗi lo càng ngày càng lớn.
Vì khác với sách giáo khoa các môn khác được giới thiệu từ sớm thì sách của môn này mãi không thấy đâu.
Sách tài liệu Giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng dùng cho học sinh lớp 6 (Ảnh: Lã Tiến)
Sau đó, đến khi có sách thì giáo viên thấy tên sách ghi là Tài liệu giáo dục địa phương. Vậy phải chăng đây chỉ là một tài liệu tham khảo, không phải sách chính thống như sách giáo khoa các môn khác?
Gác băn khoăn đó sang 1 bên, giáo viên phải vội vàng soạn bài để lên lớp. Nhưng nghiên cứu cuốn tài liệu này thì nỗi băn khoăn lại càng lớn hơn.
Tên chủ đề là Truyện cổ Hải Phòng. Với tên chủ đề như vậy thì chắc chắn nội dung phải là giới thiệu và hướng dẫn học sinh đọc hiểu truyện cổ Hải Phòng.
Phần giới thiệu đầu chủ đề thì liệt kê một số truyện cổ Hải Phòng tiêu biểu. Nhưng đến văn bản đọc hiểu thì chọn Đồng tiền Vạn Lịch.
Đọc cả truyện không thấy có căn cứ nào bảo rằng đây là truyện cổ Hải Phòng.
"Tôi có nhớ trước đây học ở trường đại học, phân môn văn học dân gian, giảng viên có đề cập đến truyện này và cho rằng đây là truyện phát tích ở miền Trung.
Có thể khó có căn cứ xác định chính xác nguồn gốc của văn học dân gian bởi ai cũng biết đây là loại hình văn học truyền miệng từ xa xưa.
Vậy tại sao người soạn Tài liệu Giáo dục địa phương Hải Phòng lại giới thiệu truyện này như một truyện cổ tiêu biểu của Hải Phòng?
Dù vậy, chúng tôi vẫn đọc kĩ truyện cổ này để cố gắng truyền thụ những điều tốt đẹp đến học sinh nhằm phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, đúng như tinh thần của chương trình 2018.
Song, sau khi tìm hiểu, chúng tôi đành bất lực. Bởi lẽ trong truyện có quá nhiều chi tiết, yếu tố phản giáo dục", giáo viên phản ánh.
Theo đó, giáo viên nêu minh chứng, thứ nhất, câu chuyện mở đầu chuỗi sự kiện bằng chi tiết ghen tuông rồi đuổi vợ đi của Vạn Lịch. Với học sinh lớp 6 còn ngây thơ, chi tiết này có vẻ chưa đúng với độ tiếp nhận của các em.
Thứ hai, là việc Mai Thị tìm thấy vàng của Vạn Lịch. Cho dù biết rõ đây là vàng của Vạn Lịch, hai vợ chồng Mai Thị vẫn điềm nhiên sử dụng và trở nên giàu có.
Thậm chí, sau này, gặp lại Vạn Lịch, Mai Thị lại mỉa mai Vạn Lịch, khoe khoang về mình chứ không hề nhắc đến số vàng mình đã nhặt được của Vạn Lịch.
"Chúng tôi thực sự không hiểu tại sao cả một hội đồng viết cuốn tài liệu cho hàng chục nghìn học sinh lại có thể chấp nhận một nội dung phản giáo dục như vậy?
Chẳng phải tất cả chúng ta đều nằm lòng bài học về lòng trung thực và tự trọng? Chẳng phải chúng ta đều thuộc câu "nhặt được của rơi trả người đánh mất"?
Hay là giờ đây, với học sinh Hải Phòng, giáo viên chúng tôi phải ngậm ngùi dạy học sinh những điều ngược lại?", giáo viên nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, học sinh lớp 6 làm sao có đủ tư duy phản biện để hiểu đúng và sai một cách rạch ròi. Nhất là, khi trong sách lại có câu hỏi: "Theo em, qua truyện Đồng tiền Vạn Lịch nhân dân ta gửi gắm ước mơ về một cuộc sống như thế nào?".
Sách giáo viên gợi ý là "ước mơ về một cuộc sống sung túc, no đủ". Như thế có nghĩa là sách địa phương Hải Phòng muốn hướng học sinh đến việc mơ ước về cuộc sống no đủ bằng cách chiếm dụng của cải của người khác. Thật nguy hại biết bao!
Thứ ba, sự đổi đời của vợ chồng Mai Thị là do chữa được bệnh cho vua. Nhưng cái việc vua chữa bệnh cũng cần xem xét.
Truyện cổ này lí giải việc bị bệnh hay khỏi bệnh là liên quan đến tượng rồi đền. Tượng đổ thì bị ốm, tượng dựng lên thì hết ốm.
"Chúng tôi thấy thật nhảm nhí và thực sự không biết nên dạy học sinh thế nào.
Tóm lại, chúng tôi hoàn toàn không hiểu nổi vì sao Truyện Đồng tiền Vạn Lịch lại trở thành một bài học của học sinh lớp 6 phải học trong 2 tiết chính khóa. Vừa phản giáo dục vừa mê tín, phản khoa học vừa không chắc chắn là truyện cổ của Hải Phòng.
Đây là năm đầu tiên, nên có thể vẫn còn cơ hội sửa chữa, đính chính. Vì thế, chúng tôi phải lên tiếng để các thế hệ học sinh sau không phải học những bài học kì lạ như thế này nữa", giáo viên phản ánh.
Sở Giáo dục Hải Phòng lên tiếng
Theo ông Đỗ Văn Lợi - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, năm học 2021-2022, lớp 6 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong đó có nội dung giáo dục địa phương được xác định là một môn học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các địa phương viết nội dung, nội dung đó được viết dưới dạng các chủ đề theo nhiều lĩnh vực như: Các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương; các vấn đề về địa lý, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương; các vấn đề về chính trị - xã hội, môi trường của địa phương.
Giáo viên góp ý về câu truyện cổ Đồng tiền Vạn Lịch (Ảnh: Lã Tiến)
Tài liệu giáo dục địa phương được thẩm định qua 2 vòng do Hội đồng địa phương thẩm định, sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp nhận hồ sơ của Ủy ban nhân dân thành phố và thành lập hội đồng tư vấn phê duyệt tài liệu.
Trong quá trình thực hiện, ban biên soạn tổ chức kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện nội dung giáo dục địa phương làm căn cứ để tổ chức điều chỉnh, cập nhật tài liệu nếu thấy cần thiết và khi kết thúc năm học báo cáo về tình hình thực hiện nội dung giáo dục địa phương với Bộ Giáo dục và Đào tạo để theo dõi, chỉ đạo.
Phó giám đốc Đỗ Văn Lợi cho biết, Tài liệu Giáo dục địa phương khối 6 là tài liệu đầu tiên của cấp Trung học cơ sở ở nội dung này, ban biên soạn tài liệu đã tích cực để hoàn thiện, được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Hải Phòng là đơn vị hoàn thiện thứ 2 của cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tính đến thời điểm phê duyệt.
Tại buổi tập huấn về việc giảng dạy nội dung giáo dục địa phương, tuy chưa có bản sách in song Sở Giáo dục và Đào tạo đã gửi bản tài liệu điện tử để các nhà trường và giáo viên có tài liệu để tập huấn.
Theo ông Lợi, việc lựa chọn câu chuyện Đồng tiền Vạn Lịch để đưa vào chủ đề Truyện cổ Hải Phòng được dựa trên tiêu chí: truyện được lưu truyền và được người Hải Phòng kể từ bao đời với đặc thù địa phương là một vùng sông nước biển cả, có nhiều thương thuyền qua lại buôn bán từ rất lâu đời.
Đối với phản ánh của giáo viên về tính giáo dục của truyện: Khi đánh giá một tác phẩm văn học, cần có cái nhìn đồng đại (nghiên cứu vấn đề ở một thời điểm nhất định trong quá khứ hoặc hiện tại, đặt điểm nhìn vào cùng thời đại đó).
Tiếp nhận văn bản theo đặc trưng của văn học nói chung và đặc trưng của thể loại nói riêng (Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống và thực hiện chức năng giáo dục không chỉ thông qua những hình tượng nghệ thuật cao cả, lí tưởng mà ngay cả những hình tượng, chi tiết nghệ thuật phản ánh cái xấu, cái phản diện vẫn có ý nghĩa giáo dục.
Ví dụ: Chuyện người con gái Nam Xương: sự ghen tuông mù quáng của người chồng dẫn tới nỗi đau khổ, bất hạnh của người vợ; nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao,...);
Trong những truyện cổ tích tiêu biểu của Việt Nam là truyện Tấm Cám vẫn lưu truyền rộng rãi (dù có ý kiến cho rằng cô Tấm là người vô cùng dã man, tàn bạo). Nhân vật Tấm có ý nghĩa tượng trưng cho cái Thiện còn dì ghẻ, Cám tượng trưng cho cái Ác.
Quan điểm về thiện- ác, tốt-xấu,... có sự thay đổi theo thời gian, không gian, vùng miền, quốc gia, dân tộc...
Bởi vậy, khi hướng dẫn học sinh tiếp nhận văn bản, nhiệm vụ của giáo viên là khơi gợi, hướng dẫn để học sinh tìm hiểu, khám phá được giá trị của tác phẩm và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống sao cho phù hợp với quan điểm chuẩn mực của thời đại.
Trường Đại học Hồng Đức: Bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục để phát triển bền vững Hoạt động BĐCL là một quá trình thường xuyên, liên tục cải tiến, nên rất cần sự chia sẻ, thống nhất trong toàn thể giảng viên, cán bộ, nhân viên, người học để cùng hướng đến việc thực hiện thành công mục tiêu giáo dục của nhà trường; hoàn thiện hệ thống BĐCL bên trong, xây dựng văn hóa chất lượng - yếu...