Thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp: Công việc không chọn bằng cấp
VOV.VN – Là thạc sĩ, cử nhân mà chăn vịt, thả gà… có sao đâu khi đó là công việc chân chính, có ích cho gia đình và xã hội.
Thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp, ngoài chuyện “chảnh” không muốn làm các việc phổ thông vì đã có bằng cấp cao thì nhiều người rất muốn làm việc nhưng còn có tâm lý “ngại”. Họ sợ mang tiếng có bằng cấp mà phải làm những việc không phù hợp. Nhiều người chia sẻ do gia đình, họ hàng đặt quá nhiều hy vọng vào mình nên không thể đi làm những việc khác được. Vượt qua được suy nghĩ này, nhiều người sẽ tự giải thoát được cho mình.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà (sinh năm 1983) ở thị trấn Văn Giang (Văn Giang-Hưng Yên) chọn làm giàu bằng cách về quê chăn nuôi lợn.
Thực tế, đã có nhiều cử nhân, thạc sĩ giấu bằng cấp của mình đi để làm công nhân hoặc làm những việc không đúng với chuyên môn, ngành đào tạo của mình.
“Lý thuyết thì màu xám”, 4 năm học đại học, 2 năm thạc sĩ, các em chỉ được tiếp cận với lý thuyết suông. Nhìn vào đội ngũ giảng viên trong các trường đại học hiện nay thì thấy, nhiều người không có thực tế, ra trường thì ở lại, rồi học tiếp đến tiến sĩ… nhưng kinh nghiệm thực tế rất mỏng, không có. Chính vì thế, sản phẩm họ đào tạo ra là những sinh viên lơ ngơ, muốn dùng thì phải đào tạo lại. Nhiều em tốt nghiệp đại học, đi thử việc rồi mà kỹ năng sống rất “buồn cười”. Đến cơ quan đơn giản một câu chào cũng khó cất lên. Cả thời gian học việc thì chỉ đâu đánh đấy, chưa kể chỉ toàn làm hỏng; không có bất kỳ đề xuất nào; cơ quan có liên hoan thì chỉ biết dự còn không biết dọn dẹp cùng những người khác… đến mức tạo sự khó chịu cho những người xung quanh.
Vì sao lại có tình trạng này? Chính sự nuông chiều, đặt niềm tin thái quá của các bậc phụ huynh vào các em nên họ đã tạo ra những đứa con chỉ biết hưởng thụ, viển vông về một tương lai xán lạn mà không muốn mất mồ hôi công sức. Các em không muốn lăn lộn, không muốn “động chân, động tay”, và có thể nói là “lười lao động”, chỉ muốn hưởng thụ.
Trường cao đẳng, đại học mở ra ở khắp nơi, điều này có nghĩa mở ra nhiều lựa chọn cho các em thí sinh. Nhưng cũng giống như đi vào trong một khu chợ, đứng trước bao nhiêu mặt hàng, bạn chỉ nên chọn thứ nào phù hợp với mình và hãy là người tiêu dùng thông thái. Chọn trường, chọn nghề cũng vậy. Nếu thấy khả năng của mình không học cao, học rộng được thì nên dừng, đừng “cố đấm ăn xôi” chỉ “béo” mấy ông mở ra trường lớp mà thôi. Các cơ quan chuyên môn cần đưa ra thống kê cụ thể con số thất nghiệp ở nhóm ngành nào, trường nào (công lập hay dân lập) là nhiều nhất để định hướng cho sự lựa chọn trường lớp của các em.
Video đang HOT
Hạnh phúc nhất với mỗi người là được làm những việc theo đúng chuyên môn, sở thích của mình. Nhưng việc chọn nghề nhiều khi đâu phải do sở thích mà còn do cha mẹ lựa chọn. Chọn trường khi mới 17-18 tuổi thì sao có đủ trải nghiệm để biết sau này ra trường mình sẽ làm gì. Các em chỉ nhìn vào những chiêu PR của các trường để nuôi ước mơ sẽ vào một trường nào đó rất thời thượng cho bằng chúng, bằng bạn và để cha mẹ vui lòng. Rồi ra trường lại chỉ chăm chăm muốn ở lại thành phố. Đơn cử như ngành y, mỗi năm đào tạo ra hàng ngàn y, bác sĩ nhưng chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu. Các thành phố lớn thì quá tải, thừa chỉ tiêu, còn các địa bàn vùng sâu, vùng xa thì không kiếm nổi người làm. Thậm chí, các bạn học cử tuyển cũng tìm cách để ở lại thành phố. Lý do thì có nhiều nhưng một phần do cách giáo dục, nhìn nhận cuộc sống của các em.
Không biết có quá chủ quan khi đưa ra nhận xét này hay không, nhưng ở phía Nam có vẻ như các bạn trẻ dễ thích nghi với các loại công việc hơn phía Bắc. Trong quá trình đi công tác, tìm hiểu, tôi đã gặp nhiều bạn tốt nghiệp đại học, thạc sĩ (thậm chí ở nước ngoài về) nhưng vẫn lăn lộn nuôi tôm, nuôi cá, làm vườn… và đã trưởng thành. Nhiều người nắm trong tay lưng vốn hàng chục tỷ đồng khi tuổi đời mới trên dưới 30. Ở ngoài Bắc cũng có những bạn trẻ như thế nhưng rất hiếm. Tất nhiên, nhiều điều kiện ở các tỉnh phía Nam khác với phía Bắc nhưng sự lăn lộn, chịu khó thì ở đâu cũng cần.
Đành rằng có việc làm vẫn hơn là thất nghiệp và thực trạng thất nghiệp hay phải làm trái ngành, trái nghề không thể nói là bình thường vì nó gây lãng phí lớn cho xã hội, làm thụt lùi sự phát triển. Như nhiều bạn đọc đã chia sẻ với VOV.VN thì đây là “lỗi hệ thống” nên cần có những giải pháp cụ thể chấn chỉnh tình trạng mất cân đối trong đào tạo và sử dụng nhân lực cho đất nước./.
Theo VOV
9X giành học bổng toàn phần Đại học Oxford
Tốt nghiệp loại giỏi ngành Quảng cáo và Quan hệ công chúng Đại học quốc tế RMIT, nhưng Nguyễn Hồng Hải Đăng (SN 1991) rẽ ngang đi theo con đường nghiên cứu học thuật.
Với 2 năm nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, Đăng xuất sắc nhận học bổng Chevening học Thạc sĩ tại ĐH Oxford, Vương quốc Anh.
Hải Đăng (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng những người bạn của mình.
Rẽ ngang
Sinh ra và lớn lên ở TP HCM, tốt nghiệp THPT, Đăng trúng tuyển vào Đại học Quốc tế RMIT. Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, Đăng được chính giảng viên của cô tiến cử vào vị trí Trợ lý Nghiên cứu cho giáo sư tại Đại học quốc tế RMIT. Nhưng chính lúc này Đăng mới nhận ra ngành mình theo học những năm qua không phải là niềm đam mê mà cô hướng tới.
"Theo học chuyên ngành Truyền thông nhưng mình lại đam mê với các môn học đòi hỏi tư duy sâu, lý luận và nghiên cứu độc lập nhiều hơn các môn mang tính nghiệp vụ thực tiễn. Mình được các thầy cô trong chính ngành Truyền thông ủng hộ và tạo điều kiện cho tham gia nhóm nghiên cứu xã hội tại RMIT cùng với giáo sư Linda Brennan. Đây là sự khích lệ quý để mình có thể theo đuổi đam mê", Đăng bộc bạch.
Với sự giúp đỡ của thầy hướng dẫn và sự cố gắng nỗ lực của bản thân, Đăng xuất bản các công trình nghiên cứu của mình tại các hội nghị khoa học quốc tế và tạp chí khoa học chuyên ngành; giành giải Áp phích nghiên cứu hay nhất, cuộc thi Áp phích nghiên cứu của ĐH RMIT Việt Nam.
"Mình đặt mục tiêu giành học bổng Thạc sĩ tại Oxford vì đây là học viện đầu tiên và duy nhất trên thế giới cho tới nay giảng dạy và nghiên cứu về internet một cách chuyên sâu", Đăng chia sẻ.
Sự cố gắng được đền đáp khi năm 2014, Đăng chinh phục thành công học bổng toàn phần danh giá của Chevening của Bộ Ngoại giao Anh với tấm vé học Thạc sĩ tại ĐH Oxford. (Học bổng Chevening sẽ đài thọ toàn bộ học phí không vượt quá 12.000 bảng Anh, vé máy bay khứ hồi đến Anh, học bổng hàng tháng cùng một số phụ cấp).
Khát khao cống hiến
Tính tới thời điểm này, Đăng đã đi qua được phân nửa chương trình thạc sĩ khoa học kéo dài một năm của đại học Oxford. Đăng cho biết, sau khi học Thạc sĩ cô sẽ trở về Việt Nam công tác 2 năm, và sau đó hy vọng sẽ tìm được học bổng học Tiến sĩ. Lĩnh vực nghiên cứu Đăng theo đuổi (internet và truyền thông), ở Việt Nam còn hạn chế. Đăng hy vọng, khi về Việt Nam có thể nghiên cứu chuyên sâu về môi trường internet của nước nhà, đóng góp nghiên cứu của cô cho công tác làm luật internet.
"Môi trường internet ở Việt Nam có rất nhiều lĩnh vực cần tìm hiểu khoa học để có thể làm luật hiệu quả, theo tiêu chuẩn quốc tế. Đơn cử như tiêu chuẩn bảo vệ an toàn trẻ em trên mạng của Tập đoàn Viễn thông Quốc tế ITU. Mình rất hy vọng thực hiện được nghiên cứu trong lĩnh vực này để góp phần tạo nên môi trường internet an toàn và thân thiện hơn tại Việt Nam. Thành quả nghiên cứu của mình không chỉ truyền lại cho sinh viên ở giảng đường ĐH, mà còn có thể ứng dụng và mang đến chuyển đổi tích cực cho xã hội. Hiện mình có rất nhiều ý tưởng muốn thực hiện, nên cũng khá háo hức trở về để có thể về nước tìm cơ hội thực hiện", Đăng chia sẻ.
Tháng 2 năm nay, Đăng xuất bản thành công cuốn sách Tiếp thị xã hội và thay đổi hành vi: Mô hình, Lý thuyết và Ứng dụng (Social marketing and behaviour change: models, theory and application) cùng với 4 đồng nghiệp là Linda Brennan, Wayne Binney, Lukas Parker, và Torgeir Aleti, do nhà xuất bản Edward Elgar phát hành. Đề tài nghiên cứu Thạc sĩ Đăng đang thực hiện được Hiệp hội Quốc tế Nghiên cứu Truyền thông (International Association for Media and Communication Research) duyệt cho trình bày tại hội nghị thường niên tại Montreal (Canada) vào tháng 7 năm nay.
Chia sẻ về bí quyết xin thành công học bổng, Đăng cho biết, để gia tăng cơ hội đạt học bổng, các bạn nên tìm hiểu kỹ không chỉ về chương trình học bổng mà còn về tổ chức đứng sau học bổng: lịch sử, mục tiêu, tầm nhìn... Và quan trọng, hãy luôn theo đuổi ước mơ và đam mê của mình.
Nguyễn Hồng Hải Đăng xuất sắc giành nhiều giải thưởng cao trong học tập, nghiên cứu. Năm 2011, Đăng giành học bổng toàn phần cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc của ĐH RMIT Việt Nam và đạt công nhận thành tích học tập của tổ chức Danh dự quốc tế Golden Key.
Năm 2012, giành giải thưởng của Phó Chủ tịch hội đồng ĐH RMIT toàn cầu dành cho sinh viên xuất sắc, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc khóa 2012, ĐH RMIT Việt Nam;
Năm 2013, giành giải Áp phích nghiên cứu hay nhất, Triển lãm của Bảo tàng Quốc gia Úc Questacon: "Khoa học hấp dẫn di động", ĐH RMIT Việt Nam.
Năm 2014, giành học bổng Chevening của Bộ Ngoại giao Anh học Thạc sĩ tại ĐH Oxford.
Theo Quang Lộc/Báo Tiền Phong
Trường ĐH Cần Thơ mở thêm 2 ngành Tiến sĩ, 1 ngành Thạc sĩ GD&TĐ - Thông tin từ Trường ĐH Cần Thơ: Trường vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo 3 chuyên ngành mới ở trình độ sau đại học. Theo đó, nhà trường sẽ đào tạo trình độ Thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế học - mã số 60 31 01 01. Ở trình độ Tiến sĩ sẽ đào tạo...