Thắc mắc của học sinh khi giáo viên sai… chính tả
Người đứng trên bục giảng có những lỗi sai cơ bản từ dấu hỏi, dấu ngã, đến có “g”, không có “g” ở cuối. Sai nhiều vậy mà suốt tiết các giáo sinh thực tập và cả giáo viên hướng dẫn tiết dạy vẫn không nói gì để điều chỉnh.
Câu hỏi của một đứa cháu hàng xóm làm tôi giật cả mình, sững người lại dù là chuyện không mới. Cháu học lớp 6 ở một trường cấp II có tên tuổi trong thành phố này.
Thường ngày cháu vẫn hay chạy sang chơi. Hôm ấy, sau giờ học, cháu ôm cả cặp sách vào thẳng nhà gặp tôi với vẻ mặt nghiêm trọng. Và rồi, câu đầu tiên cháu hỏi tôi: “ Sao cô giáo mà lại viết sai chính tả nhiều đến thế hả chú?”.
Để rèn luyện cho các em “ văn hay chữ tốt”, chính các thầy cô phải tự rèn mình trước (ảnh chỉ có tính minh họa).
Hỏi đến ngọn ngành thì ra lớp cháu học đang có mấy em sinh viên sư phạm về thực tập dạy học và quản lý lớp. Ác một nỗi, ngay giờ giảng ngữ văn đầu tiên, giáo sinh thực tập đã viết sai khá nhiều lỗi chính tả ngay trên bảng đen. Điều ấy như một vết in ngay vào đầu những học sinh ngồi bên dưới. Từ dấu hỏi, dấu ngã cho đến có “g”, không có “g” ở cuối… và những lỗi sai cơ bản khác.
Cháu hàng xóm của tôi bảo cả lớp len lén nhìn nhau chứ không dám cười. Sai nhiều vậy mà suốt tiết các giáo sinh thực tập và cả giáo viên hướng dẫn tiết dạy vẫn không nói gì để điều chỉnh cả. Hình như không giáo viên hay giáo sinh thực tập nào phát hiện. Học sinh ngồi dưới thì càng ngày càng không thể tập trung vào bài học mà thi nhau đếm lỗi chính tả của cô giáo để rồi lại… nhìn nhau trong những nỗi sợ. Tiết học cứ nặng nề trôi qua như một cực hình.
Trước câu hỏi bất ngờ của cháu hàng xóm, tôi phải vò đầu suy nghĩ rất lâu. Tôi cũng từng được đào tạo sư phạm, cũng đã có những tháng ngày đứng trên bục giảng dạy môn ngữ văn với tư cách giáo sinh thực tập. May mắn, trong những lỗi tôi mắc phải trong giờ giảng không có lỗi viết sai chính tả. Tôi cho đó là một may mắn, bởi không ai dám chắc là cả đời mình không viết sai một lỗi chính tả vì bất cứ lý do gì chăng nữa.
Video đang HOT
Nhưng các bạn cùng khóa của tôi cũng có người mắc lỗi sai chính tả, dù không nhiều lắm. Ngay khi ngồi trên giảng đường, các thầy cô giáo giảng dạy chúng tôi cũng không quan tâm lắm đến việc điều chỉnh những lỗi sai chính tả của sinh viên mình. Thậm chí có thầy còn bảo sửa lỗi chính tả là nhiệm vụ của thầy cô giáo cấp I chứ không phải của giảng viên đại học.
Đành phải trả lời với cháu hàng xóm bằng một cách khác. Tôi bảo với cháu rằng ngày trước tôi cũng từng đi thực tập sư phạm, dạy ngữ văn cấp II. Lần đầu tiên lên bục giảng rất là run. Mà khi run, mỗi người sẽ có những biểu hiện bất thường khác nhau. Mà riêng giáo sinh thực tập ở lớp cháu biểu hiện là viết sai nhiều lỗi chính tả.
Cháu bé gật gù ra về, nhưng trông có vẻ vẫn chưa đồng ý lắm với cách giải thích của tôi. Nhưng tôi không thể nói toạc với cháu là trường đại học đào tạo “cô giáo” của cháu và cũng là đào tạo tôi không quan tâm đến việc định hướng, giúp sinh viên sư phạm sửa dần những lỗi sai chính tả ngay khi ngồi trên giảng đường. Bởi thế, cháu về rồi, lòng tôi càng day dứt hơn…
Tôi đã không được chọn bảng đen phấn trắng là nghề sau khi tốt nghiệp sư phạm ngữ văn, điều ấy không biết đáng buồn hay đáng vui. Vì đôi khi nghĩ lại thấy mình vẫn chưa đủ kiến thức và tư cách để đứng trên bục giảng dạy một đứa trẻ (chứ chưa nói đến nhiều đứa trẻ) sau những năm được đào tạo ở trường đại học. Và mỗi lần nghe chuyện của hàng xóm, của bạn bè cùng lớp giờ đã đi dạy mà thấy lòng nặng trĩu. Như chuyện lỗi chính tả mà cháu hàng xóm tôi nói chẳng hạn.
Nếu ngay từ trên ghế nhà trường, sinh viên sư phạm ý thức được mình sau này sẽ là giáo viên, nhà trường ý thức được mình sẽ cho ra lò những thầy cô giáo thì có lẽ không có những chuyện dở khóc dở cười về giáo viên được kể vô cùng tận…
Theo Tuổi Trẻ
Niềm vui sau bục giảng của giáo viên cắm bản
"Niềm vui lớn nhất của giáo viên bản lẻ là được thấy các em biết đọc, biết viết, biết nói tiếng phổ thông...", thầy Bùi Văn Hảo - hiệu phó Trường tiểu học Hữu Khuông, xã biên giới Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An) chia sẻ.
Nếu niềm vui của giáo viên (GV) sau bục giảng là được quây quần bên gia đình, với bữa cơm ngon, canh ngọt thì những thầy cô giáo dạy ở các bản lẻ của huyện Tương Dương (Nghệ An) lại lấy niềm vui sau giờ lên lớp là được nhìn thấy các em học sinh (HS) biết đọc, biết viết chữ nhiều hơn, được nhận niềm tin yêu và tình cảm từ phụ huynh và HS đồng bào dân tộc thiểu số nơi họ công tác.
Nhà ở của giáo viên và học sinh xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An).
Bì bõm vượt bao cơn khe, suối, cheo leo sườn núi đá, chúng tôi đến với khối lớp học tại bản Pủng Bón, xã Hữu Khuông, huyện biên giới Tương Dương, Nghệ An. Trước mặt là núi rừng hiểm trở, xung quanh là những hòn đá trơ trọi, buổi chiều nơi đây với những cơn gió lạnh miền non cao làm chúng tôi ớn lạnh.
Nhà bếp của các em học sinh Hữu Khuông.
Thấy khách lạ, các cô giáo vội xếp gọn củi khô và túi măng rừng mà các cô vừa tranh thủ hái lúc tan học về để làm bữa tối. Trong căn lều tranh trống trải, nơi 4 GV giảng dạy và sinh hoạt có 2 cái sạp tre tạm bợ được dùng làm giường, làm ghế, còn chiếc bàn gỗ ọp ẹp cũng được chở từ điểm trường chính vào để các GV dùng soạn bài hay "phục vụ" những buổi phụ đạo cho HS.
Khối lớp Pủng Bón là một trong 6 điểm lớp của Trường tiểu học Hữu Khuông, lớp cách xa điểm trường chính hơn 4 giờ đi bộ, đường khe, núi hiểm trở. Dù đã quen với cuộc sống phố sá nhộn nhịp, đèn điện lung linh nhưng khi vào đây công tác, các GV tìm niềm vui với những giỏ măng, cọng rau rừng và sự yêu mến của phụ huynh, HS.
Tiếp chuyện với chúng tôi cô giáo Nguyễn Thị Hiền - khối lớp bản Con Phen - Trường Tiểu học Hữu Khuông tâm sự: "Là một GV dạy ở xã vùng khó khăn nhất của huyện Tương Dương, buồn lắm nhưng chúng tôi luôn tự động viên nhau để dạy và hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi rất thương và yêu quý các em nơi đây. Mặc dù nhà công vụ GV không có, chỉ ở tạm bợ như nhà báo thấy đó nhưng vì tương lai chúng tôi lại động viên nhau bám trụ thôi. Tôi là GV dạy nhạc nên không chỉ cắm ở Pủng Bón mà hàng ngày tôi còn phải đi các bản khác nữa, nhiều khối lớp phải đi 3-4 tiếng đồng hồ mới đến nhưng các em vui, phụ huynh vui tôi cũng quên đi cái khó khăn để cùng vui".
Trường Tiểu học xã Hữu Khuông cách trung tâm huyện 5 giờ đồng hồ đường thủy, có 7 điểm lớp, với gần 300 HS và 37 cán bộ, GV. Các em HS nơi đây 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Ở đây không quán sá, chợ búa, không điện thắp sáng, không điện thoại... nên cuộc sống của các GV cắm bản phần lớn phải "tự cung, tự cấp". Sau mỗi buổi học lên lớp, họ lại cùng nhau lên rừng hái măng, hái rau làm thức ăn. Còn các nhu yếu phẩm khác thì được mang từ thị trấn vượt lòng hồ thủy điện Bản Vẽ đi vào.
Học sinh đến trường.
Dù cuộc sống GV cắm bản khó khăn như vậy nhưng họ vẫn vui, vẫn đầy nhiệt huyết mang con chữ đến với các em HS người đồng bào nơi đây. Sau mỗi bữa ăn tối, GV lại tiếp tục kèm cặp phụ đạo cho các em, thấy các em say sưa học bài là niềm vui của họ. Vào những dịp lễ Tết, họ nhận được những món quà đặc biệt. Không phải hoa, không phải những món đồ đắt tiền mà là những thứ dân dã như chuối, rổ măng rừng, cân nếp hương hay bế củi khô... Chỉ thế thôi cũng làm các cô thấy ấm lòng, bởi nó là cả tấm lòng chân thành của các em.
Thầy Bùi Văn Hảo - Hiệu phó trường Tiểu học Hữu Khuông chia sẻ: "Là điểm trường vùng sâu, xa của huyện, niềm vui lớn nhất của GV bản lẻ Trường tiểu học Hữu Khuông chúng tôi chủ yếu là được thấy các em biết đọc, biết viết, biết nói tiếng phổ thông. Ngoài giờ lên lớp, GV nơi đây tranh thủ cùng các em HS làm vườn trồng rau, tổ chức cho các em vui chơi các trò dân gian, văn hóa văn nghệ, ngoài ra còn giao lưu với bà con dân bản. Ở đây bà con rất yêu quý xem như người thân nên cũng thấy vơi đi nỗi buồn xa nhà".
"Mặc dù trong nhiều năm qua, huyện Tương Dương đã tạo mọi điều kiện để GV cắm bản lẻ phần nào yên tâm công tác, nhưng là một trong những huyện nghèo của tỉnh Nghệ An, nên tất cả các điểm ở bản lẻ phần lớn về cơ sở vật chất lớp học còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay cả huyện có gần 400 lớp học, với gần 15 nghìn HS, trong đó có trên 100 phòng học tạm và mượn, có gần 1.700 bộ bàn ghế xuống cấp. Toàn ngành giáo dục có 1.551 cán bộ, GV, thì có đến gần 50% trong tổng số trên 1.000 GV bậc Mầm non và Tiểu học phải giảng dạy ở các điểm bản lẻ, họ phải tự xem lớp học là nhà, học trò là gia đình, miệt mài với những trang giáo án viết tay. Niềm vui lớn nhất đối với họ là các em HS được đến lớp học chữ" - thầy Nguyễn Văn Hạnh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tương Dương cho biết.
Thầy Hạnh cũng cho biết thêm: "Trong những năm gần đây, Nhà nước có nhiều chương trình, dự án đầu tư xây dựng nhà công vụ cho GV, trong có có mấy điểm lẻ thuận lợi. Tuy nhiên các điểm vùng xa, biên giới chưa được hưởng nhà công vụ kiên cố nhưng bù lại họ nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Cấp ủy ban quản lý các bản, các em HS. Các GV đã nhận được món quà tình cảm từ đồng bào, chi bộ các bản, động viên chia sẻ".
Khó khăn là vậy nhưng những GV cắm bản lẻ ở các điểm trường huyện Tương Dương nơi miền sơn cước hẻo lánh luôn mang trong mình khát vọng ươm nên những mầm xanh để góp phần vào mang con chữ Bác Hồ về với bản nghèo nơi họ công tác. Những đóng góp đó của họ được đền đáp bằng những nụ cười và hạnh phúc của thế hệ học trò nơi đây.
May Huyền - Lany Nguyễn
Theo dân trí
Bí quyết giành học bổng sau đại học Để lấy được học bổng sau đại học ở Nhật, điều quan trọng là viết kế hoạch nghiên cứu rõ ràng, chi tiết và thuyết phục được giáo viên hướng dẫn về kế hoạch của mình Tôi rất thích văn hóa Nhật nên đã chọn học tiếng Nhật khi vào đại học. Với mục đích học chuyên sâu vào ngành yêu thích là...