Thả nổi tiếng Anh mầm non – Kỳ 5: Bộ GD-ĐT yêu cầu dừng ngay
Qua loạt bài Thả nổi tiếng Anh mầm non đăng trên Báo Thanh Niên từ ngày 5.11, bà Nguyễn Thị Nghĩa (ảnh), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thanh Niên và cho biết quan điểm của Bộ về vấn đề này.
Bà Nghĩa khẳng định: “Cảm ơn Báo Thanh Niên đã phản ánh rất kịp thời về vấn đề này. Bộ sẽ có chấn chỉnh, yêu cầu ngừng ngay việc dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non dưới mọi hình thức, kể cả chương trình ngoại khóa khi chưa có chỉ đạo của Bộ. Thực ra không chỉ tiếng Anh mà hiện nay nhiều trường mầm non đưa vào nhiều chương trình khác ngoài chương trình của Bộ như toán siêu tốc, học chữ… cũng liên kết với các công ty. Bộ biết việc này từ trước và đã có Công văn số 7679 ban hành ngày 22.10.2013, trong đó nêu rõ các trường không dạy ngoài chương trình, không quảng bá tiếp thị chương trình chưa được Bộ cho phép áp dụng… và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”.
Mọi hình thức liên kết đều không đúng quy định
Bà Nguyễn Thị Nghĩa
Hình thức phổ biến nhất của các trường hiện nay là có sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT liên kết với các trung tâm hoặc công ty ở bên ngoài để đưa máy móc, thiết bị và giáo viên vào giảng dạy cho học sinh và thu một khoản học phí khá cao. Bà có nhận xét gì về việc liên kết này?
Mọi hình thức liên kết đều không đúng quy định với mầm non. Ở cấp tiểu học có chỉ đạo, có công khai chương trình nào đã được thẩm định… vì bậc học này có cho phép đưa tiếng Anh vào giảng dạy như môn học tự nguyện đối với học sinh lớp 1 ,2 (ngoài chương trình ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3). Còn mầm non thì Bộ không cho phép nên không có chỉ đạo. Anh muốn dạy thì anh phải có đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình… Còn liên kết mà anh phó mặc cho công ty cũng không được. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra thêm thực tế tổ chức thí điểm ở các địa phương, cách lựa chọn đối tác liên kết.
Việc đầu tư phòng lab, cho trẻ học tiếng Anh bằng những thiết bị máy móc liệu có phải là cách làm phù hợp không, thưa bà?
Giáo viên phải thật chuẩn Theo kết luận tạm thời của đề tài nghiên cứu về việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ của Viện Khoa học giáo dục: Về cơ sở lý luận ở hội đồng cấp cơ sở thì có thể cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh nhưng phải có điều kiện. Thứ nhất là chương trình; thứ hai, rất quan trọng, là giáo viên phải thật chuẩn. Lý do, ở lứa tuổi này ta dạy các cháu những gì không chuẩn thì sau này rất khó sửa. Chính vì thế lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo phải rất thận trọng khi quyết định cho triển khai thí điểm hay không thí điểm. PGS-TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non
Cũng cần phải xem lại việc tổ chức cho trẻ mầm non làm quen với máy tính ở các trường mà Hà Nội thí điểm vì lứa tuổi này không nên tiếp xúc nhiều với máy tính mà cần các hoạt động thực tế.
Đây là vấn đề phức tạp, cần cân nhắc mọi khía cạnh
Video đang HOT
Bộ có cảnh báo hoặc khuyến cáo gì với các cơ sở GD-ĐT khi cho phép đưa tiếng Anh vào trường mầm non và giảng dạy như một môn năng khiếu (tự nguyện)? Có phải cứ đưa vào như một môn học “tự nguyện” thì phụ huynh sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự lựa chọn của mình?
Tự nguyện cũng phải có chương trình, mà chương trình đó phải được thẩm định và cho phép, phải có giáo viên, phải đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất… Không phải nói tự nguyện là phó mặc cho phụ huynh được. Nhiều khi mình cứ lấy cớ đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, áp dụng tùy tiện theo xu hướng không lành mạnh, không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mà còn ảnh hưởng tới uy tín của các cơ sở giáo dục mầm non. Cái này Bộ sẽ có chấn chỉnh: làm thế nào phải vì quyền lợi của trẻ. Không thể vì đáp ứng nhu cầu của phụ huynh mà phó mặc cho phụ huynh.
Việc đưa tiếng Anh vào làm quen trong trường mầm non là vấn đề phức tạp. Nó phải gắn với chương trình giáo dục mầm non nên không chỉ đơn giản lấy chương trình nào đó bên ngoài đưa vào chương trình mầm non.
Với điều kiện như hiện nay, Bộ GD-ĐT có dự định đưa tiếng Anh vào giảng dạy trong trường mầm non hay không, thưa bà?
Căn cứ vào đề xuất của đề tài nghiên cứu Cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh mà Bộ giao cho Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thực hiện, cân nhắc kỹ mọi khía cạnh, Bộ mới đưa ra quyết sách cụ thể, chúng tôi sẽ có quyết sách sau. Trẻ mầm non được học tiếng Anh thì rất tốt nhưng lấy đâu ra giáo viên để dạy, đó là vấn đề. Hiện nay, giáo viên mầm non cả nước còn đang thiếu chứ chưa nói đến giáo viên tiếng Anh để dạy cho mầm non. Nên trước mắt, Bộ không chỉ đạo đưa tiếng Anh vào dạy trong mầm non. Phát âm mà sai ở mầm non sau này lớn lên rất khó sửa. Một vấn đề nữa là chương trình đưa vào phải phù hợp với trẻ, với chương trình mầm non đang được áp dụng, tránh gây quá tải cho trẻ.
Thống nhất để quản lý chất lượng !
Sau nhiều lần liên lạc, đến ngày 7.11 bà Trần Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, mới chính thức trả lời phóng viên Thanh Niên những vấn đề liên quan đến việc đưa tiếng Anh vào giảng dạy ở trường mầm non của TP.HCM.
Bà Thanh cho rằng trước đây, nếu trường nào có điều kiện thì họ tự chọn đơn vị dạy tiếng Anh và ký hợp đồng thực hiện hoạt động ngoại khóa cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Nhưng thời gian gần đây, nhận thấy nếu để các trường tự chủ động như thế sẽ không có sự thống nhất và sở khó quản lý về mặt chất lượng. Do vậy sở đã chỉ đạo phòng giáo dục các quận, huyện phải quản lý hoạt động này, dù đây chỉ là một hoạt động ngoại khóa. “Chúng tôi tổ chức nhiều hội thảo, cuộc họp, dần xác định được đơn vị nào có chương trình phù hợp với lứa tuổi mầm non và đáp ứng được chất lượng giáo viên. Sở giới thiệu một số đơn vị, như: Cambridge, Poly, Ngoại ngữ Tân Văn, Không gian xanh… đến các phòng giáo dục, các trường. Thực chất, quyền chọn chương trình nào là do các trường, chúng tôi không hề bắt buộc”, bà Thanh nói.
Tuy nhiên, như trên số báo ra ngày 6.11, theo phản ảnh của lãnh đạo các trường mầm non mà chúng tôi gặp gỡ, năm học này Sở GD-ĐT chỉ chính thức giới thiệu trung tâm Poly để liên kết giảng dạy.
Yêu cầu báo cáo với Bộ trước ngày 22.11
Bà Nguyễn Thị Nghĩa cho biết Bộ cũng đã yêu cầu các sở GD-ĐT Hà Nội và TP.HCM có công văn báo cáo, kiểm tra xử lý việc đưa ngoại ngữ vào dạy trong trường mầm non trước ngày 22.11. Sắp tới nếu có tình trạng này ở các địa phương khác Bộ cũng sẽ yêu cầu chấm dứt. Đây rõ ràng là dạy ngoài chương trình, Bộ không chỉ đạo. Mặc dù ở mầm non nếu có thì cũng chỉ là làm quen với ngoại ngữ chứ không dạy nhưng Bộ cũng không cho phép như thế.
Theo TNO
Thả nổi tiếng Anh mầm non - Kỳ 4: Dạy chưa chuẩn sẽ rất khó khắc phục
Cho con học ngoại ngữ ở độ tuổi nào phù hợp, học như thế nào hợp lý... là những băn khoăn của phụ huynh khi cho con tiếp xúc với tiếng Anh. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Ian Kitching, Trưởng điều phối giáo viên Trung tâm Hội đồng Anh - Lê Quý Đôn tại TP.HCM, xung quanh vấn đề này.
Hiện nay, hầu hết các trường mầm non tại TP.HCM và Hà Nội đều đưa tiếng Anh vào dạy cho trẻ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Sở dĩ chúng tôi chọn Hội đồng Anh vì muốn có cái nhìn khách quan, do đến nay đây là một trong những trung tâm dạy tiếng Anh chưa có chương trình Anh văn cho thiếu nhi.
Ở VN, nên học tiếng Anh từ 6 tuổi
Ông Ian Kitching
Theo kinh nghiệm của ông, trẻ em nói chung và ở VN nói riêng nên bắt đầu học tiếng Anh khi lên mấy tuổi?
Trên thực tế, trẻ em có thể bắt đầu học bất cứ một ngoại ngữ nào, bao gồm cả tiếng Anh ngay từ khi còn nhỏ. Theo khảo sát, trẻ em ở độ tuổi từ 10 - 13 sẽ rất dễ quên kiến thức ngoại ngữ đã học được nếu không tiếp tục học ngoại ngữ đó, tuy nhiên việc này cũng còn phụ thuộc vào khả năng của từng bé cũng như văn hóa, nếp sống ở từng địa phương.
Sau hơn 8 năm làm việc ở VN, tôi khuyên các bậc phụ huynh nên cho con em mình học tiếng Anh từ năm 6 tuổi bởi vì ở độ tuổi này, bé đã vào học lớp 1 nên có thể dễ dàng làm quen và tiến bộ nhanh chóng trong việc học tiếng Anh.
Hiện nay một số trường mầm non đưa tiếng Anh vào chương trình giảng dạy cho trẻ, theo ông điều đó có thực sự cần thiết hay không?
Việc giáo viên VN dạy tiếng Anh trong trường học cũng là một ý tưởng hay. Tuy nhiên, trong thực tế, nếu giáo viên phát âm tiếng Anh chưa chuẩn thì các bé sẽ bị sai theo, điều này rất khó khắc phục khi các em lớn lên.
Cách tốt nhất để giúp bé làm quen với tiếng Anh tại trường mẫu giáo là qua phim ảnh và âm nhạc. Trẻ em thường rất thích ca hát và xem phim, qua đó, các em có thể luyện phát âm tốt hơn đúng theo giọng của người bản xứ. Cách học này không chỉ thú vị mà còn rất hiệu quả.
Tôi khuyên các bậc phụ huynh nên cho con em mình đi học tiếng Anh từ năm 6 tuổi bởi vì ở độ tuổi này, bé đã vào học lớp 1 nên có thể dễ dàng làm quen và tiến bộ nhanh chóng trong việc học tiếng Anh Ian Kitching_ Trưởng điều phối giáo viên _Trung tâm Hội đồng Anh - Lê Quý Đôn, TP.HCM
Phát âm rất quan trọng, vậy giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ có cần phải là người đến từ các quốc gia nói tiếng Anh không, thưa ông?
Dĩ nhiên rồi. Bởi vì muốn phát âm chuẩn thì trẻ em nên được dạy bởi giáo viên bản ngữ. Có những khác biệt rất lớn về ngữ âm và tiếng địa phương trong các nước nói tiếng Anh bản ngữ nhưng tất cả đều chấp nhận được. Tiếng Anh thực sự là một ngôn ngữ quốc tế và rõ ràng không có tiêu chuẩn nào cho việc phát âm tiếng Anh. Trọng tâm của cách phát âm là dựa trên giao tiếp và miễn là hầu hết người bản ngữ có thể hiểu được nó thì đây được xem là cách phát âm chính xác.
Cho trẻ cơ hội khám phá
Theo ông, trẻ nên dành bao nhiêu thời gian trong một ngày để học tiếng Anh?
Ở VN, trẻ em phải học thêm rất nhiều và việc này cần được các bậc phụ huynh xem xét thật kỹ. Thay vì bắt các bé học quá nhiều, phụ huynh nên chú trọng đến chất lượng của việc học. Là một phụ huynh, tôi tin rằng cách học hiệu quả nhất là cho trẻ cơ hội khám phá những gì trẻ thích học và những gì trẻ thật sự có năng khiếu. Cha mẹ cần cung cấp cho trẻ cơ hội để học tập nhưng cũng nên giới hạn thời gian học cho trẻ. Mỗi ngày, cha mẹ chỉ nên cho trẻ học từng chút một, sẽ tốt hơn rất nhiều. Tại Hội đồng Anh, giáo viên của chúng tôi cho rằng mỗi ngày trẻ em dành khoảng 20 - 30 phút để học tiếng Anh là hoàn hảo.
Ngoài việc tham gia các lớp tiếng Anh, theo ông trẻ có thể học tiếng Anh qua các kênh nào khác?
Internet là nguồn thông tin khổng lồ cho việc học tiếng Anh, và điều tuyệt vời là hầu hết các tài liệu học tập trên internet đều miễn phí.
Nguồn tài liệu học tiếng Anh miễn phí
- Các trang web: www.learnenglishkids.britishcouncil.org,www.learnenglishteens.britishcouncil.org, www.funenglishgames.com,www.youtube.com/user/BritishCouncilEKids, www.bbc.co.uk/newsround
- Trên truyền hình có các kênh như Cartoon Network, Star TV và Disney Channel. Phụ huynh cũng có thể mua một số chương trình truyền hình trẻ em cổ điển như "Rainbow", "Play School" hay "Sesame Street".
- Các ứng dụng có thể tải về miễn phí ở smartphone hoặc iPad để trẻ học tiếng Anh như: Learn English, Audio & Video, Big City, Word Challenge và Learn English Grammar.
Theo TNO
Thả nổi tiếng Anh mầm non - Kỳ 3: Chưa có quy định về trình độ giáo viên Khoảng 30 trường mầm non công lập ở Hà Nội đang thực hiện thí điểm chương trình làm quen với tiếng Anh, trong đó giáo viên chỉ cần yêu cầu có chứng chỉ tiếng Anh A, B, C. Giờ học làm quen tiếng Anh của học sinh Trường mầm non 20.10 (Hà Nội) - Ảnh: Minh Anh Lại tiếp tục thí điểm Bà...