Thả cá, phóng sinh ồ ạt dịp lễ Tết – tạo phúc hay gây tội?
Dù có mục đích ban đầu tốt đẹp, phóng sinh trong các dịp lễ Tết ngày càng bị thương mại hóa và có thể gây hại nhiều hơn lợi, đặc biệt đối với môi trường.
Phóng sinh là nghi thức không thể thiếu với gia đình chị Lê Thị Hà Thanh (32 tuổi, Quảng Bình) trong các dịp lễ Tết. Vào ngày Tết ông Táo (23 tháng Chạp), lễ Phật Đản (15/4 âm lịch) và lễ Vu Lan (15/7 âm lịch) những năm trước, nhà chị Thanh thường thả chim nhà nuôi hoặc cá mua ở chợ.
Tuy nhiên, dịp 23 tháng Chạp năm nay, nghe lời hàng xóm giới thiệu, bố mẹ chị Thanh quyết định đặt mua cá chép đỏ trên mạng. Cá chép đỏ được bán lẻ với giá một bộ 3 con 50.000 đồng, chưa bao gồm phí vận chuyển đến tận nhà.
“Cũng không đắt đỏ gì, vừa tiện mà nhìn màu sắc cũng ưng mắt”, mẹ chồng chị Thanh nói.
Tuy nhiên, ý định của hai ông bà không được con cháu trong nhà ủng hộ. Theo vợ chồng chị Thanh, phóng sinh là việc tốt song nên đơn giản mà thành tâm hơn coi trọng hình thức.
“Chưa kể cá chép mua không rõ nguồn gốc, mang về phóng sinh chưa chắc đã sống nổi mà còn có thể có hại cho môi trường”, chị Thanh cho biết.
Thả cá chép tiễn ông Táo chầu trời trở phong tục truyền thống của người Việt. Ảnh: Lê Quân.
Phóng sinh là tập tục truyền thống phổ biến tại các nước chịu ảnh hưởng mạnh bởi đạo Phật, trong đó có Việt Nam. Nhiều người tin rằng bằng cách thả những con vật bị giam giữ, nuôi nhốt về lại với thiên nhiên, họ đang làm việc thiện và tạo ra công đức.
Tuy nhiên, dù có mục đích ban đầu tốt đẹp, thả cá tiễn ông Táo chầu trời nói riêng hay nghi lễ phóng sinh trong các dịp lễ Tết nói chung ngày càng bị thương mại hóa và có thể gây hại nhiều hơn lợi, đặc biệt đối với môi trường.
Phá vỡ cân bằng hệ sinh thái
Không chỉ có ở Việt Nam, phóng sinh cũng là nghi thức phổ biến trong các dịp lễ Tết tại Trung Quốc và thường được biết đến với tên gọi fangsheng. Trong những năm gần đây, khi fangsheng ngày càng được thương mại hóa, nó cũng châm ngòi nhiều cuộc tranh cãi tại đất nước tỷ dân.
Nhiều nhà phê bình cho rằng hàng triệu người tham gia nghi thức fangsheng mỗi năm giờ đây đang đi ngược lại với những tôn chỉ tốt đẹp ban đầu họ đặt ra và gây tổn hại cho môi trường.
Theo bà Zhou Canying – giám đốc Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) – việc thả động vật vào tự nhiên một cách mù quáng, thiếu các hướng dẫn khoa học sẽ làm tổn hại nghiêm trọng môi trường sinh thái.
Các báo cáo khoa học gần đây cho thấy nhiều loại động vật được phóng sinh như rùa tai đỏ, rùa cá sấu, cá da trơn… trong mỗi dịp lễ Tết đã đe doạ sự sống của các loại động vật bản địa, cân bằng hệ sinh thái ở sống Dương Tử, Tương Giang…
Người Trung Quốc phóng sinh trong các dịp lễ Tết. Ảnh: Sina, Sixth Tone.
“Rùa tai đỏ là một trong những loài nguy hiểm, có thể tàn phá hệ sinh thái nước ngọt khi chúng ăn hầu hết mọi thứ. Tuy nhiên, ngoài các loại được cảnh báo nguy hiểm, kể cả khi mọi người mua cá tại ngay địa phương để phóng sinh vẫn có khả năng chúng đã được lai giống và sẽ làm ô nhiễm nguồn gen cá được nuôi ở địa phương”, bà Zhou giải thích.
Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã nhận được khoảng 700 cuộc gọi mỗi năm yêu cầu giải cứu động vật được phóng sinh trước đó, trong số đó bao gồm nhiều loài không thuộc bản địa bị thả vào môi trường sống không phù hợp, theo bà Zhou.
Luật Bảo vệ Động vật hoang dã của Trung Quốc không cấm thả động vật vào tự nhiên, nhưng nhấn mạnh chúng phải là loài bản địa và không gây hại cho hệ sinh thái.
Tỉnh Thanh Hải, nơi người Tây Tạng theo đạo Phật chiếm đa số, đã cấm phóng sinh các loài không thuộc bản địa, giống hỗn hợp hoặc biến đổi gen ở tất cả các con sông trong tỉnh.
Nhiều nước cấm thả động vật vào tự nhiên
Ngoài những cảnh báo tiêu cực đối với môi trường, việc phóng sinh còn không có ích khi trên thực tế 80-90% các loại vật chết chỉ sau một ngày được thả ra tự nhiên do kiệt sức, thương tích, săn bắt…, theo Ủy ban Công viên Quốc gia Singapore.
Nhà nghiên cứu Phật giáo Chan Chow Wah cho rằng việc phóng sinh sẽ không phải là vấn đề nếu được thực hiện trong bối cảnh phù hợp, ví dụ như thả tự do một động vật hoang dã về môi trường sống ban đầu của nó. Tuy nhiên, nhiều nơi chỉ bán các động vật vốn được nuôi nhốt nên việc phóng sinh trở nên vô nghĩa vì chúng không có khả năng sinh tồn trong tự nhiên.
Nhà nghiên cứu David Tan tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cũng khuyến cáo rằng động vật được thả ra nhiều khả năng sẽ chỉ trở thành con mồi của các loại vật khác.
Phóng sinh với mục đích làm việc thiện nhưng nếu không đúng cách có thể gây hại cho môi trường, động vật. Ảnh: Ngọc An.
Tại Singapore, thả động vật vào tự nhiên là bất hợp pháp. Theo Đạo luật Công viên và Cây xanh, những người bị bắt vì thả thú có thể bị phạt tiền 50.000 SGD (khoảng 37.000 USD) và phạt tù 6 tháng.
Ngoài Singapore, Anh cũng là một trong những quốc gia có quy định cứng rắn về việc thả động vật vào tự nhiên.
Năm 2017, hai người Đài Loan sống ở London (Anh) bị phạt 28.000 bảng (36.000 USD) vì thả tôm hùm và cua lạ xuống biển ngoài khơi Brighton trong một dịp phóng sinh, theo Guardian.
Theo Neena Mahadev, GS Nhân chủng học thuộc Đại học Yale, trách nhiệm của con người khi trả các loài vật về với tự nhiên là phải đảm bảo chúng có thể hòa nhập và tiếp tục sinh sống.
“Nếu không, việc phóng sinh chẳng khác gì sát sinh. Để giữ tục phóng sinh, cần phải lập danh sách những động vật có thể được thả vào tự nhiên và môi trường phù hợp với chúng”, ông Mahadev cho biết.
Theo news.zing.vn
Độc đáo loài chim mệnh danh "chiến đấu cơ", nhanh nhất hành tinh
Chim cắt lớn là loài động vật nhanh nhất hành tinh khi sở hữu tốc độ lên tới 322km/h. Loài chim này có thể tìm thấy gần như mọi nơi trên thế giới, thậm chí là cả ở khu vực lãnh nguyên Bắc Cực.
Chim cắt lớn có chiều dài cơ thể khi trưởng thành từ 34cm - 58cm, sải cánh từ 74cm - 120cm. Ảnh: britannica.
Chim cắt lớn có tới có 3 mi mắt, trong đó 2 mi mắt để đóng mở mắt và mi mắt cuối cùng chỉ chuyên làm nhiệm vụ chớp mắt, giữ cho mắt đủ ẩm và loại bỏ bụi bẩn.
Thậm chí, mi mắt thứ 3 này có khả năng nhìn xuyên thấu nên nó vẫn có thể quan sát trong khi mi mắt này đóng lại.
Chim cắt lớn là sinh vật nhanh nhất hành tinh khi nó có thể đạt tốc động cao nhất ở những cú liệng xuống dưới, theo ước tính hơn 322 km/giờ.
Chim cắt lớn còn sở hữu một vách ở hốc mũi để làm chậm tốc độ dòng khí đi vào phổi. Ảnh: tiplingprints.
Những con mồi của chim cắt lớn gồm bất kỳ loài chim vừa và nhỏ. Đôi khi nó còn săn bắt cả các loài động vật có vú hay bò sát nhỏ.
Chim cắt lớn là một loài chim chung thủy. Chim trống và chim mái sẽ bắt cặp rồi sống với nhau trọn đời, trong một tổ được làm trong hốc ở mép vách đá.
Mời quý vị xem video: 10 loài chim kỳ quái không thuộc về Trái đất
Hà Nguyễn (TH)
Theo kienthuc.net.vn
Con người đã đạt đến giới hạn trí tuệ, không bao giờ hiểu hết vũ trụ? Nhiều người cho rằng bộ não con người được cấu trúc để giải quyết các vấn đề thực tế ảnh hưởng đến sự tồn tại và sinh sản, chứ không phải để làm sáng tỏ những bí ẩn của vũ trụ. Khoa học đã đạt được những tiến bộ to lớn trong thế kỷ qua, nhưng sự hiểu biết của loài người về...