Tết xa nhà của những người mang khát vọng Việt ra thế giới
Hàng nghìn bạn trẻ nỗ lực mang khát vọng Việt vươn tầm thế giới. Họ đón Tết ở nơi không gia đình, chỉ có bạn bè chung hy vọng về ngày mã đáo thành công, góp phần xây dựng đất nước.
Sinh viên Việt Nam tại ĐH Tây Anh gói bánh chưng đón Tết Để chuẩn bị cho chương trình Tết Show 2019, cộng đồng du học sinh Việt Nam tại ĐH Tây Anh Quốc gói bánh chưng, nấu các món truyền thống để mang lại cái Tết đậm hương vị quê nhà.
Những ngày cuối năm, từ thành phố tuyết trắng bao phủ, Cao Thị Ánh Tuyết, 24 tuổi, sinh viên năm hai ĐH Trắc địa bản đồ Moscow, Nga, lặng lẽ cảm nhận Tết đang về quê hình ảnh đào mai, chợ Tết, dọn nhà mà bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội. Nữ sinh 24 tuổi tưởng tượng được cảnh người thân đang nói cười, những đứa trẻ ríu rít đón xuân sang, hơi khói bốc lên từ nồi bánh chưng.
Đây là năm thứ hai Anh Tuyết đón Tết ở nước Nga xa xôi. Không chỉ Tuyết, hàng nghìn du học sinh phải xa gia đình trong dịp đoàn tụ ý nghĩa nhất năm vì khát vọng học tập, khẳng định tri thức Việt nơi đất khách.
Khát vọng Việt đi muôn phương
Khi còn học trung học, Ánh Tuyết ấp ủ ước mơ du học. Tuyết mong muốn được trải nghiệm môi trường mới, mở rộng tri thức và mang những gì mình học được về áp dụng tại quê hương.
Ánh Tuyết hiện là sinh viên năm hai, hệ cao học tại ĐH Trắc địa bản đồ Moscow. Ảnh: NVCC.
Vì nhiều lý do, giấc mơ du học của Tuyết bị trì hoãn, nhưng nữ sinh không bỏ cuộc. Tốt nghiệp ĐH Lâm nghiệp, cô bạn giành học bổng sang Nga học chương trình thạc sĩ ngành Trắc địa và Viễn thám. Cô nỗ lực học tập tốt để không chỉ khẳng định trí tuệ của lớp du học sinh Việt năng động, mà còn mong sớm trở về nước làm việc.
Du học dường như trở thành con đường chung của nhiều bạn trẻ khát vọng vươn ra thế giới để đến gần hơn với tiến bộ nhân loại. Những năm gần đây, hàng loạt bạn trẻ trúng tuyển vào các trường đại học danh tiếng. Với kết quả học tập tốt, họ trở thành những “đại sứ trí tuệ”, góp phần mang Việt Nam ra thế giới.
Trong năm 2018, hai chàng trai vàng Đinh Quang Hiếu và Nguyễn Thế Quỳnh lần lượt giành học bổng của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ. Suất học bổng tại ngôi trường hàng đầu thế giới là kết quả của sự nỗ lực trong nhiều năm của hai nam sinh.
Năm 2016, Quang Hiếu giành huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế (IChO). Thời gian sau đó, Hiếu vừa chuẩn bị cho kỳ thi IChO 2017 vừa nỗ lực để du học. Sau tấm huy chương vàng thứ hai, nam sinh chỉ có khoảng 4 tháng để hoàn tất hồ sơ.
Trong đợt tuyển sinh sớm, Hiếu quyết định ứng tuyển vào MIT. Bạn cũng dành thời gian rèn luyện tiếng Anh, tham gia vòng phỏng vấn để tăng sức cạnh tranh cho hồ sơ của mình.
Cuối cùng, bài luận về đam mê bóng đá cùng tình trạng ô nhiễm nước ở Việt Nam giúp Hiếu đặt chân vào ngôi trường danh tiếng bậc nhất cùng suất học bổng 6,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, chàng trai vàng Nguyễn Thế Quỳnh mang theo khát vọng của mẹ, của quê nghèo, bước ra thế giới. Sinh ra trong gia đình không mấy khá giả ở Quảng Bình, Thế Quỳnh phải nỗ lực rất nhiều để chạm tới ước mơ du học.
Không chỉ sở hữu hai tấm huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế quý giá, Quỳnh còn thuyết phục hội đồng tuyển sinh MIT bằng bảng thành tích học tập, hoạt động sáng giá cùng bài luận về nỗi đau thiên tai mà quê mình phải gánh chịu hàng năm.
Con đường Ánh Tuyết, Quang Hiếu, Thế Quỳnh chọn là sự tiếp bước của hàng nghìn anh chị đi trước như Phạm Thành Thái, Hà Khương Duy, Trần Đình Tân Xứ… Đây cũng là lựa chọn của nhiều bạn trẻ Việt khác, với nỗ lực khẳng định thương hiệu người trẻ Việt ở nước ngoài.
Mang thế giới về Việt Nam
“Em muốn theo đuổi ngành Khoa học Vật liệu để sau này học xong có thể ứng dụng kiến thức vào thực tế, góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường hoặc năng lượng ở nước ta”, Quang Hiếu từng chia sẻ với Zing.vn như vậy.
Hai lần giành huy chương vàng ICho, Đinh Quang Hiếu hiện là sinh viên MIT. Ảnh: Nguyễn Sương.
Đây cũng là suy nghĩ của hàng nghìn du học sinh đang sinh sống, học tập trên thế giới. Dù đã trở về hay tiếp tục ở lại nước ngoài, những người trẻ tiếp tục nỗ lực vươn lên để thành công, cũng là góp phần xây dựng đất nước.
Đó là Phạm Kim Hùng – chủ nhân hai tấm huy chương Olympic Toán học quốc tế, cựu sinh viên ĐH Stanford danh tiếng, rời Mỹ về Việt Nam khởi nghiệp mà chưa từng hối tiếc vì từ bỏ cơ hội phát triển ở xứ cờ hoa.
Đó là Trần Đình Tân Xứ – người giành hàng loạt giải thưởng danh giá trong quá trình học tại Nga, trở thành kỹ sư trẻ tại Nhà máy điện PM1 (nhà máy điện khí lớn nhất Việt Nam).
Đó là TS Vũ Hoàng Phú – phó giáo sư ĐH Nebraska (Kearney, Mỹ) – người luôn trăn trở về phương pháp ứng dụng game online vào đào tạo giáo viên và làm thế nào để nâng cao tiếng Anh cho người Việt.
Đó là Đỗ Thị Thu Thảo – nghiên cứu sinh MIT, sáng lập trại hè Toán và Khoa học (MaSSP) – để truyền thụ kiến thức, đam mê Toán học cho thế hệ trẻ tại Việt Nam vì luôn tâm niệm “giáo dục không biên giới”.
“Thế giới đã và đang phát triển theo hướng mở với công nghệ 4.0 kết nối toàn cầu. Việt Nam thuộc khối các nước đang phát triển, còn hạn chế và nhiều điều cần học hỏi từ các quốc gia tiềm lực khác. Đối với du học sinh chúng em, trách nhiệm này lại càng rõ ràng và cụ thể hơn”, Ánh Tuyết tâm sự.
Nữ sinh cho biết du học là cơ hội để tiếp xúc nền khoa học hiện đại, đồng thời học cách thay đổi lối sống theo hướng tích cực hơn.
Những cái Tết ở vùng đất xa xôi
Để đưa tri thức Việt Nam ra thế giới hay ngược lại đều không dễ. Đó là chặng đường đầy thử thách với những bỡ ngỡ khi tiếp xúc nền văn hóa, ngôn ngữ mới, gian nan trong hành trình chinh phục tri thức, tiến bộ nhân loại; là bộn bề học hành, làm thêm; là nỗi cô độc khi sống xa gia đình, không thể đoàn tụ mỗi dịp Tết đến xuân về.
Du học sinh Việt Nam tại ĐH Trắc địa bản đồ Moscow, Nga, đón năm mới. Ảnh: NVCC.
Chia sẻ với Zing.vn trong những ngày cuối năm, Ánh Tuyết không khỏi ngậm ngùi khi nhớ lại những khó khăn thuở ban đầu. Sau hai năm, nữ sinh vẫn chưa quên cảm giác lội tuyết đến trường, sốc nhiệt vì lần đầu tiếp xúc với thời tiết lạnh giá đến vậy.
Rào cản ngôn ngữ cũng không ít lần khiến Tuyết bất lực, muốn từ bỏ. Thêm vào đó, kiến thức chuyên ngành nặng, khó trong khi thời gian học tập trên lớp lại không nhiều vì giáo dục nước ngoài vốn chú trọng quá trình tự học.
Đến giờ, nữ sinh 24 tuổi vẫn cảm thấy may mắn vì luôn có bạn bè Việt Nam và người Nga hỗ trợ về ngôn ngữ, học hành để vượt qua khó khăn ban đầu. Đây cũng là lý do Tuyết tích cực tham gia hoạt động đoàn. Cô mong muốn có thể kéo gần cộng đồng du học sinh, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập cũng như cuộc sống, cùng nhau giữ gìn và đưa hình ảnh đất nước chữ S xinh đẹp đến bạn bè quốc tế.
Sống xa quê trong thời khắc đầu năm mới, Cao Thị Ánh Tuyết và bạn bè quây quần bên nhau tổ chức đón Tết, chuẩn bị từ clip giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc, danh lam thắng cảnh đến những tiết mục văn nghệ, món ăn đậm vị quê nhà để gửi đến những người con xa quê và bạn bè quốc tế.
“Ở đây, chúng em có những anh chị chẳng chung huyết thống nhưng sống thân tình. Mọi người mua nguyên liệu nấu bánh chưng, nem rán, canh măng, xôi gấc, giò xào, chúc nhau những lời tốt đẹp nhất để Tết vẫn ấm áp như hồi ở nhà”, Ánh Tuyết tâm sự.
Theo news.zing.vn
Du học sinh Việt Nam tại Canberra tưng bừng đón Tết Kỷ Hợi ở xứ sở kangaroo
Hòa trong không khí đón Xuân Kỷ Hợi 2019, cộng đồng sinh viên, thanh niên Việt Nam tại thủ đô Canberra (Australia) đã cùng nhau tổ chức Chương trình "Canberra: Tết không xa đâu!" kéo dài từ 28 âm lịch đến hết Tết Nguyên đán.
Anh Hà Ngọc Minh Quân, Chủ tịch ACT-VYSA cho biết: "Ban chấp hành Hội đã họp, lên kế hoạch tổ chức chương trình một cách chi tiết từ trước Tết hai tuần với mong muốn tổ chức một cái Tết xa nhà thật ấm cúng, đủ đầy, tươi vui.
Chuỗi các hoạt động bao gồm việc tổ chức làm nem, gói giò xào (vào tối ngày 01/02), gói bánh chưng, bánh tét, nấu canh măng, thịt kho tầu, nấu chè khúc bạch, trông bánh chưng chờ trời sáng, trang trí nhà cửa đón Tết (trong ngày 02/02).
Dù bận rộn với việc học tập và đi làm thêm, nhiều bạn sinh viên, thanh niên đã thu xếp thời gian tham gia các hoạt động chuẩn bị đón Tết.
Các bạn sinh viên làm nem và chuẩn bị gói giò xào theo hướng dẫn của cô Mai, mẹ của một bạn lưu học sinh Việt Nam tại Canberra
Các bạn sinh viên, thanh niên cùng nhau rửa, lau lá chuối và gói bánh chưng, bánh tét.
Các bạn sinh viên, thanh niên ACT-VYSA vớt nồi bánh chưng, bánh tét lúc 3 giờ sáng. Với nhiều bạn, đây là lần đầu tiên các bạn trải nghiệm việc gói, luộc, trông và vớt bánh chưng
Đặc biệt đông đảo các bạn sinh viên, thanh niên và gia đình đã cùng nhau ăn cỗ Tết vào sáng ngày 03/02 (ngày 28 Tết âm lịch). "Canberra: Tết không xa đâu!" đã thực sự làm ấm lòng những người con xa quê trong dịp Tết đến, xuân về này.
Mâm cỗ Tết của ACT-VYSA có đầy đủ các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, giò, củ kiệu, nộm (gỏi) gà ...
Các bạn sinh viên, thanh niên Việt Nam tại thủ đô Canberra và gia đình chụp ảnh lưu niệm sáng ngày 28 tháng Chạp. Tiến sĩ Đặng Thùy Chi, Tham tán giáo dục ĐSQ Việt Nam tại Australia đã đến và động viên Hội ACT-VYSA.
Chương trình đón tết của Hội ACT-VYSA dự kiến sẽ kéo dài đến hết Tết nguyên đán.
Lục Anh Tuấn
(Từ Canberra, Úc)
Theo Dân trí
Du học sinh Việt tại Anh quây quần gói bánh chưng, đón Tết nguyên đán Nhân dịp chào đón Xuân Kỷ Hợi, Hội du học sinh Việt Nam tại Đại học West of England (UWE Viet) mới đây đã tổ chức chương trình "Tết Show 2019" ở thành phố Bristol. Du học sinh Việt tại Anh gói bánh chưng đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Chương trình thu hút sự tham gia của gần 130 sinh viên Việt...