Tết xa nhà của du học sinh
Trong khi một số ít du học sinh về nhà đón Tết cùng gia đình thì không ít bạn ngậm ngùi ôm nỗi nhớ tại nơi đất khách quê người.
Khi Tết đang cận kề, người người tấp nập ra phố mua đào, quất và chuẩn bị bày biện bàn thờ cúng tổ tiên thì với những du học sinh đang ở nước ngoài, nỗi nhớ nhà tràn về.
Vào giai đoạn như thế này, những lá thư điện tử tới tấp gửi về, những dòng chat hỏi han sức khỏe xuất hiện nhiều thêm: “Chị lớn của con sinh con trai rồi đấy, lên chức cậu rồi nhé…”, “Nhà đang gói bánh chưng, năm nay thiếu một chân phụ việc nên tất bật lắm con ạ…”, “Ở bên đó, con cố gắng giữ gìn sức khỏe, Hà Nội đang rét lắm đấy”.
Lâu lâu, sinh viên nước ngoài lại thấy một cô, cậu sinh viên người Việt vừa đọc mail, vừa rút khăn lau nước mắt mà không hiểu tại sao. Họ tự hỏi “người Việt Nam nhạy cảm vậy à?”.
Video đang HOT
Ngọc, du học sinh tại Singapore đã quyết định không về dịp Tết này, một phần cũng vì giá vé máy bay lên cơn sốt, và quan trọng là trường cô chỉ cho nghỉ có 4 ngày: “Tết đầu tiên phải sống xa gia đình, em chẳng biết làm thế nào cả. Đọc báo điện tử trong nước thấy người ta nhộn nhịp lắm mà sao mình thì lại thờ ơ. Cũng may có các anh chị bên này nên cũng bớt cô đơn. Tết năm nay có lẽ em không buồn lắm đâu nhưng cũng sẽ chẳng vui”.
Tết sum vầy của du học sinh Việt Nam
Singapore nóng nực, khác hẳn với cái rét căm căm của Hà Nội mỗi khi xuân về. Không khí Tết ở “bển” cũng rộn ràng nhộn nhịp nhưng sao xa lạ quá. Sự pha trộn các nền văn hóa tại đất nước sư tử biển đã làm cho cái Tết nơi đây không mang một sắc thái riêng nữa và tất nhiên, chẳng có nét gì giống với Việt Nam. Cũng có bánh trái dịp Tết, cũng có giấy đỏ, giấy vàng, nhưng chẳng thể làm nguôi ngoai nỗi nhớ Tết trong lòng sinh viên.
“Mấy hôm nay em cập nhập thông tin trên báo chí, cũng như nói chuyện với gia đình và bạn bè tại quê nhà, và không khí rạo rực của ngày tết cũng lan tỏa sang đến tận đây rồi. Tuy nhiên,có lẽ vì đây là cái tết thứ 2 cũng như đang là thời kì tập trung cao độ của kì học, nên việc bận rộn với bài vở cũng làm em vơi đi nỗi nhớ nhà và hương vị ngày tết nguyên đán” – Quỳnh Trang, du học sinh Việt Nam tại Anh Quốc chia sẻ.
Nỗi lòng kẻ đi người ở
Bên cạnh những sinh viên ở lại, nhiều sinh viên quyết định về nước ăn Tết, bất chấp việc nhà trường không cho phép. Giải pháp họ thực hiện hầu hết là nhờ bạn bè ký hộ tên trong danh sách điểm danh hoặc “tap thẻ” hộ (nhiều trường nước ngoài sử dụng thẻ sinh viên điện tử). Một số du học sinh “lão làng” cho biết cách làm này hầu hết đều “trót lọt” vì các trường nước ngoài cũng biết sinh viên châu Á thường ăn Tết vào dịp này nên họ nới lỏng an ninh.
Vậy là cảnh kẻ đi người ở dịp Tết lại trở thành hình ảnh quen thuộc. Người ở lại, sau khi chia tay kẻ đi, lại tất bật chuẩn bị “Tết riêng”, tự làm những món ăn quê nhà, trang trí phòng ở cho đúng với tinh thần lễ hội. Nhưng “không khí Tết” ở nước ngoài không bao giờ có thể giống với ở nhà. Linh, cô du học sinh tại Melbourne, Úc ngậm ngùi: “Trang trí xong cửa nẻo, bất giác nhận ra nhà chỉ là nhà thuê, xung quanh mình anh chị em bạn bè thật nhưng vẫn thấy thiếu tình cảm gia đình, mình suýt bật khóc. Đúng là chẳng nơi đâu bằng nhà mình”.
“Khi khoảnh khắc giao thừa càng đến gần thì nỗi nhớ trong em lại tràn về. Hồi còn ở nhà, vào đêm giao từa gia đình em thường tập trung ở nhà bà ngoại cùng các thành viên khác để trang trí bàn thờ và ăn bữa cơm tất niên. Sau giao thừa, trẻ con trong nhà thường xếp hàng nhận lì xì rồi cùng mọi người đi chúc tết họ hàng và hàng xóm xung quanh, có khi đến 2-3h sáng mới về đến nhà”- Quỳnh Trang tâm sự.
Tùng, đang theo học tại Singapore đã quyết định ở lại dịp Tết. Mọi năm, với tư cách con trưởng, lại tuổi đẹp, cậu luôn được ưu tiên cho đi xông nhà. Năm nay, không ở bên gia đình, cha mẹ, người thân, cậu bất giác tự hỏi: “Tết này ai đến xông nhà mình đây?”
Nguyễn Hà-Thủy Nguyên