Teen và nỗi khổ tai tiếng trường
Có những ngôi trường mà vì một vài vụ việc, vài đặc điểm hoặc một số lý do mà có tai tiếng này tai tiếng kia, nhưng không biết vì cố ý hay vô tình mà toàn HS của trường đó đều chịu “cá mè một lưới” tai tiếng.
Đất Hà thành từ xưa tới nay vẫn luôn là trung tâm về giáo dục của cả nước. Đây cũng là nơi đứng đầu cả nước về số lượng trường học. Cấp 1 có, cấp 2 có, cấp 3 có, trường to có, trường bé có, dân lập có, công lập có. Danh tiếng lắm nhưng “tai tiếng” cũng nhiều. Và chính những “tai tiếng” cái thì thật, cái thì giả lẫn lộn này đã ảnh hưởng không nhỏ tới teen, đặc biệt là ở các trường cấp 3.
Trường T.H là một trường có tiếng “loạn” ở đất Hà Nội. Điểm đầu vào thấp, vốn dĩ học trường này, teen đã phải chịu một cái danh chụp mũ là “dốt” Thế nhưng nào đã hết, với “thành tích” đánh nhau gây gổ lâu năm của trường, các em vào trường nghiễm nhiên được nhận cái danh là “đầu gấu” thậm chí “du côn”
M, một nam sinh có lực học trung bình vì điểm thấp mà phải vào T.H. Tuy nhiên, về tính cách, M là một học sinh hiền lành ít nói. M kể: “Có lần ra đường, bị mấy thằng choai choai nó đi xe máy rú ga dọa, sợ quá nên mất tay lái mà ngã. Mấy thằng nó cười hô hố rồi bảo “Anh tưởng trường T.H thế nào nên thử phát, ra chỉ thế thôi à?” Mình giờ đi đâu cũng mang danh dân đầu gấu. Chán lắm!”
Học trường nào, dính “mác” tai tiếng trường í. (Ảnh minh họa)
Khác với M, H.Y lại rơi vào một trường hợp dở khóc dở cười hơn. H.Y tuy nhà không khá giả, nhưng lại có sức học khá. Lên cấp 3, H.Y vào một trường công lập có tiếng ở Hà Nội. Nhưng bên cạnh “tiếng lâu năm, tiếng học hàng khủng” trường này còn có tiếng “ăn chơi”. Là trường ở khu Bờ Hồ, chủ yếu con em khá giả, trường H.Y vào toàn đâu là S.H với P.S, lác đác lắm có mấy cái xe đạp. Và H.Y là “VIP” sở hữu một trong vài cái xe đạp ấy.
Có lần đi mua sách, vừa bước ra khỏi nhà sách, ra bãi gửi xe, H.Y gặp ngay mấy nữ sinh cũng của một trường gần đó. Thấy H.Y đi xe đạp, mấy cô kia to nhỏ: “Thế này mà bảo trường toàn dân chơi, dân chơi gì đi con cà tàng này?” Có cô còn oang oang: “Mày chả biết gì, thế nó mới chơi” rồi cả lũ cười hô hố, H.Y chỉ biết lẳng lặng bỏ đi. Suốt 2 năm qua mang danh “dân chơi” khiến H.Y không khỏi ngán ngẩm.
Một bộ phận teen bây giờ có cách nhìn rất thiển cận. Họ chỉ nghe phong thanh đâu đó 2, 3 câu chuyện về trường Y trường X và thế là gán luôn mác A mác B cho trường đó. Có trường ở đất HN vừa nhắc đến là người ta đã nghĩ ngay tới tai tiếng trong khi đó nhiều học sinh trong trường cũng không hiểu tại sao mình lại phải chịu cái tai tiếng vô lý đấy.
Trường A là một trường chuyên có tiếng ở HN, học sinh ở đây đa số đều học rất khá. Trường có nhiều gương mặt nổi trội về mọi lĩnh vực. Ngoài ra, trường cũng có nhiều con em nhà khá giả nên vì thế mà “tai tiếng” cũng tha hồ mà nở rộ. Đi đâu người ta cũng bảo “Cái bọn trường A kiêu lắm” hay “Nó cứ khinh khinh mình thế nào í” hay “Mình đẳng cấp gì mà chơi được với người ta?”. Chính vì những tai tiếng hết sức vô lý này mà nhiều học sinh trong trường nhiều khi phải méo mặt.
T- một học sinh lớp 12 của trường A, xinh xắn, học giỏi, tính tình hòa nhã thế mà có lần T đi học thêm một khóa tiếng Anh, suốt 3 tháng T không quen nổi với ai trong lớp. Các bạn trong lớp thấy T học giỏi, lại xinh, hỏi ra lại là trường A nên ai nấy cũng ồ ạt, mắt o mồm u loạn cả lên. Rồi cũng từ đó mà mọi người “ngại” chả thèm chơi với T. Có người còn bảo “Học A kiêu bở xừ, chắc gì nó thèm chơi với mình. Ngại lắm” T cũng rất bức xúc trước những suy nghĩ của mọi người về mình, những không làm được gì.
Sự thiếu suy nghĩ và thiếu khách quan của teen đôi khi dẫn tới những chụp mũ rất vô lý, có những ngôi trường mà vì một vài vụ việc, vài đặc điểm hoặc một số lý do nào đó mà có tai tiếng này tai tiếng kia. Chưa xét đến chuyện đúng hay sai, nhưng cho dù thế nào thì cũng không thể nói rằng tất cả các học sinh trong một ngôi trường đều có một đặc điểm như vậy. Nhìn nhận như vậy là thiếu công bằng, điều này dẫn tới sự hiểu nhầm không đáng có, đôi khi còn dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng hơn. Trước khi nói hay làm bất cứ việc gì, teen hãy suy nghĩ và nhìn nhận thật khách quan, tránh vì chút tai tiếng phong thanh mà chụp mũ đồng loạt, gây ảnh hưởng đến người khác.