Teen ơi, đến khổ, cái tội không chép bài
Một căn bệnh xấu xí của một số bạn teen khi đến lớp là lười không chịu chép bài. Cũng vì nó mà teen vấp phải bao nhiêu là rắc rối.
Chung quy bởi một chữ lười
Mỗi tiết học 45 phút, không phải tiết học nào teen cũng phải cắm cúi ghi ghi chép chép từ đầu đến cuối. Thế nhưng, nhiều bạn vì… lười mà chẳng chịu chép bài. Nghe thầy cô giảng sa sả, teen tự an ủi, chăm chú nghe là… tốt rồi, bài vở tạm thời để đấy!
Chính thế mà có những teen quen thói để vở trắng hoặc cách dòng liên miên. Tốt lắm thì ghi cái tiêu đề, hoặc chép lấy lệ vài đoạn, vài câu cho thầy cô đỡ chú ý. Tệ hơn là những màn vờ chép bài khi thầy cô để ý, kì thực teen đang làm việc riêng, hay đơn giản là chẳng làm gì nhưng không muốn chép.
Huy, một teen lười có tiếng trường HBT vô tư khoe chiến tích cả kì học chỉ có duy nhất một quyển vở cho 2, 3 môn của mình!
Video đang HOT
“Tớ chẳng bao giờ chép bài. Nói thật mình học cũng không giỏi giang là mấy, lại sẵn tính lười nên ngại chép lắm”- Huy thật thà tiết lộ. Học kém, cộng với lười, anh chàng ngày lại ngày vẫn đến trường với độc quyển vở. Môn nào thầy cô nghiêm khắc, Huy động bút vài dòng cho có. Thầy cô dễ tính thì Huy thoải mái làm ngơ. Trong lúc bạn bè sột soạt ghi chép thì Huy làm việc riêng hoặc tranh thủ gà gật. Bảng điểm vì thế mà luôn đứng cuối lớp, chẳng có gì khó hiểu.
Khác với Huy, Tú – lớp 11 trường P học khá giỏi. Cậu sẵn thông minh nên bài vở không phải là khó nhằn. Khổ nỗi, cũng vì thế mà Tú rất chủ quan. Với cậu, việc chăm chỉ chép bài chỉ dành cho những mọt sách chính hiệu. “Không chép bài mà học hành vẫn ngon ơ mới hay. Chứ cắm cúi hàng giờ mà giỏi thì cũng bình thường!” Tú phán một câu xanh rờn, và dường như đó cũng là tuyên ngôn bào chữa cho kiểu đi học bất cần ghi chép của cậu.
Huyền Anh – THPT BT thì có kiểu chép bài chống đối đến “buồn cười”. Trong giờ, vì mải buôn nốt mẩu chuyện với cô bạn ngồi bên, mải đọc nốt mấy trang truyện mà Huyền Anh đuổi không kịp lời cô thầy. Nhìn vở người khác thì Huyền Anh chẳng thiết, cô bạn liên tục cách dòng, cách trang. Cả cuốn vở dày, ghi đủ các tiêu đề, đề mục nhưng nhiều khi bài nối bài để trống. Huyền Anh học ban C, văn là môn tủ của cô bạn nhưng lại chính là môn bạn ấy lười chép bài nhất. “Mấy bài cô phân tích mình học chán no rùi, chép làm gì cho mỏi tay!”- Huyền Anh phân bua. Nhìn những trang vở lem nhem của cô bạn, thật ít người tin chủ nhân nó lại là một người học hành cẩn thận.
Còn nhiều lý do để teen lý giải cho việc không chịu chép bài trong giờ. Nào là nói không với kiểu học cổ hủ đọc- chép. Nào là chép không kịp vì thầy cô dạy nhanh, nào là chữ xấu, để về nhà chép lại cho cẩn thận, nào là bận này bận kia…. Nghe thì khá mùi mẫn, nhưng xét đến cùng vẫn là bởi một chữ lười. Ghi chép không đơn giản là viết lại nguyên những gì thầy cô giảng giải. Ghi chép bài còn là một lần học, là chọn lọc những ý hay, những suy tư về bài giảng… Chữ lười đã khiến teen mình mắc phải thói quen xấu khó chừa này.
Hãy chép bài đầy đủ khi học trên lớp nhe teen. (Ảnh minh họa)
Hậu quả khó tránh
Vì lười chép bài nên teen có khi chẳng biết mình đã học những gì, đã học đến đâu. Những tai nạn đến với teen vì lười chép bài thì nhiều không kể xiết.
Ngồi trong lớp những teen không chép bài rất dễ bị phát hiện. Thầy cô dù có thể hiện ra hay không, đều chú ý đặc biệt đến những nhân lười chép bài. Nhẹ thì bị nhắc nhở, nặng thì bị ghi phạt, đuổi thẳng ra ngoài lớp, ghi điểm 0, hạ hạnh kiểm… Bởi ghi chép cũng thể hiện ý thức học và sự tôn trọng thầy cô của teen nữa mà.
Lấy lý do ở lớp không chép, về nhà chép lại bài, Hằng – lớp 10 trường QT trung thành với kiểu ngồi trên lớp nghe cô giảng rồi để đó, về nhà mới mượn lại vở bạn để chép lại. Không biết làm như thế, Hằng có hiểu bài hơn không, có giữ được vở đẹp, vở sạch mãi không, nhưng những chú thích chỉ người bạn kia mởi hiểu và ghi vào vở mình thì Hằng bó tay không hiểu nổi. Một lần quên, một lần lười là Hằng “bỏ qua” một bài không chép. Đến khi bị cô gọi lên trả bài, tiện kiểm tra vở thì Hằng mới méo mặt…
Dũng thì khác. Chủ quan với chút thông minh, cậu ta không chép bài, bảo dùng thời gian đó đề làm bài tập môn khác (?!), và mau mồm mau miệng nhờ mấy bạn nữ xung quanh mỗi người chép giùm một ít. Cuốn vở của Dũng có bao nhiêu màu mực, bao nhiêu loại chữ, nét chữ con gái, cậu chẳng bao giờ để ý. Nhưng một lần chị gái Dũng kiểm tra sách vở xem em học hành thế nào đã tá hỏa khi thấy những quyển vở của em mình. Khỏi phải nói, một cuộc họp gia đình khẩn cấp được huy động, và hình phạt là Dũng phải ngậm ngùi đi mượn tất cả bài vở của bạn bè và ghe chép lại từ đầu…
Một chút lười, một chút chủ quan để teen học hành chệch choạc, thật chẳng nên chút nào. Trong học tập, ghi chép cũng là một điều quan trọng, và có lẽ là không thể thiếu. Nếu hỏi những người bạn luôn đứng trong top lớp bí quyết học giỏi, thì bao giờ ghi chép bài khoa học, đầy đủ cũng được chỉ ra đầu tiên. Nói vậy để teen hiểu ra tầm quan trọng của việc chép bài đầy đủ.
Có một vài mẹo nhỏ để teen mình chăm ghi bài hơn như: Giữ gìn vở cho sạch sẽ, chú thích cẩn thận, viết “đẹp” nhất có thể để khi nhìn vào vở còn có cảm hứng ghi bài nữa chứ. Để có tinh thần hơn, teen cũng nên nhờ bạn thân hoặc bạn ngồi bên mình nhắc nhở khi bạn bắt đầu có dấu hiệu lười ghi chép… Nhưng chính tinh thần tự giác mới là liều thuốc đặc trị để teen tiêu diệt bệnh lười ghi chép của mình.
Bạn còn “bí kíp” nào nữa thì hãy cùng “share” đi nào! Nhớ là đừng phung phí những giờ phút ngồi trong lớp, teen nhé!