Teen bị loạn với giấy báo nhập học
Dù đang hồi hộp chờ kết quả NV2 nhưng nhiều teen lại đang quáng quàng, nhộn nhạo với đủ các loại giấy báo nhập học. Thậm chí có nhiều trường, các sĩ tử chưa một lần nghe danh, thế mà giấy trúng tuyển lại được gửi về tận nhà.
Không thi cũng trúng tuyển
Nhiều ngày qua, hàng loạt giấy mời nhập học, giấy báo trúng tuyển của các trường lần lượt gửi về. Kèm theo đó, một số trường mới mở, trường liên thông nước ngoài, và một số trường tư thục, dân lập, trường dạy nghề cũng liên tục gửi giấy báo làm nhiều sĩ tử rối ren.
Không chỉ các teen thành phố mới bị loạn giấy báo nhập học, nhiều bạn ở dưới tỉnh cũng mắc phải vấn đề này. Nhiều ngày qua, cô bạn Hà Thu (sn 1992) cảm thấy rối vì có quá nhiều giấy nhập học gửi về nhà. Chẳng ít lần cô bạn cứ phải “há hốc mồm” vì ngạc nhiên khi nghe tên những trường mà mình chẳng hề biết đến.
Hà Thu chia sẻ: “Từ ngày các trường bắt đầu gửi giấy báo nhập học, mình đã nhận được 8 tờ giấy báo trúng tuyển và mời học. Đa số là các trường nước ngoài, tư thục và dạy nghề. Những lần đầu, gia đình mình không biết, gọi điện thoại hối hả lên sung sướng báo tin mình trúng tuyển. Nhưng sau này vỡ lẽ ra, gia đình mình cũng chẳng gọi nếu nhận được giấy báo. Mình sau mấy phen mừng hụt cũng quen dần”.
Không hề thi, không hề đăng kí nhận giấy báo, nhưng không hiểu vì sao các sĩ tử lại liên tục nhận được những tờ giấy báo “trúng tuyển” như vậy. Trường mình mong thì mãi chẳng thấy giấy, những trường chẳng biết đến thì liên tục gửi thư mời. Thậm chí đi qua một số ngã tư lớn, một số trường còn phát cả tờ rơi kèm theo tờ “Giấy mời nhập học”. Chính vì thế, giấy báo trúng tuyển làm một số bạn bị rối trong khâu chọn trường.
Trọng Bảo (Tiền Giang) chia sẻ: “Mình chỉ đủ điểm sàn Cao Đẳng, nên nếu giờ có nộp trường nào cũng chỉ học cao đẳng thôi. Khi nhận được giấy báo trúng tuyển của một trường ĐH liên thông nước ngoài mình rất đắn đo. Vì học trường nước ngoài phải thi tiếng Anh, rồi đóng tiền học tiếng Anh nhiều, học phí lại cao, không biết bố mẹ mình có lo nổi không. Nhưng có thể như thế sẽ tốt hơn học cao đẳng. Mình rất phân vân và đang tìm hiểu thử.”
Những quan niệm và những câu hỏi mập mờ trong lòng các thí sinh không ít. Mỗi giấy báo trúng tuyển là mỗi sự đắn đo. Tất nhiên, ai cũng muốn lựa chọn con đường tốt nhất cho mình.
Video đang HOT
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Các trường dễ vào thì chất lượng đào tạo liệu có kém?
Nhận được những giấy báo mời nhập học với những hình ảnh lung linh và những lời quảng cáo về trường hết sức hấp dẫn, nhiều bạn không khỏi bị lôi cuốn. Thế nhưng kế bên đó là suy nghĩ: “Liệu nó có thật sự hay, thật sự tuyệt vời và dễ dàng như những lời quảng cáo không?”.
Ngọc Huyền (Phú Nhuận) chia sẻ: “Mình đậu NV1 rồi. Nhưng khi nhận được giấy báo trúng tuyển và đến tham gia buổi hội thảo và giới thiệu của một trường của Úc liên kết với Việt Nam mình rất muốn học. Mình chỉ lo rằng sao đầu vào có vẻ dễ quá? Quảng cáo thì hay nhưng chất lượng thực sự thì chưa biết ra sao? Rồi còn bố mẹ mình liệu có đồng ý để mình thay đổi lựa chọn không nữa. Mình đang rất phân vân”.
Ngay cả bản thân các thí sinh còn chưa có niềm tin thì việc muốn cho các phụ huynh đồng ý còn… hơi bị khó. Một số trường nước ngoài, đầu vào khá dễ dàng, nhưng điều đó không đi kèm với chất lượng. Nhiều học sinh vẫn có khả năng nhập học, nếu có đủ điều kiện. Ngay cả những học sinh yếu tiếng Anh, cũng được tạo điều kiện học và thi tiếng Anh ở đầu vào. Nhưng có thể tiếp tục theo học hay không còn tùy thuộc và khả năng và quyết tâm của mỗi người.
Một điều chắc chắn hơn là các trường như vậy thì mức học phí thường khá cao. Đơn giản nó được đầu tư nhiều và quy trình đào tạo cũng khó khăn, gian nan hơn, giúp các sinh viên có nhiều kĩ năng mà họ chưa được trang bị. Thế nên, học phí cũng là vấn đề được nhiều bạn quan tâm.
Bên cạnh đó…
Nhận được những tờ giấy báo trúng tuyển kiểu như vậy giúp các thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn trường học cho mình. Tuy nhiên, nếu không lựa chọn, tìm hiểu và xem xét kĩ sẽ rất dễ mắc phải sai lầm. Một số trường, tuy là trường nước ngoài nhưng chỉ là trường dạy nghề. Một số trường khác lại không thể học lên đến tận Đại học, hay nếu muốn học lên thì phải… đi du học nước ngoài.
Mức học phí, khi được quảng cáo trên giấy thường chưa hoàn toàn chính xác. Đó chỉ là những khoản chi chính, chưa kể đến những khoản phụ thu, hay những khoản đóng tiền để học thêm, để thi tiếng Anh đầu vào, tiền mua sách vở, chi phí trong quá trình học.
Không nên quá vội vã tin theo những lời quảng cáo, tuy nhiên, cũng đừng vội vã bỏ qua. Vì chắc chắn không phải trường hợp nào cũng giống nhau, và nó có tốt, có thích hợp hay không, cũng còn tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi bạn, mỗi gia đình nữa.
Theo PLXH
Loạn giấy báo nhập học và những chuyện bi hài
Dù chưa có giấy báo trúng tuyển chính thức của các trường đại học nhưng nhiều thí sinh đã nhận được hàng chục giấy báo nhập trúng tuyển, nhập học cùng nhiều chuyện bi hài...
Em Nguyễn Thị Thoa phân vân giữa "một rừng" giấy gọi nhập học.
"Bão" về làng
Khi chúng tôi tìm vào nhà ông Vương Trí Thắng - cán bộ bưu chính xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội) thì ông Thắng vừa mới hoàn tất công việc đưa thư trong ngày với gần 50 giấy gọi nhập học cho các thí sinh.
Lau những giọt mồ hôi mướt mải trên trán, ông Thắng chia sẻ: Tôi làm nghề này đến nay đã 16 năm với hàng nghìn lá thư được lưu chuyển. Thế nhưng mệt nhất vẫn là vào mỗi mùa tuyển sinh ĐH, CĐ. Cứ vào thời điểm này là giấy báo nhập học của các trường ĐH, CĐ và trung học gửi cho học sinh mới tốt nghiệp cấp 3 nhiều không đếm xuể, trung bình mỗi cháu phải nhận được trên 10 thư mời nhập học từ nhiều trường. Có nhiều trường chỉ căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT và bảng điểm lớp 12 của các cháu đã gửi giấy xét tuyển, trúng tuyển đến học sinh trước cả khi kì thi ĐH, CĐ diễn ra.
Nguyễn Thị Hậu ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức dự thi khối A vào Trường ĐH Nông Nghiệp 1 nhưng chỉ được 11 điểm, thiếu 2 điểm so với điểm chuẩn của trường. Cả gia đình Hậu đang rất buồn vì kết quả này thì bỗng dưng giấy báo nhập học từ khắp nơi tới tấp gửi về. Sự nhộn nhịp này khiến cho bố mẹ Hậu vốn là những người nông dân chất phác quanh năm sấp ngửa với ruộng đồng cứ hoa cả mắt vì không hiểu chuyện gì đang diễn ra.
Giấy mời xét tuyển và giấy báo nhập học in tên Nguyễn Thị Hậu với đúng ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ nhà riêng, cái nào cũng đẹp và trang trọng. Cứ ngỡ con mình đã "trượt vỏ chuối" nào ngờ lại được hàng loạt trường ĐH, CĐ với những tên gọi hấp dẫn như CĐ nghề Bách khoa, CĐ Bách Nghệ Tây Hà, Học viện Công nghệ thông tin số 1 Châu Á, Trung cấp Công nghệ và kinh tế đối ngoại... gọi nhập học, bố mẹ Hậu mừng không sao kể xiết.
Chỉ có mỗi "khổ chủ" là cười như mếu vì : "Em chẳng biết trường nào trong đống giấy báo này cả. Khi nộp hồ sơ dự thi em đã tìm hiểu về các trường ĐH, CĐ khá kĩ càng mà cũng chưa bao giờ được nghe đến những tên trường tương tự. Học phí của các trường này thông báo trên giấy thường tính bằng USD hoặc mập mờ như "học phí linh hoạt, được chia làm các kì, các tháng". Đọc xong cứ thấy như bị tung hỏa mù, chẳng biết đâu mà lần".
Mệt nhoài vì "bị" gọi nhập học
Cùng cảnh ngộ với Hậu là Nguyễn Thị Thoa ở thôn Sơn Hà cùng xã. Thoa may mắn hơn Hậu là đã đủ điểm đỗ vào khoa Chế biến của ĐH Nông nghiệp 1, thế nhưng trong khi chưa nhận được giấy báo đỗ chính thức của trường dự thi thì Thoa đã mệt nhoài với gần 20 loại giấy mời xét tuyển và giấy báo đỗ vào các trường ĐH, CĐ lạ hoắc.
Thậm chí có trường còn gửi giấy gọi nhập học liên tiếp 2 lần cho "chắc ăn" và liên tục gọi điện thoại về tận nhà Thoa để mời chào như Trường NIIT IPMAC với lời giới thiệu hết sức hấp dẫn: Môi trường học tập hiện đại, đạt tiêu chuẩn Quốc tế, sinh viên tốt nghiệp luôn được săn đón tại các doanh nghiệp CNTT hàng đầu, bằng liên thông ĐH chính quy do Học viện NIIT Ấn Độ cấp, sinh viên có kết quả học tập xuất sắc có cơ hội nhận học bổng liên thông tại các trường ĐH quốc tế: RMIT, South Australia, Winnipeg...
Trước những lời mời chào hấp dẫn đó, nhìn lại khoa Chế biến nông sản mà mình vừa may mắn đỗ, Thoa không khỏi có những so sánh và dao động trong việc chọn trường cũng như chọn ngành nghề theo học. Thấy con gái ngày biếng ăn đêm mất ngủ về việc chọn trường, bà Nguyễn Thị Ý - mẹ Thoa - đã phải gác lại công việc ở trang trại tại Tây Ninh để về nhà hỗ trợ, tư vấn cho con gái. Thế nhưng trước đống giấy mời xét tuyển và nhập học ngồn ngộn thông tin và màu sắc thì bà Ý cũng phải bó tay.
Đến nhà cô giáo chủ nhiệm của con để nhờ tư vấn, cô giáo cũng "chịu chết" vì chưa bao giờ thấy nhiều trường, nhiều ngành nghề đến thế. Sau cùng, bà Ý quyết định làm dăm chục mâm cơm mời các cụ trong họ đến chia vui việc con gái đỗ ĐH để tranh thủ xin ý kiến các cụ. Trà dư tửu hậu, các cụ phán, "nước ta nông nghiệp là gốc". Thế là mẹ con bà nhất nhất theo lời các cụ dạy, gạt bỏ hết các loại giấy có ma lực như "mật hút ruồi" kia để chờ giấy gọi nhập học của Trường ĐH Nông nghiệp 1.
Những tưởng hạ được quyết tâm là được sống yên ổn, nào ngờ số lượng thư gọi nhập học hàng ngày vẫn tơi tới gửi về cho Thoa. Nhiều trường còn gửi thư đảm bảo. Đó là chưa kể các trường còn nhiệt tình gọi điện thoại về nhà riêng để tư vấn, thuyết phục không mệt mỏi. Thoa cười khổ: "Họ gọi điện về tận nhà tư vấn rất nhiều ngành hấp dẫn, ra trường có việc làm luôn với mức lương cao, có thể chọn làm việc cả trong và ngoài nước, thậm chí họ còn xin cả số di động riêng để chỉ đường và liên hệ cho dễ. Từ hôm đó em cảm thấy như bị khủng bố điện thoại, đến nỗi giờ máy di động cũng không dám lắp sim, còn máy nhà thì cứ nghe chuông đổ là giật thót mình".
Theo Dân Việt
TP.HCM: Điểm chuẩn lớp 10 tăng 1-2,75 điểm Hơn 21.000 thí sinh đạt điểm 30-35, 10.208 thí sinh trượt cả ba nguyện vọng. Sáng nay (16-7), Sở GD&ĐT TP.HCM đã chính thức công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập tại 62 trường THPT thi tuyển. Theo đó, điểm chuẩn Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cao nhất, thứ nhì là Trường TH Thực hành ĐH Sư phạm. Kế đến là...