Teen ban A học…ban D
Hầu hết các bạn teen đang học lớp 12 đều thú nhận rằng họ hoàn toàn hối hận về chương trình phân ban mình đã chọn, nhưng không thể thay đổi vì đã “lỡ dại” học được 2 năm rồi…
Vài dòng tâm sự bỏ ngỏ…
Cũng có nhiều bạn khi biết rằng sức mình không theo được chương trình ban KHTN khi lên lớp 12 nên quyết định chuyển lớp, học sang ban D. Vài bạn học cơ bản A cũng rục rịch chuyển xuống lớp ban D để học nhẹ nhàng hơn, khi họ không có ý định thi Toán – Lý – Hóa.
N.K (lớp 12 trường P) tâm sự: “Hầu như mình chưa thấy học sinh ban D nào hối hận về quyết định chọn ban của mình. Mình cũng chưa thấy teen nào học ban D mà chuyển lên ban tự nhiên. Còn các bạn học ban tự nhiên và cơ bản A lại khác. Nhiều bạn đến bây giờ mới biết mình chọn sai, và nuối tiếc. Nhưng hơi muộn rồi…”
L.P (lớp 12 trường N) chia sẻ: “Mình không có can đảm chuyển ban, chuyển lớp. Dù gì thì cũng đã quen với môi trường học tập này rồi. Dù mình học ban tự nhiên có hơi “phí”, nhưng không sao, bây giờ mình tập trung vào cho môn Anh và môn Văn đã…”
Video đang HOT
H.G (lớp 12 trường M): “Mình học ban A, nhưng thi khối D là chính. Bởi thế nên bây giờ mình sợ Lý và Hóa luôn. Nghe giảng mà như từ trên trời rơi xuống ấy! Mình đang “tiến thoái lưỡng nan” vì ban A học cũng không được, mà ban D học cũng không xong vì đâu có học đến nơi đến chốn! Rõ khổ!”
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Ban D cũng học…ban A!
Những bạn học ban A có ý định thi ban D thì tất nhiên sẽ khổ…gấp đôi bạn bè cùng trang lứa: phải học thêm tận…5 môn, và môn nào cũng phải chú trọng, dù không thuộc sở trường. Chính vì vật, sự áp lực và căng thẳng luôn diễn ra dồn dập.
L.P kể: “Chính vì chạy sô nhiều quá nên mình đuối, bỏ học thêm Lý, Hóa. Hậu quả là hai bài kiểm tra 15 phút vừa rồi dưới trung bình. Mình bắt đầu sợ nhưng bây giờ không biết sắp xếp thế nào. Mục tiêu của mình là đậu khối D, nhưng nếu học Lý, Hóa kiểu này thì đang sợ không thể tốt nghiệp THPT nữa!”
H.G nói thêm: “Mình thấy nhiều bạn học ban D mà cũng “bon chen” thi khối A nữa! Bởi vậy họ cũng như tụi mình, học đuối luôn. Nhưng dù sao chương trình cơ bản Lý, cơ bản Hóa vẫn đỡ áp lực…”
Bạn vẫn có thể học được hai ban cùng lúc, nếu:
Môn nào bạn đang mất căn bản thì hãy học nhiều hơn các môn còn lại gấp đôi. Chỉ cần làm bài tập nhiều lần, thực hành thường xuyên là sẽ mau chóng đạt điểm 7 trở lên.
Đừng học trước những kiến thức chưa cần thiết: hãy nắm vững kiến thức giáo khoa trước đã, khoan luyện thi đại học vội, nó sẽ khiến bạn lẫn lộn nội dung bài học
Phân bố thời gian hợp lý. Trong đó, bạn phải dành 6 tiếng để ngủ và một tiếng để thư giãn trong một ngày. Thà ngủ sớm và dậy sớm còn hơn là thức khuya để rồi sáng tụng không nổi kiến thức vào đầu.
Xem việc học là niềm vui, và không quan tâm đến điểm. Nếu điểm cao thì có động lực học tiếp, điểm thấp thì cố gắng gỡ lại và quên nó đi.
Môn nào yếu mới đi học thêm. Đừng “ôm sô” quá nhiều để rồi chẳng môn nào ra môn nào cả.
o0o
Thực trạng hiện nay rất nhiều bạn vì chọn sai ban hoặc luyện thi không đúng khối mà mình yêu thích nên dễ gặp áp lực và học không hiệu quả. Việc học là một quá trình lâu dài. Vì vậy bạn không thể “nhồi” hết được một lượng kiến thức khổng lồ trong thời gian quá ngắn. Chịu khó sắp xếp, biết cách “chấp nhận mất mát” ở một vài môn để đầu tư cho những môn đam mê, bạn sẽ thành công.
Không riêng gì những teen ban A học ban D, mà cả những teen ban D đang học…ban A, hay những teen ban tự nhiên học ban D nữa, các bạn hãy có những lựa chọn thật kĩ lưỡng trước khi quyết định mình sẽ chọn con đường nào nhé!