Tay xách cặp, tay xách cơm đến trường
Hàng chục năm nay, học sinh Trường tiểu học Thạch Tượng II (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) đã quen cảnh tay xách cặp, tay xách cơm vượt hàng km đến trường. Vất vả trong hành trình đi tìm con chữ, trong cuộc sống đời thường các em cũng phải đối mặt với không ít khó khăn.
Mới 4 giờ sáng, nhiều bếp lửa của bà con xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành đã đỏ, đây là thời điểm phụ huynh có con em đi học xa nhà phải dậy để chuẩn bị cơm cho các em mang theo ăn buổi trưa, để buổi chiều các em tiếp tục học. 6 giờ sáng, trên con đường ngoằn ngoèo, mấp mô đá núi, học sinh (HS) xã Thạch Tượng bắt đầu rải bước tới trường.
Có những HS phải đi bộ tới 6km, những ngày mưa là những ngày khổ sở đối với các em, đường trơn, lầy lội khi đi được đến trường quần áo đã lấm lem bùn đất. Đó là chưa kể những ngày mưa lớn nước trong khe, suối tràn ra làm ngập đường đe dọa tới tính mạng của các em.
Điều kiện học tập và sinh hoạt của học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn vất vả.
Đặt chân tới ngôi trường tiểu học xã Thạch Tượng II, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cơ sở vật chất còn nghèo nàn, sân trường thì gồ ghề những mô đất. Bàn ghế đã cũ kĩ, có những bộ không đạt tiêu chuẩn để một HS tiểu học ngồi đúng tư thế học tập. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập và rèn luyện của các em HS.
Để khắc phục tình trạng này, nếu chỉ nhờ sự đầu tư của nhà nước, nhờ sự đóng góp của bà con nơi đây là rất khó, bởi lẽ 2/3 HS của trường thuộc diện hộ nghèo. Tuy khó khăn là vậy nhưng thầy và trò trường tiểu học Thạch Tượng II vẫn cố gắng dạy tốt, học tốt.
Đến 10h 30 phút là thời điểm ăn trưa của học sinh nơi đây. Chứng kiến cảnh ăn cơm của các em mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Không nhà ăn, không bát đũa…, cơm trưa của các em được đùm bằng lá chuối, giấy ni lông, hay bỏ vào cặp lồng… Cơm và thức ăn đều đã lạnh ngắt khi được nấu từ sớm.
“Cơm và rau luộc mẹ cháu nấu từ tối qua rồi cho vào túi bóng để sáng mai cháu mang theo cho kịp giờ học”, em Nguyễn Thị Hường, HS lớp 4A chia sẻ.
Cơm đã nguội, rau đã lạnh ngắt nhưng có lẽ vì quãng đường quá dài so với sức của các em cộng với cái đói sau những tiết học nên em nào cũng ăn một cách ngon lành.
Video đang HOT
Ăn cơm xong không có chỗ nghỉ trưa, có em tụ tập nô đùa, có em lại vào trong lớp tranh thủ nằm ngủ ngay trên bàn học của mình. Khó khăn là thế nhưng có nhiều em đã vượt lên hoàn cảnh để đạt kết quả cao trong học tập như em Mai Thị Hường, HS lớp 3B là một trong những HS giỏi tiêu biểu của trường, hai năm liền em đều là HS giỏi cấp huyện.
Còn em Nguyễn Thị Anh mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với ông bà nội, không chỉ là HS khá giỏi mà em còn là cháu ngoan Bác Hồ, ngoài giờ học trên lớp, ở nhà em giúp ông bà nấu cám lợn, quét nhà rửa bát, trông em…
Thầy Lưu Đình Dũng, hiệu phó nhà trường, cho biết: “Có tới 90% HS của trường thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, đời sống của các em gặp không ít khó khăn. Với lại cái “cái khó bó cái khôn” nên các bậc phụ huynh nơi đây chưa chú tâm tới việc học hành của con cái. Bên cạnh đó có hơn 90% dân cư nơi đây là dân tộc Mường nhận thức còn hạn chế. Việc HS tiểu học đi bộ với quãng đường 3 – 6km tới trường và mang cơm theo để ăn là một điều hiếm có đối với lứa tuổi của các em tiểu học”.
Bữa cơm trưa của nhiều em học sinh chỉ có rau và ít trứng đã nguội lạnh.
Để khắc phục phần nào những khó khăn của các em có hoàn cảnh đặc biệt, ngoài sự đóng góp của HS, tập thể giáo viên nhà trường đã và đang quyên góp một số ngày lương của mình gây dựng “Qũy thắp sáng ước mơ” nhằm hỗ trợ các em có hoàn cảnh bớt đi phần nào khó khăn trong cuộc sống.
Trực tiếp chứng kiến nơi các em ăn, ở học hành mới thấu hiểu hết được hành trình đi tìm cái chữ đối với các em HS Trường tiểu học Thạch Tượng II gian nan, khổ sở biết nhường nào, bởi gia đình các em quá khó khăn, chưa có điều kiện để chăm sóc đầy đủ cho con em.
“Chúng tôi mong sao Nhà nước hỗ trợ kinh phí để nhà trường có nơi cho học sinh ở bán trú, có một khu nhà ăn để giáo viên tự nấu nướng và chăm sóc các em HS tốt hơn, chứ chứng kiến cảnh các em ăn uống và không có nơi để nghỉ trưa các thầy cô giáo ai cũng thương nhưng đành chấp nhận vì điều kiện nhà trường không thể lo nổi”, thầy hiệu phó Lưu Đình Dũng chia sẻ.
Hữu Cường – Duy Tuyên
Theo dân trí
Học sinh bán trú 2 tháng chưa được ăn thịt
Thầy Đồng Xuân Lợi - Hiệu trưởng Trường THCS Bản Lang cho biết: "Từ đầu năm học tới nay, chúng tôi chưa có điều kiện mua cho các cháu một bữa thịt lợn nào. Do giá cả đắt đỏ nên chỉ đủ mua lạc, đậu, cá khô...".
Quyết định 85/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp học sinh dân tộc thiểu số học bán trú có điều kiện học tập tốt hơn. Tuy nhiên, mức hỗ trợ thấp trong khi giá cả leo thang khiến nhiều học sinh vẫn phải chịu đói. Ghi nhận của PV tại Lai Châu.
Gần 2 tháng chưa được... ăn thịt
Chúng tôi tới Trường THCS Bản Lang (huyện Phong Thổ) đúng lúc hơn 100 học sinh đang ăn cơm trưa. Nhìn cảnh mỗi cháu một bát to cơm chỉ với mấy con cá khô và gắp chung đĩa rau muống luộc, ai nấy đều đắng lòng.
"Cháu không được ăn sáng nên bây giờ đói lắm. Nhiều hôm đi học, chưa đến bữa cơm trưa đã thấy đói hoa mắt, chẳng thể học được" - Lý Trung Thành, học sinh lớp 6 tâm sự.
Trao đổi với phóng viên, thầy Đồng Xuân Lợi - Hiệu trưởng Trường THCS Bản Lang cho biết: "Từ đầu năm học tới nay, chúng tôi chưa có điều kiện mua cho các cháu một bữa thịt lợn nào. Do giá cả đắt đỏ nên chỉ đủ mua lạc, đậu, cá khô...".
Thầy Lợi cho biết thêm, theo quy định, mỗi học sinh ở bán trú được hỗ trợ tiền sinh hoạt là 40% lương cơ bản, tương đương 332.000 đồng/tháng. Trừ các khoản như gạo, mắm, muối... thì chẳng còn tiền mua thức ăn.
Cách đó không xa, học sinh Trường THCS Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) cũng chịu cảnh bữa no bữa đói. Phàn Lở Mây - học sinh lớp 9A cho biết: "Từ nhà em tới trường phải vượt qua 1 con suối và 4 con đèo, đi bộ mất khoảng 2 tiếng. Từ khi được ở bán trú, em có điều kiện học tốt hơn nên 2 năm nay đều đạt học sinh khá".
Tuy nhiên, những ngày này, Mây và các bạn học sinh Trường Sì Lở Lầu cũng chỉ được ăn uống cầm chừng vì không đủ tiền mua gạo, thức ăn.
Thầy Phạm Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường THCS Sì Lở Lầu cho biết: "Do giá cả sinh hoạt đắt đỏ nên từ đầu năm học đến nay công tác tổ chức bán trú cho học sinh gặp rất nhiều khó khăn, luôn thiếu chất đốt, thiếu nước sạch, thiếu thực phẩm...".
Bữa ăn chỉ rau luộc và cá mắm của học sinh Trường THCS Dào San (Phong Thổ, Lai Châu).
Khó nói chuyện "xã hội hoá"
Để cải thiện sinh hoạt cho học sinh, nhiều trường học ở Lai Châu đã đưa ra các phương án nhằm xã hội hoá công tác giáo dục nhưng nhìn chung vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Theo thầy Đồng Xuân Lợi, nhà trường đã từng áp dụng hình thức vận động phụ huynh góp gạo để cải thiện đời sống cho các cháu nhưng người đóng người không nên dẫn tới tình trạng "ganh tị" giữa các gia đình. Cuối cùng, nhà trường chỉ đưa ra hình thức góp 30kg củi mỗi tháng và đóng tiền mua vật dụng, nhưng cũng không thành.
"Hiện chúng tôi cũng mới được ứng 20 triệu đồng tiền sinh hoạt cho các cháu nên vẫn phải "nợ" tiền những đầu mối cung cấp thực phẩm. Thậm chí, từ khi các cháu ở bán trú tiền điện cũng phát sinh thêm hàng triệu đồng mỗi tháng mà không có khoản để chi nên các thầy cô đành chia đầu người ra đóng góp" - thầy Lợi cho biết.
Theo Quyết định 85, học sinh cách điểm trường 5km là được ở bán trú, nhưng do ít chỗ ở nên ước tính ở Phong Thổ (Lai Châu) có khoảng 40% học sinh đủ điều kiện ở bán trú nhưng không được ở. Và vì vậy, các em cũng không được hưởng hỗ trợ tiền ăn theo chính sách.
Cùng chung những khó khăn trên, thầy Đặng Thế Anh - Hiệu trưởng Trường THPT Ma Ly Pho (Phong Thổ) cho biết, hiện có hơn 100 học sinh đủ tiêu chuẩn ở bán trú và có nhu cầu ở nhưng nhà trường chỉ bố trí được cho 65 em.
Để cải thiện đời sống cho các em học sinh, nhà trường đã huy động các em trồng rau, mỗi em góp một vài con gà để nuôi tăng gia và góp 10kg gạo mỗi tháng nhưng vẫn không đủ.
Không phủ nhận những hiệu quả từ chính sách hỗ trợ học sinh bán trú mang lại như giúp học sinh đỡ đi lại xa, tạo điều kiện học tập và giảm bớt tình trạng bỏ học ở học sinh vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ như hiện nay, nhiều trường đang lo lắng về "số phận" mô hình bán trú cho học sinh khi mà không lo nổi đời sống cho các em.
Theo dân trí
Sống riêng - Tự do hay tự... trói mình? Đang sống chung cùng bố mẹ yên ấm bỗng nhiên Nguyễn Thuỳ Trang nằng nặc xin bố mẹ thuê nhà ra ở riêng. Lý do Trang đưa ra rất đơn giản là cô muốn được tự thử sức mình với cuộc sống mới, tách khỏi sự quản lý của gia đình... Rời tổ ấm Có lẽ mong muốn của Trang cũng giống như...