Tây Du Ký Hài : Thu nạp Sa Tăng
Qua Lưu Sa Hà thật khó khăn đối với thầy trò Đường Tăng, bởi vì ở dưới đáy sông có con yêu quái đang rình rập.
Yêu quái Lưu Sa Hà cuối cùng đã phải chịu thua và nguyện theo thầy trò Đường Tăng sang Tây Trúc không công.
Mei Ying (24H.COM.VN)
"Tây Du Ký" 1986 - Hành trình 100.000km để làm phim
Những thông tin về quãng đường làm phim đầy gian truân và vất vả của đoàn làm phim "Tây Du Ký" trong suốt 6 năm đã khiến các fans hâm mộ của bộ phim không khỏi xúc động!
Phim Tây Du Ký do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc sản xuất năm 1986 đến nay vẫn là bộ phim lập kỷ lục ở Trung Quốc về rating (89,4% khi công chiếu), cũng như số lần phát sóng trên các đài truyền hình. Mỗi năm vào các dịp nghỉ hè và nghỉ đông của các em học sinh, nhiều đài cho trình chiếu lại bộ phim này. Bộ phim cũng được trình chiếu và đông đảo khán giả yêu thích tại nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Nhưng để có một bộ phim có sức sống lâu dài trong lòng công chúng như vậy, các thành viên của đoàn phim đã phải lao động miệt mài, vất vả trong suốt 6 năm trời, với chi phí chỉ có 6 triệu nhân dân tệ, di chuyển trên cung đường dài 100.000 km, đã từng qua nhiều nơi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt để quay phim.
Đoàn luôn có sự thay đổi về nhân sự trên hành trình, lúc cao nhất đến 100 người, lúc thấp chỉ có 50 đến 60 người, khi sang Thái Lan quay phim chỉ vẻn vẹn 20 người, di chuyển bằng mọi phương tiện, kể cả bằng máy bay như chuyến đi Tân Cương năm 1986, Vân Nam và Thái Lan năm 1987. Các thành viên mỗi ngày chỉ nhận được 5 nhân dân tệ phụ cấp ăn uống, và mỗi tập phim thành viên của đoàn nhận được thù lao cao nhất không quá 100 nhân dân tệ (Lục Tiểu Linh Đồng - diễn viên chính - nhận được 70 nhân dân tệ mỗi tập). Không có diễn viên đóng thế, và nhiều người trong đoàn phải đảm nhiệm nhiều vai trò hay phải đóng nhiều vai khác nhau. Họ đến từ nhiều địa phương và làm ngành nghề khác nhau, nhưng nhiều người đã có những nỗ lực rất lớn để bộ phim đi đến đích cuối cùng. Hành trình được bắt đầu từ năm 1982 và kết thúc vào cuối năm 1987.
Hành trình làm bộ phim vĩ đại của Trung Quốc bắt đầu khi êkíp chính của bộ phim được định hình. Diễn viên chính vào vai Tôn Ngộ Không là Lục Tiểu Linh Đồng, có truyền thống gia đình 4 đời đóng vai "Hầu vương". Sau một thời gian chuẩn bị, câu chuyện Trừ yêu Ô Kê quốc được chọn lựa quay đầu tiên đã chính thức bấm máy. Ngoài Lục Tiểu Linh Đồng còn có các diễn viên chính khác gồm Uông Việt (Đường Tăng), Mã Đức Hoa (Trư Bát Giới), Diêm Hoài Lễ (Sa Tăng). Các diễn viên quan trọng khác của tập có Lôi Minh (Quốc vương Ô Kê quốc), Trịnh Dương Kỳ (Hoàng hậu Ô Kê quốc), Uông Hải Ninh (thái tử), Hạ Bá Hoa (yêu đạo). Tập phim thử nghiệm được CCTV công chiếu lễ Quốc Khánh cùng năm, rất được yêu thích.
Đường Tăng (Uông Việt) và Thái tử Ô Kê quốc (Uông Hải Ninh)
Tiếp đó trong năm 1983 các tập Họa từ Quan Âm viện, Thâu ngật nhân sâm quả, Tam đả Bạch Cốt tinh được khởi quay và hoàn thiện. Sau này Uông Việt có kể tháng 2/1982 khi bộ phim được phê duyệt, anh khi đó đang học tại Học viện điện ảnh Bắc Kinh, được đóng vai Đường Tăng là một vinh dự lớn. Khi tập đầu phát sóng, được khán giả ủng hộ nhưng có người cho là anh quá trẻ và gầy, vì vậy anh phải chịu khó ăn ngủ rất nhiều để tăng cân. Uông Việt cho biết thêm, khi đó anh đã 27 tuổi, phải theo đoàn dự kiến tới 4 năm với hành trình 108.000km, do đó không theo đuổi được. Cuối năm 1983 Uông Việt tuyên bố rời đoàn phim vì muốn thử mình ở vai khác. Người thay thế anh là Từ Thiếu Hoa, lúc đó đang là diễn viên Nhà hát kịch Sơn Đông. Mới lấy vợ được 3 ngày nhưng Từ Thiếu Hoa rất hăng hái, cạo râu tóc và khoác áo thày tu đi theo đoàn phim. Tập Kế thu Trư Bát Giới khởi quay ngay tại Sơn Đông, và công chiếu ngày 3/2/1984, cùng tập Tam đả Bạch cốt tinh.
Đầu năm 1984 đoàn đến Hồ Nam để quay tập Hầu vương sơ vấn thế. Mùa xuân 1985, từ Bắc Kinh đoàn xuôi đến Giang Tô, Chiết Giang quay tập Hầu vương hộ Đường Tăng và Khảm đường gặp tam tai. Cảnh Trần Quang Nhụy (cha Đường Huyền Trang) bị Lưu Hồng hại đẩy xuống sông quay tại một khúc sông Dương Tử, diễn viên Từ Thiếu Hoa làm nhiều người thót tim khi anh ngụp quá lâu dưới sông, mấy cứu hộ phải nhảy xuống nhưng rồi lại thấy anh ở bên kia mạn tàu. Tại đây khi khởi quay nạn các Bồ Tát hoá thân thử lòng Trư Bát Giới, trong khi Chân Chân và Ái Ái đã xác định diễn viên đóng, chưa ai đóng Liên Liên thì đạo diễn Dương gặp Hà Tình. Lục Tiểu Linh Đồng vốn quen cô đã "tư vấn", và cô gái có má lúm đồng tiền rất duyên này đã chinh phục được đạo diễn Dương.
Tháng 8/1985, đoàn di chuyển qua Quảng Châu thực hiện một số phân cảnh ở các tập đầu, qua Quý Châu rồi đến Vân Nam để quay hai tập Trí kích Mĩ Hầu vương và Đoạt bảo Liên Hoa động, sau đó ngược lên Tứ Xuyên để hoàn tất một số phân cảnh khác. Trong tập Trí kích Mỹ hầu vương, vai Bách Hoa Mỹ công chúa đã giành sắn cho Lưu Băng, diễn viên đoàn kịch Tổng Cục chính trị. Riêng vai thiếu nữ do Bạch Long Mã hoá thân đánh nhau với Hoàng Bào quái, thì buộc phải chọn một diễn viên biết võ thuật. Cô gái Vân Nam có tên Nhậm Văn Kiên sau khi trải qua thử thách, đã được đạo diễn chấp thuận. Một nhóm ngược lên phía bắc, tỉnh Cát Lâm, để quay một số phân cảnh tập Đại chiến Hồng Hài Nhi. Cũng năm 1985 đoàn quay ra biển để hoàn thiện một số phân cảnh tập Hầu vương sơ vấn thế. Tập Thỉnh kinh Nữ nhi quốc khởi quay cuối 1985 tại Tô Châu và Hàng Châu.
Thầy trò Đường Tăng tại Nữ nhi quốc
Sau tập phim Thỉnh kinh nữ nhi quốc, Từ Thiếu Hoa tuyên bố rời đoàn phim, để về quê theo đuổi học tại Đại học Nghệ thuật Sơn Đông mà anh hằng ước ao (trước Từ Thiếu Hoa đã có bằng sử học). Sau khi 11 tập được hoàn thiện, CCTV cho công chiếu trong dịp Tết Nguyên đán năm 1986, thăm dò ý kiến khán giả. Trước hôm công chiếu một ngày, đoàn phim có cuộc họp báo với đông nghẹt các nhà báo đến dự, có sự tham dự của Phó Giám đốc CCTV. Có thể nói giai đoạn này đoàn phim gặp nhiều khó khăn nhất tưởng chừng phải đứt gánh giữa đường. Nhưng sự cổ vũ to lớn của đông đảo khán giả sau khi bộ phim công chiếu đã khích lệ mọi người, và cũng buộc họ phải nỗ lực làm nhanh hơn với một sức ép lớn hơn. Ngay sau ngày công chiếu, hàng nghìn lá thư được gửi đến, sau đó nhân viên đài truyền hình đã nhận vô số thư nữa và gom đầy mấy bao tải. Lục Tiểu Linh Đồng nhận nguyên một bao tải thư. Đạo diễn phải tổ chức cho đoàn đi một số nơi tại Bắc Kinh để thăm dò ý kiến khán giả. Phim gây được tiếng vang lớn, rất nhiều nhà báo nước ngoài đến theo dõi quá trình làm phim, và đi đến đâu đoàn phim cũng nhận được sự chào đón nhiệt tình, trọng thị của chính quyền, người dân các địa phương.
Sau khi Từ Thiếu Hoa rời đoàn, Trì Trọng Thụy (trước theo học Học viện kịch nghệ Thượng Hải) đảm trách vai Đường Tăng để đưa đoàn Tây Du đến đích cuối cùng. Tháng 4/1986 tập Tảo tháp biện kỳ oan được khởi quay tại Hàng Châu và Tô Châu. Đoàn phim gặp nhiều thuận tiện hơn và tốc độ làm được đẩy lên nhanh hơn. Tập Trừ yêu Ô Kê quốc được dựng lại sau khi nhận thấy tập quay thử nghiệm năm 1982 vẫn còn thiếu sót. Ngoài vai Đường Tăng, cũng có hai thay đổi khác. Vai Hoàng hậu Ô Kê quốc giao cho diễn viên Hướng Mai, trong khi Đổng Hồng Lâm đóng yêu đạo. Các vai quan trọng khác vẫn do các diễn viên cũ đóng. Hè năm 1986 đoàn phim đến Đại Đồng (Sơn Tây) và Trương Gia Khẩu (Hà Bắc) quay tiếp tập Tảo tháp biện kỳ oan và di chuyển xuống An Huy, Hồ Nam, Chiết Giang để làm tập Ngộ nhập Tiểu Lôi Âm. Lúc này sức khoẻ phần lớn thành viên trong đoàn không tốt, rất nhiều người đổ bệnh do thời tiết khắc nghiệt. Tào Đạc, dù ở độ tuổi ngoài 50, nhưng vẫn khoẻ khoắn, và hoàn thành tốt vai Hoàng Mi yêu vương. Tháng 9/1986, đoàn thực hiện quay một số phân cảnh tập Tam điệu Tì Bà phiến tại Quảng Tây và đáp máy bay đi Urumqi (Tân Cương) để quay cảnh ở Hoả Diệm Sơn. Đoàn đã đến tận dãy núi Thiên Sơn để có được những cảnh quay đẹp, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Cảnh quay thày trò gặp người dân chịu cảnh khát nước quay tại thành phố cổ Cao Dương. Do thiếu nước hay lý do nào đó, người dân đã rời bỏ thành phố mấy năm trước.
Đạo diễn và thày trò Đường Tăng tại chương trình "Tề Thiên Lạc"
Mùa xuân năm 1987, đoàn qua Phúc Kiến, Quảng Đông quay câu chuyện Truyền nghệ Ngọc Hoa Châu và đầu tháng 4/1987 đến Vân Nam lần hai để quay một số phân cảnh hai tập cuối. Một số cảnh tập Thiên Trúc thâu Ngọc thố được thực hiện ngay tại vùng biên giới Bảo Sơn, Vân Nam - nhìn sang đất Miến Điện. Lý Linh Ngọc, lúc đó đang là nghệ sĩ của Vũ đoàn ca Phương Đông, được giao vai Ngọc thố và Thiên Trúc công chúa. Sau, một số phân cảnh còn lại của tập được thực hiện tại Thái Lan.
"Ngọc thố" Lý Linh Ngọc trong ngày sinh nhật của mình
Tháng 5/1987, đoàn đến Đô Giang Yển (Tứ Xuyên) để quay câu chuyện Rơi nhầm Bàn Tơ động. Tại đây, đạo diễn Dương tình cờ gặp người bạn cũ là nghệ sĩ Lý Ân Kỳ, khi đó đã nghỉ hưu và đến Đô Giang Yển tham quan, mời bà đóng một vai phụ. Bà vui vẻ nhận lời và đóng vai Lê Sơn Lão mẫu hoá thân, người chỉ cho Tôn Ngộ Không đến gặp Tì Lam bồ tát để trừ rết tinh. Hè năm 1987, đoàn quay lại Sơn Đông để hoàn thiện một số phân cảnh và chuẩn bị cho chuyến đi Thái Lan. Khi đó đoàn đã có điều kiện tài chính hơn trước, ngay từ cuối năm 1986 đã lên kế hoạch sang Ấn Độ quay phim, nhưng cuối cùng quyết định sang Thái Lan.
Thày trò Đường Tăng và phụ quay Đường Kế Toàn tại điện Thiên Trúc quốc
Ngày 5/11/1987 đoàn chỉ có 20 người (bao gồm 1 phiên dịch) đáp máy bay từ Quảng Châu đến Bangkok. Đây là lần đầu tiên một đoàn phim Trung Quốc "chịu chơi" qua nước ngoài quay phim. Tại đây đoàn đã được các cán bộ Đại sứ quán Trung Quốc, trong đó có Lưu Băng (người đóng vai Bách Hoa Mỹ công chúa trước đó hơn 2 năm, đã chuyển nghề), giúp đỡ rất nhiệt tình. Ngoài thời gian quay phim, đoàn đã đi giao lưu với một số đơn vị nghệ thuật của Thái Lan, đến thăm sở thú, thậm chí có cả tiền đến Pattaya để tắm biển. Trong vỏn vẹn 20 ngày, với kinh phí chắt chiu, họ đã thực hiện được khá nhiều cảnh quay ấn tượng cho hai tập cuối tại Ayutthaya, "kinh đô Phật giáo" của Thái Lan.
Thày trò Đường Tăng bên bờ biển
Chuyến bay từ Bangkok về Trung Quốc vào một ngày cuối tháng 11/1987 đã kết thúc hành trình làm phim đầy gian khổ và cực nhọc của đoàn phim Tây Du Ký kéo dài 6 năm. Sau một thời gian làm hậu kỳ hoàn thiện các tập, từ ngày 1/2/1988, CCTV phát sóng trọn bộ phim Tây Du Ký gồm 25 tập. Phim thành công vang dội, hai lần giành giải đặc biệt cho Phim truyền hình xuất sắc nhất tại Trung Quốc. Đến nay bộ phim vẫn được công chiếu đều đặn tại nước này, các ca khúc trong phim rất được yêu thích, nhưng những câu chuyện về quá trình làm phim, hậu trường bộ phim vẫn còn nhiều bí ẩn, gây tò mò cho biết bao lớp thế hệ khán giả. Các hình ảnh hậu trường vẫn chưa được công bố hết, rất nhiều hình ảnh đã bị nhoè đi, cũ kĩ mục nát phải phục chế, hay thất lạc đâu đó. Nhiều nghệ sĩ đã qua đời, hay sống tản mát ở khắp nơi, rất ít có điều kiện để gặp nhau, và có thông tin về nhau. Lục Tiểu Linh Đồng là người có nhiều nỗ lực để kết nối nhiều thành viên trong đoàn phim năm xưa, với mong muốn có những cuộc cặp gặp mặt đông đủ hơn, nhưng thật không dễ dàng.
Theo PLTP
Mãn nhãn với bộ ảnh "độc" của Tây Du Ký cũ (Phần 3) Bộ phim Tây du ký, tác phẩm điện ảnh sống mãi với thời gian, là một trong những kỷ niệm tuổi thơ của biết bao thế hệ fans điện ảnh châu Á. Vượt qua mọi thử thách về lòng kiên nhẫn, tình đoàn kết và những khó khăn của nền điện ảnh Trung Quốc thời bấy giờ, bộ phim Tây du ký vẫn...