‘Tẩy chay’ lớp học thêm tiền lớp 1, phụ huynh cần làm gì giúp con?
Ở bậc mầm non các con đã được làm quen với bảng chữ cái, với những nét viết cơ bản để cấu tạo nên chữ. Vì vậy, phụ huynh không cần quá sốt sắng đưa con đến các lớp học tiền tiểu học.
Chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới bắt đầu được đưa vào dạy và học từ năm học 2020-2021. Sau thời gian trải nghiệm, SGK lớp 1 nhận được nhiều phản hồi từ các bậc phụ huynh là nếu không cho con học tiền lớp 1 thì con khó đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Ảnh minh họa
Chị Nguyễn Hạnh (Cầu Giấy) đã dành thời gian học lại cùng con theo chương trình SGK mới. Theo chị Hạnh, SGK lớp 1 năm nay, đặc biệt là môn Tiếng Việt tương đối nhiều kiến thức đối với học sinh, nhất là với những bạn không học trước.
“Ngay từ những bài học đầu tiên, học sinh không được làm quen với các nét, các chữ cái cơ bản mà đã học ngay vào ghép vần, thậm chí là tập đọc. Nhiều bạn không học tiền tiểu học trong lớp con chị khó để bắt kịp theo yêu cầu.
Các chữ, các số, con chưa kịp nhớ đã lại học sang bài khác, cô giáo cũng quan tâm nhắn mẹ chú ý việc học của con nhưng chưa con có thời gian làm quen đã phải chuyển sang bài khác khiến nhiều học sinh bị đuối.
Năm nay ở khu nhà tôi ở, dù còn hơn nửa năm nữa mới bắt đầu năm học mới nhưng với tâm lý sợ con không theo kịp bạn bè như học sinh lớp 1 năm vừa rồi, các gia đình vẫn tìm lớp cho con đi học tiền tiểu học.
Tôi nghĩ con làm quen trước với con chữ, tập viết, tập tính và làm quen với cách dạy học ở lớp 1 thì cũng không có gì hại cả. Đó cũng là một sự chuẩn bị tốt”, chị Hạnh chia sẻ.
Video đang HOT
Tiến sĩ Lê Tiến Thành – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) nêu quan điểm: Xét về khách quan, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, trẻ mầm non nghỉ học gần bốn tháng liền nên thời gian học sinh chuẩn bị vào lớp 1 ít hơn so với năm trước rất nhiều.
Có một thực tế là nhiều học sinh 6 tuổi năm nay lên lớp 1 nhưng chưa thuộc mặt chữ trong bảng chữ cái cộng với việc thay đổi chương trình nên cũng có những khó khăn so với trẻ vào lớp 1 năm ngoái.
“Khi học sinh học hết lớp 1, mục tiêu của chương trình là học sinh cũng chỉ thuộc chừng ấy vần, chữ ngày xưa thế nào thì bây giờ vẫn vậy. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy trong phân phối chương trình, những năm trước, trong một bài tương đương với một tiết học học sinh học một âm, nhưng năm nay, có những bài ghép đến 2-3 âm, vần trong khi nhiều học sinh chưa thuộc mặt chữ cái nên phụ huynh sẽ thấy con không theo kịp chương trình.
Hiện nay Bộ GD&ĐT đã giao cho giáo viên quyền chủ động, có thể dạy chậm, chắc nên giáo viên có thể tùy theo khả năng của học sinh mà dạy miễn sao hết năm học các em đạt được yêu cầu là ổn” – Tiến sĩ Lê Tiến Thành nói.
Cô giáo Nguyễn Hải Phương – giáo viên tiểu học tại Hà Nội thừa nhận học sinh lớp 1 năm nay có những khó khăn riêng do học sinh mầm non nghỉ học quá lâu vì dịch bệnh.
“Ở bậc mầm non các con đã được làm quen với bảng chữ cái, với những nét viết cơ bản để cấu tạo nên chữ. Vì vậy, phụ huynh không cần quá sốt sắng đưa con đến các lớp học tiền tiểu học.
Chỉ cần con học đến đâu, bố mẹ theo sát đến đó, mỗi tối dành khoảng nửa tiếng vừa cho con ôn lại mặt chữ, vừa chơi cùng con để con thuộc được bảng chữ cái. Đó đã là những hành trang tốt nhất cho việc học lớp 1 rồi.
Bản thân tôi dạy, có những học sinh đã học trước chương trình nên trong lớp thường rất lơ là, không chú tâm vào bài học, thậm chí còn gây mất trật tự trong lớp gây rất nhiều khó khăn trong hoạt động dạy học.
Hơn nữa, theo quan điểm của tôi, thay vì cho con học trước chương trình, bố mẹ nên cho con học cách tư duy, tiến đến định hướng phát triển năng lực để trong mỗi bài học mới, mỗi kiến thức các con đều có cách tư duy, tiếp cận bài học riêng của mình”, cô Phương nói.
Không "có cửa" cấm dạy thêm, học thêm triệt để
Dù còn gần một năm nữa con mới vào lớp 1 nhưng nhiều phụ huynh có con đang học lớp Lá đã hối hả tìm nơi cho con học thêm tiền lớp 1.
Chị Hoàng Mỹ Bình (quận Bình Thạnh, TPHCM) dự định cho con vào Trường Tiểu học Bình Hòa (Bình Thạnh). Nghe nói chương trình lớp 1 mới rất khó nên dù được khuyên là không nên cho con học thêm trước, chị vẫn quyết lập nhóm, tìm thêm người có chung tư tưởng để cho con học trước.
Nhiều lớp học thêm tiểu học vẫn ngang nhiên tồn tại - Ảnh: GDVN
"Tôi cũng không muốn cho con đi học thêm nhưng đó là việc cực chẳng đã, cũng không còn cách nào khác. Nhà có 2 đứa, một đứa lớp 4 cũng đi học thêm tuần 4 buổi môn Toán và tiếng Anh, đứa chuẩn bị vào lớp 1 đi học thêm tuần 3 buổi.
Tôi chỉ tính trung bình giá học thêm hiện nay là 100.000 đồng/buổi, chưa kể môn tiếng Anh học phí phải đắt hơn. Như vậy, tiền học thêm cho 2 con đã tốn gần 3 triệu/tháng.
Tiền học chính ở trường còn không tốn bằng tiền học thêm nhưng thấy các mẹ ào ào cho con đi học, tôi sợ con mình trở thành... "tối cổ" không theo được các bạn nên cũng cắn răng cho con đi học", chị Bình nói.
Nhiều phụ huynh khác ở Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. "Có thời điểm vợ chồng tôi chiến tranh lạnh vì chuyện học hành của con. Con ngồi vào bàn học là nhà cửa ầm ĩ vì tiếng quát của mẹ, tiếng khóc thút thít của con. Các bạn ở lớp thì có đến 70% đi học nhà cô, còn lại cũng học qua tiền lớp 1 nên việc học âm vần dễ dàng hơn con tôi", anh Tiến Mạnh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói.
Giải pháp của vợ chồng anh Mạnh là gửi con đến lớp học thêm nhà cô chủ nhiệm. Cứ sau khi tan học, vợ anh Mạnh lại đưa con đến thẳng nhà cô, 4 buổi/tuần.
Trở lại câu chuyện dạy thêm học thêm, mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM đã có công văn gửi đến các Phòng GD-ĐT quận huyện yêu cầu: "Thực hiện nghiêm các quy định của Bộ, tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống".
Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế, nhiều người cho rằng rất khó để cấm dạy thêm, học thêm triệt để. Trước đó, tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, việc không được dạy thêm, học thêm ở tiểu học cũng đã được ghi rõ, nhưng lâu nay điều này vẫn diễn ra.
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng nhất định phải thay đổi nhận thức cho phụ huynh. Mục đích của việc bố mẹ cho con đi học thêm là lo con mình kém hơn bạn, chậm hơn bạn mà không biết rằng con chậm còn do năng lực từng đứa trẻ.
PGS. TS Trần Thành Nam
"Phụ huynh chỉ chăm chăm cho con đi học thêm mà quên rằng chương trình giáo dục phổ thông mới đã chuyển từ dạy nội dung sang định hướng phát triển năng lực. Tôi tin chắc nhiều phụ huynh không hiểu thế nào là phát triển năng lực nên đầu tư cho con đi học thêm về nội dung kiến thức trong khi thông tin, kiến thức hàng ngày sản sinh ra vượt ngoài khả năng mà con người có thể thu nhận được.
Chúng ta phải hiểu, chỉ dạy cho con phương pháp để phát triển năng lực sáng tạo, tư duy phản biện chứ không phải dạy nhồi nhét kiến thức".
Theo PGS-TS Trần Thành Nam, cha mẹ cần được tập huấn để hiểu đâu là phương pháp phù hợp giúp con phát triển sự sáng tạo cũng như tư duy phản biện. Qua đó, bố mẹ mới biết lựa chọn hoạt động nào phù hơp cho con.
"Học thêm nếu là tổ chức các hoạt động để học sinh hình thành và phát triển năng lực trong cuộc sống thì được. Tất cả lớp học thêm như thế không bao giờ giới hạn trong 4 bức tường hay trên giấy mà phải dựa trên những tình huống thực tiễn trong cuộc sống.
Bố mẹ nên cho con tham gia các hoạt động phù hợp với con, có định hướng giáo dục trong thực tế, trở thành người dẫn dắt và tham gia cùng con.
Đừng bắt con trẻ đi học thêm theo kiểu luyện thi, làm cho con ghét việc học, coi việc học như hình phạt căng thẳng... Khi phụ huynh không còn nhu cầu nhồi nhét nội dung kiến thức cho con thì các lớp học thêm mới có thể đóng cửa", ông Nam nói.
Cắt bài về nhà, đầu ra vẫn 'thần tốc': Trẻ lớp 1 chật vật học kiểu 'nhồi vịt' Việc tăng số tiết mà ép trẻ ngay từ ngày đầu đã phải học nhiều chữ hơn và độ phức tạp lớn hơn, dồn hết cả bảng chữ cái vào học trong 1 tháng đầu tiên thì khác gì nhồi nhét Sách giáo khoa lớp 1 mới Sau ý kiến phản ánh của các phụ huynh có con vào lớp 1 về chương...