Tây Ban Nha, Maroc triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường
Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 5/10 thông báo sẽ triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường cho những người trên 70 tuổi.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 12/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một tuyên bố, bộ trên cho biết Ủy ban y tế công cộng quốc gia Tây Ban Nha quyết định bắt đầu từ cuối tháng 10 này sẽ triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường cho những người cao tuổi đã tiêm mũi thứ 2 hơn 6 tháng trước đó.
Cho đến nay, Tây Ban Nha mới chỉ cho phép tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những người sống ở viện dưỡng lão và những người suy giảm miễn dịch.
Trước đó, ngày 4/10, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã chính thức “bật đèn xanh” cho việc tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, sử dụng vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech. Như vậy, hơn 15 nước trên thế giới đã triển khai tiêm mũi thứ 3, trong đó có 3 nước thuộc EU gồm Pháp, Italy và Đức.
Cùng ngày 5/10, Bộ Y tế Maroc thông báo sẽ khởi động chiến dịch tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 trong tuần này đối với những người đã tiêm 2 liều ít nhất 6 tháng trước đó.
Video đang HOT
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, Bộ Y tế Maroc nêu rõ những người đủ điều kiện để tiêm mũi thứ 3 thuộc nhóm nguy cơ cao và nhân viên tuyến đầu trong các lĩnh vực y tế hoặc an ninh.
Ông Sad Afif, thành viên của Ủy ban khoa học về tiêm chủng phòng COVID-19 của Maroc, cho biết nước này có thể sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca cho 2 mũi đầu tiên và một loại vaccine của hãng khác cho mũi thứ 3, như vaccine của Sinopharm. Những người đủ điều kiện tiêm mũi thứ 3 là những người dễ bị tổn thương và nhân viên tuyến đầu chống dịch, trong đó có lực lượng y tế, an ninh.
Vương quốc Maroc, với hơn 36 triệu dân, đang dựa vào chiến dịch tiêm chủng để đối phó với đại dịch CovID-19, trong đó gần 23 triệu người đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và hơn 19 triệu người đã tiêm 2 mũi. Hiện Maroc dẫn đầu khối Maghreb (Bắc Phi) về tỷ lệ tiêm chủng. Mục tiêu của nước này là tạo miễn dịch cho 80% dân số, tương đương 30 triệu người.
Tình hình dịch COVID-19 đang ghi nhận tín hiệu khả quan tại Maroc, cũng như một số nước của khối Maghreb. Nhiều quốc gia ở khu vực Bắc Phi này đã nới lỏng các biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm, đồng thời mở cửa lại các phòng thể thao và cho phép đi lại giữa các thành phố với điều kiện phải có thẻ y tế.
Trong khi đó, Canada đang chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất và khẩn cấp nhất dành cho trẻ em kể từ sau dịch bại liệt vào những năm 50 của thế kỷ trước.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer cho người dân tại Montreal, Canada ngày 13/5/2021. Ảnh: THE CANADIAN PRESS/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, cho đến nay, Canada mới chỉ phê duyệt vaccine phòng COVID-19 cho người từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên, tuần trước, công ty Pfizer/BioNTech đã gửi dữ liệu sơ bộ cho Bộ Y tế Canada để xin phê duyệt vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Các chuyên gia cho rằng việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em đặt ra một số thách thức, trong đó có vấn đề thiếu sự phối hợp trên quy mô toàn quốc. Do đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng lập kế hoạch để đưa ra các chiến lược tiếp cận thân thiện với trẻ em. Peter Azzopardi, Trưởng khoa nhi của Mạng lưới Y tế Scarborough ở Toronto, cho rằng phải cụ thể hóa việc vận hành các cơ sở tiêm vaccine cho trẻ em. Điều quan trọng cần lưu ý là trẻ em có những nhu cầu khác người lớn và các chiến lược tiêm chủng đã thực hiện đầu năm nay có thể không phù hợp với trẻ nhỏ.
Trong khi đó, Giáo sư nhi khoa Ran Goldman tại Đại học British Columbia khuyến nghị các tỉnh nên đặt các cơ sở tiêm vaccine cho trẻ tại những địa điểm thuận tiện, chẳng hạn ở trường học, hoặc tiêm chủng cho trẻ em ngay trong xe ô tô của gia đình.
Một cuộc khảo sát ở Canada hồi tháng 8 vừa qua cho thấy chỉ khoảng 2/3 số phụ huynh được hỏi có ý định cho con dưới 12 tuổi tiêm chủng phòng COVID-19. Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng đối với giai đoạn tiếp theo của chiến dịch tiêm chủng hàng loạt là phải đưa ra các thông điệp minh bạch, trả lời thấu đáo các câu hỏi về độ an toàn của vaccine.
Anh bị phê phán kỳ thị đối với các vaccine đang được tiêm ở châu Phi
Ngày 23/9, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cảnh báo các biện pháp hạn chế đi lại được Anh áp dụng nhằm chống dịch COVID-19 có thể khiến người dân trên khắp "Lục địa Đen" có tâm lý do dự hơn khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Rabat, Maroc. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Theo các biện pháp hạn chế, Anh chỉ công nhận vaccine được sử dụng ở một số quốc gia. Đối với hầu hết các nước trên thế giới và toàn bộ châu Phi, Anh sẽ không công nhận vaccine được tiêm tại các nước sở tại dù đó là vaccine đến từ Anh.
Trước vấn đề này, phát biểu họp báo hàng tuần, người đứng đầu CDC châu Phi John Nkengasong nêu rõ: "Nếu bạn gửi cho chúng tôi vaccine và nói rằng chúng tôi không chấp nhận những loại vaccine đó, điều này phát đi thông điệp đầy thách thức đối với chúng tôi". Ông nhấn mạnh đấy là thông điệp tạo ra "tâm lý dè dặt và do dự hơn" ở người dân khi tiêm vaccine.
Ông cho biết CDC châu Phi lấy làm tiếc khi Anh đang phát đi thông điệp trên và cách tiếp cận của Anh sẽ tạo tâm lý kỳ thị đối với các vaccine đang được tiêm, khi người dân châu Phi sẽ tự hỏi tại sao họ nên tiêm vaccine trong khi một số nước châu Âu từ chối công nhận những chế phẩm đó. Điều này cuối cùng sẽ gây tổn hại đến những nỗ lực của chống dịch của châu Phi. Ông nêu rõ: "Điều này rõ ràng không thể chấp nhận được. Chúng ta nên lên tiếng phản đối những hành động như vậy bởi đây không phải là điều mà chúng ta cần trong cuộc chiến chống dịch (COVID-19)".
Theo số liệu của Liên hợp quốc, Anh là quốc gia tài trợ tích cực vaccine ngừa COVID-19 cho châu Phi, cung cấp hơn 5 triệu liều vaccine cho châu Phi. Tuy nhiên, theo các quy định có hiệu lực vào ngày 4/10, du khách đến Vương quốc Anh từ các quốc gia nằm trong "danh sách đỏ" được yêu cầu cách ly tại các khách sạn được chính phủ phê duyệt ngay cả khi họ đã được tiêm phòng. Du khách đến từ các quốc gia không nằm trong "danh sách đỏ" vẫn phải đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt hơn, bao gồm cả việc xét nghiệm bổ sung và cách ly tại nhà.
Một số quốc gia châu Phi hiện phải đối mặt với sự tái bùng phát dịch COVID-19 trong bối cảnh châu lục này đang tụt hậu trong chiến dịch tiêm chủng. Hiện mới chỉ có 4% trong số 1,3 tỷ dân số ở châu Phi đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.
Hơn 6 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu Ngày 22/9, hãng tin AFP của Pháp dẫn các nguồn tin chính thức biết tính đến 16h30 cùng ngày, trên toàn thế giới đã có hơn 6 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 được tiêm cho người dân. Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho thiếu niên ở Sale, Maroc ngày 21/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN Theo nguồn tin trên, tốc độ tiêm chủng vaccine trên thế giới...