Tây Ban Nha cung cấp 6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Mỹ Latinh
Ngày 16/8, Chính phủ Tây Ban Nha thông báo sẽ đẩy nhanh việc chuyển giao 6 triệu liều vaccine cho khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong những tuần tới.
Đây là phần lớn trong tổng số 7,5 triệu liều vaccine mà Madrid trước đó cam kết viện trợ cho khu vực này.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho em nhỏ tại Quito, Ecuador ngày 21/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cho biết trong ngày 16/8, Ecuador sẽ được nhận 101.760 liều vaccine của hãng AstraZeneca (Anh). Trong khi đó, các quốc gia gồm Costa Rica, Guatemala, Paraguay, Bolivia, Nicaragua, Jamaica và Suriname sẽ sớm tiếp nhận lô vaccine do Tây Ban Nha tài trợ thông qua cơ chế phân phối vaccine COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng.
Cùng với lộ trình này, Tây Ban Nha dự kiến sẽ giao đầy đủ 6 triệu liều vaccine cho các nước Mỹ Latinh và Caribe trong mùa Hè này. Các quốc gia được hưởng lợi do COVAX lựa chọn dựa trên cơ sở nhu cầu dịch tễ của các nước trong khu vực và theo tiêu chí của WHO. Các khoản quyên góp được chuyển qua COVAX, với sự hỗ trợ hậu cần từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO), nhằm đóng góp vào nỗ lực đa phương để đối phó với cuộc khủng hoảng y tế do dịch COVID-19 gây ra.
Video đang HOT
Trước đó vào tháng 7, Tây Ban Nha cũng đã cung cấp vaccine cho một số nước như Peru (101.760 liều), Guatemala (201.600 liều), Paraguay (253.440 liều) và Nicaragua (97.920 liều).
Cùng ngày, Uỷ ban tiêm chủng thường trực (STIKO) thuộc Viện Dịch tễ Robert Kock (RKI) của Đức đã khuyến nghị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi vì lợi ích vượt trội hơn những nguy cơ về tác dụng phụ.
STIKO nêu rõ: “Khuyến nghị này chủ yếu nhằm mục đích trực tiếp bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trước dịch COVID-19 và các hệ luỵ về tâm lý xã hội liên quan đến dịch bệnh này”. STIKO đồng thời phản đối việc đưa việc tiêm chủng như một điều kiện tiên quyết để cho phép trẻ em và thanh thiếu niên tham gia xã hội.
Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn đánh giá việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho đối tượng từ 12 đến 17 tuổi là “thông tin tốt lành”. Trước khi có khuyến nghị rõ ràng, Đức đã bắt đầu tiêm chủng cho nhóm tuổi này vào đầu tháng 8.
Theo RKI, cơ quan liên bang và viện nghiên cứu chịu trách nhiệm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, tính đến ngày 15/8, đã có 15,1% thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi được tiêm đủ liều vaccine, trong khi 24,3% đã được tiêm ít nhất một mũi. Cũng tính đến ngày này, hơn 47,6 triệu người ở Đức đã được tiêm đủ liều, nâng tỷ lệ tiêm chủng của nước này lên 57,2%. Gần 52,6 triệu người Đức đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) cùng ngày đã trình dữ liệu lâm sàng sơ bộ cho các cơ quan y tế Mỹ trong nỗ lực xin cấp phép cho việc tiêm mũi vaccine thứ ba cho tất cả người dân Mỹ.
Tuần trước, Mỹ đã phê duyệt việc tiêm nhắc lại vacicne của Pfizer-BioNTech và Moderna cho những người bị suy giảm miễn dịch. Pfizer và BioNTech đã trình bày kết quả của thử nghiệm Giai đoạn 1 để đánh giá độ an toàn và hiệu quả của mũi tiêm thứ ba.
Trao đổi với báo giới, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Pfizer Albert Bourla nêu rõ: “Dữ liệu mà chúng tôi ghi nhận cho tới nay cho thấy mũi vaccine thứ ba tạo ra mức kháng thể vượt đáng kể so với mức được ghi nhận sau khi tiêm hai mũi trước đó”.
Trong khi đó, nhà đồng sáng lập BioNTech Ugur Sahin cho rằng mũi vaccine tăng cường có thể giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm và mắc bệnh ở những người đã được tiêm phòng và giúp kiểm soát tốt hơn sự lây lan của các biến thể của virus SARS-CoV-2 trong mùa Đông tới.
Pfizer và BioNTech dự kiến sẽ gửi thông tin tương tự cho các cơ quan có thẩm quyền châu Âu trong những tuần tới. Động thái này diễn ra trong bối cảnh WHO đang kêu gọi tạm hoãn tiêm mũi vaccine thứ ba để giúp đảm bảo nguồn cung và giảm bớt sự bất bình đẳng trong phân bổ vaccine giữa các quốc gia giàu và nghèo.
Giới chuyên gia Mỹ kêu gọi chính quyền mở cửa kho dự trữ vaccine cho thế giới
Trên 175 chuyên gia y tế công cộng và các nhà khoa học hàng đầu cũng như nhà hoạt động xã hội của Mỹ đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden có các bước đi khẩn cấp để cùng thế giới đương đầu với đại dịch COVID-19, trong đó có việc lập tức xuất khẩu lượng vaccine mà nước này đang lưu trữ.
Vaccine phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 11/8, tờ The Washington Post đã đăng toàn văn một bức thư chung mà các nhà khoa học gửi tới các quan chức cấp cao của Nhà Trắng đề ngày 10/8, trong đó nêu rõ biến thể Delta đang khiến châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á phải chứng kiến sự gia tăng mạnh các ca nhiễm mới do COVID-19, trong khi những khu vực này lượng vaccine còn rất hạn chế. Các nhà khoa học cảnh báo thực tế này tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, một số biến thể có thể kháng lại các loại vaccine hiện có và đe dọa các thành tựu mà các nước đã đạt được trong gần hai năm qua. Họ nhấn mạnh "hiện là thời điểm mà các nhà lãnh đạo đầy tham vọng tiến hành tiêm chủng cho toàn thế giới".
Nội dung bức thư cũng nêu rõ Mỹ hiện có hơn 55 triệu liều vaccine phòng COVID-19 dự trữ, trong khi tốc độ tiêm phòng của nước này hiện chỉ khoảng 900.000 liều/ngày. Với tỷ lệ này các cơ sở y tế của Mỹ sẽ phải mất hơn 2 tháng để tiêm hết số vaccine đang lưu kho. Trong khi đó, các nhà sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA tiếp tục phân phối hơn 17 triệu liều vaccine mới/tuần trên khắp nước Mỹ.
Các nhà khoa học kêu gọi chính quyền Mỹ "trong vòng 1 tuần tới triển khai ngay việc xuất khẩu ít nhất 10 triệu liều vaccine/tuần" cho cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX hoặc thông qua các cơ chế phân phối toàn cầu khác. Giới chuyên gia gợi ý Nhà Trắng cũng nên phát triển và tập huấn cũng như chuyển giao công nghệ bào chế và sản xuất vaccine mRNA cũng như các vaccine khác tại nhiều nơi trên thế giới.
Bức thư đã được gửi tới Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan và điều phối viên ứng phó với COVID-19 Jeff Zient. Tham gia ký tên vào bức thư có ông Tom Frieden, người đứng đầu Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, 5 hiệu trưởng các trường đại học y và y tế cộng đồng hàng đầu nước Mỹ, trưởng khoa của 20 trường đại học uy tín như Đại học Harvard, Đại học Yale và Đại học Washington, cùng nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm và y tế cộng đồng cũng như đại diện của hơn 50 tổ chức.
Chile xây dựng nhà máy sản xuất vaccine Coronavac của Trung Quốc Ngày 4/8, chính phủ Chile thông báo nước này sẽ xây dựng hai nhà máy sản xuất và đóng gói vaccine ngừa COVID-19 có tên Coronavac do hãng dược phẩm Sinovac của Trung Quốc bào chế và phát triển. Sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại nhà máy của Tập đoàn công nghệ sinh học Sinovac ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN Trong...