Tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ cất cánh
Sứ mệnh khám phá sao Hỏa đầu tiên của Ấn Độ đã bắt đầu vào hôm nay (5.11) với việc nước này đưa tàu thăm dò của mình rời bệ phóng để nhắm đến hành tinh đỏ.
Hình ảnh tên lửa rời bệ phóng trên truyền hình nhà nước Ấn Độ – Ảnh: AFP
“Nó đã cất cánh”, bình luận viên đài truyền hình nhà nước Ấn Độ nói khi tên lửa rời bệ phóng từ Trung tâm vũ trụ Sriharikota ở vịnh Bengal để lao vào bầu trời nhiều mây lúc 14 giờ 38 phút chiều 5.11 (giờ địa phương, tức 16 giờ 8 phút cùng ngày theo giờ VN).
Tên lửa đẩy bốn tầng PSLV-C25 nặng 350 tấn mang theo tàu thăm dò Mars Orbiter Mission mở đầu cho sứ mệnh khám phá hành tinh đỏ đầu tiên của đất nước Nam Á. Đây cũng là thử thách lớn nhất cho nước này kể từ khi họ bắt đầu chương trình không gian đầy tham vọng hồi năm 1963.
Đúng 44 phút sau khi rời bệ phóng, tên lửa đã đặt tàu Mars Orbiter Mission vào quỹ đạo định trước quanh trái đất, AFP dẫn lời ông Radhakrishnan, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) nói với các phóng viên từ phòng điều khiển.
Trước đó, căng thẳng đã dâng cao trong giới khoa học vũ trụ Ấn Độ khi lo ngại về mức độ thành công của sứ mệnh, sau hàng loạt thất bại của các nước, bao gồm cả Trung Quốc hồi năm 2011 và Nhật Bản hồi năm 2003.
Tàu Mars Orbiter Mission, còn gọi là Mangalyaan, được công bố chỉ cách nay 15 tháng bởi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, ngay sau khi Trung Quốc phóng tàu thăm dò sao Hỏa nhưng con tàu rơi trở lại bầu khí quyển.
Video đang HOT
Tàu Mars Orbiter Mission màu vàng có kích cỡ của một chiếc xe hơi nhỏ, mang theo năm thiết bị khoa học do Ấn Độ chế tạo để nghiên cứu khí quyển sao Hỏa, nhằm tìm kiếm dấu vết của khí methane – dấu chỉ báo cho sự tồn tại của sự sống; chụp các bức ảnh màu của hành tinh đỏ; tìm xem liệu có nước trên đó hay không.
Nó được đưa lên quỹ đạo bởi tên lửa nhỏ hơn so với các tên lửa của Mỹ hay Nga trong cùng mục đích. Do vậy, tàu sẽ bay quanh quỹ đạo trái đất trong gần một tháng để có được vận tốc cần thiết nhằm đưa nó thoát khỏi lực hấp dẫn của trái đất.
Sau đó, trong chín tháng tiếp theo, tàu Mars Orbiter Mission, nặng 1.350 kg, do ISRO phát triển, sẽ phải bay hết quãng đường 400 triệu km xuyên không gian để đến được quỹ đạo hành tinh đỏ.
Theo giới chức Ấn Độ thì sứ mệnh thăm dò sao Hỏa của họ, chỉ tiêu tốn 73 triệu USD (khá rẻ so với con số 455 triệu USD cho việc phóng tàu đến sao Hỏa của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) dự định thực hiện vào ngày 18.11 tới) nếu thành công trọn vẹn sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chương trình khám phá vũ trụ của nước này.
Được biết, vào năm 2008, Ấn Độ đã phóng thành công tàu Chandrayaan-1 lên quỹ đạo mặt trăng và sau đó thông báo phát hiện có sự tồn tại của nước trên ‘chị Hằng’.
Sứ mệnh này được xem là niềm tự hào và là bước đệm cho việc thực hiện chương trình thăm dò sao Hỏa đầy tham vọng của đất nước Nam Á.
Theo TNO
NASA sắp phóng tàu nghiên cứu khí quyển sao Hỏa
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa cho biết họ đang thực hiện đúng kế hoạch để phóng tàu thăm dò Maven đến sao Hỏa vào giữa tháng này, nhằm tìm hiểu nguyên nhân tại sao hành tinh đỏ đánh mất bầu khí quyển của nó.
Tàu Maven sẽ tìm hiểu nguyên nhân khiến cho sao Hỏa mất khí quyển - Ảnh: NASA
Theo AFP, con tàu vũ trụ không người lái dự kiến sẽ rời trái đất vào ngày 18.11 tới, lúc 13 giờ 38 phút (giờ địa phương, tức 0 giờ 39 phút rạng sáng 19.11 theo giờ VN).
Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ trong chuyến du hành kéo dài 10 tháng, tàu thăm dò sẽ đến sao Hỏa vào cuối tháng 9.2014, để bắt đầu sứ mệnh trên quỹ đạo hành tinh đỏ từ tháng 11, các nhà khoa học của NASA cho hay.
Tàu sẽ bay ở quỹ đạo có độ cao cách bề mặt sao Hỏa 6.115 km và trong suốt sứ mệnh, nó sẽ có năm lần hạ xuống độ cao 125 km.
Con tàu mang tên Maven, viết tắt của Sứ mệnh Khí quyển và Tiến hóa bất ổn của sao Hỏa được trang bị ba bộ công cụ giúp phát hiện những thay đổi của thượng tầng khí quyển hành tinh đỏ.
Theo AFP, tàu Maven không được giao nhiệm vụ săn tìm khí methane, dấu chỉ báo hiệu có sự tồn tại của các vi sinh vật hay các chất hữu cơ.
Vào ngày 5.11, Ấn Độ dự kiến sẽ thực hiện sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa lần đầu tiên của mình. Tàu Mars Orbiter sẽ mang theo năm thiết bị khoa học do Ấn Độ chế tạo để nghiên cứu khí quyển sao Hỏa, nhằm tìm kiếm dấu vết của khí methane; chụp các bức ảnh màu của hành tinh đỏ và tìm xem liệu có nước trên đó hay không.
Trước đó, tàu thăm dò Curiosity cũng thuộc NASA đang có mặt trên sao Hỏa đã đưa ra kết luận, hầu như không có khí methane trên hành tinh này.
Trong khi sứ mệnh mới của tàu Maven sẽ cung cấp thêm hiểu biết về việc vì sao hành tinh đỏ lại có một sự thay đổi lớn về bầu khí quyển của nó như vậy.
Bầu khí quyển sao Hỏa hiện nay quá lạnh, quá mỏng để có thể hỗ trợ cho sự hiện diện của nước ở thể lỏng, chuyên gia về khí quyển học Bruce Jakosky thuộc Đại học Colorado (Mỹ) nói với AFP.
Maven sẽ nhấn trọng tâm vào lịch sử tiến hóa của khí quyển trên sao Hỏa và tìm hiểu liệu bầu khí quyển trên đó có từng hỗ trợ cho sự sống hay không, Bruce Jakosky cho hay.
Cũng theo ông này thì con tàu trị giá 671 triệu USD, nếu bay đến quỹ đạo sao Hỏa thành công thì nó có thể đủ nhiên liệu để kéo dài hoạt động đến gần một thập niên.
Được biết, Maven là một phần của chương trình đầy tham vọng, bao gồm nhiều tàu thăm dò, và xe tự hành được phóng tới sao Hỏa để thu thập dữ liệu, nhằm dọn đường cho sứ mệnh đưa người bay đến hành tinh này sẽ diễn ra vào những năm 2030, NASA cho biết.
Tàu Maven nặng 2.453 kg sẽ được tên lửa đẩy Atlas V 401 đưa lên không gian từ Căn cứ không quân Cape Canaveral ở Florida, Mỹ.
Theo TNO
Ông hoàng vật lý ủng hộ "quyền được chết" Giáo sư nổi tiếng Stephen Hawking lần đầu tiên bày tỏ sự ủng hộ đối với quyền được chấm dứt sự sống của những người bất hạnh. Mới đây, giáo sư Stephen Hawking, người từng cho rằng việc trợ giúp người khác tìm đến cái chết là "một sai lầm lớn" đã bất ngờ thay đổi quan điểm của mình và ủng hộ...