Tàu khảo sát Trung Quốc âm thầm trở lại vùng biển Philippines
Bất chấp chính phủ Philippines cấm tàu khảo sát nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, tàu nghiên cứu của Trung Quốc một lần nữa bị phát hiện hoạt động ở vùng biển Philippines.
Nhà phân tích Ryan Martinson thuộc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc viết trên Twitter rằng tàu hải dương Trung Quốc “Zhang Jian” đã trở lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Đây chính là con tàu nghiên cứu của Trung Quốc từng bị thấy hoạt động cách bờ biển phía Đông Philippines 80 hải lý từ ngày 3 đến 5-8.
Tàu “Zhang Jian” của Trung Quốc. Ảnh: Twitter
Chuyên gia luật hàng hải Jay Batongbacal, lãnh đạo của Trường ĐH Philippines về các vấn đề hàng hải và luật biển, cũng đăng một bức ảnh chụp màn hình từ Facebook của nhóm tuần tra Karagatan cho thấy dấu vết của tàu Trung Quốc trong vùng biển Philippines.
Theo dữ liệu theo dõi tình báo MarineTraffic, tàu Trung Quốc thực hiện hoạt động thăm dò ngoài khơi bờ biển Samar lúc 3 giờ 15 phút (giờ địa phương) hôm 23-8.
Hồi đầu tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nghi vấn về sự hiện diện của tàu khảo sát Trung Quốc và Manila đã gửi công hàm phản đối Bắc Kinh.
Hôm 23-8, ông Lorenzana cho hay Manila biết về sự hiện diện mới đây của tàu Trung Quốc nhưng cho rằng tàu gần như ở bên ngoài EEZ của Philippines. Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh tàu Trung Quốc cũng đã không xin phép khi đi vào vùng biển Philippines trong tuần này.
Diễn biến mới nhất được ghi nhận vài ngày sau khi chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte cảnh báo sẽ thực thi phản ứng “không thân thiện” chống lại các tàu nước ngoài đi vào lãnh hải Philippines. Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin Jr. cũng đã kêu gọi lệnh cấm tàu khảo sát nước ngoài vào vùng biển của đất nước.
Xuân Mai (Theo Philstar)
Theo Nguoilaodong
Yonhap: Triều Tiên phóng vật thể bay xuống biển phía đông, có thể là tên lửa đạn đạo
Triều Tiên phóng hai vật thể bay xuống biển phía đông vào thứ Bảy (24/8), hãng thông tấn Yonhap cho biết, trích dẫn quân đội Hàn Quốc.
Theo Yonhap, Tổng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc nói Triều Tiên thực hiện vụ phóng sáng 24/8 từ xung quanh Sondok, tỉnh Nam Hamgyong.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đang tổ chức một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Quốc gia liên quan đến vụ phóng của Triều Tiên, họ cho biết trong một tuyên bố.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khảo sát đồn quân sự. (Ảnh: KCNA/Reuters)
Lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản cho biết họ phát hiện các vụ phóng "tên lửa đạn đạo" từ Triều Tiên và cảnh báo tàu thuyền tránh các mảnh vỡ.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận với NBC rằng một tên lửa dường như đã được phóng từ Triều Tiên, nhưng chưa đến được lãnh thổ Nhật Bản hoặc Vùng đặc quyền kinh tế.
Triều Tiên phóng một loạt tên lửa tầm ngắn trong những tuần gần đây để phản đối cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời thử nghiệm các vũ khí mới, làm phức tạp hóa việc mở lại cuộc đàm phán với Mỹ. Cuối tháng 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp tại biên giới liên Triều, qua đó hai bên đồng ý khởi động lại các cuộc đối thoại hạt nhân đang đình trệ.
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun, người dẫn đầu các cuộc đàm phán cấp độ làm việc với Triều Tiên, đã có mặt tại Seoul trong tuần này để thảo luận các cách để đưa cuộc đàm phán trở lại đúng hướng. "Các cuộc thảo luận dự kiến sẽ sớm được mở lại", phó cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, Kim Hyun-chong, cho biết hôm thứ Năm, đưa ra đánh giá lạc quan sau khi gặp ông Biegun.
Tuy nhiên, trong diễn biến mới nhất, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là "độc tố chết người của ngoại giao Mỹ", người "lạm dụng các tuyên bố trừng phạt". Ông Ri nhắc đến các bài phát biểu của ông Pompeo gần đây khẳng định nên duy trì các lệnh trừng phạt cho đến khi Triều Tiên có những hành động phi hạt nhân hóa rõ ràng.
Video: Đường đi của xe sang bọc thép từ châu Âu về Triều Tiên
(Nguồn: Reuters, Yonhap, NBC)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Mỹ chỉ trích Trung Quốc xâm phạm trái phép EEZ của Việt Nam Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có tuyên bố chính thức về những hành động của Trung Quốc khi xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam, cho rằng hành động đó làm suy yếu nền hòa bình và ổn định trong khu vực. Theo một tuyên bố do phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đưa...