Tập trung giải quyết nguồn lực ứ đọng
GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm trong phạm vi được giao về tình trạng cử nhân thất nghiệp gia tăng
Phóng viên: Thưa ông, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa báo cáo với Chính phủ về vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên (SV) tốt nghiệp, theo đó, tỉ lệ thất nghiệp năm 2014 tăng 103% so với năm 2010. Nguyên nhân nào dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp cao như vậy?
- GS Đào Trọng Thi:
Tỉ lệ SV ra trường thất nghiệp có 2 nguyên nhân quan trọng hơn cả: Thứ nhất, nền kinh tế chưa tạo ra đủ việc làm cho người trong độ tuổi lao động. Đây là tình trạng chung chứ không chỉ riêng đối với SV. Thứ hai, đào tạo chưa có quy hoạch nhân lực được dự báo và xác định một cách chính xác với nhu cầu của nền kinh tế, của thị trường lao động. Các trường đào tạo không những về quy mô mà cả cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Video đang HOT
Loạt bài “Cử nhân thất nghiệp tăng đột biến, vì đâu?” đã nêu rõ nguyên nhân thất nghiệp do đào tạo tràn lan, thiếu chất lượng Ảnh: BẢO LÂM
Năm 2009-2010, quy mô đào tạo ĐH là 1,9 triệu SV, tăng khoảng 46% so với năm 2004-2005. Phải chăng chính vì sự tăng đột biến của những năm đó mà năm 2014 – tức 4 năm sau, tỉ lệ thất nghiệp cũng tăng đột biến?
- Đó là một lý do. Thời điểm năm 2010, quả thực công tác quy hoạch nguồn nhân lực còn rất yếu, thậm chí chưa được quan tâm. Hồi đó, các chỉ tiêu về kinh tế – xã hội đặt ra một năm chỉ tiêu tuyển sinh tăng lên theo một tỉ lệ phần trăm nhất định, bình quân từ 6%-10%. Vì thế, quy mô đào tạo càng ngày càng phình ra.
Và số lượng cũng chỉ là một phần mà cái chính là cơ cấu về trình độ, ngành nghề và chất lượng. Tăng quy mô trong khi năng lực đào tạo vẫn giữ nguyên thì chất lượng đào tạo phải giảm sút. Điều này trong báo cáo giám sát của Quốc hội về vấn đề thành lập trường đã có đánh giá, quy mô phát triển vượt quá nhiều so với năng lực dẫn đến chất lượng đào tạo kém.
Trong giai đoạn 2008-2012, quy mô tuyển sinh ĐH mỗi năm tăng trên 10% nhưng dạy nghề chỉ tăng 1% và có xu hướng giảm. Trong khi đó, nhiều SV tốt nghiệp ĐH phải đi làm công nhân… Tại sao có sự bất hợp lý này?
- Chúng ta đang tìm mọi cách để tăng cường năng lực đào tạo nghề, chất lượng đào tạo nghề và tính thích hợp của đào tạo nghề với nhu cầu của thị trường lao động. Nhưng ngoài những khó khăn về giáo dục thì cũng có một lý do là tâm lý chung của xã hội là thanh niên không muốn chọn con đường học nghề dù rằng dễ tìm việc làm hơn, thu nhập không thua kém nhưng tâm lý xã hội, các phụ huynh và cả con em họ vẫn không thích học nghề. Mà đã là tâm lý thì phải khắc phục dần bằng cách tuyên truyền, tạo ra các cơ chế chính sách (khuyến khích học nghề, phân luồng…) chứ không thể ép được.
Cũng phải nói thêm rằng việc SV ra trường không có việc làm (nhất là việc làm phù hợp) còn do nguyên nhân: Có những vùng, những địa bàn rất cần lao động nhưng khi ra trường, SV lại không đến làm việc, như miền núi, vùng sâu, vùng xa. Việc thừa thiếu đôi khi cũng lại mang tính tương đối, ở đô thị có nhiều cơ hội hơn nhưng tính cạnh tranh cũng cao hơn.
Tất nhiên, điều này cũng không thể áp đặt mà phải có chính sách khuyến khích, thu hút. Chúng ta đã có chính sách này nhưng chưa đủ mạnh. Trước mắt, phải giải quyết tình trạng ứ đọng nhân lực đã.
Cơ cấu ngành nghề đào tạo hiện nay được xem là rất bất hợp lý?
- Cơ cấu ngành nghề trong đào tạo chắc chắn còn rất nhiều khiếm khuyết. Hiện nay, nhiều cơ sở vẫn đào tạo theo cái mình có mà chưa tập trung đúng ngành nghề, trình độ mà thị trường lao động đang cần. Quan trọng là đào tạo ra để làm việc chứ không phải để có cơ cấu đẹp.
Phải nói rằng công tác quy hoạch hiện nay còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực là một quy hoạch dài hạn, yêu cầu một dự báo dài hạn bởi đào tạo tối thiểu 4 năm sau mới có nhân lực. Vậy công tác dự báo ít nhất cũng phải được trong thời gian như vậy chứ không phải tại thời điểm này bảo thiếu là lập tức đào tạo ngay.
Theo ông, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm gì về sự thất nghiệp của SV hiện nay?
- Tất nhiên, Bộ GD-ĐT cũng chịu trách nhiệm ít nhất trong phạm vi những nhiệm vụ liên quan họ được giao. Nhưng trách nhiệm này không chỉ của riêng Bộ GD-ĐT. Về vấn đề này, trong khi giải trình của Chính phủ hồi tháng 4-2015 cũng đã rất rõ: Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm trong quy hoạch nguồn nhân lực, mở ngành đào tạo, cơ cấu ngành nghề, chất lượng đào tạo. Nó còn có trách nhiệm của các bộ, ngành khác trong việc xác định quy hoạch nguồn nhân lực cho ngành, cho địa phương và vấn đề tạo việc làm.
Vấn đề tạo việc làm không đơn giản, khi quy mô đào tạo ở cấp ĐH nhiều thì tất yếu sẽ giảm quy mô ở các cấp dưới.
SV thất nghiệp là một gánh nặng, một khó khăn chung cho nền kinh tế – xã hội. Riêng ngành giáo dục phải đẩy mạnh công tác dự báo và xác định hợp lý quy mô nguồn nhân lực; quy hoạch nguồn nhân lực; quy mô cơ cấu ngành nghề, trình độ, địa phương. Điều này dẫn đến việc quyết định cho mở ngành nghề đào tạo như thế nào, ở đâu, đào tạo ở những khu vực nào… Ngành GD-ĐT phải cải thiện được công tác quy hoạch nguồn nhân lực một cách chi tiết, đầy đủ trên cơ sở dự báo mang tính chất chiến lược và dài hạn.
Theo NLĐO