Tập huấn giáo viên chương trình giáo dục phổ thông mới: Chú trọng bồi dưỡng tại chỗ
Một trong những khác biệt lớn nhất của chương trình GDPT mới so với chương trình hiện hành là chuyển từ cách dạy truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực.
Muốn học sinh phát triển bao nhiêu năng lực thì cũng cần trang bị ít nhất bằng đó năng lực cho giáo viên ở mức độ cao hơn – điều này, như chia sẻ của cô Phùng Thanh Tâm, giáo viên Trường Tiểu học Trần Phú, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, là giáo viên phải hiểu thấu tinh thần của chương trình.
Giáo viên cần chủ động, sáng tạo khi giảng dạy chương trình GDPT mới. Ảnh: Hải Linh.
Giáo viên lo lắng
Nằm trong số ít các giáo viên cốt cán của Trường Tiểu học Tòng Bạt huyện Ba Vì TP Hà Nội được tham gia tập huấn chương trình GDPT mới do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức, cô giáo Dương Thị Yến cho biết mình gặp không ít áp lực, lý do là vì sau đợt tập huấn này, sau 2-3 ngày cô phải về truyền đạt lại tinh thần đổi mới cho toàn bộ giáo viên trong trường. “Chúng tôi khi tiếp cận chỉ nắm được 70-80% thôi. Sau đó khi về trường lại triển khai cho toàn trường. Sẽ có trường hợp nhận thức lệch nhau nên tôi lo lắng khi truyền đạt sẽ có những vướng mắc – cô Dương Thị Yến tâm tư – Chương trình GDPT mới được viết trên tinh thần một chương trình nhiều SGK nên khi tập huấn giáo viên không bám theo một bộ SGK cụ thể nào. Đây cũng là một trong những khó khăn cho các giáo viên được lựa chọn tham gia cốt cán. Mới được tiếp cận trong 3 buổi nên tôi vẫn còn cảm thấy bỡ ngỡ, lúng túng. Nhiều cái tôi cũng chưa thực sự hiểu kỹ. Tôi mong muốn mình sẽ được tập huấn kỹ càng hơn, sát sao và thực tế hơn về chương trình mới”.
Chia sẻ về chương trình GDPT mới, cô Phùng Thanh Tâm cho biết bản thân cũng từng bước thay đổi được phương pháp, từng bước tiếp cận phương pháp mới. Đặc biệt, chương trình tiểu học mới trường Trần Phú đã triển khai được cách đây 4 năm rồi cũng sát với chương trình GDPT mới cô đang được tập huấn theo hướng tinh giản kiến thức nội dung học tập cho học sinh và phát triển, trang bị nhiều kỹ năng sống cho học sinh….
Video đang HOT
Từ đầu tháng 11 đến nay đã có hơn 11 nghìn giáo viên cốt cán đã được tập huấn cho mô-đun đầu tiên tới hết năm 2019. Ông Nguyễn Xuân Thành – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT – cho biết mỗi giáo viên tham gia tập huấn phải chủ động sáng tạo trong tiếp cận kiến thức, biết phát hiện vấn đề nảy sinh trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu giải pháp giải quyết, đồng thời nắm vững kiến thức kỹ năng và chuyên môn mình được phân công giảng dạy, biết lập các loại dạy học. “Chương trình rất chú trọng việc triển khai bồi dưỡng tại chỗ, tức là tại nhà trường. Lần này vai trò tự học của giáo viên là rất quan trọng, còn người giáo viên cốt cán đóng vai trò như người hỗ trợ, người chủ trì các thảo luận trong trường hoặc các hội nghị tương tự” – ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Chương trình môn học là “xương sống”
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiền – Phó Giám đốc Chương trình Phát triển các trường sư phạm, để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) – được thực hiện theo hình thức hoàn toàn mới, giáo viên phải hiểu thấu chương trình chứ không phải SGK. Trong giai đoạn sắp tới, trong tay các thầy các cô chỉ có chương trình GDPT là chung, ngay cả trong giai đoạn bồi dưỡng hiện nay, khi bước vào tìm hiểu chương trình GDPT thì các trường sư phạm cũng từng bước hướng dẫn giáo viên, đầu tiên phải thực sự hiểu và phân tích được đặc điểm chương trình môn học. Đây là khung xương sống rất quan trọng để các thầy các cô có thể phát triển được thành các kế hoạch dạy học, hay còn gọi là giáo án. Ở đó, các thầy các cô có thể sử dụng nguồn tài liệu tham khảo đa dạng khác nhau, tổ chức các hoạt động dạy học thật tốt.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý tại khóa tập huấn – bồi dưỡng 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán năm 2019 đang tổ chức tại Học viện Quản lý Giáo dục: “Chúng ta đã có ý tưởng, việc còn lại là hành động và người làm. Các thầy cô chính là người cụ thể hóa các ý tưởng, giải pháp để tạo ra kết quả và học sinh là người được hưởng lợi. Chúng ta có được thành quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên”. Theo đó, các thầy cô cần nghiên cứu kỹ Nghị quyết 29, vì đây là văn bản pháp lý quan trọng, giúp cho giáo dục phát triển. Trong đó nhấn mạnh, chuyển tư duy từ chú trọng phát triển số lượng sang chú trọng phát triển chất lượng. Trước đây, chúng ta coi số lượng là thành tích thì bây giờ phải chú trọng chất lượng hơn. Chúng ta cùng thống nhất, giáo dục mà không có chất lượng thì coi như không có giáo dục. Đầu vào bằng đầu ra thì coi như quá trình học bằng không. Tương tự như vậy, các thầy cô dạy lớp 1, nếu như đầu năm học sinh chưa biết đọc, biết viết và sau một năm học, các em vẫn chưa biết đọc, biết viết, năm học đó coi như các em không được học, giáo viên dạy coi như không dạy. Như vậy rất lãng phí tiền của của Nhà nước, lãng phí công sức của giáo viên, cán bộ quản lý. Đó là sự lãng phí lớn nhất nếu chúng ta dạy học không có chất lượng. Vì thế, chúng ta phải lấy mục tiêu số 1 là chất lượng. Nếu không có chất lượng thì không làm. Cho nên chúng ta cố gắng tạo điều kiện mở nhiều lớp học để học sinh được học có chất lượng và được học một cách tử tế.
Theo lộ trình sau khi các trường phổ thông lựa chọn SGK, các nhà xuất bản sẽ phối hợp với Sở GDĐT tổ chức tập huấn cho giáo viên, khi đó giáo viên mới chính thức tiếp cận SGK mới.
Thu Hương
Theo daidoanket
Trường học cần đánh giá chỉ số hạnh phúc của học sinh
Để xây dựng một ngôi trường hạnh phúc, trước tiên là phải người hiệu trưởng đầy nhiệt huyết, sau đó là đội ngũ giáo viên lan tỏa cảm hứng đến với học sinh.
Lâu nay, khi nhắc đến trường học là người ta thường nghĩ ngay đến những điều rập khuôn, mang tính truyền thụ kiến thức, áp đặt nội quy là chủ yếu, dẫn đến tình trạng cả đội ngũ lãnh đạo, giáo viên cũng theo "bệnh thành tích", duy trì áp đặt trong dạy học và quản lý học sinh. Có một thực tế rằng, học sinh ngày càng "sợ hãi" việc học bởi chương trình nặng, giáo viên dạy theo lối áp đặt, lạm quyền trong các hình phạt...
Xây dựng một ngôi trường hạnh phúc, như khẩu hiệu "học sinh đến trường mỗi ngày là một ngày vui", là điều mà nhiều trường học đang nêu cao. Nhưng để xây dựng một ngôi trường "trong mơ" ấy, bắt đầu từ đâu cũng là một thử thách không hề đơn giản mà không phải ngôi trường nào cũng đạt được.
Trường học hạnh phúc, cần sự thay đổi của chính nhà giáo. Ảnh: Q.Anh
Lấy kinh nghiệm thực tiễn của suốt hơn 20 năm qua với cương vị là hiệu trưởng, TS. Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết, lựa chọn để xây dựng ngôi trường thành trường học hạnh phúc không hề đơn giản, nhưng phải có sự thay đổi và hướng mọi thứ theo định hướng đề ra.
TS. Nguyễn Văn Hòa cho biết thêm, ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm không áp đặt chuyện thành tích, giáo viên được đánh giá theo năng lực và chỉ số hạnh phúc. Nhà trường sẽ tiến hành khảo sát chỉ số hạnh phúc tại một lớp học để đánh giá chất lượng của lớp học, của giáo viên. Nếu học sinh chưa hài lòng, hạnh phúc sẽ phải xem giáo viên đã thực sự tâm huyết chưa.
" Ngoài giảm áp lực cho giáo viên, Bộ GD&ĐT cần nâng cao chất lượng đào tạo hiệu trưởng. Người hiệu trưởng phải có trình độ, năng lực cao hơn để giúp môi trường giáo dục trong nhà trường ngày càng phát triển toàn diện.
Các trường đại học sư phạm phải xây dựng mục tiêu đào tạo những người làm thầy và truyền cảm hứng cho những thế hệ học sinh. Để làm sao, trong thời gian tới học sinh đến trường được học không chỉ kiến thức mà còn học để làm người, học để thấy được hạnh phúc hơn" - TS. Nguyễn Văn Hòa cho hay.
TS. Nguyễn Văn Hòa cho rằng, học sinh đi học phải được hạnh phúc. Ảnh: Q.Anh
Là một chuyên gia đào tạo hơn 11.000 hiệu trưởng tại Hàn Quốc, GS. Peck - Trường Đại học Hàn Quốc cho rằng, vai trò của người hiệu trưởng trong nền giáo dục của tương lai, những đổi mới trong quản trị trường học dành cho hiệu trưởng và kinh nghiệm thay đổi hiệu trưởng tại Hàn Quốc - những gì có thể áp dụng tại Việt Nam. Thầy cô nếu muốn tạo ra trường học hạnh phúc cần tập trung giáo dục cảm xúc cho học sinh, thay vì chỉ dạy kiến thức như trước đây.
Đặt ra vai trò quan trọng của hiệu trưởng trong xây dựng trường học hạnh phúc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay cả nước có gần 30.000 hiệu trưởng trường phổ thông, khi hiệu trưởng hạnh phúc sẽ tạo ra môi trường tốt cho hơn 800.000 giáo viên phổ thông, giáo viên sẽ tạo hạnh phúc cho trên 16 triệu học sinh, học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh.
Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, để xây dựng được một trường học hạnh phúc cần có những tiêu chí cụ thể. Trong đó, xây dựng môi trường tôn trọng sự phát triển của mỗi cá nhân, không có bạo lực học đường; trường học phải là một thiết chế văn hóa xanh, sạch, đẹp; giáo viên phải được sáng tạo, được đổi mới phương pháp dạy học, được dân chủ đóng góp ý kiến; quan hệ của nhà trường với cộng đồng xã hội.
" Không phải ngày một ngày hai, không phải một người có thể xây dựng được trường học hạnh phúc nhưng hiệu trưởng nếu biết dẫn dắt, truyền lửa sẽ tạo được môi trường hạnh phúc. Ở đó, giáo viên muốn đến trường, học sinh muốn đi học. Hạnh phúc là một quá trình, chúng ta cứ xây đắp, dần dần sẽ lan tỏa" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Theo giadinh.net
Hình phạt phải mang tính giáo dục Ít lâu dư luận lại xôn xao một vụ việc liên quan đến các hình thức kỷ luật học sinh. Vấn đề đặt ra là tại sao các vụ việc tương tự không dừng lại? Có phải do mức kỷ luật đối với thầy cô chưa đủ răn đe? Hay một số giáo viên vẫn loay hoay phương pháp giáo dục học trò?...