Tập huấn giáo viên…
Anh bạn tôi đi tập huấn hai ngày dành cho giáo viên dạy môn giáo dục công dân bậc THPT toàn tỉnh, về gặp tôi lắc đầu, thở dài. Anh mới vào dạy được hơn một năm và đây là lần đầu tiên được đi tập huấn chuyên môn mang tầm tỉnh.
Hỏi, anh kể: Trong lịch tập huấn mà nhà trường công bố cho giáo viên được cử đi là buổi sáng vào phòng lúc 7g30. Vì mỗi trường chỉ cử đại diện một giáo viên nên anh hết sức vinh hạnh. Dễ gì một giáo viên trẻ, mới vào trường lại được cử đi tập huấn chuyên môn như thế này. Từ sáng sớm anh đã chuẩn bị sẵn sàng, chạy xe hơn 20km đến nơi tập huấn mà lòng cứ nơm nớp sợ trễ giờ.
Ảnh minh họa
Nhưng anh lấy làm khá thất vọng khi đến nơi, và đúng giờ quy định, cuộc tập huấn vẫn chưa bắt đầu. Chờ mãi, đến hơn 8g30 mọi thứ mới bắt đầu ổn định và mọi người đi vào trao đổi chuyên môn. Nhưng thật ra theo anh thì chẳng trao đổi gì nhiều. Tập tài liệu được phát cầm trên tay coi như đã xong mục đích của đợt tập huấn này.
Thế là trong buổi đầu tiên, thậm chí có người ngồi trong cuộc họp làm việc riêng, nói chuyện lung tung vẫn bình thường như ở chỗ không người. Loay hoay một lúc, đến 10g30 chủ tọa phát lệnh tạm nghỉ. Buổi chiều thì vẫn vậy, 2g30 vào, nói ba điều bốn chuyện rồi 4g30 giải tán.
Hai ngày cứ thế trôi qua. Bực mình, bạn tôi bảo thế thì chẳng tội gì bắt con người ta phải về ngồi như thế. Có tập gì đâu mà phải huy động như vậy, trong khi các giáo viên còn nhiều chuyện quan trọng hơn để làm. Nhất là đây là đợt tập huấn kỹ năng môn giáo dục công dân nữa.
Anh bạn bảo cứ phát quách về mỗi trường một tập tài liệu cho khỏe, rồi theo đó mà thực hiện như những kế hoạch, thông báo khác của ngành giáo dục. Thật tình thì ngồi hai ngày anh chẳng tiếp thu được gì về chuyên môn cả. Dù xin mở ngoặc là được dạy cấp III thì chắc chắn anh không phải là người thiểu năng về trí tuệ.
Chỉ biết cười gượng với bạn mà bảo rằng cái anh vừa trải qua chỉ là bắt đầu thôi. Còn vô vàn cuộc họp, cuộc tập huấn trong đời đi dạy của một giáo viên mà tác dụng của nó không rõ ràng hoặc hoàn toàn không có. Biết vậy nhưng giáo viên vẫn phải đi, vẫn phải ăn mặc chỉnh tề đến ngồi nghe, ngồi chơi, ngồi giải lao…
Video đang HOT
Cái bệnh hình thức trong giáo dục cũng như trong một số cơ quan nhà nước khác đã bén rễ ăn sâu từ lâu lắm rồi. Giờ thì một vài người không thể nhổ cái rễ ấy ra được đâu. Mà nhổ được cũng đau lắm đấy. Đau từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Tất nhiên, người chịu đau để nhổ cái rễ ấy chưa chắc đã nhiều!
Dẫu biết rằng câu chuyện này không lạ ở một tỉnh hay của giáo dục Việt Nam nhưng với riêng bạn tôi, đó sẽ là một bước ngoặt trong cuộc đời đi dạy của anh. Đang hăm hở với tấm lòng nhiệt tâm, giờ như bị giội một gáo nước lạnh, có khi còn là gáo nước đá gần 0 độ C nữa chứ. Nguy hiểm hơn là trong ý thức của giáo viên sẽ hình thành tính qua loa đại khái của những đợt tập huấn, học tập. Họ sẽ không tập trung hoặc viện cớ thoái thác.
Rồi giả dụ cho đến lúc có một cuộc tập huấn thật sự chất lượng, thật sự đàng hoàng và chuẩn mực thì còn mấy ai để tâm, mấy ai đi với tư cách và tấm lòng của một giáo viên nữa? Hay là đến vì nhiệm vụ, đến như một cái bóng để nhìn và nghe những cái bóng khác? Tôi cho mười cuộc tập huấn thì chí ít cũng sẽ có một đến hai cuộc đúng trình tự và đúng chuẩn.
Vậy khi đó ai đi thắp lại niềm tin, niềm nhiệt huyết cho những giáo viên đã từng bị một vết chớm trong ý thức như bạn tôi? Tôi đã nghe nhiều thầy cô giáo nói về những cuộc tập huấn như thế này nhiều năm qua. Thật hết sức nguy hiểm khi lòng tin, tâm huyết và tư cách nhà giáo của họ bị tổn thương, thậm chí là tổn thương nghiêm trọng!
NGUYỄN THÀNH GIANG
Theo tuổi trẻ
Check xem liệu bạn có đang học "lưng chừng"
Học lưng chừng, khái niệm ấy có quá lạ lẫm với bạn?
Điểm mặt chỉ tên
"Mời" bạn ngó qua những biểu hiện của kiểu học lưng chừng được liệt kê dưới đây:
- Chăm chỉ học bài nhưng không biết tại sao mình phải/cần học.
- Hoặc tự mãn, hài lòng với kết quả học tập của bạn thân và cho rằng mình không cần cố gắng nhiều hơn nữa.
- Đến lớp như một quy định bắt buộc và không làm gì khác ngoài... ngủ gật, nói chuyện với bạn bè, làm việc riêng trong giờ học.
- Không vui mừng khi điểm cao, không thất vọng khi điểm thấp. Với bạn, điểm số không đóng một vai trò gì cả.
- Không biết mình muốn gì.
Lý do của bạn là gì?
Sự thực thì câu chuyện "học lưng chừng" không tự nhiên mà có. Nó xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, khá phong phú, đa dạng.
Với Phương Trang (ĐH KTQD) thì học lưng chừng là một kế cầm chừng của cô bạn trong những năm tháng học... nhầm trường. "Tớ muốn học ngành PR - Quảng Cáo. Nhưng bố mẹ nhất quyết phản đối và muốn tớ thi vào trường Kinh Tế. Để có thể làm vừa lòng bố mẹ, tớ đã nộp hồ sơ và đỗ vào trường này. Nhưng càng ngày, tớ càng cảm thấy mình không hợp với những con số, phép toán, những công thức khó nhằn. Thôi thì tới lớp học cho qua ngày rồi ra trường tính sau vậy!"
Còn Minh Phương (Gia Lâm, HN) thì khá "ung dung" với tư tưởng "Học hay không cũng thế!" của mình. Chẳng là cậu bạn này đọc được thông tin rằng kiến thức học trong trường phổ thông và đại học không thể giúp gì chúng ta sau khi ra trường làm việc nên Phương nghĩ cậu cũng không cần "mài ghế" nhà trường nữa. Cậu chểnh mảng học hành và không màng tới điểm số. Thậm chí cậu còn tin rằng đó là một lựa chọn đúng đắn và cười khẩy vào những người bạn khác đang chăm chỉ học hành và cố gắng từng đêm.
Riêng Phan Hoàng (BG) lại thể hiện sự chống đối trường lớp của mình bằng cách lơ là việc học. Khi thầy cô của cậu chấm điểm thiếu công bằng, có thể do một sự nhầm lẫn hay hiểu lầm nào đó, cậu không lên tiếng mà ngấm ngầm... ghét bỏ thầy cô. Cậu nghĩ việc chấm thi là không công bằng, hà tất cậu cần cố gắng. Từ đó cậu rèn cho mình thói quen đến trường mà như không đến, ngồi học mà như đi chơi...
Bạn được gì khi ở giữa lưng chừng việc học?
- Sự tập trung nửa vời
Bạn không thể phân thân để hoàn thành cùng một lúc nhiều nhiệm vụ. Vậy nên khi ở trường cũng như lúc ngồi học ở nhà, bạn nên tập trung vào học thay vì lơ đãng. Điều đó không mang lại hiệu quả cho bất kì công việc nào của bạn.
- Sự ảo tưởng về bản thân
Như trong trường hợp của Phương, cậu bạn này luôn bảo thủ giữ ý nghĩ của bản thân về một tương lai "không cần kiến thức". Cậu nghĩ cậu sẽ thành công. Nhưng cậu không biết rằng nếu không có những kiến thức nền tảng đó, cậu rất khó có thể tiếp thu những kiến thức nâng cao sau này. Thêm nữa, sự lười biếng của cậu ở thời điểm hiện tại có thể biến thành thói quen và ảnh hưởng đến tương lai của cậu rất nhiều!
- Sự thất bại có thể dự đoán
Dù bạn biết hay không biết, đồng ý hay phản đối, bạn cũng nên đưa ra ý kiến đóng góp của mình với thầy cô trực tiếp giảng dạy. Nếu gặp khó khăn, bạn có thể liên hệ với các cơ quan khác như BGH nhà trường, thầy cô chủ nhiệm,... để được trợ giúp. Bạn chắc chắn không thể phát triển toàn diện trong một môi trường chính bạn cảm thấy không thoải mái. Bạn bằng lòng với việc học lưng chừng. Nhưng như thế có nghĩa cả đời bạn cũng có thể phải sống... lưng chừng. Bạn có muốn vậy không?
Theo TTVN
Những phen ú tim giữa giờ khiến teen... 'chết đứng' Không chỉ là kỉ niệm đáng nhớ, những lần "chết đứng" trên lớp vì sự cố đã giúp teen có được những bài học quý giá sau này. 1001 chuyện "xấu hổ" nhất quả đất Lớp học vốn là điểm "tập kích" của những câu chuyện siêu hài. Nhiều tình huống dở khóc, dở cười khiến teen nhà ta chỉ muốn "chui hố"...