Tạo tâm lý thoải mái trước các kỳ thi
Bước vào tháng 12, học sinh các trường phổ thông bắt đầu thi học kỳ. Nhiều thầy cô giáo “mách kế” nhằm giúp học sinh vừa có thể thi tốt nhưng vẫn tránh được căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cha mẹ đừng gây áp lực
Đối với bậc tiểu học, nhiều giáo viên cho rằng, kiến thức của bậc học này không quá nặng nề, thường ngày học sinh (HS) đã được ôn tại lớp. “Đối với khối lớp 4, 5 có phức tạp hơn vì có liên quan tới công thức toán học. Nếu phụ huynh quan tâm, có thể dò bài giúp con. Thi học kỳ 1 thường nhẹ nhàng, và điểm số chưa hẳn đã quyết định kết quả của cả năm học. Vì vậy, phụ huynh không nên quá lo lắng, làm cho trẻ bị áp lực tâm lý theo, ảnh hưởng đến thi cử”, bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM) cho biết. Bà Hà giải thích thêm: “Thi học kỳ 1 thường là để xác định những mặt mạnh – yếu của HS, hoặc có thể từ đó phát hiện lỗ hổng kiến thức mà các em đang gặp phải, nhằm bồi dưỡng thêm trong học kỳ 2″.
Tạo điều kiện vui chơi trước và trong kỳ thi cũng là cách giúp HS giải tỏa áp lực bài vở – Ảnh: M.L
Ông Nguyễn Ngọc Tài, nghiên cứu viên chính (Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), cho biết: “Ở bậc học nào đi chăng nữa, phụ huynh cũng nên tạo thói quen cho con học tập hằng ngày, chứ đừng chờ đến kỳ thi rồi la hét, hối thúc các em ôn tập. Chính việc thúc này càng dễ dẫn đến chuyện các em bị stress. Mà khi đã bị stress thì khó lòng tiếp thu được kiến thức”.
Theo các chuyên gia tâm lý, trước khi bước vào kỳ thi, cha mẹ nên tạo điều kiện để con được vui chơi giải trí, nhằm giải tỏa áp lực bài vở và giúp em có được trạng thái thoải mái. “Khi vui vẻ, hưng phấn, các em sẽ tiếp thu bài rất nhanh”, thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, chuyên gia tư vấn tâm lý tại TP.HCM khuyên.
Video đang HOT
Còn bà Lê Thị Thúy Hồng, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM), tư vấn: “HS bậc THCS, THPT nên lắng nghe thầy cô dặn dò, ôn bài, cái nào là trọng tâm, điều nào cần đi sâu… Nên chia đều thời gian ra để học. Các em nên lập bản đồ tư duy để ôn bài, nhằm nắm ý chính từng bài học. Cách học này xem ra hiệu quả hơn nhiều so với lối học vẹt”.
Chú ý đến sức khỏe
Bà Lê Thị Thúy Hồng cũng lưu ý: “Mỗi tối, HS nên ôn bài không quá 11 giờ. Vì qua thời gian đó, các em rất khó tiếp thu được kiến thức. Nếu siêng năng, có thể dậy lúc 4 giờ 30 sáng để ôn thêm”. Bà Hồng cũng lưu ý một hiện tượng phổ biến hiện nay là rất nhiều HS THPT có dấu hiệu sa sút về sức khỏe, liên tục đau bao tử, đau bụng, nhức đầu…
Lý giải nguyên nhân, bà Hồng cho rằng: “Hiện nay các em có thói quen nhịn ăn sáng vì sợ mập”. Thầy Nguyễn Ngọc Tài cho rằng, chế độ dinh dưỡng trong kỳ thi là rất quan trọng. Nếu HS lơ là, không chú ý đến sức khỏe, để đến ngày thi ngã bệnh thì khó mà đạt được kết quả tốt. Đó là chưa nói đến việc, nếu bệnh nặng, các em sẽ bỏ thi.
Minh Luân
Theo thanh niên
Giúp trẻ cải thiện khả năng học tập
Trong khi đó, không ít ông bố, bà mẹ không những thiếu kiến thức và kỹ năng để giúp con tập trung vào việc học mà còn gây áp lực không nhỏ cho chúng bằng mong muốn con phải học giỏi.
Bởi thế, tọa đàm "Giải pháp cải thiện khả năng học hỏi của trẻ" được tổ chức cuối tuần qua thực sự mang lại nhiều trải nghiệm cho những người làm cha, mẹ.
Chuẩn bị từ sớm nhưng phải đúng cách là điều nhiều bà mẹ đã rút ra được sau khi nghe Viện phó Viện Dinh dưỡng - PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Vụ phó Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Thắm và TS tâm lý Lê Văn Hảo cung cấp thông tin khoa học và những lời khuyên bổ ích.
Bên cạnh việc học, cha mẹ nên cùng trẻ chơi những trò chơi phát triển trí tuệ giúp trẻ thông minh hơn. Ảnh: Linh Tâm
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, 3 tháng cuối thai kỳ cho đến 2 tuổi là giai đoạn vàng trong quá trình phát triển não bộ của trẻ, bởi khi đứa trẻ lên 2 não bộ đã đạt 80% trọng lượng não người trưởng thành.
Phần não trán, chiếm 1/3 não bộ, làm nhiệm vụ trung tâm hình thành sự thông minh, đóng vai trò quan trọng với tiềm năng học tập của trẻ. Đặc biệt, phần não này phát triển rất nhanh so với các phần khác ngay từ khi trẻ trong bụng mẹ cho đến 2 tuổi.
Trong giai đoạn này, phần não trán cần một lượng lớn DHA, để tập hợp quá trình suy nghĩ, lên kế hoạch và hoạt động của cơ thể - nền tảng quan trọng cho quá trình học hỏi sau này của trẻ. Chuyên gia dinh dưỡng giải thích, DHA là một axit béo thuộc nhóm omega 3 có một đặc điểm quan trọng là cơ thể không thể tự tổng hợp được mà phải đưa vào từ nguồn thực phẩm.
Nhưng trong những năm đầu đời, trẻ không ăn được nhiều loại thực phẩm khác nhau và thường thiếu DHA, ví dụ như để có 100mg DHA mỗi ngày, trẻ phải ăn 4 quả trứng hoặc 7 cái đùi gà chiên hay 30-40 gram cá. Trong khi đó đối với trẻ sơ sinh (từ 9 đến 12 tháng) hàm lượng DHA cần thiết là 17mg/100 kcal, với trẻ nhỏ (từ 1 đến 6 tuổi) là từ 75mg/ngày (tùy theo lứa tuổi và cân nặng).
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thiếu DHA trong quá trình phát triển, trẻ sẽ có chỉ số IQ thấp, cụ thể nếu được bổ sung sớm với hàm lượng đúng DHA là 17mg/100kcal và ARA 34mg/kcal thì trẻ 9 tháng tuổi sẽ tập trung, ghi nhớ tốt hơn 75mg/ngày với trẻ trên 1 tuổi thì đến 18 tháng, chỉ số phát triển trí tuệ của trẻ cao hơn 7 điểm, đến 48 tháng chỉ số IQ ngôn ngữ cao hơn 6 điểm so với trẻ không được bổ sung hoặc bổ sung không đầy đủ.
Bởi vậy, lời khuyên dành cho các bà mẹ là chú ý bổ sung các thực phẩm nhiều DHA như cá, thủy sản trước và trong khi mang thai cho con bú ít nhất trong 6 tháng đầu đối với trẻ nhỏ, ngoài chế độ ăn cần bổ sung sữa có chứa DHA với lượng 500-600ml mỗi ngày.
Cùng với chuẩn bị đúng và sớm về chế độ dinh dưỡng, chuyên gia tâm lý TS Lê Văn Hảo đã đem đến những phân tích tâm lý khá thú vị và từ đó ông đưa ra những lời khuyên hữu ích để cha mẹ giúp con tập trung, ghi nhớ và giải quyết vấn đề - 3 việc quan trọng giúp trẻ học tốt.
Làm sao để giúp trẻ tập trung? Câu trả lời của chuyên gia tâm lý khá đơn giản, ai cũng có thể thực hiện như tạo môi trường học tập tốt như tắt tivi rèn luyện khả năng tập trung bằng những trò chơi như tô vẽ, nghe câu chuyện rồi kể lại duy trì sự tập trung bằng cách thiết lập thời gian biểu...
Theo Hà Nội mới
Học nhiều quá hóa tâm thần Có độ tháng 5, tháng 6, lượng học sinh, sinh viên đến khám và nhập viện tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia ngày càng đông. Phần lớn trong số họ bị sức ép học tập, thi cử... Một bệnh nhân (trái) cùng mẹ tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia. Cuồng chữ hóa tâm thần Một ngày giữa tháng 5,...