Tạo sức hút cho trường nghề
Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, mùa tuyển sinh 2019 dần khép lại với nhiều kết quả khả quan ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố. Đây là nền tảng khẳng định sức hút của trường nghề với thí sinh bằng niềm tin chất lượng đào tạo.
Giờ học tiếng Anh của sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ.
Lê Quốc Dũng, tân sinh viên ngành Quản trị nhà hàng, Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, cho biết: “Tôi chọn trường, ngành này vì yêu thích, lại phù hợp với năng lực. Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cao hơn”. Năm 2014, Quốc Dũng trúng tuyển vào đại học ngành Quản lý đất đai. Sau hơn 2 năm học đại học, Dũng nhận thấy không phù hợp nên chuyển sang học ngành Quản trị nhà hàng. Vừa làm, vừa học, tuy vất vả nhưng Quốc Dũng hài lòng với ngành học hiện nay. Dũng thông tin thêm: Tôi đã làm thêm công việc phục vụ nhà hàng khi còn đi học nên những trải nghiệm thực tế bổ sung hữu ích vào kiến thức lý thuyết học được trên ghế nhà trường.
Trường hợp của Quốc Dũng không hiếm thấy tại các trường cao đẳng trên địa bàn thành phố. Ghi nhận từ Trường Cao đẳng Cần Thơ, Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ… đều có trường hợp thí sinh trúng tuyển đại học, đang học và đã tốt nghiệp đại học nhưng chuyển sang học nghề. Theo thống kê Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, đến nay, 4 ngành cao đẳng của trường đã tuyển đạt tổng chỉ tiêu 2019.
Ông Đặng Đại Cuộc, Trưởng phòng Đào tạo của trường, nói: “Điều đáng mừng có nhiều thí sinh học đại học hoặc trúng tuyển cùng lúc đại học và cao đẳng, song chọn học tại trường”. Thạc sĩ Nguyễn Minh Thơ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, cho biết: “Cơ sở vật chất của trường khang trang ổn định, đội ngũ giảng dạy vững vàng về chuyên môn. Tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp đạt trên 95%, đã tạo thêm niềm tin với thí sinh, phụ huynh về chất lượng đào tạo của trường”. Sắp tới, trường tiếp tục đầu tư thêm một phòng thực hành nhà hàng khách sạn, ký túc xá 500 chỗ.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ trong giờ học thực hành. ảnh: B.NG
Sau 3 năm, khối cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp chuyển sang Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý, 2019 được xem là năm có nhiều khởi sắc rõ nét trong công tác tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Cần Thơ. Tính đến ngày 23-10, tuyển sinh của 10 trường cao đẳng (trong đó có 3 phân hiệu cao đẳng) ở Cần Thơ đều đạt kế hoạch tuyển sinh năm 2019.
Video đang HOT
Trong số 7 trường cao đẳng, có 4 trường đạt 100% như: Cao đẳng Cần Thơ, Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Cần Thơ, Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, Cao đẳng Nghề Cần Thơ. Theo đánh giá của cán bộ quản lý các trường, nhận thức về học nghề của học sinh gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, chọn học theo năng lực, điều kiện gia đình.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đầu tư nguồn lực để phát triển chất lượng đào tạo; kết nối hiệu quả với doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm sau tốt nghiệp. Thạc sĩ Phan Thị Thùy Trang, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, cho biết: “Hầu hết các ngành đào tạo của trường đều tuyển được thí sinh. Nhất là ngành Công nghệ ô tô chiếm tỷ lệ cao, đã có trường hợp thí sinh tốt nghiệp đại học đăng ký học ngành này. Hay như ngành Hàn vốn tuyển sinh khó khăn thì nay đã tuyển được thí sinh vào học”. Trường hiện có quy mô đào tạo hơn 4.100 học sinh, sinh viên theo học 14 ngành cao đẳng, 11 ngành trung cấp.
Thực tế, công tác tuyển sinh ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn chưa hết khó khăn, đến nay, 14 trường trung cấp chưa tuyển được 50% tổng chỉ tiêu. Theo ông Đào Minh Lợi, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cần Thơ, so với các năm trước, tuyển sinh ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cụ thể là các trường trung cấp tuyển sinh vẫn còn khó khăn. “Sắp tới ngành tiếp tục chỉ đạo, rà soát lại chỉ tiêu tuyển từ nay đến cuối năm, để có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh ở các trường phổ thông, trong đó chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa 3 bên “doanh nghiệp – nhà trường – gia đình” để công tác tuyển sinh đạt hiệu quả”, ông Đào Minh Lợi nhấn mạnh.
Bài, ảnh: B.Kiên
Theo baocantho
Gom trường có giúp tuyển sinh nghề khởi sắc?
Bộ LĐ-TB&XH đang thực hiện quy hoạch lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp thông qua dự thảo đề án sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030.
Học sinh tìm hiểu các chương trình đào tạo nghề tại gian tư vấn của Trường CĐ Quốc tế TP.HCM trong ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Liệu việc giải thể, sáp nhập này có giúp nâng cao chất lượng giáo dục nghề và giúp tuyển sinh nghề khởi sắc?
"Nhiều trường nghề hiện nay lấy học bổng ra để "dụ" học sinh. Điều này vô tình góp phần hạ thấp nhận thức của người dân về chuyện học nghề. Vì thực tế người ta thường quan tâm việc học xong sẽ được làm gì, thu nhập ra sao chứ không phải được gì trong lúc học".
Ông Nguyễn Thành Hiệp - nguyên trưởng phòng dạy nghề Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Nghĩ "học nghề dành cho học sinh yếu kém", ai chịu học?
Theo nhiều chuyên gia, với chính sách, cách làm hiện nay sẽ khó giải được bài toán phân luồng học sinh vào học ở các trường nghề.
ThS Trần Phương - hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao - cho rằng không phải học sinh không thích học nghề mà chính sách phân luồng học nghề cho học sinh THCS làm chưa hiệu quả.
Thực tế, nhiều lãnh đạo phòng giáo dục, trường THCS vẫn còn nhận thức "học nghề dành cho học sinh yếu kém". Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra hiện có không ít học sinh không ham thích học văn hóa bậc THPT nhưng vào trường nghề lại trở thành 'sao sáng'.
Trong khi đó phần đông nhiều gia đình vẫn nghĩ bằng tốt nghiệp THPT giúp con họ vào đời thuận lợi hơn, chưa kể họ ngại cho con học nghề vì "sĩ diện".
ThS Nguyễn Xuân Toán - phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cũng nhìn nhận một trong những nguyên nhân khiến việc phân luồng học sinh không hiệu quả do tâm lý chuộng bằng cấp, việc truyền thông về học nghề chưa rõ.
Bên cạnh đó, khi vào học nghề lại phải học một khối lượng kiến thức văn hóa rất lớn theo quy định của Bộ GD-ĐT là hơn 1.200 tiết. "Vừa phải học nghề vừa phải học văn hóa dẫn đến tâm lý chán không học nghề, thời gian để học nghề và văn hóa cho đối tượng 9 3 gần 4 năm nên nhiều em thà đi lao động thời vụ", ông Toán nói.
Nên tích hợp giáo dục hướng nghiệp từ tiểu học
TS Hoàng Ngọc Vinh, phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Việt Nam - cho rằng việc phân loại học sinh khá giỏi để phân luồng không khả thi vì việc đánh giá thi kiểm tra ở phổ thông chưa đảm bảo được độ tin cậy, trong khi tâm lý người dân đều muốn con có bằng tốt nghiệp THPT...
"Việc giáo dục hướng nghiệp cần được tích hợp trong chương trình tiểu học và THCS để dần hình thành ý thích, đam mê nghề nghiệp qua lồng ghép với các môn học khác...
Ở sau THCS và THPT có các chương trình vừa học văn hóa và học nghề, học các kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn của công nghiệp để học sinh có động cơ, thái độ học tốt và học xong có thể gia nhập thị trường lao động được ngay. Kinh nghiệm hầu hết các nước châu Âu, Úc, Mỹ, Hàn Quốc theo mô hình này", ông Vinh cho biết.
Trong khi đó theo nhiều chuyên gia, nước ta gặp khó vì giáo viên phổ thông không có kỹ năng nghề, không có cơ sở vật chất đào tạo nghề, quản lý trường phổ thông không có hiểu biết về giáo dục kỹ thuật... Trường nghề ở địa phương có đủ thầy và cơ sở vật chất lại không can thiệp được vào trường THPT do tách biệt quản lý.
Điểm rắc rối ở đây là chương trình dạy các môn văn hóa và cơ sở nền tảng cho học các môn chuyên môn phải được thiết kế tích hợp gắn với nghề đào tạo. Vấn đề là chương trình ai thiết kế, ai có thể dạy được chương trình ấy và sự công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng nghề nghiệp tương đương như tốt nghiệp THPT không theo định hướng nghề...
Theo quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 phải có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng và đến năm 2025 tỉ lệ này phải lên đến 45%. Tuy nhiên trên thực tế cho thấy chủ trương này rất khó thực hiện.
Theo tuoitre
Cặp song sinh đam mê học Sử và ngã rẽ vào trường nghề Yêu thích Lịch sử từ nhỏ, đạt thành tích cao trong môn học này khi ở trường phổ thông, thế nhưng, cặp song sinh Kiều Trinh và Thúy Trinh, lại chọn ngã rẽ khác cho bản thân. Cả hai chị em đều quyết tâm xây ước mơ tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Hai chị em Trinh quyết định...