Tạo không gian sáng tạo cho học sinh giỏi văn
Đọc bài viết “”Ba Tưng”, Ngoc Trinh vào đề thi: Có vẻ nằm ngoài nhận thức phổ thông của HS” trên Tuổi Trẻ ngày 10-10-2013 của tác giả Thân Nguyễn Luận, tôi không tán thành một số nhận định. Nay xin được trao đổi.
Tác giả nhận định về đề thi môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 của Bộ Giáo dục – đào tạo: “Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam…” Nhưng đến đề thi chon học sinh giỏi văn lớp 12 năm học 2013-2014 của Sở GD-ĐT Hải Phòng đưa phat ngôn cua người mẫu Ngọc Trinh va Lê Thị Huyền Anh (biệt danh “Bà Tưng”) va yêu câu hoc sinh “viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”, thì tác giả lại cho rằng “hình ảnh không đẹp và những phát ngôn thực dụng của hai cô được đưa vào e còn điều chưa ổn”.
Thực tế là ở cả hai đề thi đều thể hiện được tính thực tiễn, tính giáo dục, được thể hiện suy nghĩ của mình về các vấn đề xã hội, giới trẻ. Như thế, có thể nói đề thi chọn học sinh giỏi của Hải Phòng đã kế thừa, phát huy đề thi tốt nghiệp theo cách “mạnh dạn, táo bạo” hơn.
Tác giả bài viết cho rằng nội dung đề thi “nằm ngoài nhận thức phổ thông của học sinh”. Tuy nhiên người viết cũng nên nhớ rằng đây không phải là đề thi cho tất cả học sinh phổ thông. Đây là đề thi chọn học sinh giỏi, mà để chọn được học sinh giỏi cần cái gì đó trên mức phổ thông đại trà. Ngoài những kiến thức trong sách giáo khoa, người làm bài thi cũng cần vận dụng những vấn đề thực tiễn sinh động của đời sống để làm sáng tỏ vấn đề. Đó là sự liên hệ thực tế, chính ở đây thí sinh mới phát huy rõ nhất tư duy gợi mở, sáng tạo, để lại dấu ấn riêng – yếu tố cần có của một học sinh giỏi văn.
Người viết cho rằng vấn đề: “yêu, tiền, gái trẻ – đại gia” là vấn đề rộng, nhạy cảm, đó là vấn đề của các nhà tâm lý học, xã hội học thì tôi lại nhắc cho tác giả nhớ rằng đây là đề thi chọn học sinh giỏi; do đó các em cần không gian đủ rộng để thể hiện suy nghĩ, quan điểm của bản thân. Trước đây, những vấn đề được xem là nhạy cảm như: giáo dục giới tính, tình yêu tuổi học trò… thường không được quan tâm đúng mức, có những vấn đề không quản lý được là cấm đoán, phớt lờ đi. Từ đó nhiều học sinh có nhận thức sai lệch, không đầy đủ nên để lại những hậu quả đáng tiếc.
Video đang HOT
Hơn nữa, những phát ngôn, quan điểm là của giới trẻ, do đó điều đầu tiên chúng ta cần làm là lắng nghe ý kiến của đa số người trẻ xem họ đang nghĩ gì, làm gì; từ đó sẽ có những định hướng, uốn nắn những suy nghĩ, cách nhìn nhận, thể hiện chưa chuẩn mực. Như vậy, những vấn đề liên quan đến giới trẻ sẽ không có “vùng cấm” để người trẻ bày tỏ quan điểm, suy nghĩ bản thân.
Nền giáo dục VN đang tìm hướng đổi mới, trong đó có vấn đề đổi mới trong cách dạy văn và học văn. Những đề thi “mở” sẽ khuyến khích học sinh “mở lòng mình” một cách chân thực, xúc động nhất. Thời tôi đi học, ngay cả khi đã là một sinh viên chuyên ngành ngữ văn, trừ một số ít các bạn có năng khiếu thật sự về văn chương, còn đại đa số chúng tôi học văn, làm văn gần như theo những khuôn mẫu.
Không là những bài làm chép ra từ sách văn mẫu thì cách biểu đạt, lối suy nghĩ cũng theo những công thức nhất định. Ví dụ như phân tích giá trị nhân đạo của một tác phẩm thì chỉ cần tìm các yếu tố như: tình yêu thương con người, đùm bọc lẫn nhau, giúp người gặp nạn, nhường cơm sẻ áo… thể hiện trong tác phẩm. Từ những yếu tố như trên mang áp vào bất kỳ tác phẩm nào cần phân tích giá trị nhân đạo sẽ có một bài làm đạt điểm trên trung bình.
Người viết bài nay thiết nghĩ: bên cạnh những giá trị truyền thống tốt đẹp đưa vào nhà trường nhằm giáo dục học sinh giữ gìn và phát huy cũng cần đặt ra những vấn đề thời sự, liên quan đến các em để chính các em được đưa ra những suy nghĩ, quan điểm, nhận định của bản thân, như thế những giờ dạy, học tẻ nhạt, khuôn mẫu sẽ dần biến mất.
Theo Tuoitre
Những luống cao lương không còn
Ngày ấy, thị trấn quê tôi có đủ ba ngôi trường của bậc học phổ thông. Con kênh đào chảy ngang qua chia cắt thị trấn làm hai phần: bên này quốc lộ và phần còn lại gọi là bên chợ. Trường của chúng tôi nằm ở bên chợ, một ngôi trường xây dựng từ thời thuộc Pháp, tường vôi loang lổ, mái ngói rêu phong.
Tôi học suốt ở đấy, và tất nhiên, có rất nhiều kỷ niệm.
Dấu ấn sâu đậm nhất đến vào năm cuối cấp. Tôi được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi văn của trường, hãnh diện cùng nhóm bạn ngày đêm ôn luyện văn chương, khi thì ở lớp học vào những ngày cuối tuần, khi ở nhà cô giáo dạy văn sau một ngôi chùa của người Hoa. Máu văn chương nhen nhúm trong lòng cậu nam sinh nhà quê được cô bạn cùng nhóm "tác động" làm cháy lên ngọn lửa nhỏ.
Ở cuối trường, các em khối lớp dưới trồng nhiều cao lương. Năm ấy cao lương trĩu hạt. Tôi cứ vơ vẩn ở đấy suốt trong những phút giải lao, bâng quơ nghĩ về em- người bạn gái học văn xinh đẹp, dịu dàng.
Khi bắt gặp cái nhìn đáp lại của em ngày một ấm áp hơn, tôi đã có một quyết định "lịch sử": tỏ tình. Đêm ấy, tôi cứ ngồi dưới ánh đèn dầu viết thư cho em. Tôi khổ sở vì không sao viết nổi một lá thư ưng ý. Sao khi đốt hết một xấp "bản thảo", cuối cùng "tác phẩm" cũng được duyệt, tôi cất lá thư trong quyển sách giáo khoa và thiếp đi...
Sáng hôm sau đến lượt đội cò đỏ của tôi trực nhật. Giờ thể dục giữa giờ tôi chỉnh tề đứng ở hành làng lớp của em. Trống thể dục nhịp nhàng vang lên trong nắng nhẹ vàng ươm sân trường. các khối lớp khỏe khoắn thực hiện các động tác thể dục theo lệnh của trống. Tim tôi đập liên hồi chẳng nhịp nhàng tí nào. Khi hàng trăm chiếc áo trắng quay lưng lại sau một động tác, tôi vội lẻn vào lớp em, mở vở của em, để vào đấy "tác phẩm" của mình hoàn thành sau một đêm trắng.
Sau đấy, cho đến hết giờ, tôi cứ lo lắng không hiểu mình có thần hồn nát thần tín để lá thư tỏ tình nhầm vào vở của người khác không và nếu có sự cố như thế thì hậu quả sẽ như thế nào, nghĩ đến đấy tôi ướt cả mồ hôi...
Hôm sau, hôm sau nữa, gặp em ở lớp và ở nhà cô giáo, qua ánh nhìn, tôi hiểu em đã đọc thư. Chỉ như thế thôi, chẳng có gì, nhưng đấy là những cảm xúc đẹp đầu tiên của một chàng trai. Em là một Tonhia lá ngọc cành vàng...
Tôi vào đội tuyển văn của tỉnh, tập trung lên sở để ôn luyện tiếp, em rời cuộc chơi. Lá thư không được "phúc đáp", nhưng tình cảm trong lành giữ trong lòng cho đến tận hôm nay.
Lận đận trong đời, thỉnh thoảng về quê lại tạt ngang thăm trường. Những luống cao lương không còn, những dãy phòng học rêu phong không còn, ngôi trường tinh tươm bề thế mới xây... Nhưng hình ảnh về em vẫn còn. Này là chỗ chúng tôi thường ngồi uống trà đá tranh luận với nhau về một đề văn, và cuộc tranh luận ấy chỉ là một cái cớ để... nhìn nhau. Này là vị trí bàn em ngồi học, nơi mà mấy mươi năm trước anh chàng cờ đỏ là tôi đã liều lĩnh "phát hành" tác phẩm tỏ tình của mình... Kỷ niệm không phai, ký ức cứ hiện về.
Lũ bạn bắn tin em đã có chồng, có con và hạnh phúc ở quốc gia xa xôi tận Bắc Mỹ. Mừng cho em, Tonhia...
Vâng, tất cả hãy còn, chỉ trừ những luống cao lương...
Theo người lao động