Tạo bệ phóng vững chắc đổi mới giáo dục
Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tác động lớn đến hoạt động quản lý, phương thức tổ chức dạy và học.
Nhiệm vụ nặng nề đang đặt lên vai mỗi cán bộ, giáo viên, cơ sở giáo dục, làm sao tạo dựng được bệ phóng vững chắc hướng tới mục tiêu cao nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.
GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: Nâng cao chất lượng đội ngũ là khâu đột phá
Chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc vào chất lượng nền giáo dục, mà chất lượng nền giáo dục được quyết định phần lớn bởi chất lượng đội ngũ giáo viên và các nhà quản lý giáo dục. Do vậy, một khâu đột phá của công cuộc đổi mới giáo dục là nâng cao chất lượng đội ngũ. Giáo viên được coi là yếu tố then chốt và là nhân tố quan trọng quyết định thành công khi triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Người thực thi các chính sách, chủ trương, kế hoạch và chương trình đổi mới giáo dục chính là đội ngũ cán bộ nhà giáo. Ở đây, có hai vấn đề đặt ra: Thứ nhất, muốn đổi mới thì phải có đủ lực lượng giáo viên; Thứ hai, khi có đủ giáo viên thì họ phải có đủ năng lực, phẩm chất để thực thi nhiệm vụ đổi mới.
Hiện cả nước có gần 1,5 triệu cán bộ nhà giáo, trong đó đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục chiếm khoảng 10%. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa như tiến trình đang thực hiện, nhìn chung, vấn đề đội ngũ còn không ít bất cập, từ chất lượng, số lượng đến cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp; năng lực quản lý của một bộ phận cán bộ quản lý cơ sở giáo dục còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý giáo dục trong bối cảnh mới…
Từ góc độ của một cơ sở giáo dục đại học đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao và trình độ cao trong khoa học và công nghệ giáo dục, ứng dụng cho đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý và các nhóm nhân lực khác trong lĩnh vực giáo dục, tôi chỉ ra một số nhiệm vụ quan trọng hiện nay.
Một là, quán triệt quan điểm phát triển đội ngũ cán bộ nhà giáo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4.11.2013, về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; triển khai có hiệu quả Quyết định số 33/QĐ-TTg, ngày 8.1.2019, “Phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025″.
Hai là, phối hợp hiệu quả hoạt động bồi dưỡng với các dự án, chương trình như Dự án “Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2016 và Quyết định số 89/QĐ-TTg, ngày 18.1.2019 về “Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030″…
Ba là, tập trung bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo, tiến tới tất cả giáo viên tiểu học, THCS, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Bồi dưỡng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo hướng mới; khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, dạy và học; năng lực quản lý, quản trị hiện đại cho cán bộ quản lý ở các cấp học; phương pháp biên soạn chương trình, tài liệu, đề cương bài giảng theo đào tạo tín chỉ, quy chuẩn kiểm định chất lượng, xây dựng và triển khai chuẩn chương trình đào tạo tiệm cận các chuẩn mực khu vực và quốc tế…
Bốn là, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động bồi dưỡng, quản lý. Điểm mới trong công tác bồi dưỡng hiện nay vận hành mô hình bồi dưỡng mới, biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng. Cụ thể là bồi dưỡng đội ngũ cốt cán theo hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến bởi các giảng viên của các cơ sở đào tạo giáo viên. Đội ngũ này hỗ trợ giáo viên đại trà ngay tại chỗ, trong công việc, giáo viên tự học qua mạng, trên các hệ thống bồi dưỡng trực tuyến.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Đào Công Lợi: Phân cấp quản lý đủ mạnh
Thời gian qua, các nghị định quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đã làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý chưa thực sự thống nhất, đồng bộ.
Thứ nhất, phân cấp quản lý giáo dục là phân cấp ngang, UBND cấp huyện quản lý toàn bộ từ mầm non, tiểu học đến THCS, còn Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý các trường THPT. Trong khi đó, chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh lại thuộc trách nhiệm của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Việc phân cấp ngang, cắt đoạn, tạo nên bất cập giữa trách nhiệm và hiệu quả quản lý. Thực tế, Chủ tịch UBND huyện quản lý trực tiếp, toàn diện từ mầm non, tiểu học đến THCS nhưng không phải chịu trách nhiệm về chất lượng, còn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ trực tiếp quản lý cấp THPT lại phải chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục từ mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên toàn tỉnh.
T hứ hai , trách nhiệm quản lý chất lượng không đi liền với điều kiện bảo đảm. Để có chất lượng giáo dục cần 3 yếu tố: Chuyên môn (chương trình, tổ chức dạy học…), nhân lực (cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên), điều kiện bảo đảm (kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất…). Hiện nay, các yếu tố này đang bị quản lý phân tán, thiếu thống nhất. Nhân lực do ngành nội vụ quản lý; kinh phí do ngành tài chính quản lý; cơ sở vật chất trường học do UBND các địa phương quản lý, ngành giáo dục chỉ được quản lý về chuyên môn. Hệ quả là ngành giáo dục không có sự đồng bộ, tập trung, không có đủ quyền lực để đạt được mục tiêu chất lượng.
Để thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên có vai trò quyết định. Nếu được giao quản lý trực tiếp đội ngũ, ngành giáo dục sẽ bảo đảm các yêu cầu về chất lượng, số lượng và đặc biệt là cơ cấu giáo viên các bộ môn ở các cấp học, đáp ứng yêu cầu dạy và học của các trường. Theo phân cấp như hiện nay, UBND cấp huyện chỉ mới chú trọng đến số lượng, chưa chú trọng đến cơ cấu hợp lý các môn học trong tuyển dụng, tiếp nhận giáo viên, dẫn đến thừa – thiếu giáo viên cục bộ.
Video đang HOT
Nguồn: ITN
Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, Gia Lâm, Hà Nội Nguyễn Quý Xuân: Kỳ vọng tạo đột phá về phân luồng, hướng nghiệp
Năm học này sẽ bắt đầu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với lớp 10. Đây là lớp đánh dấu bước chuyển quan trọng đối với học sinh, hướng tới mục tiêu định hướng nghề nghiệp. Để triển khai chương trình lớp 10, Trường THPT Phúc Lợi đã có sự chuẩn bị sớm về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng các tổ hợp môn, phân phối chương trình năm học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, đáp ứng yêu cầu về việc lựa chọn nghề nghiệp. Cùng với đó, các tổ hợp môn cũng được tính toán phương án có lợi cho học sinh trong tuyển sinh vào đại học sau này.
Đối với lớp 10, tinh thần chung của chương trình giáo dục phổ thông mới là học sinh có quyền lựa chọn môn học tự chọn phù hợp với sở thích, nguyện vọng và năng lực của các em. Nhưng nếu hoàn toàn theo lựa chọn của học sinh thì nhà trường rất khó đáp ứng về nhân lực và cơ sở vật chất, vì có tới hơn 100 tổ hợp môn; đồng thời cũng có thể khiến học sinh bị rối, gây ra khủng hoảng lựa chọn.
Vì thế, nhà trường đã xây dựng các tổ hợp môn học từ ba nhóm môn học và chuyên đề học tập, vừa đáp ứng nhu cầu của người học, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học… Theo đó, năm học 2022 – 2023, Trường THPT Phúc Lợi xây dựng 8 tổ hợp môn với 16 lớp 10.
Việc xây dựng chương trình lớp 10 theo hướng phân hóa, định hướng nghề nghiệp cho học sinh là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi ngày một mạnh mẽ, áp lực cạnh tranh tương lai cũng ngày càng lớn hơn. Tuy nhiên, để tạo đột phá về việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn sớm về kiểm tra, đánh giá theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Các trường đại học cũng sớm công bố đề án tuyển sinh phù hợp dựa trên việc xây dựng tổ hợp của các nhà trường phổ thông.
Cụm thi đua số 2: Đồng bộ giải pháp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
Ngày 8/8, Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của Cụm thi đua số 2 được tổ chức tại Thái Bình.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Trần Thị Bích Hằng và đại diện lãnh đạo các sở GD&ĐT trong Cụm thi đua số 2, gồm 9 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Đảm nhiệm vai trò Cụm trưởng Cụm thi đua số 2 năm học 2021-2022 là Sở GD&ĐT Thái Bình.
Chất lượng giáo dục ổn định, giữ vị trí tốp đầu cả nước
Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, nhận định: Năm học 2021-2022 diễn ra trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục đã kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện các giải pháp phòng chống dịch; thực hiện linh hoạt, hiệu quả các hình thức dạy học để hoàn thành mục tiêu kép: Phòng chống dịch hiệu quả, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học.
Mạng lưới, quy mô GD-ĐT tiếp tục phát triển đa dạng, phù hợp, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Các địa phương, không chỉ Cụm thi đua số 2, đã chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập; đổi mới kiểm tra, đánh giá; chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; thực hiện nghiêm túc và hoàn thành chương trình giáo dục năm học 2021-2022 theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; trong có nhiều giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hạn chế học sinh bỏ học...
Đặc biệt, với Cụm thi đua số 2, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã đạt kết quả rất đáng ghi nhận. Theo đó, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của các tỉnh trong Cụm đều trên 99%; nhiều địa phương trong Cụm nằm trong top 10 địa phương có điểm thi trung bình cao nhất cả nước. Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Cụm thi đua số 2 có 482 học sinh đạt giải, gồm: 30 giải Nhất, 117 giải Nhì, 151 giải Ba, 183 giải Khuyến khích. Đó là những kết quả rất đáng ghi nhận.
Bà Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu tại hội nghị.
Đại diện Cụm thi đua chia sẻ dự thảo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022, bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết: Năm học 2021-2022, Cụm thi đua số 2 đã thực hiện tốt mục tiêu vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, không để bùng dịch trong trường học; hoàn thành thời gian năm học đúng kế hoạch, tiếp tục đổi mới và kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã nghiêm túc triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; công tác chỉ đạo, hướng dẫn được thực hiện chủ động, sâu sát; các cơ sở giáo dục chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình; bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT tặng hoa chúc mừng Cụm thi đua số 2 tại hội nghị.
Năm học 2021-2022, toàn Cụm thi đua số 2 có 5.419 cơ sở giáo dục; 96.106 lớp, 3.198.399 học sinh; hệ thống mạng lưới trường lớp phù hợp với đặc điểm của địa phương, quy mô trường, lớp cơ bản ổn định, đa dạng các loại hình, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi và thu hút học sinh đến trường học tập. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có số lượng khoảng 156.000 người; giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn có tỷ lệ cao và có xu hướng tăng dần; 100% cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý.
Chất lượng giáo dục của các địa phương trong Cụm thi đua số 2 tiếp tục ổn định giữ vị trí tốp đầu trong cả nước và có sự tương đồng, không chênh lệch quá lớn giữa các tỉnh trong Cụm. Chất lượng giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm. Chất lượng giáo dục phổ thông được duy trì. Các tỉnh tích cực triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; đồng thời thực hiện tốt đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, đổi mới kiểm tra học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh tiếp tục thực hiện hiệu quả.
Kỳ thi, cuộc thi của địa phương được tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế và đạt kết quả cao. Đặc biệt, Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của Cụm thi đua số 2 đạt kết quả cao, đứng tốp đầu so với các địa phương khác trên toàn quốc.
Chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên và chuẩn hóa. Kỷ cương, nền nếp, an toàn trường học tiếp tục được thực hiện tốt. Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư. Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng mở rộng; thực hiện nghiêm túc công tác công khai, kiểm định chất lượng giáo dục. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học ngày càng được đẩy mạnh, khai thác hiệu quả các phần mềm dạy học; công tác truyền thông về giáo dục có nhiều đổi mới...
Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của Cụm thi đua số 2.
Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, học sinh THPT đỗ tốt nghiệp chiếm tỉ lệ trên 99%, trong top 10 địa phương có điểm trung bình chung của cả nước, Cụm thi đua có 6 tỉnh gồm: Nam Định, Vĩnh Phúc, Ninh Bình Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Bình; một số địa phương tiếp tục tăng thứ bậc xếp hạng chung. Cụm thi đua số 2 chiếm số lượng học sinh đạt điểm 10 cao nhất cả nước.
Triển khai Chương trình GDPT 2018, các sở GD&ĐT đã xây dựng, triển khai và hoàn thành tổ chức thực hiện lựa chọn SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 đúng quy định của Bộ GD&ĐT, bảo đảm khách quan, công tâm; phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức Hội nghị trực tuyến để giới thiệu các bộ SGK. Một số tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh cấp bổ sung kinh phí mua tài khoản bồi dưỡng trực tuyến các mô-đun triển khai Chương trình GDPT 2018 cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên trong tỉnh.
Các địa phương Cụm thi đua số 2 đồng thời triển khai tập huấn sử dụng Tài liệu giáo dục địa phương lớp 2, 6; hoàn thành việc biên soạn, thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, 7, 10. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện rà soát, bố trí đội ngũ giáo viên và rà soát, thống kê mua sắm bổ sung thiết bị dạy học chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong năm học 2022-2023 (đặc biệt đối với những môn học mới).
Đại diện Cụm thi đua số 2, bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022; phương hướng, nhiệm vụ giải pháp năm học 2022-2023 của Cụm.
Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, các hoạt động giáo dục, chuyên môn phải điều chỉnh; một số cơ sở giáo dục việc triển khai dạy học trực tuyến gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ. Các cơ sở giáo dục tư thục nguồn thu học phí bị giảm do học sinh nghỉ học để phòng chống dịch bệnh; cuộc sống của giáo viên hợp đồng gặp nhiều khó khăn.
Đội ngũ giáo viên ở các cấp học còn thiếu so với chỉ tiêu được giao; vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Việc thực hiện chế độ tiền lương cho giáo viên hợp đồng còn gặp khó khăn. Một số địa phương, tuyển dụng giáo viên không đủ so với chỉ tiêu được giao do thiếu nguồn tuyển dụng...
Đại diện Cụm trưởng Cụm thi đua số 2 - ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình; đại diện Phó Cụm trưởng Cụm thi đua số 2 - bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh, chủ trì hội nghị.
Tiếp tục phát huy, khẳng định vị thế của Cụm về chất lượng giáo dục
Tại Hội nghị, đại diện các sở GD&ĐT trong Cụm thi đua số 2 đánh giá cao chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Bộ GD&ĐT; nhờ đó các tỉnh có định hướng chỉ đạo ngành GD-ĐT địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.
Cùng với những góp ý để hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022, phương hướng, nhiệm vụ giải pháp năm học 2022-2023 của Cụm thi đua số 2, ý kiến tại hội nghị tập trung đánh giá thành công, bài học kinh nghiệm của địa phương trong Cụm; tiếp tục khẳng định và làm rõ vị thế của Cụm trong chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông với các tỉnh thành khác trên toàn quốc. Các ý kiến đồng thời trao đổi về vấn đề còn khó khăn, tồn tại, đặc biệt là các giải pháp cho năm học mới; đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, với Bộ GD&ĐT để có thể triển khai tốt hơn nhiệm vụ GD-ĐT trong thời gian tới.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Các đề xuất, kiến nghị liên quan đến: Quy định về số lượng cấp phó trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Giáo dục; hợp đồng lao động đối với nhân viên trường học; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học; quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên; vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; lựa chọn sách giáo khoa; kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia; tài liệu Giáo dục địa phương; quản lý trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên...
Phát biểu tại hội nghị, đại diện lãnh đạo một số cục, vụ của Bộ GD&ĐT đã trao đổi, lưu ý, giải đáp băn khoăn liên quan đến các đề xuất của địa phương.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT ghi nhận, đánh giá cao kết quả mà Cụm thi đua số 2 đạt được trong năm học 2020-2021, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đồng thời đưa ra một số vấn đề cần quan tâm, lưu ý trong thời gian tới.
Việc đầu tiên Thứ trưởng nhấn mạnh là tăng cường hơn nữa tính kết nối giữa cụm trưởng, cụm phó và các thành viên trong Cụm; từ đó tiếp tục phát huy các kết quả, hoạt động nổi trội, đặc thù của Cụm trong năm học tới.
Đại diện các cục, vụ của Bộ GD&ĐT rao đổi, lưu ý, giải đáp băn khoăn liên quan đến các đề xuất của địa phương.
Cùng với đó, Thứ trưởng lưu ý trong việc triển khai các hoạt động hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 6186/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến; Triển khai thực hiện việc bình chọn "Nhà giáo tiêu biểu của năm"; Tiếp tục triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập"; thực hiện nghiêm túc việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16...
Một số hoạt động, đề án được Thứ trưởng nhấn mạnh, tập trung thực hiện liên quan đến Cuộc thi Giai điệu tuổi hồng; Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030" ban hành kèm Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án về tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Đề án về sức khỏe học đường...
Về khen thưởng, Thứ trưởng yêu cầu cần khen đúng người, đúng thành tích; chú trọng khen các tập thể nhỏ, các thầy giáo, cô giáo, người lao động trực tiếp ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...
Phương hướng năm học 2022-2023, Cụm thi đua số 2 sẽ thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp của ngành theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tiếp tục triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Tiếp tục tham mưu xây dựng các chương trình hành động về phát triển GD-ĐT của tỉnh nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kì 2020-2025.
Đồng thời, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, kỷ cương; tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học; xây dựng văn hóa học đường, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bảo đảm an toàn trường học, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục.
Nghệ An dự kiến đặt hàng đào tạo hơn 1.000 sinh viên sư phạm vào năm 2030 Đây là giải pháp để ngành giáo giáo dục Nghệ An đáp ứng đủ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và phù hợp với quy mô trường lớp. UBND tỉnh Nghệ An vừa phê duyệt đề án Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông ngành giáo dục...