Tăng tốc xét tuyển nhóm
Các nhóm xét tuyển đang dần hình thành, trình làng phần mềm và hình thức xét tuyển ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tái xét tuyển theo nhóm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ngày 18/5 đã có công văn gửi Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam đề nghị tạo điều kiện hỗ trợ các trường liên kết thành nhóm xét tuyển chung, hạn chế thí sinh ảo, tạo thuận lợi cho nhà trường và thí sinh.
Mời hiệp hội “vào cuộc”
Ngay trong chiều cùng ngày, lãnh đạo ĐH Thăng Long đã có buổi báo cáo với lãnh đạo Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam về phần mềm xét tuyển của mình.
Video đang HOT
Thí sinh nộp hồ sơ dự thi THPT quốc gia 2016.
Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng ĐH Thăng Long, cho hay phần mềm này có thể dùng cho nhóm tuyển sinh có quy mô càng lớn thì tỉ lệ ảo sẽ được giảm ở mức thấp nhất.
Thí sinh trúng tuyển tối đa một nguyện vọng (NV) và đó là NV tốt nhất có thể được trong mối tương quan với các thí sinh khác. Mỗi trường đều có được danh sách trúng tuyển tốt nhất có thể trong khuôn khổ các NV và kết quả của thí sinh.
Các trường cũng không bị hạn chế trong việc phân bổ chỉ tiêu cho các ngành hay nhóm ngành, không bị hạn chế về các tiêu chí xét tuyển (có thể sử dụng kết quả học phổ thông của thí sinh, kết quả thi theo ĐHQG Hà Nội, có sơ tuyển…).
Theo ông Phú, từ cuối năm 2014, ĐH Thăng Long đã chạy thử chương trình xét tuyển với một dữ liệu giả lập gồm khoảng 1 triệu thí sinh (mỗi thí sinh có thể có 6 NV) và khoảng 1.000 “mã xét tuyển”. Chương trình kết thúc sau khoảng 120 phút với kết quả phù hợp với lý thuyết.
Bộ GD&ĐT đã mời một đơn vị xây dựng chương trình xét tuyển mà cốt lõi chính là thuật toán nêu trên. Bộ đã chuyển cho các trường phần mềm này để sử dụng (trong phạm vi từng trường) trong kỳ tuyển sinh năm 2015 và được các trường đánh giá tốt. Sau kỳ tuyển sinh 2015, bộ đã dùng chính dữ liệu của kỳ tuyển sinh để chạy thử lại chương trình và thu được kết quả tốt.
Ông Văn Đình Ưng – Trưởng Ban Thông tin Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam – cho biết lãnh đạo hiệp hội và một số trường thành viên đã có những trao đổi ban đầu về công văn của Bộ GD&ĐT. Hiệp hội cũng ủng hộ việc sử dụng phần mềm xét tuyển do ĐH Thăng Long thực hiện.
Nếu phần mềm này chưa được dùng rộng rãi trên toàn quốc, hiệp hội khuyến khích các trường lập nhóm xét tuyển sử dụng. Nếu nhóm có nhu cầu, hiệp hội sẽ tư vấn thêm về chuyên gia và kỹ thuật. Hiệp hội đang vận động thành lập nhóm xét tuyển ở khu vực Đông Bắc với ĐH Thái Nguyên đứng ra chủ trì…
Đề cao trách nhiệm
Nếu nhóm xét tuyển khu vực Đông Bắc được hình thành thì đến nay đã có 3 nhóm xét tuyển chung (cùng với nhóm GX do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì ở Hà Nội và nhóm ĐH Đà Nẵng).
Ngày 18/5, 11 trường của nhóm GX (ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại thương, ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Mỏ – Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, Học viện Ngân hàng và ĐH Thăng Long) cũng đã có buổi họp bàn về việc xét tuyển nhóm của mình.
Theo ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, trường sẽ trang bị cơ sở vật chất tốt nhất phục vụ công tác xét tuyển như máy chủ mới, đường truyền mới, phần mềm xét tuyển bảo đảm về mặt kỹ thuật, nhóm kỹ thuật bao gồm đại diện của các trường thành viên tham gia. Dự kiến sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, các trường trong nhóm GX sẽ kiểm tra phần mềm và ngày 20/7 sẽ chuẩn bị xong tất cả các khâu kỹ thuật.
Ông Tớp khẳng định phương thức tuyển sinh được xây dựng trên tinh thần tuân thủ chặt chẽ quy chế tuyển sinh hiện hành, đề cao trách nhiệm của tất cả các trường đối với thí sinh và xã hội.
Có thể đăng ký xét tuyển vào trường ngoài nhóm
Theo phương thức tuyển sinh của nhóm GX, thí sinh phải sắp xếp các NV theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới trong phiếu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) – mẫu được thiết kế cho nhóm. Thí sinh có thể sử dụng số NV tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (4 NV trong đợt 1 và 6 NV trong các đợt xét tuyển bổ sung) để ĐKXT vào nhiều trường trong nhóm.
Ngoài ra, thí sinh có thể ĐKXT vào 1 trường trong nhóm và 1 trường ngoài nhóm GX. Tuy nhiên, nếu thí sinh đã ĐKXT vào 2 trường trong nhóm ở đợt 1 hoặc 3 trường trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được ĐKXT vào trường ngoài nhóm (do vượt số trường tối đa được phép ĐKXT theo quy định của quy chế tuyển sinh).
Theo Yến Anh/Người Lao Động