Tăng tốc học thi, học trò cuối cấp vật vờ đói ngủ, thầy cô ngao ngán, tức giận
Khá nhiều cô cậu học sinh nói rằng “con thèm ngủ hơn thèm ăn. Ước gì con được ngủ thẳng giấc mà không phập phồng ngày mai bị gọi kiểm tra bài”.
Học sinh lớp 12 vào thời điểm tăng tốc (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn).
LTS: Tính tới thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng vài tháng nữa là các em học sinh lớp 12 sẽ chính thức bước vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm học 2017-2018.
Từ đó, trước những áp lực, vất vả trong học tập và ôn luyện của các em, tác giả Đăng Bình đã có bài viết .
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Học miệt mài từ sáng đến chiều, từ chiều đến tối, từ tối đến đêm.
Ngả lưng xuống giường bao giờ cũng là thời điểm đồng hồ chỉ qua ngày, mỗi ngày ngủ chừng 3-4 tiếng đồng hồ.
Đây chính là thời gian biểu của không ít học sinh lớp 12 hiện nay ở nhiều trường trung học phổ thông.
Vật vờ vì đói ngủ, ngáp ngắn ngáp dài chỉ mong trống hết giờ là tranh thủ gục ngay trên bàn học (thời gian chuyển giữa các tiết học) để chợp mắt vội vàng vài phút là hình ảnh thường thấy nhất trong các lớp học hiện nay.
Có thầy cô nhìn trò ngao ngán, tức giận, có thầy cô không dấu nỗi lòng thương cảm, thấu hiểu. Thế nhưng cũng chẳng có cách nào làm khác hơn “guồng quay” đã vận hành.
Video đang HOT
Một giáo viên trung học phổ thông “có lần, vào tiết dạy thấy cô bé học trò ngủ gục trên bàn một cách say sưa mà không nỡ đánh thức.
Thế là dạy xong cả hai tiết học nhưng cô bé vẫn ngủ mê mệt. Giấc ngủ sâu đầy mệt mỏi vì hình như chưa bao giờ em được ngủ ngon như thế”.
Khá nhiều cô cậu học sinh nói rằng “con thèm ngủ hơn thèm ăn. Ước gì con được ngủ thẳng giấc mà không phập phồng ngày mai bị gọi kiểm tra bài”.
Theo một cuộc điều tra của các nhà chuyên môn, người ta phát hiện trẻ em từ 1-3 tuổi cần 14-16 giờ ngủ một ngày, từ 14-20 tuổi cần ngủ 8-9 tiếng/ngày và 20 tuổi trở lên chỉ cần 7-8 tiếng.
Thế nhưng học sinh bậc trung học phổ thông của chúng ta hiện nay mới ở độ tuổi 16-19 tuổi chỉ được ngủ khoảng 4-5 tiếng/ngày thì làm sao không đói ngủ cho được?
Lịch học dày đặc
Mỗi ngày, học sinh bậc trung học phổ thông đang phải học gần 20 tiếng đồng hồ. Sáng học 4 tiết, chiều học 4 tiết, tối học hai ca 3 tiếng (quy ra 4 tiết học). Kết thúc một ngày đi học trở về nhà khoảng 9-10 giờ đêm.
Ăn uống, tắm rửa rồi ngồi vào bàn học chuẩn bị bài cho ngày mai (những môn học không tập trung cho thi cử), rồi làm bài tập trong sách, bài tập nâng cao cho những môn trọng điểm đi thi.
Khi việc học tạm ổn, ngả lưng xuống giường thường đồng hồ đã chỉ qua ngày.
Việc học quay cuồng là thế, ngoài ra còn phải tham gia khá nhiều các phong trào và các hội thi của lớp, của trường.
Nào là thi tin học trẻ không chuyên, thi hùng biện tiếng Anh, thi Violympic các cấp, thi học sinh giỏi của trường, của huyện, thi giải truyền thống của tỉnh, của quốc gia, thi sáng tạo khoa học kĩ thuật, thi học sinh thanh lịch, thi ẩm thực, hội trại…đã tham gia dự thi phải ôn tập và miệt mài “cày xới”. Thế là, học sinh chỉ còn mỗi việc học và học từ sáng đến khuya vì lẽ đó.
Khá nhiều em học sinh “Vài năm trước đây, học sinh bậc trung học phổ thông chỉ học một buổi thì các em còn thời gian nhiều hơn. Nay học cả ngày nhưng vẫn không thể bỏ học thêm. Bởi thế, chẳng còn một chút thời gian rảnh nào cho việc giải trí và nghỉ ngơi cả”.
Học cả ngày sao trò vẫn phải đi học thêm?
Thông điệp của các trường trung học phổ thông tổ chức dạy học cả ngày gửi đến các cấp liên quan và đến ngay phụ huynh học sinh là “nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cho các em, hạn chế việc dạy thêm học thêm tràn lan như hiện nay”.
Thế nhưng mục đích tốt đẹp này vẫn chỉ nằm trên giấy và các bản báo cáo. Bởi, do học cả ngày không hiệu quả, học sinh buộc phải đăng kí đi học thêm bên ngoài vào ban đêm.
Khá nhiều học sinh cho biết “nếu không đi học thêm bên ngoài sẽ chẳng thể có đủ kiến thức để đi thi đặc biệt những học sinh muốn thi vào các trường tốp giữa và tốp đầu.
Bản thân giáo viên dạy buổi hai trên trường cũng chẳng mấy mặn mà vì đồng tiền học trò đóng hàng tháng phải chia năm xẻ bảy (chi phần trăm cho Ban Giám hiệu, cho bảo vệ, kế toán, văn thư, chi cho cơ sở vật chất…). Bởi thế, không ít thầy cô cũng chỉ dạy qua loa cho hết giờ.
Thầy cô không hết mình, trò càng phải nỗ lực. Thế rồi vừa học xong trên trường là lao vội vào lớp học thêm học ca này xong lại lao vào ca khác…
Có không ít ý kiến cho rằng “nhà trường tổ chức học thêm buổi hai không hiệu quả thì cần giải tán chứ cố làm gì cho khổ học sinh ra?”
Nhưng, không dạy buổi hai đồng nghĩa với việc hàng tháng một số người sẽ mất đi một khoản tiền không hề nhỏ hay sao?
Đắn đo, cân nhắc qua lại, khi lòng tham của người đứng đầu chiến thắng thì đương nhiên phần thiệt thòi phải thuộc về những học sinh tội nghiệp mà thôi.
Theo Giaoduc.net
Nỗ lực để học sinh đến trường sau Tết
Những ngày đầu năm Mậu Tuất, khi nụ đào bừng nở, tiếng khèn réo rắt như mời gọi bạn về cũng là lúc mỗi thầy cô giáo ở vùng cao tỉnh Điện Biên lại lo lắng nhiều hơn. Lịch dạy, lịch làm việc không thay đổi, song các thầy cô lại canh cánh nỗi lo vắng học trò sau ngày nghỉ Tết...
Thầy và trò Trường tiểu học bán trú Nậm Tin, huyện Nậm Pồ trong giờ học.
Hơn 13 năm dạy học trên vùng núi cao mây trắng Tủa Chùa, là từng ấy thời gian cô giáo Lương Thu Hằng mang nặng một nỗi ưu phiền: hằng năm đều có những học trò của cô theo tiếng khèn Mông đến một bản xa để làm vợ người ta. Trò chuyện với chúng tôi trong căn phòng công vụ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) trung học cơ sở (THCS) Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) cô Lương Thu Hằng trầm tư: Những ngày này, ngoài lịch giảng dạy, chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho các em ở bán trú thì mỗi thầy giáo, cô giáo lại dành thời gian động viên, trò chuyện với học trò nhiều hơn. Khi thì hướng dẫn các em cách dọn dẹp nhà cửa, lúc lại dạy cách vệ sinh bản thân và chăm sóc người thân trong gia đình. Chẳng kể việc nhỏ việc to, cứ lúc nào rảnh thì thầy cô lại gần gũi, chuyện trò với các em như thế. Xen giữa lời dạy về cách ăn ở, sinh hoạt, thầy cô còn khéo léo chỉ bảo các em về mục tiêu, cách sống và lứa tuổi phù hợp để dựng vợ, gả chồng. "Vậy nhưng chẳng thấm được hết. Cứ sau Tết, trường lại vắng vài học sinh. Năm kia thiếu ba, năm ngoái nghỉ một, còn năm nay chưa biết thế nào?" - cô giáo Hằng .
Tìm hiểu về tập quán, phong tục người dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên, chúng tôi được biết, tại nhiều huyện vùng cao, nhất là vùng đồng bào Mông ở các huyện: Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông... còn tồn tại hủ tục lấy vợ, lấy chồng sớm. Nhiều em đang học chưa hết THCS đã rẽ ngả đường đời. Có những em trước Tết còn đeo khăn quàng đỏ, vậy mà chỉ sau Tết vài ngày đã theo chồng lên non đi tìm đất phát nương.
Để học sinh không bỏ học đi lấy vợ, lấy chồng, các thầy cô giáo đã tìm đủ mọi cách, với đủ kế hoạch. Cô giáo Trương Thanh Tịnh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Tủa Thàng cho biết: Ban Giám hiệu nhà trường phân công 17 cán bộ, giáo viên luân phiên phụ trách ký túc xá, dạy bảo các em kỹ năng sống tự lập, đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trên cơ sở học tập xây dựng nếp sống văn hóa mới, bài trừ hủ tục. Để các em không bỏ học sau mỗi kỳ nghỉ Tết, trường tổ chức cho toàn thể học sinh bán trú đi tham quan các di tích lịch sử ở Điện Biên Phủ và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp học tập với học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (TP Điện Biên Phủ). Sau chuyến đi, thầy cô giáo chủ nhiệm sẽ gần gũi, trò chuyện với các em để nắm bắt những điều các em đã cảm nhận, học tập. Em Mè Thị Tâm, học sinh lớp 9A1, với chúng tôi: "Được thăm các di tích lịch sử ở thành phố, được trò chuyện với các bạn Trường Lương Thế Vinh, giúp em hiểu hơn về lịch sử, về kỹ năng sống, ăn ở vệ sinh. Chúng em cùng cam kết thi đua học tập tốt, không bỏ học giữa chừng!".
Là huyện vùng cao biên giới, phần lớn học sinh người dân tộc thiểu số theo học bán trú, cho nên mỗi độ Tết đến, Xuân về các thầy cô giáo huyện Nậm Pồ lại chung nỗi lo học sinh nghỉ dài ngày rồi bỏ học. Bởi vậy, một tháng trước Tết, đích thân thầy Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) huyện Nậm Pồ, đã đi đến từng trường thăm hỏi, động viên thầy cô giáo và học sinh, với mong muốn, các thầy cô luôn là người gần gũi, là bến bờ yêu thương để học sinh nhớ lớp mà trở về sau kỳ nghỉ Tết. Còn với học sinh, thầy Thuận căn dặn tỉ mỉ để học sinh nam thì hiểu vui Tết nhưng không say rượu, không đốt pháo, không cướp vợ để lại trở về lớp, về trường. Học sinh nữ thì thầy tìm cách chuyện trò tế nhị hơn, vừa hỏi thăm, vừa diễn giải để các em hiểu nỗi buồn của những người mẹ tuổi mười ba... Cô Hoàng Thị Bích, Phó Trưởng phòng GD và ĐT huyện Nậm Pồ cho biết: "Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc duy trì sĩ số học sinh ra lớp đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, Phòng đã có văn bản chỉ đạo các trường chủ động kế hoạch vận động học sinh ra lớp sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán".
Chung quanh câu chuyện về học sinh bán trú và nỗi lo người thầy, trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD và ĐT tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Kiên cho biết: Những năm gần đây, số lượng trường PTDTBT tại các huyện tăng nhanh, tạo cơ hội đến trường nhiều hơn cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 137 trường có học sinh bán trú, tập trung tại hai bậc học: tiểu học và THCS, với gần 40 nghìn học sinh. Những huyện có đông học sinh bán trú là: Nậm Pồ, Mường Nhé, Điện Biên Đông. Chế độ cho học sinh bán trú được Nhà nước quan tâm; cơ sở vật chất trường lớp ngày càng tốt hơn nên ngành giáo dục Điện Biên không còn phải lo nhiều về việc vận động học sinh ra lớp như trước nữa. Nhưng thay vào đó là nỗi lo sau Tết học sinh đi lấy vợ, lấy chồng. Số lượng không nhiều, nhưng năm nào cũng có và gần như huyện nào cũng có tình trạng học sinh nghỉ học như thế. Do vậy, trước Tết hơn một tháng, Sở đã đề ra nhiều biện pháp chỉ đạo các huyện, các trường tăng cường tuyên truyền, vận động học sinh không nghỉ học dài ngày và nhất là không bỏ học lấy vợ, lấy chồng. Tùy điều kiện từng địa bàn, tập quán từng dân tộc để lựa chọn cách tuyên truyền, động viên các em vì mục tiêu không còn học sinh bỏ học sau Tết. Xa hơn nữa, là để trên những triền núi cao, biên giới dần dần không còn hiện tượng các em học sinh bỏ học lấy vợ, lấy chồng khi mới 13 - 14 tuổi, không còn tiếng ru buồn của những cảnh "trẻ con làm mẹ trẻ con"...
Tại huyện Tủa Chùa, sáng 21-2 (mồng 6 Tết), sĩ số học sinh ở các trường đạt khoảng 30%; thậm chí có nhiều điểm trường lẻ tại Sính Phình, Tả Phình không có học sinh đến lớp. Cùng ngày, sĩ số học sinh đến trường của huyện Mường Nhé chưa đạt 50% so với tổng số học sinh. Ngành giáo dục Điện Biên đang tăng cường thực hiện vận động học sinh trở lại lớp: luân phiên cử giáo viên về từng bản gặp gỡ, vận động phụ huynh đưa học sinh trở lại trường.
Theo Nhandan.com.vn
Thầy cô hỏi đứa nào, đứa ấy đều khai hết...tội của lớp Trò ra trường, trưởng thành, đi làm ăn muôn nơi. Thầy - trò gặp nhau, ăn bữa cơm, ly bia... đó là cái nghĩa, cái tình đáng quý của ngày ấy và cho đến tận bây giờ LTS: Với kinh nghiệm hơn 22 năm làm công tác giáo viên chủ nhiệm và dạy học ở một trường trung học phổ thông của tỉnh...