Tăng thuế tài nguyên, doanh nghiệp muốn có lộ trình
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung Nghị quyết 712 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành biểu thuế suất thuế tài nguyên vừa được đưa ra lấy ý kiến đã và đang gây nhiều tranh luận trái chiều.
Dự kiến, mức thuế suất đối với các loại khoáng sản đều được điều chỉnh tăng từ 2-12%
Cơ quan Nhà nước với quan điểm tăng thuế để tăng thu ngân sách và bảo toàn khai thác tài nguyên bền vững, trong khi các DN khai thác khoáng sản cho rằng, việc tăng thuế là tận thu quá mức, sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới DN.
Điều chỉnh thuế để đảm bảo thu ngân sách khi hội nhập
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tổng mức thu thuế tài nguyên bình quân giai đoạn 2011 – 2014 đạt hơn 39.000 tỷ đồng/năm, chiếm 4,9% tổng thu ngân sách nhà nước. Trong đó, thu từ dầu thô đạt khoảng 31.000 tỷ đồng/năm, chiếm 79% tổng số thu thuế tài nguyên; thu từ tài nguyên khác khoảng 8.100 tỷ đồng, chiếm 21%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của bộ này, mức thuế suất tài nguyên hiện hành chưa góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập. Do đó, cần nghiên cứu, rà soát để điều chỉnh thuế suất tài nguyên đối với từng nhóm, loại tài nguyên, giúp việc khai thác tài nguyên đạt hiệu quả cao hơn, giữ vững quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này.
Theo Dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung Nghị quyết 712 do Bộ Tài chính soạn thảo, hầu hết mức thuế suất các loại khoáng sản đều được điều chỉnh tăng từ 2 – 12%. Riêng đối với nhôm, bô xít được đề nghị giữ nguyên mức thuế suất 12% với lý do dự án tổ hợp bauxit nhôm Lâm Đồng và dự án alumin Nhân Cơ (Đắc Nông) chỉ có thể có lãi từ năm 2018 hoặc 2021.
Video đang HOT
Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, với lộ trình hội nhập sâu và rộng hiện nay bằng việc ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, thời điểm phải thực hiện việc xóa bỏ thuế xuất khẩu theo các cam kết đã rất gần.
“Khi thực hiện xóa bỏ thuế xuất khẩu theo cam kết quốc tế, số thu ngân sách chắc chắn bị tác động, trong khi khai thác các loại tài nguyên này cho xuất khẩu có thể sẽ tăng mạnh, không đảm bảo được nguồn tài nguyên sản xuất trong nước. Do đó, cần phải rà soát, điều chỉnh lại nguồn thu nội địa đối với tài nguyên thông qua điều chỉnh mức thu thuế suất tài nguyên cho phù hợp, để tiếp tục phát huy nguồn tài nguyên cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, đồng thời đảm bảo thu ngân sách”, ông Thi lý giải.
DN “kêu” hết lợi nhuận
Ủng hộ chủ trương điều chỉnh thuế tài nguyên để tăng thu ngân sách của Quốc hội và Chính phủ, song ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho rằng, việc điều chỉnh tăng này là chưa phù hợp với thực tế hoạt động của DN trong thời gian gần đây.
Theo ông Biên, đối với ngành khai thác than, trong vòng 4 năm trở lại đây, sản lượng khai thác than chỉ đạt khoảng 300 triệu tấn mà không hề tăng. “Nếu tiếp tục tăng thuế tài nguyên, rất có thể sẽ gây ảnh hưởng tới sản lượng khai thác than của các DN.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều DN khai thác than và khoáng sản đang rất khó khăn. Trường hợp thuế tài nguyên được phê duyệt tăng như mức nêu trong dự thảo, có thể đạt mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước, song có thể khiến DN không còn lợi nhuận”, ông Biên nhấn mạnh.
Do đó, vị lãnh đạo TKV đề xuất, việc điều chỉnh thuế tài nguyên cần bám sát tình hình thực tế và có tính tới việc đảm bảo cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN.
Đồng quan điểm, ông Vũ Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, thuộc Tập đoàn Masan cho rằng, chính sách thuế phí thay đổi liên tục trong một thời gian ngắn, trong đó có tăng thuế suất thuế tài nguyên cùng với việc phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ gây ra tác động kép tới hoạt động của DN khoáng sản của Việt Nam.
Theo đó, với chi phí khai thác tăng, DN sẽ không muốn đầu tư sâu vào chế biến khoáng sản mà chỉ tập trung khai thác nhỏ lẻ và bán thô, đồng thời chỉ tập trung khai thác phần quặng giàu, bỏ quặng nghèo, gây lãng phí tài nguyên.
Còn theo ông Nguyễn Cảnh Nam, đại diện Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam, chính sách thuế, phí với khoáng sản ở Việt Nam đang ở mức gần như cao nhất thế giới và vẫn có xu hướng tăng. Nhưng đáng lo ngại là trong các loại thuế, phí, có những khoản thu trùng lắp theo kiểu phí chồng phí, thuế trùng thuế như tiền cấp quyền khai thác khiến DN khó có thể chịu được.
Ông Nam cho rằng, việc tăng thuế chỉ giúp tăng thu trước mắt, còn về lâu dài, thu ngân sách sẽ giảm vì DN làm ăn thua lỗ, Nhà nước sẽ mất đi khoản thu từ thuế thu nhập DN. Chính vì vậy, bà Vũ Hương, đại diện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, việc tăng thuế là cần thiết về lâu dài, song Bộ Tài chính cần điều chỉnh theo lộ trình phù hợp, để không gây bất ổn môi trường kinh doanh đầu tư cho các DN.
Hiếu Minh
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Đề xuất tăng thuế đất làm gạch, khuyến khích phát...
Tại dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với đất làm gạch từ 10% lên 15%.
Ảnh minh họa
Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng ở nước ta vào năm 2015, 2020 tương ứng là 24 và 33 tỷ viên gạch. Để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung chúng ta phải tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất sét (tương đương 75 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 150 ngàn tấn than và thải ra môi trường 0,57 triệu tấn CO2. Như vậy, tính đến năm 2020, mỗi năm phải tiêu tốn 50 triệu m3 đất sét (tương đương 2.500 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 5 triệu tấn than và thải ra môi trường 19 triệu tấn CO2. Điều này sẽ gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
Ngoài ra, theo quy hoạch của ngành điện, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020, mỗi năm sẽ thải ra khoảng 30-40 triệu tấn tro, xỉ gây ô nhiễm môi trường. Việc sản xuất vật liệu không nung sẽ sử dụng các phế thải của các ngành công nghiệp như tro, xỉ, mạt đá..., do đó, việc phát triển sản xuất vật liệu không nung sẽ góp phần giảm một lượng đáng kể các chất thải rắn ra môi trường, làm giảm ô nhiễm môi trường.
Theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020 thì mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015, 30-40% vào năm 2020. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay sản lượng vật liệu không nung được sản xuất và sử dụng đạt 29% tổng sản lượng vật liệu năm 2014 (vượt mục tiêu đề ra).
Để góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên; đồng thời đạt được mục tiêu phát triển vật liệu không nung đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần có nhiều giải pháp để tiếp tục khuyến khích phát triển việc sử dụng gạch bằng vật liệu không nung thay cho gạch từ đất sét nung. Bên cạnh các giải pháp như: tăng cường chỉ đạo; tuyên truyền, phổ biến; kiên quyết xóa bỏ các lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung... thì việc nghiên cứu điều chỉnh mức thuế suất đối với đất làm gạch cũng là giải pháp cần thiết.
Vì vậy, tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với đất làm gạch từ 10% lên 15% (mức trần trong khung thuế suất).
Bộ Tài chính cho biết, với việc tăng mức thuế suất đối với đất làm gạch nêu trên, số thu thuế tài nguyên dự kiến tăng khoảng 14,2 tỷ đồng.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn
Theo_Báo Chính Phủ
Dũng "mặt sắt" và cuộc chiến tìm, diệt tàn khốc (kỳ 3) Khi mà "ông trùm" đã hết "cơ" để hoành hành thì Dũng "mặt sắt" vẫn còn tìm, diệt những đệ tử của đại ca đến tận cùng. Giang hồ nói gã là kẻ "qua cầu rút ván". Sau khi em trai là Lê Văn Điệp bị đàn em của "ông trùm" thủ tiêu, Lê Tuấn Ninh (48 tuổi, ở TP.Hạ Long, tỉnh Quảng...