Tăng sĩ số, giảm lớp bán trú vì… ‘Rồng vàng’ tăng đột biến
Giảm số lớp học bán trú, tăng sĩ số lớp học… là những giải pháp mà các quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đối phó với tình trạng tăng học sinh đột biến trong năm học 2018 – 2019.
Năm nay, lứa tuổi “Rồng vàng” (sinh năm 2012) bắt đầu vào lớp 1 nên số học sinh vào đầu cấp tiểu học tăng đột biến khiến áp lực trường, lớp càng nặng hơn đối với các quận vùng ven, nơi có quá trình đô thị hóa nhanh như quận 12, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9.
Tăng sĩ số, giảm lớp học bán trú
Sau ngày tựu trường, một phụ huynh có con đang học tại trường tiểu học Trường Thạnh (quận 9) giật mình khi thấy con mình phải ngồi học bằng ghế nhựa không có tựa và không chỗ để đồ dùng học tập. Phụ huynh này bức xúc nói: “Học sinh phải học trên bàn inox và phải ngồi ghế nhựa không có chỗ dựa, ngồi như vậy sao chúng học hành được gì. Nhìn cái lớp giống cái nhà ăn hơn”.
Số học sinh tăng đột biến đã khiến cho các quận, huyện “cân não” giải bài toán đảm bảo chỗ học.
Đại diện nhà trường cũng đã xác nhận có tình trạng phản ánh trên nhưng chỉ có một lớp và đó chỉ là giải pháp tạm thời, chậm nhất hết tháng 8 nhà trường sẽ có bàn ghế cho các bé. Được biết, năm nay trường tiểu học Trường Thạnh tăng thêm 4 lớp so với năm học trước và để có đủ chỗ học cho học sinh, nhà trường đã phải đập 2 phòng nghỉ của giáo viên, tận dụng luôn phòng hội đồng, phòng tiếng Anh làm lớp học.
Giải pháp tình thế của các quận, huyện có học sinh tăng đột biến là tăng sĩ số và lớp học bán trú.
Video đang HOT
Bình Tân là một trong những quận ngoại thành của TP Hồ Chí Minh có số học sinh tăng nhiều nhất trong năm học này. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho biết, năm học mới quận tiếp nhận 16.000 học sinh tiểu học, tăng thêm 4.000 so với năm trước. Số học sinh lớp 1 quá tải ở nhiều phường, điển hình như phường Bình Trị Đông B có hơn 800 học sinh vào lớp 1 nhưng phường không đáp ứng đủ. Do tình hình học sinh quá tải, Phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định cho những em học sinh hộ khẩu tại phường Bình Trị Đông B chuyển sang học tại các phường lân cận như phường An Lạc, phường Tân Tạo…
Còn tại quận 12, số học sinh tiểu học cũng tăng lên 3.100 học sinh, tuy có ít hơn quận Bình Tân nhưng ngành giáo dục của quận này cũng phải “cân não” giải bài toán đảm bảo chỗ học cho học sinh. Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 cho hay, mỗi năm quận đều gia tăng học sinh mới. Để giải quyết bài toán làm sao cho các em có đủ chỗ học, các trường đã nâng sĩ số học sinh lên cao, vượt chuẩn quy định. Hiện nay, nhiều trường có sĩ số học sinh lên tới 50 – 56 học sinh/lớp trong khi theo quy định là mỗi lớp chỉ 45 học sinh/lớp. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày bị giảm. Nếu như năm học trước là 24,2% thì năm học này chỉ còn 21% học sinh học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học. Tương tự, quận Tân Phú có sĩ số học sinh ở các trường dao động ở mức 49-50 học sinh/lớp. Đây là giải pháp bắt buộc trong điều kiện học sinh quá đông, nhưng quận vẫn phải đảm bảo tất cả các em đều có chỗ học.
Trước những bất cập trên, mới đây, tại buổi đối thoại cùng chính quyền thành phố, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh thừa nhận, sĩ số học sinh trong 1 lớp quá đông, đặc biệt học sinh học lớp 1 buổi chắc chắn hoạt động giáo dục sẽ bị ảnh hưởng. Để học sinh không thiệt thòi, ông Hiếu cho biết: “Sở sẽ cố gắng có những giải pháp để cho giáo viên tổ chức các hoạt động vào ngày thứ 7. Như hiện nay, những lớp đông học sinh, giáo viên sẽ tổ chức các hoạt động tập thể, hướng dẫn học sinh tự ôn tập và bổ sung, củng cố kiến thức thêm trong các buổi 2; tổ chức hoạt động nhằm hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh…”.
Đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh
Với chủ trương đảm bảo đủ chỗ học, ngay đầu năm, TP Hồ Chí Minh đã đưa 882 phòng học mới vào sử dụng với tổng mức đầu tư hơn 2.336 tỷ đồng. Riêng công tác sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cơ sở vật chất, đồ dùng học tập, đối với khối quận, huyện được cấp hơn 328 tỷ đồng.
Những lớp đông học sinh, giáo viên sẽ tổ chức các hoạt động tập thể vào ngày thứ 7.
Dù đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều phòng học mới, nhưng theo các quận, huyện với số phòng học này chỉ có thể đáp ứng được số học sinh gia tăng cơ học chứ chưa giải quyết được nhu cầu học bán trú của phụ huynh. “Số phòng học xây mới hàng năm cũng chỉ giải quyết được một phần chỗ học cho học sinh tăng cơ học theo từng năm. Để đảm bảo cho trẻ vào lớp 1 được đi học, chỉ có cách là giảm số lớp học 2 buổi/ngày, giảm chương trình học bán trú, tăng sĩ số các lớp. Nếu như năm trước quận có 42% học sinh tiểu học được học bán trú thì năm nay số này có thể giảm từ 5-7% “, ông Tuyên cho biết thêm.
Năm học 2018 – 2019, TP Hồ Chí Minh có 1.677.581 học sinh, tăng 67.234 em. Trong đó tập trung vào bậc mầm non tăng 20.225 học sinh và bậc tiểu học tăng 26.812 em. Tình hình gia tăng tập trung tại những địa phương đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh kéo theo dân số tăng cơ học cao. Tính riêng học sinh không có hộ khẩu tại thành phố, trung bình mỗi năm tăng khoảng 15.000 em.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn, cùng với giải pháp tình thế tăng sĩ số lớp, giảm lớp bán trú, giải pháp lâu dài của thành phố vẫn là quy hoạch tổng thể hệ thống trường lớp. Hàng năm, thành phố dành 25% tổng chi ngân sách chi thường xuyên cho ngành giáo dục và đào tạo, trong đó ưu tiên chi cho công tác xây dựng trường lớp. Mỗi năm, thành phố đưa vào sử dụng cả ngàn phòng học mới để đáp ứng nhu cầu học sinh. Dù tăng hàng chục ngàn học sinh mỗi năm, chủ trương của thành phố vẫn đảm bảo đủ 100% chỗ học cho con em nhân dân thành phố, đặc biệt là con em gia đình chính sách, gia đình nghèo, công nhân.
Lê Hồng Sơn cho biết thêm, năm học này, Sở tiếp tục thực hiện các mục tiêu xây dựng trường học có cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ các thiết bị dạy học thiết yếu, hệ thống hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Giáo viên và học sinh được dạy và học bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới nhằm đảm bảo phát triển năng lực bản thân một cách toàn diện.
Đan Phương
Theo baotintuc.vn
Phân định quyền tự chủ theo nguồn tài sản, tài chính cho các trường đại học
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã chỉnh lý theo hướng phân định quyền tự chủ theo nguồn tài sản, tài chính.
Ảnh minh họa/internet
Tiếp thu ý kiến đề nghị giữ lại thuật ngữ học phí; cân nhắc quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết tỉ lệ tài sản được sử dụng để liên kết kinh doanh; có chính sách học bổng hỗ trợ sinh viên khi thu học phí cao... Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cho biết: Dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng phân định quyền tự chủ theo nguồn tài sản, tài chính.
Cụ thể: Đất, ngân sách và tài sản do Nhà nước đầu tư thì theo quy định của pháp luật về đất, về quản lý tài chính, tài sản công; được tự chủ sử dụng một phần tài sản vào kinh doanh, cho thuê, liên kết nhằm mục đích phát triển giáo dục đại học (GDĐH), theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển;
Ngoài ra, cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động (chi thường xuyên và đầu tư) và cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên, có nghị quyết thông qua của hội đồng trường đượcquyết định đầu tư các dự án sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước của cơ sở giáo dục đại học để thực hiện hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu học phí và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ, bao gồm cả chi tiền lương, chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý và được quy định trong quy chế tài chính của cơ sở giáo dục đại học
Quy định rõ về tài sản chung hợp nhất không phân chia: nguồn hình thành, sở hữu, quản lý sử dụng, định đoạt... Sửa đổi, bổ sung Điều 65 quy định về học phí và các khoản thu dịch vụ khác;
Cùng với đó bỏ quy định về việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết tỉ lệ tài sản được sử dụng để liên kết kinh doanh, cơ sở đào tạo chỉ sử dụng tài sản công để liên kết kinh doanh khi chưa sử dụng hết công suất; đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Toàn bộ phần lợi nhuận tích lũy hằng năm của cơ sở GDĐH công lập và cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận phải dùng để đầu tư phát triển trường và phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc thực hiện trách nhiệm xã hội.
Đối với cơ sở GDĐH tư thục, phần lợi nhuận tích lũy hằng năm này do hội đồng trường quyết định nhưng không thấp hơn 25% chênh lệch thu chi (Điều 66). Các cơ sở GDĐH có trách nhiệm trích một phần học phí để hỗ trợ người học có hoàn cảnh khó khăn, người học thuộc diện gia đình chính sách (Điều 65).
Theo dự thảo luật, mức thu học phí, phí dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí dịch vụ theo quy định của pháp luật, trên cơ sở giá dịch vụ tiêu chuẩn.
Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai mức thu học phí, mức thu thu phí dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác cho từng năm học và cho cả khoá học theo quy định; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí vào quỹ hỗ trợ người học có hoàn cảnh khó khăn, người học thuộc diện gia đình chính sách.
Đồng thời quy định rõ chế tài sau khi mở ngành đào tạo, nếu không thực hiện kiểm định hoặc kết quả kiểm định ngành không đạt yêu cầu thì cơ sở giáo dục đại học không được tiếp tục tuyển sinh, phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo khi sinh viên tốt nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho sinh viên.
Trường hợp chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài không đảm bảo chất lượng thì cơ sở GDĐH phải bảo đảm lợi ích hợp pháp của giảng viên, người lao động và người học; bồi hoàn kinh phí cho người học... (sửa Điều 33, 45).
Theo giaoducthoidai.vn
Có thầy cô nào biết, sáng kiến kinh nghiệm đạt giải đã đi về đâu không? Đáng buồn là số lượng sáng kiến kinh nghiệm đạt giải của mỗi đơn vị, Phòng, Sở Giáo dục là rất lớn nhưng hầu như sau khi công nhận xong thì lại xếp lại vào tủ. LTS: Đưa ra câu hỏi "Sáng kiến kinh nghiệm đạt giải đã đi về đâu?", thầy giáo Mai Công Tình đã có bài viết chia sẻ cùng...