Tăng mười nghìn thí sinh, phụ huynh và học sinh lo lắng
Thí sinh làm thủ tục dự thi tuyển sinh lớp 10 THPT Chuyên Ngoại ngữ Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: QUÝ ĐOÀN
Ngày 11-6, khoảng 80 nghìn học sinh (HS) sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015-2016. Với số lượng thí sinh tăng đột biến (tăng 10 nghìn so với năm trước), lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội khẳng định, HS sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn học tiếp sau khi tốt nghiệp THCS bằng sự đầu tư mở rộng quy mô mạng lưới, phát triển đa dạng hệ thống trường lớp…
Đa dạng hóa các loại hình trường, lớp học là một trong những mục tiêu được ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội duy trì trong nhiều năm gần đây, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của mọi HS. Tùy theo năng lực và điều kiện học tập, sau khi tốt nghiệp THCS, HS có thể đăng ký dự tuyển vào các lớp chuyên, trường THPT chuyên. Ngoài ra, HS có thể lựa chọn theo học tại bốn loại hình trường, gồm: Trường THPT công lập, trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX), trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).
Để bảo đảm sự phát triển cân đối giữa các loại hình trường, chỉ tiêu giao cho các trường THPT công lập hằng năm chiếm khoảng 60 đến 70% tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của toàn thành phố, số còn lại được phân bổ cho các loại hình: trường THPT ngoài công lập, TTGDTX, trường TCCN. Nhằm tạo thuận lợi cho HS, thời gian tuyển sinh của các TTGDTX, trường TCCN thường kéo dài đến gần hết tháng 7, dài hơn nửa tháng so với trường công lập. Những HS không dự thi đủ số môn quy định (do bị ốm hoặc lý do đột xuất) vẫn có thể dự tuyển vào học lớp 10 tại các TTGDTX. Phương thức tuyển sinh chung là xét tuyển, tức là xét kết quả học tập, rèn luyện của HS ở cấp THCS và điểm cộng thêm (nếu có).
Số lượng HS dự thi vào lớp 10 năm 2015-2016 tăng đột biến so với các năm trước khiến HS và phụ huynh lo lắng. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định, sự cạnh tranh ở một kỳ thi tuyển sinh là điều tất yếu, nhưng HS, phụ huynh không nên quá lo lắng bởi các em có nhiều cơ hội để lựa chọn, HS ở mọi địa bàn có thể yên tâm lựa chọn nơi học phù hợp với điều kiện gia đình và năng lực học tập của mình.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở cũng nhấn mạnh, dù tạo điều kiện cho HS có nhiều cơ hội lựa chọn học tiếp sau khi tốt nghiệp THCS bằng sự đầu tư mở rộng quy mô mạng lưới, phát triển đa dạng hệ thống trường lớp, song Hà Nội vẫn kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục bằng việc kiểm soát chặt chẽ “đầu vào” của các trường THPT. Trước khi giao chỉ tiêu hai tháng, Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra điều kiện tuyển sinh tại tất cả các trường THPT. Với trường ngoài công lập, đây là năm thứ hai Hà Nội áp dụng quy định về điều kiện tuyển sinh lớp 10 gồm năm tiêu chuẩn, lấy đó làm căn cứ để giao chỉ tiêu, trong đó có ba tiêu chuẩn quan trọng gồm: tổ chức bộ máy và đội ngũ, tài chính, cơ sở vật chất. Nếu một trong ba tiêu chuẩn này không đạt yêu cầu, sẽ không được Sở giao chỉ tiêu tuyển sinh.
Để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào ngày 11-6 tới, Hội đồng thi thành phố đã thành lập 160 điểm tổ chức thi, đặt tại các trường THPT và THCS bảo đảm các điều kiện an toàn và cần thiết. Việc bố trí các điểm thi được tính toán kỹ nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh, không để thí sinh phải đi từ nhà đến điểm thi quá xa. Trung bình mỗi điểm thi có khoảng 20 phòng thi. Điểm thi có quy mô lớn nhất là 38 phòng thi, đặt tại Trường THPT Xuân Mai (huyện Chương Mỹ).
Các điểm thi này đã bố trí 3.350 phòng thi để phục vụ khoảng 80 nghìn thí sinh. Khoảng 8.000 giáo viên được huy động làm giám thị (gồm cả lực lượng dự trữ), một nửa trong số này là giáo viên các trường THCS, số còn lại là giáo viên THPT. Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nguyên tắc bắt buộc khi huy động lực lượng coi thi là các giáo viên đều không phải là giáo viên dạy ngữ văn, toán lớp 9 năm học 2014-2015 (đối với cấp THCS) và không dạy ngữ văn, toán ở cấp THPT. Trước khi nhận nhiệm vụ, tất cả giám thị coi thi đều được tập huấn quy chế thi, những người không tham gia học hoặc không thuộc quy chế thi sẽ không được làm nhiệm vụ.
Theo ND