Tăng lương giáo viên, miễn học phí thành điểm nóng góp ý sửa Luật Giáo dục
Đại biểu tỉnh Nam Định băn khoăn, miễn học phí bậc tiểu học đã phát sinh lạm thu, vậy khi miễn học phí ở bậc trung học cơ sở có phát sinh lạm thu hay không?
Mười một vấn đề Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến góp ý
Ngày 5/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Giáo dục và Đào Tạo, để có thêm cơ sở để hoàn thiện Dự thảo trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ, Bộ đề nghị đại biểu nghiên cứu sâu 11 vấn đề liên quan đến hệ thống giáo dục, chính sách giáo viên, chuẩn giáo viên…
Cụ thể, Bộ xin ý kiến về mục tiêu giáo dục và cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; về yêu cầu nội dung, phương pháp giáo dục và chương trình giáo dục;
Bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Giáo dục và Đào Tạo (ảnh Trinh Phúc).
Về đầu tư cho giáo dục; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; Giáo dục mầm non; Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; Giáo dục thường xuyên;
Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân và quyền sở hữu tài sản của nhà trường dân lập; Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học;
Tiền lương của nhà giáo; Không thu học phí đối với học sinh trung học cơ sở trường công lập.
Bà Lê Thị Kim Dung cho rằng:
“Dự thảo Luật Giáo dục đã sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.
Hệ thống giáo dục được thiết kế theo hướng đơn giản giản hóa các luồng đi chuyển của người học trong hệ thống.
Tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo, người dân có cơ hội tích lũy kiến thức và học tập suốt đời.
Đảm bảo tính tương thích với các hệ phân loại giáo dục chung của quốc tế và đảm bảo tính so sánh được các trình độ, các loại văn bằng”.
Liên quan đến quan điểm trong lần sửa đổi Luật Giáo dục lần này, bà Lê Thị Kim Dung cho biết:
“Hiện còn một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, như về chính sách đối với nhà giáo; vấn đề nâng chuẩn trình độ đòa tạo giáo viên tiểu học; vấn đề chính sách phổ cập liên quan đến học phí”.
Liên quan đến chuẩn giáo viên tiểu học, phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Đức Hiền, Phó Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cho rằng:
“Trong Luật quy định nâng cao chuẩn giáo viên bậc tiểu học lên cao đẳng, đến nay tỉnh Quảng Ninh có tới 96% giáo viên tiểu học đạt được trình độ cao đẳng trở lên.
Video đang HOT
Số giáo viên còn lại đa số người đã trên 50 tuổi ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Vì thế, khi Luật có hiệu lực thì cần có lộ trình để các giáo viên địa bàn vùng sâu vùng xa có điều kiện để đáp ứng đúng tiêu chuẩn”.
Miễn học phí liệu phát sinh lạm thu?
Trong khi đó, đại biểu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa có ý kiến:
“Hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở làm tốt. Điều này tạo điều kiện nâng cao được chất lượng giáo dục.
Về cơ chế chính sách, việc nâng lương với nhà giáo rất cần thiết. Lương nhà giáo thấp đặc biệt bậc mầm non, tiểu học.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ điều hành hội thảo (ảnh Trinh Phúc).
Còn về việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học, hiện Thanh Hóa có 79% giáo viên tiểu học đạt trình độ cao đẳng trở lên nên quy định chuẩn giáo viên trình độ cao đẳng là có cơ sở để thực hiện”.
Liên quan đến việc miễn học phí, đại biểu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho rằng:
“Về miễn phí học phí cho bậc trung học cơ sở là chính sách tốt.
Tuy nhiên, chúng tôi băn khoăn hiện ngân sách hoạt động cho giáo dục thấp.
Mặc dù, quy định các địa phương phải đảm bảo 20% chi ngân sách hàng năm cho giáo dục nhưng thực tế nhiều địa phương chỉ có 10% -15%, thậm chí chi dưới 10%.
Chính vì vậy cần nghiên cứu thêm”.
Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sen, tỉnh Bắc Ninh cho rằng:
“Cần thiết phải miễn học phí cho cả bậc học mầm non. Bởi vì, theo tìm hiểu nhiều nước trên thế giới rất quan tâm đến giáo dục trẻ em dưới 5 tuổi và miễn học phí”.
Cũng liên quan đến miễn học phí, đại biểu của Sở Giáo dục Nam Định cho rằng:
“Rất đồng tình với chính sách miễn học phí đối với bậc trung học cơ sở. Tuy nhiên, thực tế đã phát sinh, không thu học phí bậc tiểu học đã dẫn tới lạm thu ở bậc học này.
Vậy, không thu học phí ở bậc trung học cơ sở có dẫn tới lạm thu ở bậc học này hay không?”.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Kim Ánh, Trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy cho rằng:
“Rất phấn khởi khi Luật đã quan tâm đến đời sống giáo viên và miễn học phí cho học sinh.
Khi muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì việc nâng cao lương giáo viên là đường lối đúng đắn, chúng tôi nhất trí.
Tuy nhiên, một bất cập khi xét lương hiện nay là mức khởi điểm hoàn toàn như nhau không có sự khác biệt về bằng cấp khởi điểm.
Thông tin về được miễn học phí, phía học sinh và dư luận rất phấn khởi, tuy nhiên, cần xem xét đến đặc thù của các vùng miền, ngân sách cấp không đủ kinh phí thì nhà trường không hoạt động được và sẽ phát sinh lạm thu”.
Nâng lương để ngăn chặn giáo viên bỏ nghề
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Phan Xuân Quyết, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên cho rằng:
“Hưng Yên nhất trí mong muốn lương nhà giáo được quan tâm hơn, học phí của các cháu trung học cơ sở được miễn phí.
Miễn học phí đối với bậc trung học cơ sở thể hiện tính ưu việt của chính sách và tạo điều kiện thuận lợi cho phổ cập.
Cảm thấy rất phấn khởi khi lương giáo viên được nâng cao, điều này sẽ thu hút được nhiều nhân tài hơn”.
Liên quan đến chính sách của nhà giáo, đại biểu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cho rằng:
“Băn khoăn tiền lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống giáo dục, trong đó các cán bộ quản lý không được hưởng chế độ này”.
Nhiều đại biểu cho rằng, cần thay đổi khái niệm “nhà giáo” để người quản lý giáo dục cũng được hưởng chế độ chính sách ưu tiên.
Bởi, hiện nay thực tế điều chuyển giáo viên lên làm chuyên viên ở sở, phòng khó khăn vì họ không được hưởng chính sách lương thâm niên nhà giáo.
Ông Trần Quang Vượng, đại biểu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho rằng:
“Đối với chính sách giáo viên cần thay đổi, nâng lương là cần thiết vì trong năm nay có tới 26 giáo viên xin thôi việc.
Trong khi đó, năm 2005 chỉ có 6 giáo viên thồi việc. Con số này có tính đột biến, có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có việc sức hút tiền lương đối với giáo viên thấp.
Hiện, càng về cuối năm đơn thư xin thôi việc càng nhiều nên chính sách giáo viên cần thay đổi”.
Theo GDVN
Đề xuất lương nhà giáo cao nhất bảng lương hành chính sự nghiệp
Dự thảo Luật giáo dục mới công bố đề xuất nhiều quy định mới về tiền lương cho giáo viên, miễn học phí cấp THCS.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 16/11 công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục lần hai với nhiều điểm mới. Thay đổi quan trọng nhất so với hiện nay là chế độ tiền lương giáo viên.
Điều 81 dự thảo nêu rõ: "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ".
Theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức đơn vị sự nghiệp (Nghị định 204 năm 2004), hiện có 12 bậc lương. Cao nhất là lương viên chức loại A3 nhóm 1 (gồm kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ, huấn luyện viên, giáo sư, giảng viên... cao cấp), hệ số từ 6.2 đến 8.0.
Giáo viên trung học cao cấp thuộc loại A2 nhóm 2, hệ số lương từ 4.0 đến 6.38; giáo viên trung học loại A1, hệ số lương từ 2.34 đến 4.98. Giáo viên trung học cơ sở xếp loại A0, hưởng hệ số lương từ 2.1 đến 4.89. Giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non xếp loại B, hưởng hệ số lương từ 1.86 đến 4.06.
Nếu lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp thì có thể tương đương với loại A3, nhóm1, tức bằng với hệ số lương bác sĩ, dược sĩ, huấn luyện viên cao cấp...
Miễn học phí đến cấp THCS
Trước đây, học phí chỉ được miễn cho học sinh tiểu học trường công lập. Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 105 để học sinh trung học cơ sở trường công lập cũng không phải đóng học phí.
Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc trung ương quản lý. HĐND cấp tỉnh quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh, từ đề nghị của UBND.
Cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.
Giáo viên tiểu học sẽ được nâng trình độ chuẩn. Ảnh: Minh Cương
Hệ thống giáo dục mở
Theo dự thảo Luật giáo dục, hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Dự thảo bổ sung quan điểm đây là hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người.
Trình độ đào tạo và các cấp học được xác định là giáo dục mầm non (nhà trẻ và mẫu giáo), giáo dục phổ thông (tiểu học, THCS và THPT), giáo dục nghề nghiệp (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác), giáo dục đại học (đại học, thạc sĩ và tiến sĩ). Trong luật hiện hành, trình độ cao đẳng được xếp vào nhóm giáo dục đại học.
Bộ Giáo dục bổ sung điều 26 về giáo dục phổ thông, quy định rõ trình độ đào tạo này được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông.
Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở, học sinh có thể học tiếp lên trung học phổ thông hoặc theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp.
Giáo viên tiểu học phải có bằng cao đẳng
Dự thảo quy định trình độ chuẩn đối với giáo viên tiểu học là có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm. Theo Điều 77 Luật giáo dục hiện hành, giáo viên tiểu học chỉ cần có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, tương đương giáo viên mầm non.
Theo kế hoạch, dự thảo Luật giáo dục được lấy ý kiến đến 16/1/2018, tháng 5/2018 được trình Quốc hội và thông qua vào kỳ họp cuối năm.
Theo VNE
Đề nghị thay đổi khái niệm "nhà giáo" trong luật giáo dục Có tới 20 kiến nghị của cử tri liên quan đến chính sách giáo viên gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, trong đó đề nghị sửa đổi khái niệm "nhà giáo". Tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa 14, sáng 16/11, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải...