Tăng lệ phí tuyển sinh, rút ngắn thời gian xét tuyển
Năm 2013, các trường có thể thu lệ phí 100.000 đồng với mỗi bộ hồ sơ đăng kí dự thi, thời gian xét tuyển rút ngắn đến 30/10 và các thí sinh vẫn được mang thiết bị điện tử vào phòng thi.
Phát biểu tại hội nghị tuyển sinh 2013, lãnh đạo nhiều trường đại học đề xuất, Bộ không nên cho thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Ông Đào Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ đào tạo (Bộ Văn hóa Thể thao du lịch) cho rằng, việc mang máy ảnh, máy ghi hình vào phòng thi đảm bảo công khai, dân chủ nhưng đối với một số ngành như mỹ thuật, vẽ một bức tới 2 ngày, nếu mang máy ảnh vào chụp, thí sinh có thể mang về xin ý kiến bổ sung, sửa chữa. Đấy là chưa kể quy định này gây khó khăn cho các trường vì giám thị đa số không phân biệt được đâu là thiết bị ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi mà không có chức năng xem lại.
Về chủ trương tuyển thẳng thí sinh vào đại học, hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh cho rằng, đây là yếu tố quan trọng kích thích học sinh, nhưng các trường phải lưu ý vì khi đăng kí tuyển thẳng, thí sinh thường nộp giấy photo, gây nhiều khó khăn cho trường. Năm 2012, chỉ tiêu khoa lịch sử là 100 nhưng đã có 62 em đăng ký tuyển thẳng, cuối cùng vào học chỉ có 9.
Năm 2013 sẽ giảm thời gian xét tuyển nguyện vọng của thí sinh. Ảnh: Hoàng Hà.
Vấn đề điểm sàn cũng được hội nghị đem ra mổ xẻ. Ở đầu cầu TP HCM, một số trường cho rằng các trường công lập có tiếng trước đây chỉ “đánh bắt xa bờ” để kiếm cá to thì nay cũng về gần bờ, vét cả cá nhỏ. Những thí sinh có điểm bằng sàn hoặc vượt không đáng kể cũng bị những trường này chiêu sinh hết, nên một số trường tốp dưới không tuyển sinh đủ.
Thầy Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng bức xúc: “Bộ đã tính điểm sàn sai, bởi nếu tính đúng thì các trường phải tuyển sinh đủ chỉ tiêu”. Thầy Nghị đề xuất, cần hạ điểm sàn, lấy theo phổ điểm trung bình của thí sinh hoặc có cách tính điểm sàn theo khu vực để đảm bảo công bằng và tất cả các trường có thể tuyển đủ chỉ tiêu.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, chỉ tiêu cử tuyển giao cho các trường không tính vào chỉ tiêu tính trên định mức sinh viên, giáo viên, đất đai. Còn qui định thí sinh được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi không phải là sáng kiến của Bộ, mà đó là vấn đề của thực tiễn. Trước đấy, Bộ qui định thí sinh không được mang thiết bị điện tử vào phòng thi nhưng các em vẫn mang, ghi hình, rồi phát tán lên mạng.
“Bộ không phải vẽ đường cho hươu chạy, hay vẽ việc khó để làm mà đó là cách đối diện với thực tế đã phát sinh, thích ứng với điều kiện thiết bị công nghệ phát triển. Không cho mang vào, học sinh vẫn mang, vẫn phát tán và chúng ta ở thế bị động, giờ chúng ta giành thế chủ động, cho phép các em mang vào và qui định phải nộp cho cơ quan chức năng giải quyết”, Bộ trưởng nói.
Video đang HOT
Người đứng đầu ngành giáo dục giải thích thêm, cán bộ coi thi, giám thị, thanh tra là người giám sát đảm bảo kì thi an toàn, đúng qui chế, nhưng bên cạnh phần lớn người làm tốt thì hiện tượng giám thị vi phạm không phải là cá biệt.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhắc nhở các trường phải nói ít làm nhiều. Ảnh: HT.
Việc cách ly khu vực thi rất tốt nếu các lực lượng trên trung thực, nhưng sẽ là “nối giáo cho giặc” nếu trong nội bộ có thoái hóa biến chất. “Vụ Đồi Ngô nếu không phải học sinh phát hiện thì ai sẽ phát hiện, một bộ phận thoái hóa ai sẽ đấu tranh nếu không phải là học sinh, sinh viên tốt, đứng đắn”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho hay, Bộ không bắt buộc học sinh mua thiết bị điện tử mang vào phòng thi nên phần lớn sẽ không mang. Học sinh nào không bằng lòng với tiêu cực trong thi cử thì ngành giáo dục sẵn sàng đón nhận.
“Qui định này giăng lên trên đầu chúng ta sự kiểm soát vô hình, buộc các lực lượng phải thực hiện nghiêm túc công tác coi thi, chấm thi”, Bộ trưởng nói.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga thì thông tin, qua xem xét kiến nghị của các trường về việc bù lỗ trong công tác tuyển sinh, Bộ đã đề nghị Bộ Tài chính cho phép tăng từ 80.000 đồng lên 100.000 đồng mỗi bộ hồ sơ. “Việc xác định điểm sàn hiện nay dựa trên nhiều thông số và dường như thông số này chưa thật chắc chắn, chưa phát huy được tác dụng. Số dư chỉ tiêu trên lí thuyết cao nhưng các trường không tuyển đủ. Chúng ra phải tìm giải pháp đơn giản nhất, có thể lấy phổ điểm chung cho tất cả thí sinh thi để xác định ngay mà không cần hội đồng điểm sàn họp, xác định”, Thứ trưởng nói.
Qua một năm thực hiện quyết định kéo dài thời gian xét tuyển không hiệu quả, Bộ GD&ĐT cũng quyết định kết thúc tuyển sinh là 30/10 trong năm 2013. Từ năm 2016, giáo dục phổ thông thay đổi và cách thi đại học cũng sẽ đổi mới. Thông tin sẽ được báo đến thí sinh để các em chuẩn bị.
Về việc chấm thẩm định và phát hiện nhiều bài thi bất thường, có sai sót, thậm chí có biểu hiện đánh dấu bài, thứ trưởng Ga cho hay đây là năm đầu tiên nên những trường, ngành vi phạm đã nhắc nhở, yêu cầu kiểm điểm. Năm 2013 nếu các đơn vị này còn vi phạm sẽ xử lý nghiêm hơn, Bộ sẽ công khai cho dư luận biết.
Theo VNE
6 điểm mới trong tuyển sinh ĐH-CĐ 2013
Bổ sung một số chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013 (Ảnh minh họa)
Ngày 22/1, Bộ GD-ĐT chính thức công bố 6 điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013.
6 điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 bao gồm:
1. Bổ sung Ban chấm thanh tra trực thuộc Hội đồng tuyển sinh trường. Ban chấm Thanh tra có nhiệm vụ tổ chức chấm thanh tra ít nhất 10% số bài thi của mỗi môn thi tự luận.
2. Bổ sung đối tượng dự thi tuyển sinh liên thông, là những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng hoặc đại học.
Những thí sinh này phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu theo quy định của khối thi tương ứng với ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy.
3. Phê duyệt Đề án tuyển sinh riêng thí điểm cho 10 trường thuộc khối Văn hóa - Nghệ thuật, cụ thể như sau:
Các trường có tuyển sinh ngành đào tạo thuộc khối Văn hóa (khối C), không tổ chức thi, chỉ xét tuyển dự vào kết quả thi theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các trường có tuyển sinh ngành đào tạo thuộc khối Nghệ thuật (khối H, N, S), chỉ tổ chức thi các môn năng khiếu; xét tuyển môn Ngữ văn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp và điểm trung bình 3 năm học THPT.
Các trường thuộc khối Văn hóa - Nghệ thuật được giao thí điểm thi tuyển sinh riêng xây dựng phương án, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt trước ngày 31/01/2013 và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiếp tục giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác xét tuyển, có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, nhưng thời gian xét tuyển mỗi đợt ít nhất là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển 20/8/2013. Thời hạn kết thúc xét tuyển là 30/10/2013.
5. Bổ sung một số chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013:
Thứ nhất: Tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ những học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và Quốc tế; học sinh đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học kĩ thuật quốc tế, đã tốt nghiệp trung học.
Thứ hai: Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ và học sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ, được ưu tiên xét tuyển vào học và phải học dự bị 6 tháng.
Thứ ba: Các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi thấp hơn điểm sàn 1,0 điểm và phải học dự bị 6 tháng.
6. Về chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013: Giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013 và khuyến khích các trường thay đổi về cơ cấu theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, nghệ thuật;...
Chỉ tiêu liên thông đại học, cao đẳng chính quy được xác định trong tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng chính qui của trường và chiếm không quá 20% tổng chỉ tiêu này; chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa học vừa làm tiếp tục được xác định tối đa bằng khoảng 50% so với chỉ tiêu chính quy.
Tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp trong các trường đại học theo lộ trình giảm 20%/năm và chấm dứt đào tạo trung cấp trong các trường đại học trước năm 2017.
Tăng cường thanh tra tuyển sinh và đào tạo Sáng ngày 22.1, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị Giáo dục đại học (GDĐH) năm 2013. Tại đây, Bộ đã chỉ ra nhiều yếu kém của GDĐH năm 2012 và cho biết những biện pháp chấn chỉnh sẽ được thực hiện trong năm nay. Dễ dãi trong đào tạo liên thông và thạc sĩ Bộ GD-ĐT cho biết, trong thời gian qua,...