Tăng lãi suất tiết kiệm online không làm lãi vay tăng
Nhiều chuyên gia cho rằng, do mức cộng thêm lãi suất không lớn và cũng chỉ áp dụng cho những khoản tiền gửi online nên không ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường. Hơn nữa, hiện các ngân hàng cũng vẫn tuân thủ nghiêm quy định về lãi suất tiền gửi của NHNN.
Các ngân hàng đang tăng thêm lãi suất VND cho người gửi tiết kiệm online (trực tuyến) như một cách tiết giảm chi phí huy động vốn của ngân hàng và cũng khuyến khích khách hàng tăng cường sử dụng các kênh ngân hàng điện tử.
Đơn cử, Ngân hàng Bản Việt (Vietcapital Bank) tăng thêm 0,8% lãi suất cho người gửi tiết kiệm từ kỳ hạn 6 tháng trở lên. Theo đó, người muốn gửi tiết kiệm online chỉ cần tải ứng dụng (app) ngân hàng điện tử vào máy điện thoại đăng ký tài khoản trực tuyến chọn gửi tiết kiệm online mà không cần đến quầy giao dịch ngân hàng. Trong quá trình sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử chủ tài khoản tiết kiệm online theo dõi được số dư tiền gửi của mình ngay trên điện thoại di động, trường hợp chủ tài khoản online cần thế chấp sổ tiết kiệm ngân hàng vẫn in sổ cho khách hàng khi cần.
Ngân hàng Hàng Hải (MSB) cũng có lãi suất tiết kiệm online cao hơn 0,5 so với lãi suất tiết kiệm tại quầy. NamA Bank áp dụng gửi lãi suất tiết kiệm online lãi cuối kỳ đối với hai loại kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng có mức lãi suất cao hơn gửi tại quầy lần lượt 1,2% và 0,5%. HDBank đang có chương trình tải app nhận ngay 50.000 và cũng dành nhiều ưu đãi về lãi suất cho người gửi tiền tiết kiệm online. Nhiều ngân hàng khác cũng có những hình thức tặng thêm lãi suất, tặng quà… cho người gửi tiết kiệm online.
Gửi tiết kiệm online hiện nay người có nhu cầu gửi tiền có thể chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi không kỳ hạn sang tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi suất cao. Theo đó, người lao động có những nguồn thu nhập nhỏ lẻ từ nhiều nguồn khác nhau sẽ dễ dàng chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn trên môi trường internet thay vì đến quầy giao dịch theo cách truyền thống. Hiện nay, hệ thống ngân hàng lại đang có chương trình miễn, giảm phí chuyển tiền đối với các giao dịch nhỏ lẻ dưới 2 triệu đồng/giao dịch, càng làm cho người gửi tiết kiệm online tích lũy những khoản tiền từ 1 triệu đồng trở lên thuận tiện trong việc sang chuyển các khoản tiết kiệm online.
Theo số liệu thống kê của NHNN, trong tuần cuối tháng 4/2020, các ngân hàng thương mại huy động áp dụng lãi suất huy động VND bình quân ở mức: 0,1-0,5%/năm đối với loại không kỳ hạn đến dưới 1 tháng, lãi suất 4,3-4,75%/năm cho kỳ hạn tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng các ngân hàng đang trả cho người gửi tiền 5,3-6,8%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,4%/năm.
Video đang HOT
Liên quan đến vấn đề các ngân hàng tăng thêm lãi suất tiết kiệm cho người gửi tiền trực tuyến có làm lãi suất cho vay tăng? Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, do sự phát triển của công nghệ ngân hàng và đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp nên các ngân hàng đang đẩy mạnh các sản phẩm trực tuyến, trong đó có gửi tiết kiệm online. Việc phát triển các dịch vụ ngân hàng trực tuyến sẽ giảm bớt chi phí hoạt động cho các ngân hàng và các ngân hàng chia sẻ lợi ích này cho người gửi tiền. Điều đó cũng nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến.
Đồng tình quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, do mức cộng thêm lãi suất không lớn và cũng chỉ áp dụng cho những khoản tiền gửi online nên không ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường. Hơn nữa, hiện các ngân hàng cũng vẫn tuân thủ nghiêm quy định về lãi suất tiền gửi của NHNN.
Theo đó, NHNN vừa có các quyết định giảm lãi suất điều hành, trong đó giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm. Các quyết định này chính thức có hiệu lực từ ngày 13/5/2020. Ngay sau quyết định của NHNN, các ngân hàng cũng lập tức điều chỉnh biểu lãi suất huy động tiền gửi của mình, cả với hình thức tiết kiệm online.
Bình luận về động thái này, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc giảm các mức lãi suất điều hành là cần thiết, tạo điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19.
Tiết kiệm online "được mùa"
Lãi suất cao, tiện lợi, không đến ngân hàng để làm thủ tục... khiến tiết kiệm online thu hút ngày càng nhiều người tham gia.
Trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc do dịch bệnh, các ngân hàng (NH) thương mại đều đẩy mạnh kênh tiết kiệm trực tuyến (online) với ưu điểm lãi suất cao, tiện lợi và linh động về thời gian (24/7) thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân.
Tăng trưởng đột biến
Ngày 23-4, chị Lê Thanh Nhàn (quận Tân Bình, TP HCM) liên hệ NH TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) để tìm hiểu về sản phẩm tiết kiệm online. Nhân viên NH này tư vấn cho chị mở tài khoản thanh toán tại NH, đăng ký dịch vụ Internet Banking rồi truy cập vào website NH hoặc tải ứng dụng Viet Capital Mobile Banking để mở tài khoản tiết kiệm online ở bất cứ nơi đâu. Kỳ hạn gửi linh hoạt từ 1 đến 60 tháng với lãi suất cao hơn gửi tại quầy 0,2-0,5 điểm %. Khi đáo hạn, tiền gốc và lãi sẽ được chuyển vào tài khoản khác của người gửi mà không cần phải đến NH để thực hiện các thủ tục tất toán phức tạp.
Tương tự, tại NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Á Châu (ACB), Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), người gửi tiền có thể sử dụng Internet Banking hoặc Mobile Banking để gửi tiết kiệm online với lãi suất cao hơn gửi tại quầy 0,2-0,3 điểm %.
Đại diện Eximbank cho biết tiết kiệm online giúp cho NH giảm thời gian, nhân lực, nhất là giảm các chi phí in ấn sổ tiết kiệm, chứng từ giao dịch... Từ đó, các NH chuyển hóa các chi phí này vào lãi suất để thu hút người gửi tiền online. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, rất nhiều khách hàng của Eximbank đã chuyển sang gửi tiền trực tuyến, nên việc huy động vốn từ kênh này tăng trưởng khá ấn tượng. Chỉ riêng tại Eximbank, 3 tháng đầu năm 2020, số lượng khách hàng gửi tiền online tăng tới 30% so với cuối năm 2019.
Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc NH Sài Gòn Thương tín (Sacombank), không chỉ trong mùa dịch, lâu nay các NH đã tập trung phát triển kênh tiền gửi online, đối tượng nhắm đến là nhóm khách hàng trẻ tuổi có việc làm ổn định, thường xuyên giao dịch qua các ứng dụng công nghệ 4.0. Khi gửi tiền online, tiền lãi sẽ được hệ thống tự động của NH chuyển vào một tài khoản thanh toán người gửi. Khách hàng rất tiện lợi khi dùng tài khoản này để thanh toán qua mạng tiền mua hàng hóa, dịch vụ. Vì thế, người gửi tiền online ngày càng nhiều và chỉ trong vài tháng gần đây, số người tham gia tiết kiệm online tại Sacombank đã tăng 20%.
Ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc ACB, cũng cho biết NH đã tập trung đầu tư công nghệ cho kênh tiền gửi online từ vài năm trước. Năm 2019, ACB huy động hơn 3.000 tỉ đồng qua tiết kiệm online nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020, số tiền huy động từ kênh này đã lên đến 4.000 tỉ đồng, chiếm 40% tổng tiền gửi. "Bên cạnh đặc điểm giao dịch mọi lúc mọi nơi, lãi suất cao, các kỳ hạn của tiết kiệm online khá đa dạng. Ngoài các kỳ hạn thông thường, khách hàng còn có thể gửi theo ngày như 35, 37, 111 ngày...; đồng thời còn được tham gia quay số trúng thưởng... Chính những yếu tố này cùng với việc hạn chế tiếp xúc đã thu hút nhiều người tìm đến kênh gửi tiết kiệm online" - ông Phát nói.
Kênh gửi tiền trực tuyến đang được nhiều người lựa chọn vì sự tiện lợi và lãi suất cao hơn gửi tiền thông thường
Cần bảo mật tài khoản
Tuy vậy, không ít người gửi tiết kiệm băn khoăn việc gửi tiền tại quầy, trực tiếp nhận sổ tiết kiệm nhưng vẫn gặp tình trạng sổ giả, bị mất tiền trong tài khoản, thậm chí bị cán bộ NH giả mạo chứng từ để rút tiền từ sổ tiết kiệm như đã từng xảy ra ở nhiều NH thì liệu việc gửi tiết kiệm online có thực sự an toàn?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện VPBank cho biết tiết kiệm online là hình thức giao dịch hiện đại mà khách hàng không cần phải đến NH để làm thủ tục gửi hay rút tiền. Thay vào đó, toàn bộ quá trình này do khách hàng tự thao tác qua NH điện tử trên điện thoại di động hoặc trên máy tính và không có sự can thiệp của nhân viên NH. Mọi giao dịch đều do hệ thống tự động thực hiện qua nhiều lớp xác thực và bảo mật. Mặt khác, chủ tài khoản còn dễ dàng kiểm tra số dư và tiền lãi bất cứ lúc nào thông qua Internet Banking, được thông báo số dư qua tin nhắn nên không lo lắng tiền gửi bị "bốc hơi" hay đánh cắp.
Một lãnh đạo phụ trách mảng ngân hàng điện tử của Eximbank cũng khẳng định lệnh gửi/rút tiết kiệm online là do chính khách hàng thực hiện nên các giao dịch này không thể bị giả mạo. Khi khách hàng gửi tiền, tài khoản tiết kiệm online được ghi nhận vào hệ thống và NH lập tức gửi email, tin nhắn xác nhận. Còn khi rút tiền, khách hàng nhập mật khẩu dùng một lần (mã xác thực OTP) được NH gửi về điện thoại di động và chỉ có khách hàng đó biết. Toàn bộ quá trình này cũng không thể bị giả mạo nên tiết kiệm online có độ an toàn khá cao.
Ông Từ Tiến Phát cũng nhấn mạnh vấn đề bảo mật khi gửi tiền online là vô cùng quan trọng nên được NH đầu tư rất kỹ. Giả sử người gửi làm mất điện thoại hoặc máy tính cũng không cần quá lo lắng bởi tài khoản Internet Banking chỉ thực sự bị đe dọa khi khách hàng để lộ cả tên tài khoản, mật khẩu đăng nhập và mã OTP. "Trường hợp khách hàng bị mất thiết bị tiếp nhận OTP hay nghi ngờ thông tin tài khoản bị lộ có thể nhanh chóng liên hệ NH để khóa tài khoản" - ông Phát lưu ý.
Phù hợp xu hướng thanh toán không tiền mặt
Nói về sự tăng trưởng đột biến của kênh tiết kiệm online, TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính Marketing) cho rằng có thể trong 3 tháng đình trệ vì dịch Covid-19, nhiều người dân, doanh nghiệp chưa biết phải làm gì nên họ tạm gửi vốn vào NH. Tuy nhiên, vì hạn chế tiếp xúc nên chỉ còn cách gửi tiết kiệm online là an toàn nhất, lại sinh lời cao hơn gửi tiết kiệm thông thường. Còn các NH đã đi đúng hướng phát triển giao dịch online, phù hợp với xu hướng thanh toán không tiền mặt. "Vấn đề còn lại là NH cần cải tiến công nghệ, tăng cường các biện pháp bảo mật, thường xuyên cảnh báo khách hàng về hacker... để người dân an tâm tham gia" - ông Thuận khuyến nghị.
Chuyên gia tài chính - NH Nguyễn Trí Hiếu đánh giá việc người dân tham gia tiết kiệm online ngày càng nhiều là tín hiệu tốt cho NH. Đây là kênh giao dịch phù hợp với tình hình dịch bệnh, thuận tiện cho người gửi tiền, đồng thời dịch vụ này sẽ đóng góp rất lớn cho việc phát triển ngành NH trong tương lai.
Thy Thơ
Gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư 'ăn chắc mặc bền' trong mùa COVID-19 Nhiều khách hàng cho rằng, dù lãi suất tiền gửi có giảm so với trước Tết nhưng trong bối cảnh các kênh đầu tư đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì gửi tiền vào ngân hàng vẫn là kênh sinh lời nhất. Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: CTV/Vietnam ) Cùng với việc triển khai hàng loạt chính sách giảm lãi vay,...