Tăng kết nối, tương tác trong dạy học theo chương trình mới
Một trong những vấn đề đang được các nhà trường chú trọng khi triển khai dạy học theo chương trình mới đó là sự tăng cường kết nối, tương tác giữa thầy cô giáo và học sinh.
Cô và trò trường Tiểu học Tràng Xá (Võ Nhai, Thái Nguyên)
Giáo viên chủ động trong xây dựng Kế hoạch dạy học
Năm học 2021 – 2022, chương trình mới đang được triển khai đối với các khối lớp 1 và 2 ở bậc tiểu học, khối lớp 6 ở bậc THCS. Thực tế cho thấy, đang có những thay đổi mới mẻ, mà trước hết chính là ở khâu chuẩn bị của giáo viên.
Thay vì soạn giáo án cho tiết học như trước đây, giáo viên thực hiện chương trình mới sẽ xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề, bài học, xuyên suốt và kết nối qua các giờ học khác nhau. Mỗi kế hoạch dạy học sẽ triển khai các hoạt động chính như: Mở đầu; hình thành kiến thức mới; luyện tập; vận dụng. Trong mỗi hoạt động này, người dạy đều tiến hành các bước cơ bản như: Chuyển giao nhiệm vụ; thực hiện nhiệm vụ; báo cáo và thảo luận; kết luận và nhận định.
Một hoạt động nhóm trong giờ học của các em học sinh lớp 6, trường THCS Quang Trung, TP Thái Nguyên
Cô giáo Nguyễn Vân Anh (giáo viên trường THCS Quang Trung, TP Thái Nguyên) hiện đang được phân công dạy bộ môn Khoa học Tự nhiên và môn Công nghệ của khối lớp 6. Để xây dựng kế hoạch dạy học, với chuyên môn về Vật lý, cô đã phải dành rất nhiều công sức và thời gian, phối hợp với các đồng nghiệp chuyên ngành Hóa học, Sinh học để thống nhất được nội dung, cách thức lên lớp.
“Sự phối hợp, thống nhất chặt chẽ giữa các giáo viên là vô cùng quan trọng, để học sinh không cảm thấy nhiều sự khác biệt trong cùng môn học. Chúng tôi thường xuyên phải ngồi cùng nhau, từ việc lên ý tưởng tổ chức hoạt động, phân chia tiết dạy, cho đến tổ chức chấm bài, đánh giá” – cô giáo Nguyễn Vân Anh cho biết.
Về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Huệ Oanh, Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung (TP Thái Nguyên) cho biết: Nhà trường có 5 giáo viên thuộc đội ngũ cốt cán bộ môn của tỉnh, cho nên ngoài việc tập huấn cho cấp thành phố thì lại vẫn có điều kiện truyền tải, trao đổi kĩ lưỡng thêm một lần nữa tại trường cho các đồng nghiệp. Nhờ vậy, việc tiếp cận, nắm bắt phương pháp mới với giáo viên nhà trường tương đối thuận lợi.
“Nhà trường có giáo viên cốt cán ở cả bộ môn tổ hợp như Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, cả bộ môn có tính chuyên biệt như Nghệ thuật, Thể dục. Chúng tôi tổ chức cho từng nhóm giáo viên chuyên môn thường xuyên bàn bạc, nghiên cứu, cùng xây dựng kế hoạch dạy học. Bắt đầu triển khai phương pháp mới, rất cần sự thảo luận, thống nhất”.
Cô giáo Nguyễn Huệ Oanh, Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung (TP Thái Nguyên): Học sinh được tăng cường tương tác
Tại trường Tiểu học Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên), các trang thiết bị dạy học đáp ứng chương trình mới như máy chiếu, tivi thông minh được ưu tiên đầy đủ cho khối lớp 1 và 2.
Sự đổi mới trong phương pháp dạy học tích cực giúp cho việc tương tác của học sinh được tăng cường rõ rệt. Các em học sinh được thảo luận, đưa ra ý kiến của mình, cùng bạn bè trao đổi theo từng nhóm, khiến cho không khí giờ học trở nên nhẹ nhàng, hào hứng.
Video đang HOT
Là người trực tiếp dạy học khối lớp 1, cô giáo Hoàng Thị Tám (giáo viên chủ nhiệm lớp 1A) cho biết cả cô và trò đều thấy hứng thú với những phương pháp mới, đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm có lồng ghép nội dung kiến thức với kỹ năng như các hoạt động ở CLB hát then, đàn tính, cờ vua…
Các em học sinh lớp 1, trường Tiểu học Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên) chủ động, mạnh dạn trong tương tác
Đối với khối lớp 6 của trường THCS Quang Trung (TP Thái Nguyên), sau cuối mỗi giờ học, các em học sinh thường được cô giáo ra vấn đề để về nhà tìm hiểu, nghiên cứu, suy nghĩ cách giải quyết, sau đó trình bày kết quả ở giờ học sau. Trên lớp, các em được chia cặp hoặc phân nhóm, tham gia các trò chơi học tập để giải quyết tình huống trong bài.
“Triển khai theo phương pháp dạy học mới, học sinh được chủ động, tham gia nhiều hoạt động, được tương tác với bạn cũng như với thầy cô nhiều hơn. Đặc biệt là với môn tổ hợp như Khoa học Tự nhiên hay Khoa học Xã hội, trước cùng một vấn đề, các em có thể vận dụng nhiều kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau để xem xét giải quyết” – cô giáo Nguyễn Vân Anh trao đổi.
Có thể thấy, mặc dù thời gian đầu còn ít nhiều bỡ ngỡ để tiếp cận và làm quen phương pháp học mới, đến nay phần nhiều các em học sinh đã tỏ ra chủ động, thể hiện được khả năng tương tác tốt, nhờ đó việc dạy học theo chương trình mới đang đạt những kết quả tích cực.
“Tuy là học trò người dân tộc thiểu số, nhưng các em tiếp cận các nội dung chương trình mới khá thuận lợi. Nhiều em thể hiện kỹ năng giao tiếp tốt, mạnh dạn và tự tin chứ không còn rụt rè e ngại như những ngày đầu đến lớp”.
Cô giáo Hoàng Thị Tám (Trường Tiểu học Thần Sa, Võ Nhai, Thái Nguyên)
Xem Vụ trưởng Thành hướng dẫn soạn giáo án mẫu 5512, tôi thấy quá tải thực sự
Trong video trao đổi kế hoạch bài dạy (giáo án) bồi dưỡng module 4, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành vẫn bảo lưu quan điểm về mẫu giáo án theo Công văn 5512.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết bài dạy không phải thiết kế theo từng tiết mà giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề, chủ đề của chương trình môn học, thời lượng thực hiện không phải 45 phút như các bài trong sách giáo khoa hiện nay. [1]
Giáo viên vẫn phải soạn giáo án mẫu 5512 - phụ lục IV
Trong video trao đổi về kế hoạch bài dạy (giáo án) bồi dưỡng module 4, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành thuyết minh các bước cần có khi soạn giáo án theo Công văn 5512.
Theo đó, phần "mục tiêu" giáo viên phải nêu cụ thể các yêu cầu về "kiến thức"; "năng lực"; "phẩm chất". Tương tự, phần "thiết bị học liệu" giáo viên cũng được yêu cầu nêu cụ thể các thiết bị dạy học và học liệu được sử dụng trong bài dạy để tổ chức cho học sinh hoạt động nhằm đạt được mục tiêu, yêu cầu của bài dạy.
Ảnh chụp màn hình phần chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành
Thầy Thành nêu ví dụ, "khi nêu thiết bị thí nghiệm thì phải nói rõ đó là bộ thí nghiệm nào, để thực hiện được những thí nghiệm cụ thể nào".
Tiếp đến, phần "tiến trình dạy học", giáo viên phải liệt kê 4 hoạt động. Mỗi hoạt động đều có các tiểu mục: "mục tiêu"; "nội dung"; "sản phẩm"; "tổ chức thực hiện".
Mục "sản phẩm" (hoạt động 1), thầy Thành thuyết minh thêm: "Cái này (sản phẩm) giúp cho thầy cô khi thiết kế một hoạt động học là phải hình dung rõ học sinh phải làm như thế nào, phải thực hiện như thế nào và với việc thực hiện như thế thì học sinh sẽ phải làm ra được sản phẩm gì mà chúng ta phải nhìn được, phải đánh giá được".
"Cho nên (học sinh) phải làm ra được cái gì, viết ra được cái gì, thậm chí phải nói được cái gì hoặc phải trình bày được cái gì thật là cụ thể".
Mục "sản phẩm" (hoạt động 2), thầy Thành lưu ý: "Tôi xin nhấn mạnh khi soạn bài thầy cô phải viết cụ thể chứ không phải viết phương án hay nguyên lí, tức là sản phẩm rất cụ thể. Chẳng hạn kiến thức là kiến thức gì hay kết quả giải quyết vấn đề là kết quả như thế nào thì phải viết thẳng kết quả vào đây (giáo án); hoặc kết quả thực hiện nhiệm vụ ra làm sao, rất là cụ thể".
Mục "sản phẩm" (hoạt động 4), thầy Thành nhấn mạnh: "Đối với phần sản phầm này rất mở bởi vì câu hỏi vận dụng thường giao cho học sinh, tự học sinh phải phát hiện ra vấn đề, tình huống để vận dụng kiến thức vào giải quyết, cho nên đáp án là đáp án mở chứ không giống nhau cho mọi học sinh".
"Thầy cô phải phân biệt rất rõ giữa hoạt động luyện tập - giao cho học sinh các câu hỏi, bài tập, thí nghiệm thực hành, có thể là những bài khó, bài nâng cao nhưng vẫn ở mức độ luyện tập".
"Đã là vận dụng thì phải giao cho học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, và như thế học sinh sẽ phát hiện những vấn đề khác nhau để giải quyết. Nhưng nếu là cùng một vấn đề thì mỗi học sinh cũng sẽ có cách thức giải quyết vấn đề khác nhau".
Như thế, cơ bản kế hoạch bài dạy (giáo án) bồi dưỡng module 4 cũng giống với Phụ lục IV Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường ban hành ngày 18/12/2020.
Thầy Thành chỉ nhấn mạnh thêm những lưu ý ở mục "sản phẩm" nhằm bảo lưu quan điểm được cho là sẽ giúp học sinh phát huy phẩm chất, năng lực khi học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
4 phụ lục đều gây quá tải cho tổ trưởng chuyên môn
Trên diễn đàn của Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, tác giả Nhật Khoa đã thẳng thắn nhìn nhận, không chỉ có kế hoạch giảng dạy (giáo án) ở phụ lục IV Công văn 5512 khuôn mẫu, những phụ lục III (kế hoạch của giáo viên), phụ lục II (kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn), phụ lục I (Kế hoạch dạy học của tổ) cũng sẽ tốn rất nhiều thời gian, giấy mực và còn dài hơn, do sẽ thực hiện cho cả tổ mà mỗi tổ lại có thể có nhiều môn ghép. [2]
Riêng cá nhân tôi nhận thấy, Phụ lục II (kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn) Công văn 5512 còn quy định rất "hình thức" về mẫu mã.
Cụ thể, Phụ lục II yêu cầu tổ chuyên môn liệt kê đến 8 nội dung như sau:
(1) Chủ đề: Tên chủ đề tham quan, cắm trại, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng.
(2) Yêu cầu cần đạt: Yêu cầu (mức độ) cần đạt của hoạt động giáo dục đối với các đối tượng tham gia.
(3) Số tiết: Số tiết được sử dụng để thực hiện hoạt động.
(4) Thời điểm: Thời điểm thực hiện hoạt động (tuần/tháng/năm).
(5) Địa điểm: Địa điểm tổ chức hoạt động (phòng thí nghiệm, thực hành, phòng đa năng, sân chơi, bãi tập, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tại di sản, tại thực địa...).
(6) Chủ trì: Đơn vị, cá nhân chủ trì tổ chức hoạt động.
(7) Phối hợp: Đơn vị, cá nhân phối hợp tổ chức hoạt động.
(8) Điều kiện thực hiện: Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, học liệu... [3]
Trong khi đó, Khoản 5 Điều 8 Quy định ban hành kèm Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định: Tổ trưởng bộ môn được giảm 03 tiết/tuần. [4]
Tuy nhiên, để hoàn thành các phụ lục theo quy định của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì tổ trưởng chuyên môn phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức - chứ không phải chỉ 3 tiết/tuần khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Qua bài viết, kính mong Bộ Giáo dục hãy cầu thị lắng nghe tiếng nói của giáo viên để có hướng điều chỉnh, thay đổi sao cho các phụ lục của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH phù hợp, thiết thực hơn với hoạt động chuyên môn ở các nhà trường phổ thông.
Tài liệu tham khảo:
[1]//www.youtube.com/watch?app=desktop&v=o31yL4unszo&fbclid=IwAR1szWf6QlyKPWTXLSdlY-j55eFN9cEfE_RHws3RpD_HOZXLmtc9RqltyHE
[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-soan-giao-an-5512-kho-mot-to-truong-chuyen-mon-kho-muoi-post218457.gd
[3] //luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-5512-bgddt-gdtrh-2020-to-chuc-thuc-hien-ke-hoach-giao-duc-cua-nha-truong-204324-d6.html
[4] //luatvietnam.vn/can-bo-con-chuc/quy-dinh-ve-to-truong-to-chuyen-mon-230-28455-article.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Vừa đổi mới, phải cắt nhiều điểm hấp dẫn chương trình giáo dục mới Nhiều giáo viên lớp 6 đánh giá cần điều chỉnh theo hướng cắt giảm yêu cầu của chương trình để dạy học trong dịch bệnh nhưng tiếc nuối khi những điểm hấp dẫn của chương trình, môn học mới chưa phát huy được trong năm học đầu tiên. Năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ở cấp...