Tăng học phí phải có lộ trình
Theo luật, các trường đại học được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được tự chủ
Hàng loạt trường ĐH trên cả nước vừa công bố học phí mới năm học 2020-2021 với các mức tăng khác nhau.
Tự xác định mức thu
Theo đó, có trường chỉ tăng trên dưới 1 triệu đồng/năm nhưng cũng có trường công bố mức học phí tăng “phi mã”, thậm chí gấp 5 lần so với những năm trước. Cụ thể là khối các trường y dược phía Nam.
ĐHQG Hà Nội cho hay học phí dự kiến với sinh viên (SV) chính quy các chương trình đào tạo chuẩn là từ 9,8 – 14,3 triệu đồng/năm/SV và từ 30-60 triệu đồng/năm/SV đối với các chương trình đào tạo đặc thù, chương trình đào tạo chất lượng cao.
Trong khi đó, Trường ĐH Y Dược TP HCM thu học phí theo cơ chế tự chủ xác định trong Luật Giáo dục ĐH sửa đổi. Cụ thể, ngành y khoa là 68 triệu đồng/năm/SV; ngành răng – hàm – mặt 70 triệu đồng, dược học 50 triệu đồng. Mức học phí này tăng từ 2-5 lần so với mức cũ, cao hơn cả mức trần học phí theo quy định trong Nghị định 86/2015 đối với các trường tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên. Bên cạnh đó, dự kiến học phí mỗi năm tiếp theo sẽ được trường này tăng 10%.
Khoa Y ĐHQG TP HCM cũng áp dụng mức học phí rất cao cho chương trình đào tạo chất lượng cao ngành y khoa (60 triệu đồng/năm/SV), dược học (88 triệu đồng/năm/SV)…
Trước những băn khoăn về mức học phí “phi mã” của nhiều trường, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho rằng Nghị định 86/2015 đã quy định mức thu học phí, dịch vụ tuyển sinh, các khoản dịch vụ khác. Đối với các trường ĐH thực hiện thí điểm tự chủ, nhà nước sẽ quy định mức học phí cho mỗi trường.
Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi và nghị định hướng dẫn thực hiện luật này (có hiệu lực từ tháng 7-2019), các cơ sở giáo dục ĐH công lập sẽ thực hiện thu học phí theo điều 65 của luật. Theo đó, các trường ĐH đáp ứng được khoản 2 điều 32 Luật Giáo dục ĐH sửa đổi về các điều kiện để được tự chủ, đồng thời tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên thì sẽ được tự xác định mức thu học phí trên cở sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.
Học phí các trường ngành y dược tăng cao sẽ khiến nhiều sinh viên gặp khó khăn
Video đang HOT
Tăng là khó tránh khỏi
Theo PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khi nhà nước không cấp chi thường xuyên nữa thì học phí cũng sẽ bù vào đó một phần. Vì vậy, tăng học phí là không tránh khỏi. Nhưng phải có lộ trình và phù hợp với khả năng chi trả, tiếp cận của người học ở các vùng khác nhau. Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng SV khi học ở những trường danh tiếng thì cơ hội việc làm sẽ tốt hơn. Học phí mà SV đóng hiện nay chưa phải là toàn bộ chi phí đào tạo mà chỉ là phần lớn, phần còn lại vẫn được đầu tư từ các nguồn khác.
Đại diện Bộ Y tế cho biết dù Trường ĐH Y Dược TP HCM là trường tự chủ nhưng do dư luận phản ánh về mức học phí quá cao, bộ đã yêu cầu nhà trường giải trình, trong đó có căn cứ việc xây dựng mức học phí này.
Hiện các cơ sở giáo dục xây dựng học phí theo Thông tư 14 của Bộ GD-ĐT quy định chi tiết định mức kinh tế – kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo. Theo đó, các trường sử dụng ngân sách nhà nước sẽ áp theo định mức kỹ thuật do Bộ GD-ĐT ban hành. Trên cơ sở đó, các trường xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị nhưng không được vượt quá mức trần. Trong khi đó, các trường thực hiện tự chủ chi thường xuyên sẽ tự xây dựng mức giá trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do trường ban hành.
Theo Thông tư 14, chi phí đào tạo trực tiếp chiếm 62%. Trong đó, tiền lương chiếm 33%; chi phí quản lý, chi phí gián tiếp 25%; còn lại là chi phí cho thu nhập tăng thêm, phúc lơi lễ Tết, các quỹ…
Phản hồi băn khoăn này, Bộ GD-ĐT cho rằng về mặt nguyên tắc, với trường tự chủ tài chính, khi xây dựng học phí thì phải căn cứ vào định mức kinh tế – kỹ thuật. Nghĩa là trường phải chứng minh chi phí của mình bỏ ra là như thế nào, mức thu bao nhiêu nhằm bù lại chi phí bỏ ra.
Theo một đại diện của Bộ GD-ĐT, hiện bộ này và Bộ Tài chính đang phối hợp ban hành hướng dẫn về việc xây dựng học phí với những trường tự chủ tài chính theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cần có định mức
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD-ĐT, cho biết nhiều trường ĐH quốc tế tính học phí dựa trên nguyên tắc phù hợp với thu nhập trung bình của người dân. Theo đó, các trường tính chi phí đào tạo một SV, sau đó mới tính đến nguồn thu để bù đắp chi phí này và nguồn thu ở đây không phải chỉ riêng học phí. Thông thường, trường sẽ có 3 nguồn thu là học phí, nguồn hỗ trợ của nhà nước đối với các hoạt động chuyên môn, nghiên cứu theo cơ chế đặt hàng và nguồn do xã hội hiến tặng hay do nhà trường huy động được. Khi đã công bố được các cam kết chuẩn đầu ra và tổng nguồn thu, nhà trường mới cân đối để đưa ra mức học phí phù hợp.
Ông Khuyến cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định về định mức kinh tế – kỹ thuật, giá các dịch vụ chi phí đào tạo để các trường trên cơ sở đó tính đúng, tính đủ, làm căn cứ đưa ra quyết định về mức học phí.
Học phí trường Y cao nhất 70 triệu/năm: Học sinh lo sốt vó, không dám xét tuyển
Đại học Y Dược TP.HCM thông báo mức học phí tăng đột biến, dự kiến 40-70 triệu đồng/năm khiến thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường lo lắng.
Không dám xét tuyển
Theo đề án tuyển sinh Đại học Y dược TP.HCM năm 2020 vừa công bố, mức học phí dự kiến với sinh viên chính quy năm học 2020-2021 tăng mạnh so với trước đó. Trong đó, ngành Răng-Hàm-Mặt với 70 triệu đồng/năm, kế đến là ngành Y khoa dự kiến là 68 triệu đồng/năm.
Mức đóng phí tăng khoảng 10% theo các năm. Học hết 6 năm học, dự kiến sinh viên ngành này phải đóng khoảng 538 triệu đồng học phí.
Thông báo trên khiến học sinh cuối cấp THPT ngỡ ngàng và lo lắng. "Ban đầu em có dự định đăng ký xét tuyển khối B vào Đại học Y Dược TP.HCM, tuy nhiên với mức học phí như vậy vượt ngoài tầm đáp ứng của gia đình. Có lẽ em sẽ chọn trường khác với mức học phí phù hợp hơn", em Cao Tiến Huỳnh (Quận Thủ Đức, TP.HCM) nói.
Là con út trong gia đình 4 anh em, Nguyễn Thị Lan (Sóc Trăng) 3 năm liền là học sinh xuất sắc, điểm trung bình môn từ 8,5 trở lên. Lan có ước mơ được làm bác sĩ để gia đình đỡ vất vả hơn.
Với mức học phí Đại học Y Dược TP.HCM dự kiến, Lan không đủ điều kiện để đáp ứng. Ngoài tiền học em sẽ tốn thêm tiền nhà, tiền ăn, tiền đi lại... trung bình cộng cả tiền sinh hoạt và tiền học sẽ rơi vào khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Tương tự, em Nguyễn Ngọc Phước (Châu Đốc, An Giang) chia sẻ, được trở thành bác sĩ trong tương lai là điều hãnh diện và rất có ý nghĩa. Nhưng nếu chi phí tới hơn nửa tỷ đồng trong 6 năm học thì em sẽ lựa chọn đổi ngành học khác với mức chi phí rẻ hơn.
Mục tiêu đỗ vào Đại học Y Dược TP.HCM được nữ sinh Thái Chân xác định nghiêm túc ngay từ khi học lớp 10. Thái Chân lựa chọn trường Y vì công việc sau khi ra trường sẽ ổn định hơn và được tiếp nối sự nghiệp người cha quá cố của mình.
Nhưng sau khi biết được thông tin trường tăng học phí lên gấp 5 lần, Thái Chân buồn bã và hơi hoang mang. Chỉ còn gần 3 tháng nữa sẽ tới kỳ thi tốt nghiệp THPT, em không biết nên đổi nguyện vọng sang trường đại học nào khác. Em hy vọng song song với chính sách tăng học phí sẽ có nhiều ưu tiên hỗ trợ sinh viên khó khăn về mặt tài chính.
Đại học Y Dược TP.HCM.
Vì sao học phí tăng cao?
Không chỉ ngành Răng-Hàm-Mặt với 70 triệu đồng/năm, mà theo đề án tuyển sinh Đại học Y dược TP.HCM năm 2020, các ngành khác có mức cao không kém là Y khoa dự kiến là 68 triệu đồng/năm; Kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng/năm, Dược học 50 triệu đồng/năm.
Các ngành cùng có mức học phí 40 triệu đồng/năm gồm: Điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên ngành Hộ sinh, Điều dưỡng chuyên ngành Gây mê hồi sức, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng.
Hai ngành cùng mức học phí 38 triệu đồng/năm là Y học dự phòng và Y học cổ truyền. Còn ngành Y tế công cộng và Dinh dưỡng thì học phí 30 triệu đồng/năm. Đề án nêu rõ, học phí trên áp dụng cho năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo dự kiến mỗi tăng thêm 10%.
Như vậy, với ngành học phí cao nhất là Răng - Hàm - Mặt, sinh viên học năm thứ nhất sẽ đóng 70 triệu đồng/năm, năm thứ hai là 77 triệu đồng/năm, năm thứ 3 là 84,7 triệu đồng, năm thứ 4 là 93,1 triệu đồng, năm thứ 5 là 102,4 triệu đồng và năm học thứ 6 là 112,6 triệu đồng.
Tổng thời gian học 6 năm, một sinh viên ngành Răng-Hàm-Mặt sẽ phải đóng khoảng 538 triệu đồng học phí.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo của Đại học Y Dược TP.HCM lý giải, mức học phí hiện hành là 13 triệu đồng/năm. Sở dĩ thấp như vậy vì phần lớn chi phí để đào tạo sinh viên được ngân sách Nhà nước hỗ trợ, chứ không phải đào tạo 1 sinh viên chỉ tốn có bấy nhiêu tiền.
Bắt đầu từ tháng 1/2020, Đại học Y Dược TP.HCM không nhận ngân sách Nhà nước nữa, trường phải tính toán lấy thu bù chi để hoạt động và phát triển, vì vậy bắt buộc phải tăng học phí.
Trước thực tế với mức học phí này, sinh viên nghèo sẽ không có điều kiện theo học, ông Khôi cho hay nhà trường luôn có chính sách hỗ trợ, đảm bảo không có sinh viên nghèo, học giỏi trúng tuyển mà bị bỏ lại.
"Chúng tôi cam kết không để một sinh viên nghèo học giỏi, có ước mơ làm bác sĩ trúng tuyển vào trường mà bị bỏ lại", ông Khôi nói.
Các trường khối Y- Dược tăng học phí ra sao trong năm học 2020-2021? Năm học 2020-2021 các trường đại học trong khối ngành sức khoẻ đều dự kiến điều chỉnh tăng mức học phí từ vài triệu đến chục triệu đồng/năm học. Một trong những nội dung đang được nhiều thí sinh quan tâm là mức học phí các trường sẽ áp dụng sau khi Luật Giáo dục đại học có hiệu lực, cho phép các...