Tăng học phí bất ngờ, lại phân biệt vùng miền
ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa thông báo về mức học phí mới sẽ được áp dụng. Trong đó, sinh viên có hộ khẩu tỉnh phải đóng học phí gấp đôi sinh viên hộ khẩu TP.HCM.
Điều đáng nói trong quy định về học phí mới của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch khiến nhiều thí sinh (TS) đã đăng ký nguyện vọng một vào trường ngỡ ngàng là mức học phí (dù được thông báo dự kiến) đã vượt trần theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Trong khi tháng 1/2018, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch mới được UBND TP.HCM phê duyệt đề án tự chủ tài chính theo nhóm tự chủ tài chính toàn phần.
Có ngành lên tới 4,4 triệu đồng/tháng
Theo thông báo được đăng trên website của trường, mức học phí dự kiến của năm học 2017-2018 cụ thể như sau:
Giai đoạn I: Mức thu học phí từ tháng 9 đến hết tháng 12/2017 áp dụng cho tất cả đối tượng. Cụ thể, đối với sinh viên (SV) có hộ khẩu TP.HCM, mức thu học phí là 1.070.000 đồng/SV/ tháng theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP thuộc nhóm trường ĐH chưa tự chủ tài chính toàn phần.
Mức thu học phí SV không có hộ khẩu tại TP.HCM dự kiến là 2.200.000 đồng/SV/tháng vì những SV này không được ngân sách TP cấp bù kinh phí đào tạo.
Giai đoạn 2, kể từ tháng 1/2018, sau khi trường được UBND TP phê duyệt đề án tự chủ tài chính theo nhóm tự chủ tài chính toàn phần, dự kiến mức thu học phí mới sẽ theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP (cho các trường ĐH thuộc nhóm 1), trong đó các ngành y đa khoa, răng hàm mặt… có mức học phí lên tới 4.400.000 đồng/SV/tháng.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.
Như vậy, kể từ tháng 9 đến 12/2017, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vẫn thuộc nhóm trường chưa tự chủ tài chính, vẫn phải theo quy định về mức trần học phí của Nghị định 86.
Video đang HOT
Theo Nghị định 86, mức học phí cao nhất đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH đối với trường chưa tự chủ (tùy khối ngành), trong đó khối ngành y dược, mức học phí năm 2015-2016 là 880.000 đồng/SV/tháng, năm 2016-2017 là 970.000 đồng/SV/tháng và năm 2018-2019 là 1.180.000 đồng/SV/tháng.
Không những thông báo mức học phí tăng sốc, trường còn phân biệt 2 đối tượng SV có hộ khẩu TP và hộ khẩu tỉnh và lý giải đây là trường chịu sự quản lý trực tiếp của UBND TP.HCM, những SV ở tỉnh không được ngân sách TP cấp bù kinh phí đào tạo.
Theo một số chuyên gia giáo dục, ngoài tăng hơn so với khung quy định trần học phí, những chính sách về học phí phải thông báo ngay từ đầu năm, trong đề án tuyển sinh của trường. Thế nhưng, đến thời điểm này, khi kết quả tuyển sinh đã gần xong, trường mới công bố thì rất thiệt thòi cho các TS ở tỉnh.
Làm chính sách phải công bằng
GS.TS Võ Tòng Xuân, Chủ tịch Hội đồng sáng lập ĐH Nam Cần Thơ, nói theo nguyên tắc, trước khi TS đăng ký nguyện vọng vào các trường, nhà trường phải có trách nhiệm thông báo về mức học phí xem TS có đồng ý hay không. Không báo trước là một sự bất hợp lý.
GS Xuân cũng cho rằng hiện nay, không phải tất cả SV ở TP.HCM đều là con nhà khá giả và SV ở tỉnh đều nghèo, do vậy phân biệt mức học phí giữa hai đối tượng như trên là không hay.
“Nên áp dụng mức học phí như nhau, trong quá trình đào tạo, thấy em nào khó khăn, học giỏi thì giúp đỡ. Làm chính sách thì phải công bằng, nhất là trường công lập vẫn phải có theo những quy định, không phải muốn thu sao thì thu”, GS Võ Tòng Xuân bày tỏ.
Theo TS Lê Nguyễn Đức Chính, Phó trưởng khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), chính sách tốt nhất là không nên phân biệt vùng miền. Áp dụng mức học phí cho các đối tượng SV như nhau là quá tốt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những trường thuộc quản lý của địa phương thì thực tế rõ ràng ngân sách của địa phương đó không thể kham nổi chi phí đào tạo của SV cả nước.
Nếu có sự hỗ trợ kinh phí của các địa phương có SV đang theo học tại trường thì lý tưởng nhất, như cách một số trường y đang làm là đào tạo SV theo địa chỉ.
GS Võ Tòng Xuân cho rằng bản thân các trường ĐH đang rất mâu thuẫn. Trường nào cũng muốn tăng học phí để nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, tuyển giảng viên giỏi để thu hút SV. Thế nhưng, việc tăng học phí phải theo lộ trình thì không còn cách nào khác lại phải thu học phí từ SV. Nhưng cao quá thì SV không theo nổi, tội cho những SV không có điều kiện học tập.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng theo mức học phí khối các trường có đào tạo ngành sức khỏe, mức học phí mà ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch còn cao hơn trường công lập tự chủ tài chính và trường ngoài công lập.
Chẳng hạn, ĐH Y Dược Cần Thơ (đã được Thủ tướng phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động) năm học 2017-2018, học phí là 18 triệu đồng/SV, bắt đầu từ năm học 2018-2019 là 19,2 triệu đồng/SV/năm và năm học 2019-2020 là 20,4 triệu đồng/SV/năm.
ĐH Nguyễn Tất Thành (ngoài công lập) có mức học phí các ngành dược, điều dưỡng, y học dự phòng là 4 triệu đồng/SV/tháng. Còn tại các trường đạo tạo y dược công lập khác, mức học phí năm 2017-2018 vẫn áp dụng theo Nghị định 86, chỉ khoảng 10 triệu đồng/năm.
Quản trị ĐH phải có tầm nhìn
Một chuyên gia giáo dục tại TP.HCM cho rằng ở góc độ quản trị ĐH, khi chuẩn bị kế hoạch, đề án tuyển sinh, học phí… phải thấy rõ được tác động đến các đối tượng thụ hưởng.
Ngoài việc phải chuẩn bị chi tiết, có tầm nhìn, lộ trình thực hiện phải theo quy định.
Những quyết định ban hành giữa chừng như việc tăng học phí mà SV không được biết trước như trên gây thiệt thòi rất lớn cho các em TS năm nay trúng tuyển vào trường.
Theo Đặng Trinh / Người Lao Động
Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nói về học phí tăng gấp đôi
ĐH Y khoa Phạm Ngọc, TP.HCM, vừa thông báo mức học phí dự kiến năm học 2017-2018 tăng lên gấp đôi từ tháng 1/2018.
Cụ thể, trong giai đoạn một, từ tháng 9 đến tháng 12, trường dự kiến mức thu học phí đối với sinh viên có hộ khẩu TP.HCM là 1,7 triệu đồng/tháng, theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP thuộc nhóm trường đại học chưa tự chủ tài chính toàn phần.
Mức thu học phí với các sinh viên không có hộ khẩu tại TP.HCM dự kiến là 2,2 triệu đồng/tháng. Theo nhà trường, những sinh viên này không được ngân sách thành phố cấp bù kinh phí đào tạo.
Tuy nhiên, ở giai đoạn hai (từ tháng 1/2018), mức học phí dành chung cho tất cả sinh viên (không kể vùng miền) ở các ngành đào tạo từ 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, học phí các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Dược sĩ cao nhất với 4,4 triệu đồng/tháng. Ba ngành này đào tạo 6 năm hệ chính quy.
Sinh viên ngành Y trong giờ thực hành. Ảnh: CĐ Y dược Hà Nội.
Thông tin học phí của trường có mức 4,4 triệu đồng/tháng nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên, học sinh trên mạng xã hội.
Bạn Minh Tùng viết: "Học phí này chỉ dành cho sinh viên có điều kiện. Ví dụ, một năm học 10 tháng sẽ hết 44 triệu đồng học phí, 6 năm đào tạo mất 264 triệu đồng. Ngoài học phí, sinh viên còn phải trả tiền ăn, ở, sinh hoạt, chi phí sách vở, học thêm".
Bạn Lê Nguyên cho rằng học phí của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cao hơn nhiều so với các trường khác như ĐH Y dược Huế, ĐH Y dược Cần Thơ. Sinh viên cần có sự lựa chọn đúng đắn, bởi mỗi đồng tiền đi học đều do mồ hôi nước mắt của bố mẹ.
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Ngô Minh Xuân - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết học phí dự kiến tăng từ tháng 1/2018 sau khi được UBND thành phố phê duyệt đề án tự chủ tài chính theo nhóm tự chủ toàn phần. Trường dự kiến mức thu học phí mới sẽ theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP cho các trường đại học thuộc nhóm một.
Trong đó, ngành đào tạo Y đa khoa, Răng hàm mặt, Dược sĩ thu 4,4 triệu đồng/tháng. Ngành Khúc xạ Nhãn khoa học bằng Tiếng Anh, nhà trường phải mời giáo viên từ Australia về giảng dạy, cũng phải thu mức này. Còn lại, các ngành khác của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thu học phí thấp hơn.
Theo PGS.TS Ngô Minh Xuân, mức thu học phí của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thấp hơn nhiều lần so với các nước khác quanh khu vực, dù đào tạo y khoa tốn kém gấp 4-5 lần so với các ngành khác.
Ông Xuân cũng thông tin thêm sắp tới, nhà trường có nhiều bước phát triển mọi mặt để cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, lực lượng giảng viên, phương pháp đào tạo, thực hành lâm sàng, kiểm định chất lượng để đáp ứng nhu cầu số lượng, chất lượng nhân lực ngành y tế cho thành phố và các tỉnh.
ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch được thành lập trên cơ sở Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Cán bộ Y tế TP.HCM ngày 8/1/2008. Đây là trường đại học công lập, chịu sự quản lý trực tiếp của UBND TP.HCM. Trường cũng chịu sự quản lý nghiệp vụ của Bộ GD&ĐT và quản lý chuyên môn của Bộ Y tế.
2017 là năm đầu tiên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tuyển sinh trên cả nước với chỉ tiêu 1.250 sinh viên. Số lượng hồ sơ nộp vào trường là hơn 16.000.
Năm 2016, ngành Răng hàm mặt có điểm trúng tuyển cao nhất là 23,25 (năm 2015 ngành này lấy 24,75 điểm). Điểm trúng tuyển ngành Y đa khoa là 22,75 (năm 2015 là 24). Ngành Y tế cộng đồng có điểm chuẩn 21,3 (năm 2015 là 23,25 điểm).
Theo Zing
'Choáng' trước học phí dự kiến của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch Mới đây, trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM công bố bảng giá học phí dự kiến cho khóa học mới khiến nhiều sinh viên lo lắng. Đại diện trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, mức học phí dự kiến sẽ thay đổi. Năm học 2017 - 2018, giai đoạn 1, học sinh có hộ khẩu TP.HCM vẫn đóng...