Tăng cường nhận biết dấu hiệu đột quỵ khi trời chuyển rét sâu
Miền Bắc đang trong những ngày rét đậm rét hại, trời chuyển lạnh sâu đột ngột. Đây cũng thời điểm đột quỵ, tai biến gia tăng, đặc biệt ở người già, người có tiền sử tăng huyết áp, bệnh nền…
Theo dự báo, rét đậm rét hại có thể kéo dài trong những ngày tới. Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá, diễn biến thời tiết bất thường có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là người già và trẻ em.
Thời gian gần đây, Khoa Thần kinh (Bệnh viện đa khoa Đức Giang) tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 (hay liệt miệng, méo miệng). Đáng nói, không chỉ người già mà nhiều người trẻ cũng nhập viện do chủ quan không giữ ấm cơ thể.
Khoa Cấp cứu Bệnh viện E cũng liên tiếp tiếp nhận nhiều ca đột quỵ não và các bệnh tim mạch. Điều đáng nói, đột quỵ não ngày càng trẻ hóa do nhiều người còn chủ quan.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, bác sĩ Lê Văn Thiệu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, các triệu chứng ban đầu của đột quỵ có thể xác định thông qua hàng loạt các biểu hiện như tê, yếu cơ, thường xảy ra ở một bên của cơ thể; thị lực ở một hoặc cả 2 mắt có sự thay đổi; chóng mặt, xây xẩm mặt mày; đi lại không vững; méo miệng, nói khó, nuốt nghẹn, uống sặc, mắt mờ…
Bác sĩ Lê Văn Thiệu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương).
Đáng nói, đột quỵ có thể xảy ra với bất cứ ai, vào bất kì thời điểm và địa điểm nào và không có các dấu hiệu báo trước.
Video đang HOT
Bác sĩ Thiệu nhấn mạnh, nếu người thân bắt đầu phát hiện những dấu hiệu bất thường trên cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế hay bệnh viện gần nhất để có các biện pháp sơ cứu kịp thời. Thời điểm vàng để tiến hành các biện pháp cấp cứu, hồi phục, hạn chế tối đa khả năng biến chứng và tử vong cho bệnh nhân.
Nếu không phát hiện và tiến hành các biện pháp cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại những di chứng rất nặng nề, khiến người bệnh tàn phế, liệt nửa người/toàn thân, nằm trên giường bệnh suốt đời.
Theo các chuyên gia y tế, để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ trong mùa lạnh, trước hết cần phòng ngừa các yếu tố nguy cơ liên quan như bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường…
Trong thời điểm mùa lạnh, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề giữ ấm cho cơ thể. Theo các nghiên cứu, khi cơ thể bị nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng số lượng ca đột quỵ trong mùa lạnh. Do vậy, cần mặc ấm, mặc nhiều lớp quần áo, che kín vùng đầu và bàn tay, đi tất và mang giày ấm, không ra lạnh đột ngột. Đặc biệt quan tâm đến vấn đề này với người già, người cao tuổi.
Trong thời điểm mùa lạnh, cũng không nên vận động quá sức. Tuy nhiên, việc tập thể dục đều đặn vẫn rất cần thiết trong mùa lạnh nhằm giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe tim mạch, hạn chế nguy cơ đột quỵ.
Bên cạnh đó, cần duy trì các thói quen tốt ăn uống lành mạnh, hạn chế việc hút thuốc lá, uống rượu bia hay ăn nhiều đồ ăn chứa lượng lớn dầu mỡ…
Việc thường xuyên khám sức khỏe định kì cũng rất cần thiết để sớm phát hiện những nguy cơ đột quỵ để chủ động điều trị và phòng tránh.
Đề phòng đột quỵ não và các bệnh tim mạch khi trời trở lạnh
Những ngày qua, khi thời tiết chuyển lạnh sâu, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E liên tiếp tiếp nhận nhiều ca đột quỵ não và các bệnh tim mạch cả ở người trẻ và người cao tuổi.
Bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E thăm khám cho bệnh nhân đột quỵ não.
Người mắc bệnh tim mạch cần thận trọng
Các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E vừa tiếp nhận điều trị cho một nam bệnh nhân (34 tuổi ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng yếu nửa người trái, nói khó... Ngay lập tức, các bác sĩ cấp cứu người bệnh, tiến hành làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết xác định người bệnh bị đột quỵ não.
Khai thác tiền sử bệnh án, người bệnh có biểu hiện yếu nửa người, nói khó khi đang chơi thể thao (bóng bàn) tại cơ quan sau giờ làm việc... Ban đầu, mọi người đều cho rằng thanh niên này bị trúng gió nhưng khi thấy bệnh nhân ngày càng yếu dần nên mới khẩn trương đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại Đơn vị đột quỵ và can thiệp mạch máu (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E). Người bệnh được chẩn đoán là tắc mạch máu não cấp đến trong "thời gian vàng" sau 25 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng ban đầu. Người bệnh được chụp CT và được chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối tái thông mạch máu não.
Một bệnh nhân khác (89 tuổi, ở Nam Trực, Nam Định) cũng phải đến cấp cứu tại Đơn vị đột quỵ và can thiệp mạch máu ngay trong đêm. Qua khai thác tiền sử bệnh án của người bệnh, trưa 18-12, người bệnh có biểu hiện sốt, ho, khó thở gia đình đã đưa người bệnh đi khám ở Bệnh viện tuyến huyện với chẩn đoán bệnh lý mạch vành và được chuyển lên Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội với chẩn đoán theo dõi cơn đau thắt ngực kèm viêm phế quản... Tuy nhiên, cơn đau vùng ngực sau xương ức, khó thở ngày càng tăng lên.
Ngay trong đêm 18-12, người bệnh được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện E. Ngay lập tức các bác sĩ trực cấp cứu đã chẩn đoán sơ bộ người bệnh có nguy cơ nhồi máu cơ tim nên đã tiến hành hội chẩn khẩn với các bác sĩ Trung tâm tim mạch để đưa ra phương án điều trị kịp thời cho người bệnh.
Các bác sĩ tiến hành siêu âm tim, điện tim, xét nghiệm cần thiết cho người bệnh. Kết quả men tim của người bệnh tăng gấp 30 lần so với ngưỡng thông thường là 14 ng/L. Bác sĩ giải thích, người bệnh đang ở tình trạng nguy hiểm do tổn thương cơ tim gây nên. Sau khi được các bác sĩ Bệnh viện E cấp cứu, người bệnh đã đáp ứng tốt thuốc điều trị tim mạch nên đã dần phục hồi. Theo các bác sĩ, đối với người bệnh lớn tuổi (trên 80 tuổi) khả năng phục hồi như vậy là tín hiệu tốt. Bởi người bệnh có thể tự chăm sóc bản thân, vận động đi lại được mà không nhờ người khác hỗ trợ là kết quả tốt cho người bệnh, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và cộng đồng.
Bệnh nhân đột quỵ não và tim mạch phải đưa sớm đến cơ sở y tế
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E cho biết, thời tiết biến đổi thất thường như những ngày vừa qua, khiến người bệnh nhập viện gia tăng đột biến, nhất là các bệnh lý về đột quỵ não và tim mạch. Nhờ áp dụng tiêu chí chất lượng điều trị đột quỵ thế giới, Bệnh viện E là một trong số ít cơ sở y tế ở Hà Nội đã tối ưu hóa thời gian từ khi cấp cứu vào viện đến khi được can thiệp thành công chỉ từ 25-30 phút.
Việc tiếp cận xử trí và điều trị người bệnh đột quỵ tại Bệnh viện E đã phát triển rất mạnh, tiếp cận nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến trên thế giới. Bệnh viện đã triển khai thường quy nhiều kỹ thuật cao về can thiệp cho đột quỵ như: Kỹ thuật tiêu huyết khối, lấy huyết khối cơ học, mở nửa sọ giảm áp cho người bệnh đột quỵ thiếu máu não, các phẫu thuật mở sọ lấy máu tụ, kẹp clipping cho túi phình động mạch vỡ trong chảy máu dưới nhện, các kỹ thuật hồi sức sọ não chuyên sâu như dẫn lưu não thất, theo dõi áp lực nội sọ, đo oxy não...
Cùng với Đơn vị đột quỵ can thiệp tim mạch, mạch máu cấp cứu; Đơn vị siêu âm thực quản, siêu âm tim và điện tâm đồ gắng sức, Trung tâm tim mạch, thì khi dự án vận chuyển người bệnh cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện E đi vào hoạt động là bước phát triển quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân đột quỵ não, phù hợp thực tiễn nhu cầu cũng như quy định của Bộ Y tế.
Hiện miền Bắc đang bước vào những ngày lạnh sâu, bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên khuyến cáo, để phòng tránh đột quỵ não và tim mạch mùa lạnh, người dân cần tầm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, thuốc lá, bia rượu, chất kích thích...
Đồng thời, trong khoảng thời gian vàng từ dưới 3 giờ đến 4,5 giờ đầu sau khi khởi phát đột quỵ, nếu người bệnh được điều trị trong khoảng thời gian này hoặc sớm hơn thì hoàn toàn có cơ hội hồi phục, hạn chế tối đa biến chứng. Ngược lại nếu điều trị muộn hơn, việc điều trị rất khó khăn, cơ hội phục hồi sẽ thấp đi, khả năng tiên lượng xấu rất cao. Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường... nếu có những dấu hiệu như đột ngột nói khó, liệt 1/2 người, nhìn mờ 1 bên mắt, liệt nửa mặt... thì gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện sớm.
Việc càng trì hoãn điều trị sớm, trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Do đó, bệnh nhân đột quỵ cần được sớm đưa vào bệnh viện để các bác sĩ cứu chữa trong thời gian vàng này.
Rét đậm, cảnh báo nhiều người bị đột quỵ não Theo Bệnh viện E, thời tiết chuyển lạnh sâu, mấy ngày vừa qua, Khoa Cấp cứu của bệnh viện liên tiếp tiếp nhận nhiều ca đột quỵ não và các bệnh tim mạch. Mới 34 tuổi, anh P.T.H (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có tiền sử khoẻ mạnh, vì vậy không nghĩ mình lại bị đột quỵ khi đang chơi thể thao trong...