Tăng cường giáo dục văn hóa cho học sinh THPT
Ngày 8/7, Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TP.HCM) đã tổ chức chuyên đề góp ý xây dựng chương trình môn Giáo dục văn hóa cho học sinh THPT.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) trong chuyên đề Hào khí Việt Nam
Ý tưởng về môn học này do thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà khơi nguồn và nhận được phối hợp thực hiện của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM gồm các khoa: Ngữ văn, Giáo dục, Tâm lý học để cùng soạn thảo chương trình phù hợp và hỗ trợ về giảng viên giảng dạy.
Bộ môn nhằm mang đến cho học sinh những kiến thức về giá trị và những quy tắc của văn hóa truyền thống và hiện đại; thực tập xử lý những tình huống liên quan đến chuẩn mực văn hóa; có thể vận dụng đúng đắn và hiệu quả kiến thức về văn hóa truyền thống và hiện đại vào đời sống cá nhân và xã hội hiện nay.
Phụ huynh học sinh chia sẻ ý kiến tại chuyên đề
Đặc biệt, qua bộ môn các em sẽ thực hành được kĩ năng tự học, tự quản lý bản thân; kĩ năng giao tiếp; kĩ năng tư duy phản biện, sáng tạo và giải quyết vấn đề; kĩ năng hợp tác…
Theo đó, nội dung chương trình gồm 2 phần. Ở phần 1 giáo dục về văn hóa truyền thống, gồm các bài học xoay quanh các chủ đề văn hóa ẩm thực, trang phục, nghệ thuật, tín ngưỡng và phong tục, văn hóa lễ hội, văn hóa giao tiếp và ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội, văn hóa thưởng thức nghệ thuật dân tộc.
Riêng phần 2 về văn hóa hiện đại, học sinh sẽ được hướng dẫn cách giao tiếp, ứng xử trên mạng Internet, cách ứng xử trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội, văn hóa giao thông, trang phục, ứng xử với môi trường, ứng xử với bản thân và văn hóa thưởng thức nghệ thuật đương đại.
Các đại biểu tham dự chuyên đề trao đổi, chia sẻ ý kiến đóng góp cho nội dung chương trình môn học
Chương trình môn học sẽ được triển khai cho học sinh khối 10 và 11 của trường với khoảng 70 tiết/năm vào buổi 2. Các em được đánh giá kết quả học tập với phần kiểm tra lý thuyết là 30% và kiểm tra thực hành, vận dụng là 70%. Dự kiến triển khai trong năm học 2019-2020.
Video đang HOT
Học sinh nêu ý kiến
Theo đánh giá của các đại biểu tham dự chuyên đề, việc đưa bộ môn này vào trường phổ thông là một ý tưởng hay, thể hiện sự tâm huyết của người làm công tác quản lý với mong muốn giáo dục toàn diện cho học sinh về phẩm chất, năng lực.
Có mặt tại buổi chuyên đề, đại diện phụ huynh của trường đã rất tán thành với việc trường sẽ đưa vào giảng dạy bộ môn này cho con em họ. Hi vọng không chỉ trường Nguyễn Du mà nhiều trường học khác cũng đưa vào giảng dạy để giúp học sinh hiểu rõ về văn hóa, ứng xử có văn hóa, giữ gìn, lan tỏa văn hóa Việt.
Thảo Nguyên
Theo GDTĐ
Để phòng chống bạo lực học đường đạt hiệu quả cao
Tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) ở nước ta đang có nhiều cảnh báo đáng lo ngại. Trách nhiệm của các trường Sư phạm như thế nào trong việc góp phần ngăn ngừa nỗi đau BLHĐ? Làm sao để phòng chống BLHĐ đạt hiệu quả như mong muốn?
Báo GD&TĐ đã trao đổi với PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.
Trong một tiết học
* Theo ông, đâu là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ BLHĐ ở nước ta hiện nay?
-Có mấy nguyên nhân chính dẫn đến BLHĐ:
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn
- Thứ nhất, đa số học sinh, sinh viên (HS,SV) cảm thấy bị dồn nén. Các em có nhiều điều muốn nói, nhưng không biết phải giải tỏa như thế nào. Xung năng ấy đã thôi thúc các em phản ứng bằng những hành vi nông nổi. Đánh nhau để khẳng định mình, đánh nhau để giải tỏa tâm lý, đánh nhau vì những mâu thuẫn không được giải quyết, đánh nhau để dằn mặt đối tượng, đánh nhau để gây scandal.
- Thứ hai, nếu bảo rằng trường học là xã hội thu nhỏ thì làm sao trường học có thể miễn nhiễm từ xã hội? Đó là chưa kể ngay trong môi trường học đường, việc dạy làm người chưa thực sự được coi trọng, học để kiểm tra, học để thi cử, được các trường xem là yêu cầu tối quan trọng. Đó là chưa kể việc thiếu linh hoạt trong cách thức giáo dục, thiếu đầu tư cho việc tìm hiểu và tác động giáo dục. Không ít thầy cô giáo vẫn cho rằng mình là bề trên, thời gian đâu để lắng nghe, điều kiện đâu để tìm hiểu hoàn cảnh từng em HS, SV, như vậy thử hỏi BLHĐ, một hành vi bộc phát, sao không có cơ hội nảy sinh?
- Thứ ba, nếu cho rằng gia đình là tế bào của xã hội, là trường học đầu tiên của từng con người, thì có bao nhiêu bậc phụ huynh quan tâm đến con cái mình một cách đúng nghĩa? Thời gian dành cho việc trò chuyện, uốn nắn con em hầu như không có. Nhiều vị phụ huynh rơi vào vòng xoáy kim tiền, bỏ mặc chuyện dạy dỗ con em cho nhà trường, làm sao con cái nên người được?
- Thứ tư, không thể bỏ qua nguyên nhân từ phía xã hội, xảy ra quá nhiều tiêu cực hết sức đáng lo, đang từng ngày bủa vây, tấn công tuổi trẻ học đường.
Còn nhiều nguyên nhân nữa có thể lý giải. Căn bản nhất là chúng ta không nhận ra chính văn hóa xung quanh ảnh hưởng đến tuổi trẻ học đường một cách tổng thể. Không thể tách giáo dục và văn hóa...
* Hiện nay, các trường học của ta đặc biệt chú trọng giáo dục HS, SV thay đổi hành vi, qua đó giúp các em nhận biết các nguy cơ dẫn đến bạo lực. Điều cấp thiết là phải giúp HS, SV nâng cao khả năng xử lý các tình huống và tự bảo vệ mình khỏi bạo lực. Ông có thể nói rõ hơn?
- Nhìn toàn cục có thể thấy việc HS, SV đánh nhau xuất phát từ sự hung tính trong hành vi của mỗi con người. Từ những việc nhỏ, như cái nhìn thiếu thiện cảm, chọc ghẹo tuổi học trò, "thả thính" trùng nhau, mâu thuẫn nhóm trong các hoạt động khác nhau dẫn đến bạo lực. Sâu thẳm của vấn đề chính là hung tính của con người đã bị đẩy lên thiếu kiểm soát. Đó không phải là vấn đề của riêng nhà trường, mà nhìn rộng ra là văn hóa và xã hội.
Tuy nhiên, nhà trường cần nhận trách nhiệm chính, bởi việc giáo dục con người là trách nhiệm mang tính đặc trưng. Chính nhà trường cần nhìn lại chính mình trong công tác giáo dục giá trị và hành vi. Nhiều năm qua, không ít người đã xem nhẹ những hành vi BLHĐ và coi chúng là những điều tất yếu. Thậm chí, một số cá nhân còn xem đó là một phần tự nhiên của quá trình phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi học trò.
Một trong những vấn đề rất quan trọng với đông đảo HS, SV hiện nay là: Sự thiếu hụt về kỹ năng sống để xử lý những mâu thuẫn và xung đột. Sự thiếu kiểm soát hay kiềm chế bản thân trong những tình huống khó khăn, khi giải quyết vấn đề làm cho nhiều HS, SV trở nên hung hãn. Nhà trường phải chú ý tác động thường xuyên, để giúp HS, SV thay đổi hành vi, giúp các em nhận biết các nguy cơ dẫn đến BLHĐ để phòng tránh.
* BLHĐ giữa HS, SV với nhau không khó hiểu, vì các em bồng bột thiếu suy nghĩ chín chắn. Đau đầu nhất là hiện tượng một số thầy cô giáo cũng có hành vi BLHĐ. Các trường Sư phạm cần làm gì trong khâu đào tạo để hạn chế BLHĐ từ giáo viên?
- Với cả HS, SV và GV - nhiều người thuộc dạng tính cách và khí chất rất dễ thay đổi cảm xúc, dễ phát sinh những cảm xúc tiêu cực. Điển hình như, dễ bị kích thích (bực bội, cáu gắt vô cớ, mất bình tĩnh), lo sợ, bất an, lo lắng quá nhiều về những điều nhỏ nhặt, thiếu tự tin, dễ chán nản, buồn bã và mất mọi hứng thú, thấy khó chịu ngay cả với những điều bình thường. Tất cả sẽ làm cho sự căng thẳng tâm lý bộc phát và nguy cơ BLHĐ có thể xảy ra.
Các trường Sư phạm chưa bao giờ đứng ngoài cuộc, rất quyết tâm để làm tốt nhất công tác GD&ĐT. Tuy nhiên, mỗi con người là chủ thể riêng biệt và việc nhà giáo phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, phải có những kỹ năng kiểm soát bản thân là điều mà các trường Sư phạm đang tiếp tục nỗ lực nâng cao hiệu quả trong đào tạo.
* Từ lâu, các trường học nước ta đã đề cao: "Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm"; "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui"; "Trường học thân thiện, học sinh tích cực". Theo ông, làm sao để triển khai đạt hiệu quả cao nhất các nội dung này?
- Các trường học nước ta đã đề cao các nội dung nói trên, nhưng vấn đề là các trường cần tự đánh giá xem mình thực sự đã làm tốt việc giáo dục hành vi ứng xử theo giá trị hòa bình, tôn trọng chưa? Các gia đình chúng ta thực sự đã dẫn dắt con vào đời thế nào với những kỹ năng sống cần thiết? Có thể nhấn mạnh những chiến lược giáo dục, hay những dự án dài hơi về giáo dục tính nhân văn, ứng xử hòa bình, nhân ái theo những chuẩn mực chưa được thực thi một cách bài bản. Đây chính là độ chênh lớn giữa sự phát triển kinh tế và sự chuẩn bị cân bằng với độ "sâu - bền" của xã hội.
Hơn ai hết, những người có trách nhiệm cần nhìn nhận vấn đề này bằng một thái độ cầu thị và chịu trách nhiệm. Nói như thế để thấy nhà trường có cố gắng nhưng cần cố gắng nhiều hơn nữa, và gia đình cần gương mẫu về văn hóa, để giúp sức và tác động đồng bộ lên nhân cách của giới trẻ.
Trong giờ tự thảo luận nhóm của SV ĐH Đà Lạt
* Ông có nghĩ rằng, Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới được triển khai (với định hướng chủ yếu là phát huy tối đa năng lực HS, tăng cường các hoạt động trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng sống cho HS) sẽ giúp hạn chế tối đa các vụ BLHĐ hay không?
- Có thể nói tình hình BLHĐ diễn biến hết sức phức tạp. Ở nhiều góc quan hệ khác nhau trong môi trường học đường, BLHĐ đã tồn tại. Không chỉ HS, SV nam mà HS, SV nữ cũng bạo hành. Nữ sinh vốn dĩ nhẹ nhàng dịu dàng đầy nữ tính, ai ngờ các em lại lăng nhục, đấu võ mồm, rồi choảng nhau dữ dội! Thậm chí, một số nữ sinh đã mượn tay phe nhóm đánh hội đồng bạn cùng trường.
Một trong những vấn đề cần xem xét từ kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Nhà nước của chúng tôi về mô hình tư vấn tâm lý cho thấy: Vẫn còn 1/4 HS cho rằng mình đã từng bạo lực hay bị bạo lực; gần 1/3 HS có nhu cầu tư vấn tâm lý; gần 2/5 HS lúng túng khi có mâu thuẫn với bạn và không biết xử lý thế nào.
Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông mới tập trung định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cụ thể để thích nghi cuộc sống, nên các nội dung giáo dục giá trị, rèn luyện kỹ năng sống rất được quan tâm. Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tăng cường thời lượng, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục lối sống, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, tư vấn tâm sinh lý học đường. Chúng ta kỳ vọng sự thay đổi này sẽ có giá trị phát triển con người đúng nghĩa.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Đinh Lê Yên (thực hiện)
The GDTĐ
Tiêu cực trong nhà trường, vì sao dễ gây phẫn nộ? Những nhức nhối xung quanh các vụ bạo lực học đường còn chưa dứt, dư luận lại tiếp tục rung chuyển bởi một vụ việc khác, liên quan đến nghi vấn thầy giáo lạm dụng tình dục 7 học sinh nam ngay tại Hà Nội. Giáo dục lại một lần nữa trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận... Với sứ mệnh...