Tăng cường giám sát HS, SV chơi trò chơi trực tuyến
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Chương trình hành động về phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với HS, SV giai đoạn 2011-2015. Mục đích là để ngăn chặn kịp thời những tác động xấu của trò chơi trực tuyến với HS, SV.
Theo Bộ GD-ĐT để giải quyết triệt để tác hại của các trò chơi trực tuyến không lành mạnh, các nhà trường có kế hoạch phổ biến cho cán bộ, giáo viên nâng cao nhận thức và hiểu biết về tác hại trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nội dung này đến toàn thể cán bộ, giáo viên và HS, SV.
Tổ chức các câu lạc bộ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngoài giờ lên lớp nhằm thu hút HS, SV tham gia, tạo ra sân chơi giải trí lành mạnh cho HS, SV. Phổ biến, giáo dục về tác hại của trò chơi trực tuyến lồng ghép vào môn giáo dục công dân, pháp luật, các hoạt động giáo dục, các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức, qua đó giúp HS, SV nhận thức được giá trị sống, nâng cao kỹ năng sống, định hướng hành vi và nhận thức đúng tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh.
Nhà trường chủ động đề nghị các cơ quan chức năng của địa phương xử lý các đại lý Internet vi phạm quy định hiện hành về tổ chức dịch vụ kinh doanh Internet trên địa bàn liên quan. Tuyên truyền về tác hại của trò chơi trực tuyến thông qua các bài viết, hình ảnh có nội dung bạo lực, không lành mạnh và tác hại của “nghiện” trò chơi trực tuyến cho HS, SV trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Lập “hòm thư góp ý” để phát hiện những HS, SV chơi trò chơi trực tuyến có nội dung không lành mạnh, bạo lực và nghiện trò chơi trực tuyến trong nhà trường để có biện pháp phối hợp, quản lý, giáo dục. Đưa nội dung phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có bạo lực và không lành mạnh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua giữa các lớp, các khoa trong nhà trường.
Video đang HOT
Theo chương trình hành động này thì mục tiêu cụ thể đối với giáo dục phổ thông là giáo dục, vận động học sinh theo phương châm “3 không” đối với trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh ( “3 không” bao gồm không chơi trò chơi bạo lực, không làm ngơ khi biết bạn nghiện trò chơi trực tuyến và không làm ngơ khi biết có địa điểm tổ chức cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến trái phép).
Bên cạnh đó tuyên truyền nâng cao nhận thức đến phụ huynh HS về tác hại của trò chơi trực tuyến để làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc tuyên truyền, giáo dục học sinh. Phụ huynh HS phải ký cam kết với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh về tác hại của trò chơi trực tuyến ngoài giờ lên lớp.
Tuyên truyền, giáo dục cho HS vào các buổi chào cờ đầu tuần và trong tiết sinh hoạt lớp, trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp các buổi phát thanh về tác hại của trò chơi trực tuyến mang tính bạo lực và không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi. Trong các buổi họp phụ huynh HS theo định kỳ, giáo viên chủ nhiệm lồng ghép thêm nội dung về tác hại của trò chơi trực tuyến để phụ huynh có biện pháp quản lý, giáo dục HS ngoài giờ lên lớp.
Giáo viên chủ nhiệm theo dõi chặt chẽ sĩ số HS hàng ngày, trong từng tiết học của lớp mình chủ nhiệm. Phối hợp quản lý không để xảy ra tình trạng HS đến trường nhưng trốn học, bỏ tiết. Nếu phát hiện những biểu hiện bất thường của HS thì phải tìm hiểu và liên lạc với gia đình để cùng có kế hoạch ngăn chặn, giáo dục kịp thời. Phối hợp chặt chẽ và thông tin kịp thời giữa nhà trường và gia đình để phát hiện sớm những bất thường trong tâm lý của HS, kịp thời giáo dục, nhắc nhở, uốn nắn, phê bình.
Ngoài ra, phối hợp với tổ chức đoàn, đội và các tổ chức hội đoàn thể (hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội cựu giáo chức…) ở địa phương trong công tác để giáo dục HS, SV về đạo đức, nhân cách và phòng, chống, không chơi trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh. Xây dựng kế hoạch phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương triển khai, thực hiện, kiểm tra xử lý các vi phạm và ngăn chặn tác động xấu của trò chơi trực tuyến đối với HS.
Đối với cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp thì lồng ghép phổ biến, tuyên truyền về tác hại trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh trong “Tuần sinh hoạt công dân HS, SV đầu năm, đầu khoá và cuối khoá học”. Tổ chức cho HS, SV ký cam kết với nhà trường không chơi trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh vào đầu năm và đầu khóa học.
Có biện pháp quản lý, khống chế các trang web có nội dung xấu và trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh của mạng Internet trong nhà trường và ký túc xá SV. Phòng Công tác HS, SV phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong nhà trường xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục thường xuyên cho HS, SV về tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh.
Kịp thời xử lý các trường hợp HS, SV vi phạm các nội dung đã ký cam kết với nhà trường về không chơi trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh. Phối hợp với cơ quan công an ở địa phương xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện, kiểm tra xử lý các vi phạm và ngăn chặn tác động xấu của trò chơi trực tuyến đối với HS, SV.
Chương trình hành động này cũng nêu rõ, mỗi quý 1 lần các nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an để kiểm tra các địa điểm kinh doanh Internet và trò chơi điện tử trên địa bàn.
Hàng năm cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức ít nhất 1 cuộc họp với phụ huynh HS để phổ biến, tuyên truyền về tác hại của của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh, 100% phụ huynh HS ký cam kết với nhà trường quản lý không để HS chơi các trò chơi này.
Gian nan cai nghiện "ma túy số"
Để chữa "căn bệnh" nghiện game online, cần cả một chặng đường dài đấu tranh không mệt mỏi với sự chung tay góp sức của nhiều người.
"Nếu coi game online bạo lực là " ma túy số" thì cách ngăn chặn cần thiết và hiệu quả nhất là phải đánh vào nhà cung cấp sỉ chứ không phải lo đi dẹp các đại lý bán lẻ, có nghĩa chúng ta phải xử lý, ngăn chặn từ nơi phát hành chứ không thể bắt đầu từ các tiệm internet". Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TPHCM, nhấn mạnh tại hội nghị "Quản lý trò chơi trực tuyến" tổ chức ngày 5-1.
Bước đầu "cắt cơn"
Theo báo cáo của Sở TT-TT, từ giữa năm 2010 đến nay, với hàng loạt biện pháp được triển khai liên tục và kiên quyết, đã có 18 trong tổng số 43 game có nội dung bạo lực đang lưu hành trên thị trường bị chặn đứng. Thành công đầu tiên có thể kể đến là việc loại bỏ được 3 trò chơi bắn súng có tính chất bạo lực và kích động bạo lực ở mức cao nhất: Biệt đội thần tốc của Vinagame, Đặc nhiệm anh hùng của FPT và Đột kích của VTC Intecom.
Sở TT-TT cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy cập internet (ISP) ngăn chặn trò chơi trực tuyến chưa được phép lưu hành có máy chủ đặt ở nước ngoài. Tiếp đó, 29 game kiếm hiệp của 9 doanh nghiệp cũng buộc phải loại bỏ tính năng đối kháng. Các trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá các trò chơi trực tuyến bạo lực cũng đã bị xử phạt và buộc gỡ bỏ nội dung vi phạm. Hàng ngàn đại lý internet, nhiều doanh nghiệp cung cấp game online đã bị kiểm tra, thanh tra, xử phạt. Đến nay, các doanh nghiệp phát hành game đã phải ngừng cung cấp cho tất cả các đại lý internet từ 22 giờ đến 8 giờ mỗi ngày.
Những kết quả trên, theo ông Lê Mạnh Hà, chỉ mới là giai đoạn "cấp cứu" ban đầu. Để chữa lành "căn bệnh" nghiện game trong xã hội, cần cả một chặng đường dài đấu tranh không mệt mỏi với sự chung tay góp sức của nhiều người.
Một game thủ nhí "lậm" game bạo lực trong một tiệm internet
Sở, bộ không chung tiếng nói
Tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hà thêm một lần nữa bày tỏ sự thất vọng với cơ quan quản lý cấp trên khi cho rằng Bộ TT-TT đã không đoái hoài đến những biện pháp quan trọng và cấp bách nhất mà sở đã kiến nghị. Đó là việc xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ bạo lực và thẩm định lại tất cả các trò chơi đã được cấp phép. Một biện pháp khác do Sở TT-TT TPHCM đưa ra là chặn game online từ 22 giờ đến 8 giờ cũng không nhận được sự ủng hộ của cấp bộ, trong khi đó Bộ TT-TT lại yêu cầu các ISP chặn cả đường truyền internet từ 23 giờ đến 6 giờ (đến nay không thực hiện được).
Do không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề nên hầu như các biện pháp quản lý trò chơi trực tuyến bạo lực chỉ mới được thực hiện tại địa bàn TPHCM. Cụ thể, game Đột kích (VTC) chỉ bị cấm truy cập tại TPHCM còn 62 tỉnh, thành khác vẫn được lưu hành do Bộ TT-TT không can thiệp. Việc ngưng cung cấp game online từ 22 giờ đến 8 giờ hôm sau cũng tương tự.
Ngoài những khó khăn kể trên, tháng 9-2010, Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA) đã gửi Thủ tướng Chính phủ "bản kiến nghị khẩn" về việc doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến tại TPHCM có nguy cơ đóng cửa do các biện pháp tăng cường quản lý của TPHCM áp dụng pháp luật sai lệch. Theo ông Lê Mạnh Hà, sự can thiệp của VINASA là sai thẩm quyền, cung cấp thông tin sai sự thật và không khách quan. "VINASA đã có hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của Sở TT-TT. Việc này có thể gây khó khăn đến việc ra quyết định đúng đắn của người đứng đầu Chính phủ trong quản lý một vấn đề "nóng", đang gây nhiều bức xúc trong xã hội" - ông Hà nhấn mạnh.
Nguyên nhân chính của bạo lực học đường
Ông Phạm Thành Long, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM, thông tin: "Hiện TP có hơn 1.500 tiệm internet ở gần trường học (chiếm gần 40%), trong đó chủ yếu đáp ứng nhu cầu chơi game. Điều này cho thấy học sinh là đối tượng chính mà doanh nghiệp kinh doanh game online nhắm đến.
Chúng tôi khẳng định game trực tuyến bạo lực là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng gia tăng bạo lực học đường. Bạo lực trong game cuốn hút bản năng tò mò, khám phá của giới trẻ và thật dễ hiểu khi sự lạnh lùng, hung hăng đang dần chiếm chỗ, lấn át nét hồn nhiên, trong sáng trong tâm hồn nhiều học sinh".
Theo Người lao động
Điểm mặt những tỷ phú đi lên từ trò chơi trực tuyến Bất ngờ khi tất cả những tỷ phú game online hàng đầu đều là người Châu Á. Đầu tiên, chúng ta hãy cùng điểm qua những nhà tỷ phú quyền lực nhất làng game online Hàn Quốc. Kim Jung-Ju (2 tỷ USD) Được coi là người giàu nhất Hàn Quốc trong ngành công nghiệp game, Kim Jung-Ju chính là người sở hữu NPH...