Tăng cường chủ nghĩa đa phương cho “Lục địa già”
Vừa qua, Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhóm họp tại khu nghỉ dưỡng Breton, Dinard, miền Nam nước Pháp, để bàn về một số vấn đề nóng đang được quan tâm.
Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhóm họp tại miền Nam nước Pháp ngày 6-4. Ảnh: Reuters
Chưa cần biết chương trình nghị sự của Hội nghị là gì nhưng điều thu hút sự chú ý của dư luận ngay từ đầu là việc lần thứ hai liên tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã không đến hội nghị. Thắc mắc có, phản đối có, nhưng điều đó cho thấy những vết rạn bên trong một tổ chức được coi là gồm những nhân tố mạnh hàng đầu thế giới này.
Mối quan tâm chung
Với vai trò chủ nhà và Chủ tịch Ngoại trưởng G7, Ngoại trưởng Pháp Le Drian đã chủ trì các cuộc họp và hướng chương trình nghị sự tập trung thảo luận về các vấn đề chính trị và khủng hoảng hiện nay đang được thế giới quan tâm. Bên cạnh đó, cuộc chiến chống bất bình đẳng, chủ nghĩa bảo hộ và dân túy, chủ nghĩa đa phương, vấn đề châu Phi, an ninh mạng… cũng được đưa vào chương trình nghị sự. Mặc dù các biện pháp ứng dụng không được đề cập, song Hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này đã nhất trí về ba chủ đề chính.
Về quy tắc cho không gian mạng, các quốc gia G7 cam kết tự do không gian mạng, an toàn, dễ tiếp cận và đáng tin cậy. Về vấn đề này, các tiêu chuẩn và nguyên tắc cho hành vi của các quốc gia trong việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông phải được phát triển và củng cố.
Phụ nữ trong các cuộc xung đột vũ trang, đây là chủ đề trung tâm của Đức tại hội nghị lần này với tư cách thành viên Đức trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhằm kết nối và tăng cường vai trò của phụ nữ trong việc giải quyết khủng hoảng, hòa bình và an ninh. Các nước G7 trao đổi quan điểm cùng các bên liên quan như Phumzile Mlambo-Ngcuka, Chủ tịch Quỹ Phát triển Phụ nữ của Liên hợp quốc (UNWOMEN); Moussa Faki, Chủ tịch Liên minh châu Phi; Vanessa Moungar, Chủ tịch Phụ nữ và Xã hội Dân sự của Ngân hàng Phát triển châu Phi và Algeria Leila Zerrougui, người đứng đầu phái bộ Liên hợp quốc tại Congo.
Video đang HOT
Các chủ đề về khủng hoảng trên toàn thế giới tập trung vào các vấn đề tại khu vực Cận và Trung Đông, Iran, Triều Tiên, Venezuela, Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, trong chương trình nghị sự cũng đề cập đến cuộc chiến chống khủng bố và buôn lậu, đặc biệt tập trung vào khu vực Sahel.
Kết thúc Hội nghị, Ngoại trưởng các nước đã ra được tuyên bố chung đề cập đến nhiều vấn đề nóng trên thế giới, như khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên trong nỗ lực buộc nước này phải phi hạt nhân hóa; Bày tỏ phản đối mọi hành động đơn phương làm xói mòn sự ổn định khu vực và trật tự dựa trên quy tắc của quốc tế. G7 cũng thống nhất một số nội dung để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Biarritz (Pháp) vào tháng 8 tới để đưa ra các sáng kiến nhằm giải quyết bất bình đẳng kinh tế và xã hội trên thế giới và bảo vệ chống lại các tác động của toàn cầu hóa và các cuộc tấn công mạng.
Nỗi niềm riêng
Dù đã cử Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan tham dự, song sự vắng mặt của ông Pompeo là một minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự mâu thuẫn trong nội bộ G7. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Ngoại trưởng Đức Heiko Mass đã bày tỏ sự không hài lòng về việc vắng mặt của Mỹ ở cấp ngoại giao cao nhất. Tuy nhiên, họ khẳng định sự vắng mặt của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động của G7.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu tại cuộc họp báo sai hội nghị G7. Ảnh: Reuters
Trả lời họp báo sau hội nghị, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh: “Hội nghị đã diễn ra tốt đẹp. Điều quan trọng là phải thể hiện sự thống nhất, đoàn kết của khối trong những thời điểm khó khăn, nhất là trong việc đưa ra những quyết định quan trọng về hòa bình và an ninh quốc tế”. Theo Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, G7 cần đoàn kết giúp đỡ nhau để tiến xa hơn và thúc đẩy hồi sinh của cơ chế đa phương.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, khi Mỹ có dấu hiệu “muốn rời xa” các thể chế và định dạng quốc tế truyền thống, Pháp buộc phải cùng Đức, Nhật Bản và Canada tham gia một liên minh mới gồm bốn nước vì cơ chế đa phương. Bên lề hội nghị lần này, Ngoại trưởng Đức, Pháp, Nhật Bản và Canada đã có cuộc gặp hẹp để vận động cho chủ nghĩa đa phương nhằm tăng cường các thể chế quốc tế và một trật tự thế giới dựa trên các quy tắc.
Theo giới phân tích, sự vắng mặt của Ngoại trưởng Pompeo là “sự mất tích của Mỹ”, đặt ra câu hỏi về vai trò của Mỹ cũng như của chính tổ chức này. Thực hiện sáng kiến của Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng sáu nước cùng Đại diện cấp cao về ngoại giao và chính sách an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini tranh luận về vấn đề liên minh đa phương và viện trợ cho châu Phi, thì đại diện của Mỹ tham gia dường như chỉ với tư cách “quan sát viên”. Mọi vấn đề vẫn diễn ra bình thường trên quan điểm của Mỹ “mọi thứ không quá quan trọng” khi ông Pompeo không tham gia.
Câu hỏi của thời đại
Động thái của Pompeo cũng khiến dư luận nghi ngờ về khối G7 có còn phù hợp trong tình hình hiện nay hay không. Theo các nhà phân tích, dường như Mỹ đang “cố tình phá bỏ” cấu trúc này trong khi những nước khác, nhất là EU, đang cố gắng duy trì. Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump rõ ràng đã đi chệch mục tiêu chung khi “quay lưng” với chủ nghĩa thương mại quốc tế đa phương, bảo vệ khí hậu, chính sách Trung Đông, ngăn chặn Iran…, những mục tiêu mà hai năm trước G7 vẫn luôn đạt được sự đồng thuận.
Sự phản đối của Trump đối với hợp tác đa quốc gia và các tổ chức quốc tế được phản ánh trong nhiều lĩnh vực mà các Ngoại trưởng G7 đã thảo luận. Tại Hội nghị lần này, lần đầu tiên các Ngoại trưởng G7 tuyên bố rằng “có những khác biệt về quan điểm không thể hòa giải”. Ví dụ điển hình nhất của sự không thống nhất trong G7 là việc Mỹ công nhận sự sáp nhập của Israel vào Cao nguyên Golan, trong khi sáu nước thành viên còn lại phản đối.
Trên thực tế, hiện nay G7 không chỉ gặp nhiều vấn đề bất đồng với Mỹ mà các nước thành viên G7 khác cũng có những bất đồng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Điển hình cho những mâu thuẫn này có thể kể đến việc Pháp và Italy cũng đang xảy ra những tranh cãi và chỉ trích lẫn nhau về chính sách di cư; Đức bị cáo buộc là quá phụ thuộc vào Nga, liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2; Sự ra đi của Anh khỏi EU (Brexit) đang rơi vào tình trạng bế tắc, không có tương lai.
Đánh giá về Hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này, nhà phân tích chính trị Christian Hoffmann cho rằng G7 là “tàn dư” của phương Tây, được thành lập nhằm cùng nhau giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu và sau đó là các vấn đề chính trị. Trong quá khứ, có những xung lực quan trọng đối với chính sách phát triển, cuộc chiến chống lại AIDS hoặc tái thiết ở Đông Âu sau khi chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, nhưng ngày nay cơ chế này đã không còn phù hợp với những thay đổi của tình hình phát triển.
Hồng Ngọc
Theo Baobienphong
Tổng thống Mỹ tuyên bố áp thuế 11 tỷ USD các sản phẩm nhập khẩu từ EU
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/4 cho biết Washington sẽ áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), có tổng trị giá 11 tỷ USD.
Máy bay A380 của Airbus được sản xuất tại nhà máy ở Blagnac, miền nam nước Pháp, ngày 21/3/2018. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một tuyên bố trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã phát hiện việc EU trợ cấp cho tập đoàn sản xuất máy bay Airbus, gây bất lợi cho Mỹ. Do đó, Mỹ sẽ áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ EU có tổng trị giá 11 tỷ USD.
Tuyên bố nêu rõ: "EU đã lợi dụng Mỹ về thương mại trong nhiều năm. Điều này sẽ sớm chấm dứt". Tuy nhiên, Tổng thống Trump không cho biết thời gian áp thuế chính thức.
Tổng thống Donald Trump đưa ra tuyên bố trên chỉ 1 ngày sau khi Văn phòng Thương mại Mỹ (USTR) công bố một danh sách hàng hóa của EU bị đánh thuế bổ sung. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định mục tiêu của Mỹ là đạt được một thỏa thuận với EU nhằm chấm dứt toàn bộ trợ cấp trái quy định của WTO cho máy bay dân dụng cỡ lớn.
Người đứng đầu USTR khẳng định Mỹ sẽ gỡ bỏ các mức thuế bổ sung khi EU chấm dứt những trợ cấp này. Trong khi đó, một quan chức EU cho biết liên minh này cũng đã bắt đầu chuẩn bị các biện pháp đáp trả.
EU và Mỹ vướng vào một cuộc tranh chấp kể từ năm 2004, khi đưa ra các cáo buộc lẫn nhau về việc hỗ trợ trái phép đối với 2 tập đoàn sản xuất máy bay của mình, lần lượt là Airbus và Boeing. WTO phát hiện hai bên đã trợ cấp hàng tỷ USD để giành lợi thế trên thị trường máy bay toàn cầu.
Ngọc Hà (TTXVN)
Theo Tintuc
Tổng thống Mỹ tái khẳng định mối quan hệ tốt đẹp với Chủ tịch Triều Tiên Ngày 6-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, mối quan hệ của ông với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vẫn "rất tốt đẹp", đồng thời Tổng thống Trump muốn gửi thông điệp tới người đồng cấp Triều Tiên rằng hy vọng hai bên sẽ sớm trở lại bàn đàm phán sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội hồi tháng 2-2019...