Tăng cường các hoạt động rèn luyện thể chất, kỹ năng sống cho học sinh
Sau khi ổn định nền nếp học tập, phong trào rèn luyện thể chất, giáo dục kỹ năng sống được triển khai kịp thời tại các trường học ở Hà Tĩnh.
Qua đó, tạo không khí hào hứng, hấp dẫn cho học sinh.
Việc tổ chức các CLB giúp học sinh tiểu học phát triển năng khiếu, rèn luyện kỹ năng (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ).
Mỗi tuần 1 giờ, học sinh Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) lại được trải nghiệm cảm giác thú vị từ chương trình kỹ năng sống Poki.
Bằng những video tình huống như: tránh xa các nhà máy, công trường xây dựng; xử lý tình huống mắc kẹt trên xe; kỹ năng phòng cháy chữa cháy… chương trình đã cung cấp cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 nhiều kiến thức để vận dụng vào thực tế cuộc sống.
Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên là đơn vị đầu tiên ở Can Lộc đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống Poki vào trong từng lớp học. Đến nay, chương trình này đã phát huy hiệu quả như mong đợi, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh.
Chị Nguyễn Thị Hòa – phụ huynh học sinh lớp 2B cho biết: “Việc giáo dục kỹ năng sống giúp con tôi mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, trong các hoạt động tập thể, điều đó khiến chúng tôi yên tâm rất nhiều”.
Xác định, rèn luyện kỹ năng cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà trường nên ngay từ những ngày đầu năm học mới, Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên đã chủ động xây dựng kế hoạch để tổ chức các hoạt động tập thể ngoài giờ lên lớp cho học sinh.
Chương trình giáo dục kỹ năng sống Poki đưa ra những tình huống để học sinh cùng thảo luận, từ đó, các em có thêm những hiểu biết để vận dụng vào cuộc sống.
Video đang HOT
“Đối với những hoạt động tập thể, chúng tôi sẽ tổ chức một cách linh hoạt theo chủ đề mỗi tháng. Hoạt động ngoài giờ chính khóa sẽ được tổ chức vào cuối buổi chiều để tạo điều kiện cho phụ huynh có thể tham gia cùng con. Việc rèn luyện kỹ năng với sự tham gia của học sinh, phụ huynh và nhà trường sẽ góp phần quan trọng trong việc giáo dục trẻ phát triển toàn diện”, cô Hoàng Thị Ái Khanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên cho biết.
Ngay sau những tuần học đầu tiên của năm học mới, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, các hoạt ngoại khóa, giáo dục thể chất cho học sinh ở Trường THCS Lê Hồng Phong (Thạch Hà) cũng đã được duy trì trở lại một cách sôi nổi. Đó là sự khởi động của các CLB bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn bằng những giải đấu hấp dẫn.
Việc sinh hoạt các CLB thể dục thể thao tạo sân chơi bổ ích, giúp học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong thư giãn sau mỗi buổi học.
Em Lê Văn Khôi – thành viên CLB bóng rổ Trường THCS Lê Hồng Phong cho biết: “Ở vùng khó khăn cách xa trung tâm như chúng em, việc tham gia các sân chơi hết sức hạn chế. Thế nhưng, thông qua các hoạt động CLB, phong trào rèn luyện thể dục, thể thao của trường, chúng em đã có những sân chơi lành mạnh, bổ ích sau mỗi buổi học.
Từ những sân chơi này, chúng em không chỉ được rèn luyện về thể lực mà còn góp phần mở rộng các hoạt động giao lưu bạn bè giữa các khối lớp, tạo nên tinh thần đoàn kết, môi trường thân thiện trong nhà trường”.
Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong hào hứng với chương trình ngoại khóa giáo dục kiến thức pháp luật ATGT, phòng chống ma túy.
Để tăng cường các hoạt động giáo dục thể chất cho học sinh, cùng với việc phát huy nội lực, Trường THCS Lê Hồng Phong đã tăng cường công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc kêu gọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho các hoạt động này.
Thầy Nguyễn Văn Kỳ – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong chia sẻ: “Đến thời điểm hiện tại, trường có 2 sân bóng đá nhân tạo, 2 sân bóng chuyền, 2 sân bóng rổ, có nhà tập đa năng, hệ thống đường chạy, hố nhảy, xà đơn, xà kép, bể bơi… Hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ, đồng bộ cũng là động lực để nhà trường tăng cường nhiều chương trình, hoạt động tập thể hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể chất, kỹ năng cho hơn 500 học sinh”.
Tại các trường THPT, thời gian này, ngoài việc tổ chức cho học sinh lớp 10 đăng ký tham gia vào các CLB theo năng lực, sở trường, các CLB cũng đã và đang tổ chức kiện toàn lại ban chủ nhiệm và xây dựng các kế hoạch hoạt động trong năm học.
Giúp bà con xây dựng NTM là một trong những hoạt động ý nghĩa của các đoàn viên Trường THPT Cẩm Bình trong chương trình chủ nhật xanh.
Em Nguyễn Phương Nghi, học sinh lớp 12A4 – Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) cho biết: “Đến nay, toàn trường có gần 10 CLB, thu hút đông đảo đoàn viên ở các khối lớp tham gia. Với kế hoạch phù hợp, hoạt động của các CLB ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt nhóm, giúp chúng em tự tin hơn, sống có trách nhiệm hơn với bản thân, với cộng đồng”.
Đến nay, tất cả các trường học ở Hà Tĩnh (từ bậc tiểu học đến THPT đều đã thành lập các CLB phát triển năng khiếu, rèn luyện kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Cùng với đó, việc khởi động các sân chơi ngoại khóa tìm hiểu kiến thức, các hoạt động thể dụng thể thao, vui chơi giải trí cũng đã tạo nên không khí thân thiện tích cực trong các nhà trường.
Câu hỏi lớn về kỹ năng sống
Liên tiếp những tai nạn thương tâm ở nhiều nơi trong thời gian gần đây cho thấy việc dạy kỹ năng sống ở lứa tuổi học sinh cần thực hiện một cách thiết thực
Trưa 1-5, nhân dịp nghỉ lễ, nhóm 9 học sinh đang học lớp 11 tại Trường THPT Bù Đăng rủ nhau vào nhánh sông Đồng Nai (thuộc thôn 1, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) chơi. Khi đến bờ sông, 6 em rủ nhau xuống tắm, 5 em bị nước nhấn chìm, chỉ có 1 em bơi được vào bờ, la hét kêu cứu, 4 em còn lại tử vong.
Nỗi lo học sinh đuối nước
Trước đó, ngày 26-4, một nhóm học sinh ở Quảng Trị ra tắm ở đê thủy lợi, sau đó 2 học sinh bị đuối nước; ngày 25-4, nhóm nữ sinh lớp 8 ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An ra tắm sông, 4 em đuối nước.
Chỉ 20 ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4, tại tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra 5 vụ đuối nước khiến 13 học sinh tử vong. Tại Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ đuối nước làm 20 em học sinh tử vong...
Thực tế cho thấy, các bậc phụ huynh đã quan tâm hơn đến việc cho con học bơi nhưng họ vẫn còn mơ hồ về khái niệm phòng tránh đuối nước. Không phải biết bơi là trẻ sẽ tuyệt đối an toàn, bởi còn phụ thuộc điều kiện thời tiết, độ sâu, độ xoáy... của dòng nước. Nhiều trường hợp đuối nước có nguyên nhân bị chuột rút, say nắng, say nóng hoặc bị cảm khi xuống nước hoặc không kiểm soát được cự ly, tốc độ và độ sâu cũng dẫn đến bị sặc nước, ngạt nước và đuối nước.
Theo điều tra của Dự án phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam, 90% cha mẹ được hỏi nhận thức vấn đề phòng chống đuối nước là quan trọng vì ảnh hưởng đến sinh mạng của con em họ. Nhưng khi được hỏi cách thức thế nào để phòng chống thì đa số lại không biết. Từ việc không biết hoặc nhận biết chưa đầy đủ về nguy cơ gây đuối nước ở trẻ nhỏ dẫn tới sự chủ quan, lơ là khi giám sát, trông nom.
Còn theo báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), 33% số vụ tai nạn đuối nước trẻ em xảy ra do thiếu sự giám sát của người lớn. Việc chủ quan của cha mẹ khi để trẻ tự do vui chơi tại những nơi có mối hiểm họa rất dễ dẫn tới hậu quả đau lòng.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết đuối nước là "dịch" thầm lặng cướp hơn 2.000 trẻ em Việt Nam mỗi năm. "Dịch" này có thể phòng ngừa bằng việc trang bị cho trẻ em ở độ tuổi tiểu học trở lên biết bơi và biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng xử lý tình huống.
Thi thể học sinh đuối nước (tỉnh Bình Phước) ngày 1-5 được đưa lên bờ sau 3 giờ nỗ lực tìm kiếm.Ảnh: Thảo Nguyễn
Cần sự quan tâm đúng mức, giám sát chặt chẽ
Thực tế, việc giáo dục kỹ năng sống cần thiết (bao gồm trang bị kỹ năng bơi lội) đang được thực hiện trong nhà trường thông qua việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, lồng ghép và tích hợp qua các bài học, qua việc xử lý các tình huống thiết thực và sự tư vấn, tham vấn trực tiếp. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập từ nhiều phía.
Chương trình giáo dục phổ thông vẫn còn nặng về tính hàn lâm, lý thuyết. Nội dung các bài học khá dài, chiếm phần lớn thời gian lên lớp của giáo viên. Việc dạy đủ lượng kiến thức, bảo đảm cho học sinh hiểu bài, làm bài được vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của giáo viên. Chính vì vậy, giáo viên lên lớp ít khi có cơ hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh.
Chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp được thực hiện ở các trường còn mang tính hình thức, đối phó, qua loa, chạy theo phong trào. Những buổi ngoại khóa về tình yêu, giới tính, phòng chống tai nạn thương tích hay các cuộc gặp gỡ với chuyên gia tư vấn để thảo luận về bạo lực, mâu thuẫn, cách ứng phó, xử lý tình huống tai nạn... thật sự rất hiếm hoi. Quan điểm giáo dục kỹ năng sống bằng sự trải nghiệm hầu như chưa được chú trọng đúng mức.
Về phía gia đình cũng chưa thật sự quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng sống cho con em mình. Việc đặt nặng điểm số quá mức hay thả lỏng chuyện học hành của con cũng góp phần không nhỏ vào việc đẩy các em dần xa lánh với các hoạt động tích cực của cộng đồng. Những thế hệ "gà công nghiệp", "búp bê tủ kính" đã ra đời. Các em thiếu hụt sự phán đoán tình hình, vụng về phân tích tình huống, lúng túng trong việc khước từ những rủ rê có thể dẫn đến tình huống nguy hiểm...
Riêng vấn đề phổ cập bơi cho học sinh các cấp, từ nhiều năm nay, việc học bơi đã được đưa vào nội dung chính khóa của các trường nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi. Khó khăn lớn nhất vẫn là cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng hết cho toàn bộ học sinh trong độ tuổi cần phổ cập, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Không ít học sinh dù đã học xong, được xem là đã hoàn thành khóa phổ cập nhưng vẫn không biết bơi.
Vì vậy, việc phổ cập dạy bơi trong nhà trường phải thực chất, phải làm sao dạy cho trẻ thực hành được kỹ năng sinh tồn khi dưới nước, trong môi trường tự nhiên như ao, hồ, kênh, rạch, sông, suối, biển... chứ không phải đứng trong hồ bơi trình diễn kiểu này, kiểu khác là coi như đã đạt được mục tiêu.
Từ những vụ việc đau lòng vừa qua cho thấy quan trọng nhất chính là giáo dục kỹ năng sống cần được thực hiện bằng nhiệt huyết và sự quan tâm đúng mức cùng sự giám sát chặt chẽ của người lớn!
Tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cần tổ chức thực hiện một cách triệt để, thiết thực, hiệu quả từ gia đình, nhà trường và xã hội chứ không chỉ hô hào và lý thuyết suông.
Bắc Giang trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe cho học sinh Kiến thức và kỹ năng sức khỏe sinh sản vị thành niên giúp học sinh biết tự bảo vệ bản thân, hạn chế các hành vi đáng tiếc có thể xảy ra... Học sinh tham gia trao đổi, trả lời câu hỏi về kiến thức sức khỏe. Sáng 26/9 Trung tâm Y tế thành phố Bắc Giang phối hợp Trạm tế xã Song...