Tăng cân do thuốc chống trầm cảm, loại nào có tác động ít nhất?
Tăng cân do dùng thuốc trị trầm cảm là tác dụng phổ biến, dẫn tới tình trạng không tuân thủ dùng thuốc, do đó, làm bệnh thêm trầm trọng…
Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã phân tích 8 loại thuốc chống trầm cảm phổ biến khác nhau và xác định loại thuốc dẫn đến tăng cân nhiều nhất và loại thuốc có tác động tương đối ít hơn.
Việc tăng cân liên quan đến các loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trao đổi chất lâu dài, thường khiến bệnh nhân không muốn tiếp tục điều trị theo đơn và dẫn đến kết quả sức khỏe tâm thần kém hơn.
Nghiên cứu mới nhất do Viện chăm sóc sức khỏe Harvard Pilgrim thực hiện cho thấy, mặc dù thuốc chống trầm cảm nói chung có liên quan đến việc tăng cân, nhưng từng loại thuốc chống trầm cảm cụ thể có thể ảnh hưởng đến cân nặng theo cách khác nhau.
Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu kê đơn hồ sơ sức khỏe điện tử từ tám hệ thống y tế tại Hoa Kỳ, bao gồm 183.118 người lớn trong độ tuổi từ 18 – 80. Những người tham gia là những người mới sử dụng một trong tám loại thuốc chống trầm cảm phổ biến: Sertraline, citalopram, escitalopram, fluoxetine, paroxetine, bupropion, duloxetine và venlafaxine. Những thay đổi về cân nặng được ghi nhận sau 6, 12 và 24 tháng kể từ khi bắt đầu liệu pháp chống trầm cảm.
Tăng cân do dùng thuốc trị trầm cảm là tác dụng phổ biến, dẫn tới tình trạng không tuân thủ dùng thuốc.
Kết quả cho thấy, người dùng bupropion tăng cân ít nhất so với người dùng các thuốc chống trầm cảm khác. Họ ít có nguy cơ tăng cân đáng kể về mặt lâm sàng hơn 15-20% so với người dùng sertraline, loại thuốc trị trầm cảm phổ biến (tăng cân 5% trở lên được coi là có ý nghĩa lâm sàng).
Thuốc chống trầm cảm trong cùng một nhóm cũng có tác động khác nhau đến việc tăng cân. Ví dụ, trong số các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), escitalopram và paroxetine đều có liên quan đến nguy cơ tăng cân đáng kể cao hơn khoảng 15% so với sertraline trong sáu tháng đầu.
Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng thực tế quan trọng về lượng tăng cân dự kiến sau khi bắt đầu dùng một số loại thuốc chống trầm cảm phổ biến nhất, giúp bác sĩ và bệnh nhân có thể quyết định lựa chọn phù hợp cho từng cá nhân, tác giả chính của nghiên cứu – Joshua Petimar cho biết.
Tăng cân có nhiều khả năng xảy ra khi dùng thuốc chống trầm cảm trong thời gian dài
Theo TS. Manish Jha, bác sĩ tâm thần tại Viện Não O’Donnell thuộc Đại học Texas ở Dallas, tăng cân khi dùng thuốc chống trầm cảm có nhiều khả năng xảy ra hơn khi sử dụng lâu dài. Do bản chất mạn tính của bệnh trầm cảm, hầu hết mọi người sẽ cần dùng thuốc chống trầm cảm trong thời gian dài hơn. Do đó, khi cân nhắc đến tình trạng tăng cân liên quan đến thuốc chống trầm cảm, cũng cần phải xem xét thuốc ảnh hưởng đến cân nặng về lâu dài như thế nào.
Ví dụ, những người tham gia dùng sertraline thấy cân nặng tăng trung bình 0,23kg sau sáu tháng, nhưng tăng lên 1,45kg sau hai năm. Trong khi đó, những người dùng bupropion giảm khoảng 0,11kg sau sáu tháng, nhưng tăng trung bình 0,54kg sau hai năm.
Video đang HOT
Những người dùng escitalopram hoặc paroxetine tăng trung bình 0,63kg sau sáu tháng. Sau hai năm, những người dùng escitalopram tăng trung bình 1,63kg, trong khi những người dùng paroxetine tăng khoảng 1.36kg.
Không có sự khác biệt đáng kể về mặt lâm sàng nào về lượng cân nặng tăng lên khi dùng những loại thuốc này sau hai năm. Điều này rất quan trọng vì tăng cân sớm hơn có thể khiến một số người dùng thuốc chống trầm cảm không muốn tiếp tục dùng thuốc, ngay cả khi thuốc có hiệu quả trong việc điều trị các triệu chứng của họ, vì họ muốn tránh tác dụng phụ này.
Ví dụ, một bệnh nhân có thể không dùng paroxetine thay vì sertraline do nguy cơ tăng cân trong thời gian ngắn lớn hơn. Nhưng quyết định của họ có thể thay đổi khi xem xét những thay đổi về cân nặng trong khoảng thời gian hai năm, khi lượng tăng cân của paroxetine và sertraline gần như nhau.
Tăng cân có thể khác nhau tùy từng người
Theo TS. Jami Woods, Đại học California ở Riverside, đối với một số bệnh nhân, tăng cân có thể là yếu tố ảnh hưởng đến quyết định có nên dùng thuốc chống trầm cảm hay không.
Đây là quyết định có lợi – hại, nhưng xét về mặt cân bằng, việc điều trị sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bạn vẫn quan trọng hơn bất kỳ sự tăng cân nào mà bạn có thể gặp phải do những loại thuốc này. Thêm vào đó, có một số cách giúp chống lại tình trạng tăng cân, bao gồm tập thể dục thường xuyên và tuân thủ chế độ ăn uống bổ dưỡng.
Điều quan trọng nữa là phải lưu ý rằng, việc tăng cân do tác dụng của thuốc là rất riêng biệt. Một số bệnh nhân tăng cân rất nhiều khi dùng bất kỳ loại thuốc nào và những người khác thì không. Di truyền có thể đóng vai trò lớn nhất trong việc này. Một số người cảm thấy khỏe hơn khi dùng thuốc chống trầm cảm sẽ trở nên năng động hơn và giảm cân trong khi những người khác thì không.
Mặc dù nghiên cứu không đề cập đến vấn đề này, nhưng TS. Woods chỉ ra rằng liều lượng cũng có thể đóng một vai trò nhất định. Liều lượng cao hơn dẫn đến tăng cân nhiều hơn so với liều lượng thấp hơn.
Nếu bệnh nhân bị tăng cân không mong muốn mà họ nghi ngờ có liên quan đến việc sử dụng thuốc chống trầm cảm, nên trao đổi với bác sĩ về vấn đề này để có thể đưa ra giải pháp khắc phục tác dụng phụ của thuốc một cách thích hợp và an toàn nhất.
Các bài tập tốt cho phụ nữ mãn kinh
Mãn kinh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và thậm chí là tinh thần của người phụ nữ.
Kết hợp các bài tập thể dục vào thói quen hàng ngày, sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng mãn kinh và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp trong cuộc đời của người phụ nữ, được định nghĩa là tình trạng không có kinh nguyệt trong hơn 10-12 tháng. Trong giai đoạn này, phụ nữ có xu hướng mất cân bằng nội tiết tố và thay đổi cảm xúc...
Các triệu chứng phổ biến bao gồm bốc hỏa, tăng cân, đổ mồ hôi đêm, mất ngủ, đi tiểu thường xuyên, trầm cảm, cáu kỉnh, da khô, rụng tóc, đau đầu và giảm ham muốn tình dục... Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch của phụ nữ bao gồm đau tim, đột quỵ và loãng xương... tăng đáng kể sau khi mãn kinh.
Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cải thiện tâm trạng, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và khắc phục các triệu chứng này.
Bốc hỏa, tăng cân, đổ mồ hôi đêm, mất ngủ... là các triệu chứng phổ biến của thời kỳ mãn kinh.
Lợi ích của việc tập thể dục trong thời kỳ mãn kinh
TS. Anuja Thomas, bác sĩ sản phụ khoa, Bệnh viện Motherhood Kharghar, Mumbai (Ấn Độ) cho biết, tập thể dục không chỉ giúp làm giảm các triệu chứng mãn kinh phổ biến, như thay đổi tâm trạng, bốc hỏa... mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mật độ xương, vốn có xu hướng giảm theo tuổi tác, làm tăng nguy cơ loãng xương.
Tập thể dục có thể giúp làm giảm nhiều triệu chứng mãn kinh phổ biến nhất:
- Cải thiện sức khỏe tim mạch: Nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng lên trong thời kỳ mãn kinh. Tập thể dục thường xuyên có thể giúp trái tim khỏe mạnh, làm tăng cholesterol HDL (tốt), giảm cholesterol LDL (xấu) và làm giảm huyết áp. Tập thể dục cũng làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
- Tăng khối lượng xương: Do estrogen (giúp xương chắc khỏe) giảm khi mãn kinh, khiến bạn có nguy cơ bị loãng xương. Tập thể dục có thể bảo tồn và xây dựng mật độ xương.
- Giảm các triệu chứng trầm cảm và cải thiện tâm trạng: Tâm trạng lo lắng, chán nản hoặc buồn bã... thường xảy ra trong thời kỳ mãn kinh (do mức estrogen suy giảm). Tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện tâm trạng của phụ nữ sau mãn kinh.
- Cải thiện giấc ngủ: Rối loạn giấc ngủ và mất ngủ là tình trạng phổ biến trong thời kỳ mãn kinh và có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ. Tập thể dục có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ trong thời kỳ mãn kinh.
- Cải thiện chức năng tình dục: Phụ nữ mãn kinh thường có cơ sàn chậu yếu, điều này có thể ảnh hưởng đến chức năng tình dục. Các bài tập sàn chậu, giúp tăng cường các cơ này, có thể giúp cải thiện chức năng tình dục.
- Cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang: Cơ sàn chậu yếu hơn cũng có thể dẫn đến các vấn đề về bàng quang, chẳng hạn như tiểu không tự chủ... Cải thiện sức mạnh sàn chậu có thể giúp cải thiện khả năng kiểm soát của bàng quang.
Tập luyện là một lựa chọn có lợi để cải thiện khối lượng cơ và mật độ khoáng xương.
Một số bài tập tốt cho phụ nữ mãn kinh
- Tập luyện sức mạnh: Tập luyện sức mạnh có nhiều tác động tích cực đến các triệu chứng mãn kinh, giúp cải thiện sức mạnh, mật độ xương, nhịp tim và huyết áp... Các động tác này cũng làm tăng khối lượng cơ nạc, tăng quá trình trao đổi chất. Đặt mục tiêu thực hiện bài tập sức mạnh toàn thân hai lần một tuần.
Ví dụ về một số bài tập bạn có thể kết hợp bao gồm:
Squat
Chống đẩy
Kéo xà đơn...
Bạn cũng có thể sử dụng tạ, dây kháng lực, trọng lượng cơ thể hoặc máy tập tạ... trong quá trình tập luyện sức mạnh.
- Bài tập tim mạch: Các bài tập tim mạch tác động mạnh bao gồm chạy, nhảy dây và quần vợt. Các bài tập tim mạch tác động thấp hơn như bơi lội, đi bộ, khiêu vũ, tập luyện trên máy elip hoặc máy tập cầu thang... Đặt mục tiêu tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần. Điều này sẽ giúp đốt cháy calo, tăng cường hệ thống tim mạch và cải thiện huyết áp...
- Bài tập cơ sàn chậu: Bài tập Kegel (siết và thư giãn các cơ sàn chậu) giúp cải thiện chức năng tình dục, cũng như các triệu chứng về bàng quang... (hay gặp ở phụ nữ mãn kinh)
- Thái cực quyền: Giúp cải thiện sự thăng bằng, tăng cường sự linh hoạt, ổn định của cơ thể, ngăn ngừa té ngã.
- Yoga: Giúp làm dịu các triệu chứng mãn kinh, đặc biệt là những triệu chứng liên quan đến tâm trạng. Giống như thái cực quyền, yoga giúp cải thiện sự cân bằng, độ dẻo dai và giảm căng thẳng. Các tư thế này cũng giúp cải thiện sức mạnh cốt lõi, cũng như sức mạnh sàn chậu.
- Bài tập thư giãn: Theo Hội mãn kinh Bắc Mỹ, các bài tập thư giãn như hít thở sâu và thiền có thể giúp giảm căng thẳng và mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa. Thực hành chánh niệm thường xuyên có thể làm giảm căng thẳng, cải thiện sự tập trung, cùng với các lợi ích khác về sức khỏe tâm thần...
11 thực phẩm tốt cho người bị u nang buồng trứng Có nhiều biện pháp khắc phục tại nhà giúp giảm bớt sự khó chịu do u nang buồng trứng gây ra, trong đó có một số loại thực phẩm dưới đây. 1. U nang buồng trứng có nguy hiểm không? U nang buồng trứng là bệnh có thể gặp từ tuổi dậy thì cho đến tuổi sinh sản. U nang buồng trứng là...