“Tảng băng chìm” của biệt phái tại Hà Tĩnh
Biệt phái ở ngành giáo dục Hà Tĩnh có những “ tảng băng chìm”, khiến dư luận trong giáo viên có lúc gợn sóng.
Ai cũng biết, biệt phái là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm điều động cán bộ, giáo viên, công nhân viên đến với vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Nhờ lực lượng tăng cường ấy mà vùng sâu, vùng xa bớt đi nỗi nhọc nhằn.
Nhiều cán bộ, giáo viên, công nhân viên đã bám trụ với đồng bào các dân tộc, lặng lẽ hy sinh, chịu nhiều thiệt thòi về cuộc sống cá nhân của mình.
Những tấm gương ngời sáng ấy cần phải được biểu dương, động viên, khích lệ… và cần được giải quyết chế độ thỏa đáng sau khi họ hoàn thành nghĩa vụ trở về…
Tại ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, cán bộ, giáo viên biệt phái được cử đến vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Kỳ Anh, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê đang giúp các cơ sở giáo dục ở đó hoàn thành nhiệm vụ năm học.
Công tác biệt phái nếu thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì tạo nên được sự đồng thuận góp phần làm cho vùng sâu, vùng xa giảm tải khó khăn và nhất là thực hiện công bằng trong giáo dục.
Nhưng, biệt phái ở ngành giáo dục Hà Tĩnh có những “tảng băng chìm”, khiến dư luận trong giáo viên có lúc gợn sóng.
Tại Hà Tĩnh, các trường phổ thông trung học (thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý) hầu hết nằm ở vùng trung tâm.
Tại thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, trừ Trường trung học phổ thông Kỳ Lâm, còn lại đều nằm gần Quốc lộ 1A.
Tại Hương Khê, Trường trung học phổ thông Phúc Trạch xa trung tâm, còn phổ thông trung học Hương Khê nằm ở trung tâm thị trấn, phổ thông trung học Hàm Nghi nằm cạnh đường Hồ Chí Minh.
Tổ Vật lý Trường phổ thông trung học Lê Quý Đôn họp để cử người đi biệt phái.
Những năm gần đây, do số học sinh tuyển sinh giảm, nên quy mô các trường phổ thông trung học cũng giảm.
Nhưng những trường trọng điểm (đóng ở Trung tâm Thành phố, Thị xã, Thị trấn) có nhiều điều kiện thuận lợi, giáo viên vẫn được chuyển về, nên các trường này khủng hoảng thừa giáo viên, trong khi một số trường vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên.
Giải pháp điều động giáo viên dôi dư ở các trường trọng điểm tăng cường vùng sâu, vùng xa là giải pháp hợp lý.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, để lộ ra “tảng băng chìm”. Xin nêu vài dẫn chứng:
Trường phổ thông trung học Nguyễn Công Trứ đóng tại Thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, cách thành phố Vinh vài cây số.
Đây là điểm công tác lý tưởng cho những ai có gia đình ở Vinh (mà không thể nào xin được về Vinh).
Năm học 2018-2019, Trường phổ thông trung học Nguyễn Công Trứ được Sở Giáo dục và Đào tạo điều động biệt phái 7 giáo viên (trong đó có 3 giáo viên Toán, 1 giáo viên tiếng Anh, 2 giáo viên Hóa, 1 giáo viên Tin) và thuyên chuyển về 5 giáo viên trong đó có 3 giáo viên Toán và 2 giáo viên Tiếng Anh.
Trường phổ thông trung học Nguyễn Công Trứ (Nghi Xuân) nơi có 3 giáo viên Toán đi biệt phái để cho 3 giáo viên Toán nơi khác chuyển về.
Một số giáo viên đã đặt những câu hỏi sau đây:
Câu hỏi 1: Toàn tỉnh có 10 giáo viên Toán đi biệt phái, tại sao Trường phổ thông trung học Nguyễn Công Trứ có 9 giáo viên Toán (không thừa) lại đi biệt phái đến 3 giáo viên, và cùng 1 điểm đến là Trường phổ thông trung học Hương Khê?
Câu hỏi 2: Vừa đi 3 giáo viên Toán, Sở chuyển về 3 giáo viên Toán khác. Đó là thầy Lê Văn Nhân (Tổ trưởng tổ Toán) chuyển từ Trường phổ thông trung học Nguyễn Văn Trỗi về; cô Phạm Thị Thanh Xuân chuyển từ Trường phổ thông trung học Phan Đình Phùng; cô Nguyễn Thị Như Quỳnh từ Trường phổ thông trung học Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Anh) về.
Đi biệt phái chỉ 10 tháng, 3 giáo viên về theo Quyết định thuyên chuyển của Giám đốc Sở.
Vậy năm học 2019- 2020 những giáo viên đi biệt phái trở về, Trường phổ thông trung học Nguyễn Công Trứ dư thừa giáo viên Toán, sẽ giải quyết ra sao?
Ai biết được năm học tiếp theo các trường đó có cần giáo viên biệt phái nữa không? Vì đầu vào chắc gì đã tăng?
Thầy Lai (Trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh) sau khi hoàn tất điều động giáo viên biệt phái thì đã nghỉ hưu từ ngày 1/9/2018.
Thầy Lạc vài tháng nữa về hưu. Thầy Trần Trung Dũng – Giám đốc Sở cũng 2 năm nữa là hết 2 nhiệm kỳ Giám đốc.
Ai sẽ “đứng mũi chịu sào” những hậu quả của biệt phái đây?
Video đang HOT
Câu hỏi 3: Cả 3 giáo viên Toán về Trường phổ thông trung học Nguyễn Công Trứ đều là giáo viên giỏi, nòng cốt của Tổ Toán các trường.
Tại sao công tác tổ chức cán bộ của Sở bất chấp chuyên môn?
Cho nên phát biểu của ông Nguyễn Ngọc Lạc – Trưởng phòng phổ thông trung học tại Hội nghị cán bộ, giáo viên, công nhân viên Trường phổ thông trung học Nghi Xuân không phải là không có lý. Sở đang phớt lờ chuyên môn trong công tác tổ chức cán bộ này.
Câu hỏi 4: Hiện tượng điều động hàng loạt, tràn lan để tạo ra chỗ trống không chỉ 1 Trường Nguyễn Công Trứ mà ở nhiều trường như phổ thông trung học Hồng Lĩnh, Nguyễn Du, Phan Đình Phùng…
Vì vậy, có người đùa nhưng không phải là không có lý: Biệt phái hay chơi ô ăn quan đây?
Câu hỏi 5: Năm học 2018-2019, có 87 giáo viên từ 21 trường đến biệt phái 21 trường trên địa bàn tỉnh và có gần con số đó thuyên chuyển.
Như vậy, có gần 200 giáo viên tại các trường thuyên chuyển được thực hiện chóng vánh những ngày đầu khai giảng tạo nên một sự xáo trộn, khiến các trường phải có thời gian để ổn định công tác tổ chức.
Ông Hiệu trưởng Trường phổ thông trung học Thành Sen thẳng thắn:
“ Đợt 1, trường tôi điều động 9 giáo viên biệt phái. Nhà trường đã làm công tác tổ chức xong, phân công giảng dạy xong, đ ù ng cái Sở Quyết định điều mấy giáo viên đi Năng khiếu khiến nhà trường lúng túng vô cùng”.
Câu hỏi 6: Biệt phái là chủ trương lớn, nên đề nghị Sở hoàn tất các quy trình, tiêu chí để làm sao đội ngũ giáo viên đã cắm ở vùng sâu vùng xa được trở về, ổn định cuộc sống gia đình mà không phải chạy chọt, gõ hết cửa này đến cửa khác và làm sao để những người đi biệt phái an tâm công tác.
Chế độ chính sách đối với giáo viên biệt phái cần được công bố rõ ràng. Một số giáo viên đi biệt phái năm học 207-2018, chưa nhận được tiền hỗ trợ vẫn thấy lòng áy náy, không tán thành cách làm thiếu minh bạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh.
Theo giaoduc.net.vn
Năm yếu tố của một trường mầm non tốt
Lớp học an toàn, cô giáo thường đặt câu hỏi mở để khuyến khích trẻ tư duy là những điều phụ huynh cần lưu ý khi tìm trường cho con.
Trường mầm non tác động lớn đến trẻ em và ảnh hưởng của nó có thể kéo dài suốt đời. Do đó, việc tìm kiếm cơ sở chăm sóc và dạy trẻ ở giai đoạn đầu tiên vô cùng quan trọng. Do hạn chế về tài chính, địa điểm và chỉ tiêu tuyển sinh, phụ huynh thường bỏ qua những yếu tố quyết định để đánh giá trường mầm non tiềm năng. HuffPost ngày 10/10 chỉ ra năm yếu tố mà các bậc cha mẹ có thể tham khảo về một trường mầm non tốt.
1. Không khí lớp học và thiết kế
Một lớp học có lợi cho việc học tập nên tạo cảm giác vui vẻ, thân thiện, thiết kế thành khu vực tập trung, cung cấp nhiều hoạt động.
Những gì bạn có thể thấy:
- Đồ chơi lắp ráp.
- Sách
- Dụng cụ vẽ vời.
- Tác phẩm độc đáo của trẻ treo trên tường.
- Tài liệu học tập phù hợp với lứa tuổi (ví dụ các con số để trẻ làm quen, chứ không phải bảng cửu chương, sách ảnh chứ không phải sách dày đặc chữ...).
- Kệ thấp để trẻ có thể với lấy đồ chơi.
- Bàn ghế cho trẻ em.
- Các khu vực được phân chia rõ ràng (thư viện mini, khu vực thay đồ...).
Không gian trong lớp được phân chia thành từng khu vực cụ thể. Ảnh: Getty Images
Những gì bạn có thể hỏi:
- Các hoạt động nhóm thường tốn bao nhiêu thời gian? (Thời gian thích hợp nên là nửa ngày hoặc ít hơn).
- Trẻ được phép chơi tự do trong bao lâu?
- Trẻ có được quyết định chơi ở khu vực nào hay không?
2. Giáo viên
Giáo viên nên là tấm gương để trẻ noi theo, biết cách khơi dậy cảm hứng học tập và kiểm soát tốt cảm xúc tiêu cực của trẻ.
Những gì bạn có thể thấy:
- Giáo viên cúi xuống ngang tầm mắt trẻ khi nói chuyện.
- Giáo viên liên tục quan sát trẻ khi chúng học tập và vui chơi.
- Giáo viên đặt các câu hỏi mở.
- Giáo viên nhắc nhở học sinh giải quyết tranh chấp.
- Trẻ tập trung khi nghe giáo viên hướng dẫn.
- Trẻ thường thể hiện các cử chỉ tự nhiên như nắm tay, ôm cô giáo.
Những gì bạn có thể hỏi:
- Triết lý giảng dạy của cô giáo là gì? (Điều quan trọng nhất là họ có thể nêu rõ phương pháp của mình).
- Quá trình đào tạo của cô như thế nào? Cô đã đi dạy bao lâu?
- Cô thích điểm gì khi đi dạy trẻ mầm non?
- Phụ huynh có thể làm gì để hỗ trợ công việc của cô trong lớp?
3. Kỷ luật và phát triển cảm xúc xã hội
Trường mầm non nên giúp trẻ hiểu về cảm xúc của chúng và cách tương tác với bạn bè.
Những gì bạn có thể thấy:
- Biểu đồ và hình ảnh trên tường, giúp trẻ xác định cảm xúc.
- Một chỗ yên tĩnh trong lớp, nơi trẻ khó chịu có thể thư giãn.
- Không bao giờ sử dụng hình phạt thể chất.
- Giáo viên uốn nắn hành vi xấu của trẻ mà không cần phải quát tháo.
- Các hình phạt thường diễn ra trong thời gian ngắn (không nên dài hơn 3-5 phút) và có ý nghĩa như một cơ hội để trẻ lấy lại bình tĩnh và tự chủ. Trẻ không nên bị nhốt trong lớp hay bị tách ra một khu vực riêng biệt với bạn học.
Giáo viên cần giúp trẻ hiểu rõ về cảm xúc của mình và học cách tự điều chỉnh. Ảnh: Getty Images
Những gì bạn có thể hỏi:
- Cô có kế hoạch gì để dạy trẻ đối phó với cảm xúc?
- Cô định làm gì khi trẻ cắn hoặc đánh nhau? (Gợi ý: Trường học nên sẵn sàng làm việc với các gia đình để tìm hiểu rõ chuyện gì đang diễn ra và xây dựng kế hoạch dạy trẻ tự điều chỉnh hành vi).
- Trường có bao giờ đình chỉ hay đuổi học trẻ nào không? (Câu trả lời lý tưởng nên là "không". Ngoài ra, giáo viên cũng có thể thảo luận với phụ huynh về một số phương án hợp lý dành cho trẻ gặp vấn đề về thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc, ảnh hưởng đến khả năng tự điều chỉnh).
4. Chương trình học
Ở tuổi mầm non, trẻ nên học các kỹ năng cơ bản trong môn đọc, toán, khoa học và xã hội thông qua nhiều hoạt động khám phá và sáng tạo.
Những gì bạn có thể thấy:
- Trẻ kể chuyện và học cách minh họa câu chuyện trong lớp.
- Trẻ chơi với vật liệu lắp ráp.
- Trẻ tập giải đố, chơi game yêu cầu đếm số hoặc xác định số lớn hơn, bé hơn.
- Trẻ vẽ tranh, làm dự án khoa học trong lớp hay các hoạt động định hướng học tập khác.
- Giáo viên khuyến khích trẻ nghĩ ra nhiều ý tưởng mới (Bạn có thể nghe cô giáo hỏi một trẻ nào đó: "Em đã xây được nhiều tòa tháp cao, nhưng chúng thường bị đổ. Em có thể làm gì khác để chúng đứng vững không?).
- Giáo viên khuyến khích học sinh dự đoán những gì sẽ xảy ra tiếp theo trong một câu chuyện, câu đố toán học hoặc thí nghiệm khoa học (Bạn có thể nghe cô giáo hỏi: "Chúng ta biết rằng chú chó màu đỏ Clifford rất yêu bạn bè của mình. Giờ bạn của nó bị mắc kẹt trên cây, các em nghĩ Clifford sẽ làm gì nào?).
- Hạn chế yêu cầu học vẹt (Trẻ có thể học thuộc lời bài hát hay tập đếm đến 20, nhưng không dành cả ngày để học thuộc lòng các câu trả lời cho những câu hỏi nhất định nào đó).
Những gì bạn có thể hỏi:
- Cô sử dụng giáo trình nào, dựa trên nghiên cứu giáo dục nào?
- Mục tiêu cho năm học này là gì?
- Cô theo dõi việc học của từng trẻ như thế nào? Làm thế nào để cô biết trẻ đang thực sự tiếp thu điều gì đó?
- Cô sẽ tương tác với phụ huynh bằng cách nào nếu cảm thấy trẻ không đi đúng hướng?
5. An toàn
Trẻ không nên bị đặt trong môi trường nhiều nguy cơ gây tổn thương thể chất ở độ tuổi mẫu giáo.
An toàn là yếu tố quan trọng của một trường mầm non. Ảnh: Getty Images
Những gì bạn có thể thấy:
- Hóa chất được bảo quản trong tủ kín, dây dợ ở xa tầm với.
- Không có các nguồn nước lớn dễ tiếp cận (chẳng hạn hồ bơi trẻ em hay bồn tắm đầy nước).
- Các đồ nội thất trên tường được gắn chắc chắn.
- Kiểm soát việc ra vào (Hãy hỏi xem những ai có thể vào lớp và liệu trẻ có dễ dàng ra ngoài hay không).
- Các tiêu chuẩn cơ bản về vệ sinh được đáp ứng.
- Chứng nhận an toàn cháy nổ.
Những gì bạn có thể hỏi:
- Việc xử lý tai nạn khẩn cấp diễn ra như thế nào? Cô sẽ làm gì nếu trẻ bị thương?
- Nếu trẻ cần uống thuốc, trường có sẵn tủ thuốc hay không?
Thùy Linh
Theo Vnexpress
Nam sinh Hải Phòng giành giải vô địch lý thuyết Toán ở IMSO Ngoài huy chương vàng cuộc thi Toán quốc tế uy tín nhất cho tuổi 11-12, Nguyễn Đình Kiên còn ẵm giải dành cho thí sinh thi lý thuyết xuất sắc. Là thí sinh duy nhất trong 8 em đoạt huy chương vàng cuộc thi Toán và Khoa học quốc tế (IMSO 2018) không đến từ Hà Nội, Nguyễn Đình Kiên (học sinh lớp...