Tân SV dân tộc thiểu số hồ hởi ngày nhập học
Sáng nay 7/9, Trường ĐH Tây Nguyên nhận hồ sơ nhập học của tân SV trúng tuyển vào trường. Trong số đó, nhiều SV là người đồng bào dân tộc thiểu số Ê-đê, M’nông, Jarai… tỏ ra khá hồ hởi trong ngày chính thức trở thành SV.
Tân SV Rơ Châm Hong (quê huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) – khuôn mặt rạng rỡ cho biết kỳ tuyển sinh năm nay em trúng tuyển vào ngành GD Tiểu học tiếng Jrai. Tân SV Rơ Châm Hong cho biết thêm em thi vào ngành GD Tiểu học tiếng Jrai bởi vì bản thân em là người Jrai.
“Em qua Đắk Lắk vào hôm qua, hiện chỗ ở đã ổn định nhưng trước khi nhập học cảm giác vừa vui, vừa hồi hộp vì ở đây mọi thứ quá mới lạ…”, Rơ Châm Hong tâm sự.
Nhiều SV ĐH Tây Nguyên có mặt khá sớm để nhập học.
Một tân SV người đồng bào dân tộc thiểu số khác cũng có niềm vui tương tự, đó là em H’Mil (quê huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) – là người đồng bào dân tộc thiểu số M’nông, trúng tuyển vào ngành Giáo dục Chính trị. Em háo hức cho biết, sau khi nhà trường thông báo điểm chuẩn NV1 đến trước ngày nhập học, hôm nào trong người cũng cảm thấy râm ran niềm vui.
Em nói: “Điểm thi của em được 14,75 điểm, từ ngày nhà trường công bố điểm chuẩn là 14,5 điểm, em mừng khôn xiết. Được làm SV mừng lắm…!”. Tuy nhiên, H’Mil cho biết thêm, trong buổi nhập học sáng 7/9, em không may quên hộ khẩu gốc ở nhà nên có phần lo lắng vì sợ thiếu sót thủ tục hồ sơ nhập học.
Video đang HOT
Háo hức nhập học.
Theo quan sát, tại một số điểm nhập học của Trường ĐH Tây Nguyên sáng 7/9, nhiều SV còn có cả phụ huynh vượt cả trăm km đưa con em đến trường nhập học. Bà Hoàng Thị Nhình (53 tuổi) đưa con gái là Hoàng Thị Ngân (người đồng bào dân tộc Nùng) từ quê huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) sang TP Buôn Ma Thuột nhập học cho con vào trường ĐH Tây Nguyên. Bà Nhình cho biết – vui vì con gái bà đỗ được đại học, nhưng cũng lo là vì theo bà, em Ngân còn “dại”, nên bà đưa con đi cho yên tâm.
Phụ huynh “đồng hành” cùng tân SV trong ngày nhập học.
Chia sẻ với PV, tân SV Hoàng Thị Ngân cho biết em trúng tuyển vào ngành Sư phạm GD Tiểu học. Trước ngày nhập học đã ổn định “nơi ăn chốn ở” khi em thuê trọ ở cùng 2 người bạn.
“Sẽ có nhiều thử thách phía trước nhưng em sẽ cố gắng học tập để có kết quả như mong muốn…”, Ngân tâm sự.
Giấc mơ là SV chính thức thành hiện thực…
Trao đổi với PV Dân trí, TS Nguyễn Văn Hòa – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Trường ĐH Tây Nguyên cho biết – nhà trường nhận hồ sơ nhập học của các tân SV trúng tuyển NV1 trong 3 ngày 7, 8 và ngày 9/9. Đợt này, Trường ĐH Tây Nguyên có 1.800 tân SV nhập học.
Viết Hảo
Theo dân trí
Gian nan vận động HS bỏ học đến trường
"Công tác vận động học sinh bỏ học đến trường vô cùng khó khăn, nhất là đối với con em người đồng bào dân tộc thiểu số. Khi chúng tôi đến gia đình vận động đi học thì HS chạy trốn không chịu gặp giáo viên".
Đó là chia sẻ của thầy Nguyễn Đình Bắc - giáo viên Trường THCS Ea Tul (huyện Cư M'gar, Đắk Lắk), là người có nhiều năm vận động học sinh (HS) bỏ học đến trường.
Tình trạng HS bỏ học hàng loạt, trong đó chủ yếu là HS người đồng bào dân tộc thiểu số Ê-đê, Jarai, M'nông tập trung ở cấp Tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thời gian qua thực sự là bài toán nan giải. Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, học kỳ I (2011 - 2012) toàn tỉnh ghi nhận 1.050 HS bỏ học. Trong đó, cấp Tiểu học có 291 HS bỏ học cấp THCS có 549 HS bỏ học và THPT là 210 HS.
Xã Ea Tul là một trong những xã có HS bỏ học "báo động" của huyện Cư M'gar (Đắk Lắk). Theo thống kê của Ban giám hiệu Trường THCS Ea Tul, kết thúc học kỳ I trường này có 27 HS bỏ học, trong đó đã vận động được 11 em quay trở lại trường. Men theo con đường rừng gập ghềnh, ngoằn ngoèo vượt qua hàng cây số của những lô cao su, cà phê bạt ngàn đi vào buôn Yao (xã Ea Tul), chúng tôi tìm gặp một số em bỏ học để tìm hiểu tâm tư các em.
Một trường hợp bỏ học là em Y Dik Adrơng (buôn Yao, xã Ea Tul, Cư M'gar) trước đây là HS lớp 8A6 Trường THCS Ea Tul, đã nghỉ học mấy tháng nay. Khi chúng tôi đến nhà thăm hỏi, như đoán biết sẽ vận động đi học, Y Dik Adrơng chẳng nói chẳng rằng, đứng xộc dậy một mạch chạy băng băng!
Chúng tôi lại nhờ ông Y Bhem Koza - buôn trưởng buôn Yao dẫn đến nhà em Y Cưng Niê (HS lớp 6A­­3, Trường THCS Ea Tul) đã bỏ học 3 tháng nay. Gặp chúng tôi, Y Cưng Niê buông một câu "xanh rờn": "Em không muốn đi học nữa đâu, mấy năm nay băng rừng đi bộ giữa trưa nắng hàng cây số đến lớp lại ngồi ngây cả buổi chẳng biết gì chán òm, học cái chữ khó lắm... Em tính rồi kiếm việc đi làm chứ không đi học nữa". Vừa dứt lời là cậu ta mang cần câu đi câu cá ở hồ Ea Lang cách nhà gần 10 km. Bố Y Cưng Niê, ông Y Thu Ayun (47 tuổi), tâm sự: "Cho hắn đi học nhưng hắn không đi, hắn đã bỏ học hơn 3 tháng nay. Mấy tháng trước, buổi sáng hắn mang theo sách vở nói đến trường đi học, tôi âm thầm đi theo đến trường THCS Ea Tul thì biết nó không đến trường mà lang thang chơi ở trong rừng...".
Một số học sinh bỏ học đi làm thêm kiếm tiền.
Thầy Nguyễn Đình Bắc - GV Trường THCS Ea Tul (huyện Cư M'gar) người có nhiều năm vận động HS bỏ học đến trường, chia sẻ: "Công tác vận động HS bỏ học đến trường vô cùng khó khăn, nhất là đối với con em người đồng bào dân tộc thiểu số. Khi chúng tôi đến gia đình vận động đi học thì HS chạy trốn không chịu gặp GV. Những em nào gia đình khó khăn thì chúng tôi còn có cách giải quyết nhưng với những HS đưa ra lý do chán học, lười học thì GV chúng tôi cũng bó tay chịu thua...".
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Văn Liên - Trưởng phòng GD - ĐT huyện Cư M'gar, cho hay: "HS bỏ học trên địa bàn huyện Cư M'gar phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số Ê-đê, M'nông, Jarai chiếm đến 70 - 80%. Phụ huynh ở đây họ cũng mong muốn con em đến trường nhưng nhiều em không nghe lời bố mẹ tự cho mình nghỉ học đi chơi, kiếm tiền phục vụ tiêu xài cá nhân. Cá biệt, một số HS đòi... tự tử khi bắt đi học... ".
Viết Hảo
Theo dân trí
Nữ sinh dân tộc Thái đã nhập học ĐH Vinh Ngày 5/9, em Vi Thị Tâm, bản Pựn, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An nhân vật trong bài viết "Chuyện nữ sinh dân tộc Thái và ước mơ giảng đường ĐH bị gác lại" đã tiến hành nhập học Trường ĐH Vinh - khoa Sư phạm ngữ Văn. Sau khi báo điện tử Dân trí đăng tải bài viết "Chuyện nữ...