Tản nhiệt siêu mỏng, siêu êm mới cho laptop
Hãng sản xuất General Electric (GE) mới đấy vừa giới thiệu phiên bản tản nhiệt chất lượng cao mới với độ mỏng có vẻ như hiếm sản phẩm nào khác trên thị trường hiện nay có thể bì kịp. Độ mỏng cao hơn dĩ nhiên tạo lợi thế cho thiết kế ra các sản phẩm đầu cuối mỏng hơn, đồng thời tạo thêm không gian để bổ sung các thành phần khác như pin dung lượng lớn hơn. Tản nhiệt của GE còn có cả lợi thế chỉ tiêu tốn lượng điện năng bằng khoảng một nửa so với các công cụ làm mát cho tablet, PC hiện nay – giúp tăng đáng kể thời lượng pin cho thiết bị. Chưa hết, độ ồn của tản này còn gần như bằng không. Sản phẩm của GE hứa hẹn sẽ là giải pháp tản nhiệt tuyệt vời cho các loại tablet và laptop siêu mỏng như ultrabook.
Công nghệ đằng sau những tiến bộ vượt bậc này là DCJ – Dual Piezoelectric Cooling Jets (Tạm dịch : Vòi tản áp điện đôi). Cơ chế hoạt động của DCJ có thể được mô tả gói gọn trong 2 bước: giãn nở để hút khí làm mát và co thắt để thổi khí nóng. Ban đầu GE phát triển DCJ để làm mát cho các động cơ máy bay, nhưng khoảng hai năm trước một số kĩ sư của hãng đã nảy ra ý tưởng thu nhỏ quy mô sản phẩm để sử dụng cho máy tính – và họ đã thu được kết quả như ngày hôm nay.
Trong đoạn video dưới đây,các kĩ sư của GE có tiết lộ khá thú vị về nguồn gốc ý tưởng của họ: hình ảnh lá phổi của con người. Chúng ta cũng được quan sát phiên bản gốc của DCJ được sử dụng trên các máy bay. Khi áp dụng DCJ vào chế tạo tản nhiệt cho thiết bị điện tử, các kĩ sư đã sử dụng 2 lá kim loại mỏng với một lớp vật liệu đặc biệt ở tâm. Tín hiệu điện một chiều sẽ được đưa vào để tạo ra các chuyển động co giãn, từ đó hút và đẩy lớp không khí ở giữa. Cường độ chuyển động không lớn nhưng bằng việc đẩy tần số giãn nở lên cao – khoảng vài trăm Hz – luồng không khí tạo ra khá mạnh và tính hiệu quả đã được minh chứng trong thử nghiệm tản nhiệt cho một số khung kim loại.
Một lợi thế nữa của công nghệ này cũng được đề cập là hình dạng của tản nhiệt có thể được tùy biến linh hoạt theo nhu cầu sử dụng. Cũng trong video bên dưới, ở phút thứ 2:15, các kĩ sư của GE có nói về hiệu quả của việc sử dụng GE để tận dụng các không gian trống một cách tốt hơn. Đáng tiếc chúng ta vẫn chưa được cung cấp hình ảnh về hoạt động thực tế của công nghệ này trên chiếc laptop được đưa ra.
Như các bạn đã thấy, kích thước của tản nhiệt mới này không hơn một tấm thẻ tín dụng là bao, và GE công bố rằng toàn hộ hệ thống tản nhiệt (có lẽ bao gồm cả các heatpipe) sẽ có độ dày 4mm. Độ dày này chỉ bằng một nửa so với các phương pháp tản nhiệt sử dụng quạt hiện nay, mở đường cho tương lai của các thiết kế tablet thậm chí là laptop mỏng hơn 8mm.
Quan trọng không kém, theo như phó giám đốc Chris Giovanniello của GE: “DCJ hoạt động gần như yên lặng tuyệt đối, người dùng thậm chí sẽ không biết tản nhiệt đang hoạt động”. Lí do một phần là cơ chế hoạt động của DCJ hoàn toàn khác biệt với quạt – khi không có những tấm nhựa quay trong không khí với tốc độ hàng nghìn vòng trên giây, dĩ nhiên các rung động cũng sẽ ít hơn hẳn. Nhưng đồng thời độ ồn lí tưởng này cũng là nhờ DCJ hỗ trợ việc tản nhiệt riêng lẻ theo từng bộ phận. Thay cho việc phải tính chuyện sắp đặt các heatpipe và vị trí quạt, GE cho rằng các hãng sản xuất lúc này có thể sử dụng hàng loạt các DCJ cỡ nhỏ, mỗi DCJ phục vụ riêng cho một bộ phận sinh nhiệt của thiết bị.
Để đảm bảo cho tương lai, GE hiện đã đăng ký bản quyền DCJ với Fujikura, một hãng quản lí của Nhật. Đồng thời một số bản DCJ mẫu cũng đã được chuyển đến các OEM để tiến hành chạy thử. Nếu mọi chuyện êm đẹp, chỉ vài năm nữa là chúng ta có thể tận hưởng những lợi thế của công nghệ mới này.
Theo Genk
Video đang HOT
Kinh nghiệm xử lý laptop bị nóng
Một ưu điểm rõ ràng của laptop đối với desktop đó là nhỏ gọn và thuận tiện cho việc đi lại, tuy nhiên đó cũng chính vì sự nhỏ gọn ấy mà người sử dụng lại phải đối mặt với một vấn đề khác đó là nhiệt.
Do không gian hạn chế nên các linh kiện bên trong laptop được bố trí rất sát nhau, sau một thời gian sử dụng bụi bẩn sẽ bám vào bên trong máy làm cản trở lưu thông của các dòng khí làm cho việc tản nhiệt trở nên kém hiệu quả. Nhiệt có thể gây ra nhiều vấn đề khác như khiến máy hoạt động không ổn định (lỗi màn hình xanh, treo máy,..), mất dữ liệu và trường hợp xấu nhất là có thể gây cháy linh kiện.
Làm sạch các bộ phận tản nhiệt
Việc đầu tiên bạn cần làm là xác định vị trí mà nhiệt được giải phóng, thông thường các khe tản nhiệt thường được bố trí ở 2 bên sườn hoặc phía sau thân máy. Bật và sử dụng máy một lúc sau đó để bàn tay trước khe tản nhiệt để kiểm tra xem luồng khí nóng có được thổi ra ngoài không, nếu không thấy nóng hoặc gió thổi không mạnh thì nhiều khả năng là bụi đã lấp các phiến tản nhiệt và ngăn cản sự lưu thông của dòng khí, vì vậy cần làm là vệ sinh cho các khe này. Mỗi loại laptop lại có cấu tạo khác nhau nên bạn cần xem tài liệu của nhà sản xuất để biết vị trí các linh kiện.
Mở nắp quạt bằng tuốc-nơ-vít sau đó tháo quạt ra để tiến hành vệ sinh. Tốt nhất là sử dụng bình khí nén để xịt vào các khe giữa cánh quạt và các cánh tản nhiệt.
Nếu cảm thấy quạt quay ồn hoặc có tiếng động lạ, bạn có thể tra dầu bôi trơn bằng cách bóc nhãn dán trên trục quạt rồi dùng dầu loãng (còn gọi là dầu máy khâu) để cho 1 chút vào trục quạt.
Kiểm tra pin
Một sai lầm rất phổ biến của người sử dụng laptop đó là vừa cắm sạc vừa sử dụng, việc này sẽ làm cho pin bị "chai" do quá trình nạp và xả diễn ra liên tục. Pin đã bị chai không những cạn rất nhanh mà còn sinh ra nhiều nhiệt hơn bình thường.
Nếu phát hiện ra nguyên nhân gây ra tình trạng nóng máy là pin thì bạn cần phải thay thế, hoặc nếu không có nhu cầu đi lại nhiều thì bạn có thể tháo pin và cắm sạc vào máy để sử dụng như desktop.
Giảm tải cho CPU
Do lượng nhiệt phát sinh tỉ lệ thuận với khối lượng mà máy cần xử lý nên có thể việc kiểm tra và loại bỏ một số tiến trình không cần thiết có thể sẽ khắc phục được vấn đề.
Công cụ Process Explorer tỏ ra rất hữu ích trong việc theo dõi và kiểm soát các tiến trình, không chỉ liệt kê đầy đủ tên các tiến trình mà nó còn hiển thị các tiến trình con chạy dưới tiến trình lớn. Thông qua Process Explorer, bạn có thể biết tiến trình nào là không cần thiết và tắt bớt để giảm tải cho CPU.
Một phần mềm khác cũng rất hay để kiểm soát nhiệt độ cho máy tính đó là Core Temp, chương trình có ưu điểm nhỏ gọn, giúp bạn theo dõi cũng như cảnh báo khi nhiệt độ tăng cao.
Bạn có thể thiết lập cho chương trình hiển thị nhiệt độ của máy ở khay hệ thống, khá tiện lợi cho việc quan sát. Bên cạnh đó chương trình còn có tính năng Overheated Protection giúp bảo vệ các linh kiện khỏi bị hư hại khi máy trở nên quá nóng bằng cách Shut down, Restart hoặc Hibernate tùy theo thiết lập khi nhiệt độ bên trong đạt đến ngưỡng nhất định, tất nhiên ngưỡng này cũng do người dùng quyết định.
Sử dụng các thiết bị làm mát ngoài
Nếu các cách trên vẫn chưa giải quyết được vấn đề thì có thể bạn nên thử sử dụng các thiết bị làm mát gắn ngoài để làm mát như các loại đế làm mát chuyên dụng cho laptop.
Các cánh quạt trên đệm sẽ thổi trực tiếp không khí mát vào thân máy giúp cho việc tản nhiệt trở nên hiệu quả hơn. Hoặc nếu không thích tiếng ồn từ quạt bạn có thể tìm mua loại đệm được làm bằng vật liệu dẫn nhiệt.
Hy vọng qua bài viết này bạn đã có thêm kinh nghiệm trong việc bảo vệ chiếc laptop của mình khỏi nhưng hư hại do nhiệt gây ra, nếu sau khi đọc bạn có ý kiến đóng góp hoặc thủ thuật nào hay muốn chia sẻ, xin hãy đóng góp bằng các bình luận để bài viết được hoàn thiện hơn.
Theo Bưu Điện VN
Tin đồn: iPhone 5 bị lùi ngày ra mắt vì vấn đề... tản nhiệt Một lần nữa, Apple phải đối mặt với vấn đề tản nhiệt cho các thiết bị của mình. Theo Sohu.com đưa tin, iPhone 5 không những không thể ra mắt vào khoảng tháng 6 - 7 theo truyền thống của Apple mà sẽ lùi xuống cuối tháng 8, đầu tháng 9 bởi vấn đề nhiệt độ chip quá cao. Đội ngũ của "Quả...